955242728-jokhang-temple-divine-service-tibetan-buddhism-monk

Hành trì Mật tông Tây Tạng Tại Việt Nam

Mặc dầu hầu hết các dòng truyền thừa của Phật giáo Việt Nam từ xưa đến nay đều bắt nguồn từ Thiền tông, song pháp tu hàng ngày của Tăng Ni, Phật tử lại thường bao gồm cả Thiền – Tịnh – Mật.

Trong truyền thống tu tập tại các chùa, Mật tông chủ yếu được thể hiện trong hai thời khóa tụng và nghi thức cúng cô hồn – đặc biệt là trai đàn chẩn tế, cũng như sự trì niệm của mỗi cá nhân. Những nghi thức này chịu ảnh hưởng chủ yếu từ Đông Mật (Trung Quốc, Nhật Bản), được xem là hệ Tantra cấp đầu tiên của Tây Tạng (Kriya-Tantra), sự hành trì chủ yếu liên hệ với các nghi thức ngoại giới, chưa phải cốt tủy của Mật tông Tây Tạng.

Mật tông, hay Kim Cang thừa, là giai đoạn phát triển thứ ba của tư tưởng Đại thừa Phật giáo, sau Bát nhã và Duy thức; và Tây Tạng được xem là nơi cất giữ một cách trọn vẹn tinh túy Mật tông Ấn Độ. Mặc dù được truyền vào từ cuối thế kỷ thứ VIII bởi ngài Padmasambhava (Liên Hoa Sanh) và phát triển mạnh vào thế kỷ XI do đóng góp của ngài Atisa, song mãi đến khi Trung Quốc chiếm giữ Tây Tạng vào năm 1959, Mật tông Tây Tạng mới bắt đầu được truyền bá ra khắp thế giới.

Bài viết này là phác thảo bước đầu về Mật tông Tây Tạng (Tây Mật) tại Việt Nam – một phác thảo cho thấy sự thịnh hành của pháp tu này vào thời hiện đại bên cạnh những lối hành trì mang tính truyền thống của Phật giáo nước ta.

Về Mật tông tại Việt Nam

Mật tông vốn truyền vào Việt Nam từ khá sớm. Theo Thiền uyển tập anh, vào thế kỷ thứ VI, ngài Tỳ Ni Đa Lưu Chi, người Ấn Độ, đã đến Việt Nam và dịch kinh Đại thừa phương quảng tổng trì tại chùa Pháp Vân. Đây là một bộ kinh của Mật giáo, và liên hệ rất nhiều đến Thiền.

Vào thời Đinh và Tiền Lê, Mật tông đã khá thịnh hành tại Việt Nam. Những trụ đá được phát hiện tại Hoa Lư, Ninh Bình vào các năm 1963, 1964, 1978 – dựng vào năm 973, thời Đinh; có trụ dựng năm 995, thời Lê Đại Hành – đều khắc bản kinh Phật đỉnh Tôn thắng Đà La Ni (Usnisavijaya dharani), một bản kinh rất phổ biến của Mật giáo, đã chứng minh cho điều đó.

Dĩ nhiên Mật tông thịnh hành tại nước ta không chỉ do mỗi ngài Tỳ Ni Đa Lưu Chi, mà còn từ Phật giáo Chiêm Thành, những Tăng sĩ ngoại quốc và những vị sư Việt Nam thọ học từ Ấn Độ. Trong đó, ngài Mahamaya, gốc Chiêm Thành, thuộc đời thứ 10 của thiền phái Tỳ Ni Đa Lưu Chi, từng theo học với ngài Pháp Thuận – Pháp hành sám và trì tụng chú Đại bi – cũng rất nổi tiếng về pháp thuật. Thiền uyển tập anh cho rằng ông đắc pháp Tổng trì Tam muội, thi triển nhiều pháp thuật khiến cho vua Lê Đại Hành và dân chúng đều nể phục. Một thiền sư Việt, ngài Sùng Phạm (mất năm 1087), đời thứ 11 của thiền phái Tỳ Ni Đa Lưu Chi, đã đến Ấn Độ chín năm, sau mở trường dạy tại chùa Pháp Vân. Đệ tử của ngài có sư Từ Đạo Hạnh nổi tiếng về phù chú và sư Trì Bát cũng thấm nhuần Mật giáo. Đại Việt sử ký toàn thư cũng ghi chép về một vị Tăng sĩ Ấn Độ, vào năm 1311, đến nước ta, xưng là 300 tuổi, theo Mật giáo, có thể ngồi xếp bằng nổi trên mặt nước. Năm 1318, vua Anh Tông mời một Tăng sĩ Ấn Độ, tên Ban Để Đa Ô Sa Thất Lợi đến dịch một bộ kinh Mật giáo tên là Bạch Tán Thần chú kinh.

Thiền uyển tập anh còn cho thấy, trong thiền phái Tỳ Ni Đa Lưu Chi còn có những vị thiền sư khác giỏi về Mật tông, như: Vạn Hạnh (- 1068), Thiền Nham (- 1163),  v.v…

    

Mdl_thuan

Thủ ấn và đồ hình quán tưởng trong pháp tu cúng dường Mạn đà la tích tụ công đức

Bên cạnh đó, thiền phái Vô Ngôn Thông, dù không nghiêng về Mật tông, song dấu ấn của Mật tông cũng được thể hiện khá rõ, điển hình qua các vị thiền sư Không Lộ, Giác Hải và Nguyện Học. Thiền sư Không Lộ từng cùng với các sư Giác Hải và Từ Đạo Hạnh qua Thiên Trúc học Mật giáo, chứng đắc “lục trí thần thông”. Không Lộ nổi tiếng với câu chuyện hóa duyên (xin đồng) xứ Tống và chữa bệnh lạ cho vua Lý Thần Tông. Thiền sư Giác Hải được biết đến qua câu chuyện thi triển thần thông với đạo sĩ Thông Huyền. Còn sư Nguyện Học chuyên trì tụng chú Hương Hải Đại bi trị bệnh và cầu mưa không khi nào là không linh nghiệm.

Như vậy, ngay thời kỳ hoàng kim của Phật giáo Thiền tông, dấu ấn Mật tông vẫn thể hiện rất đậm nét. Ngài Pháp Loa (Nhị tổ thiền phái Trúc Lâm) cũng dành nhiều thì giờ cho việc trì chú. Ngài cũng phân tích và chú thích một kinh văn có khuynh hướng Mật tông là Kim Cương trường Đà la ni khoa chú.

Tuy thế, Mật tông Việt Nam từ thời kỳ đầu cho đến những thập niên cuối thế kỷ XX, dù có những ảnh hưởng rất lớn đối với đời sống tu tập của Tăng Ni, Phật tử song vẫn chưa thành lập tông phái một cách rõ ràng cũng như chưa có các dòng truyền thừa chính thức. Trong nhiều thời điểm, Mật tông tại Việt Nam được vận dụng như một phép thuật “quái lạ” khiến cho nhiều người cảm thấy nghi ngại. Đó là đặc điểm cũng như những hạn chế của Mật tông “truyền thống” tại Việt Nam.

Một vài nhân vật tiêu biểu hành trì Mật tông Tây Tạng tại Việt Nam


Mật tông Tây Tạng đặc biệt chú trọng về nghi thức Quán đảnh (wang) và hành giả phải được khẩu truyền nghi quỹ (lung), được giảng dạy nghi quỹ (trid) từ một vị thầy giác ngộ để nhận được ân sủng của dòng truyền thừa. Lễ Quán đảnh được dịch từ chữ “wang” trong tiếng Tây Tạng, nói đến giai đoạn đầu tiên, không thể thiếu sót để bắt đầu hành trì Mật tông. “Wang” có nghĩa đen là “quyền năng”, nhưng trong ý nghĩa là “ban truyền quyền năng”, hàm ý là sự ban truyền quyền năng của trí tuệ từ vị thầy sang đệ tử, cho phép vị đệ tử đó đi vào hành trì tu tập và gặt hái thành quả tu tập, sẽ được điểm nhập vào trong tinh túy của chư Phật. Mật tông Tây Tạng cho rằng hành giả có thể tu chứng quả Phật ngay trong hiện đời, không phải trải qua quãng thời gian lâu xa được tính bằng A tăng kỳ kiếp.

Chỉ xét riêng trên yếu tố này, chúng ta đã thấy có sự khác biệt với pháp tu Mật tông trong các tự viện Việt Nam từ trước đến nay (vốn ảnh hưởng từ Đông Mật) so với pháp tu Mật tông Tây Tạng (Tây Mật). Theo đó, từ thời kỳ đầu khi Mật tông vào Việt Nam cho đến nửa đầu thế kỷ XX, có lẽ chưa có bất kỳ một người Việt nào tu tập theo đúng khuôn mẫu Mật tông Tây Tạng.

Mãi đến năm 1936, một Tăng sĩ Việt Nam đã du hành lên Tây Tạng và được thọ pháp với Lama Quốc Vương danh tiếng. Vị Tăng sĩ được xem là người Việt Nam đầu tiên thọ pháp với Lama Tây Tạng đó chính là Thiền sư Nhẫn Tế. (Cần chú thêm rằng, không ít người hiện vẫn nghi ngờ, không rõ Thiền sư có được truyền dạy Mật tông hay không, và được truyền thụ bởi ai? Hơn nữa, vào thời bấy giờ Tây Tạng còn thực hiện chính sách cấm cửa đối với người ngoại quốc, rất khó có người du nhập, chưa nói là được thọ pháp? Những cứ liệu sơ lược sau đây, chúng tôi y cứ vào Nhật ký Tây du Phật quốc cùng với một số hình ảnh, kỷ vật của ngài hiện vẫn còn lưu giữ tại chùa Tây Tạng, Bình Dương, nơi ngài trụ trì, sẽ ngầm trả lời cho câu hỏi đó).

Vào tháng 4-1935, Thiền sư Nhẫn Tế từ Sài Gòn đáp tàu đi Ấn Độ. Đến Ấn, ngài tham gia vào Hội Đại Bồ Đề (Maha Bodhi Society) ở Sarnath. Nhờ sự giới thiệu của Hội này, tháng 2-1936, ngài rời Ấn Độ lên Tây Tạng cùng với 4 vị sư Tây Tạng khác. Tháng 6, ngài tới thủ đô Lhasa, ra mắt Thừa tướng và yết kiến Quốc vương Tây Tạng – ngài Bơda Lama (?), 27 tuổi, thế ngôi đức DaLai Lama thứ XIII vừa viên tịch cách đó 4 năm. (Trong Nhật ký đề ngày 6-9-1936, ngài có nói rõ rằng: “Từ bốn năm về trước thì quốc gia cấm ngoại quốc vào nước, cấm hút thuốc, ăn trầu…”, đến khi “tân Lama Quốc Vương kế vị đã bốn năm nay, thì ngài mở cửa cho rước các nước…” ). Ngày 4-10-1936, ngài cầu pháp nơi đức Lama Quốc Vương và được ban pháp danh là Thubten Osall Lama (nghĩa là vòng kim cang huệ nhật).

Mặc dù Nhật ký không ghi cụ thể việc ngài thọ lễ Quán đảnh như thế nào, song có nhiều chi tiết huyền bí rất đáng lưu ý là từ ngày 16-7, ngài đã được “tiếp điển” nhiều lần với một vị La hán (không rõ danh tánh, theo Nhật ký thì ngài vốn có duyên với vị Tổ sư này từ trước), được ngài “chuyền tư tưởng mở cả trí não của bần đạo, làm cho bần đạo đoạt lý tâm kinh, mới biết đó là đại thần chú của Tam thế chư Phật”. Theo đó, ngài đã nhận được ân sủng truyền thừa từ chính vị Tổ sư này và chính thức tu tập Mật tông Tây Tạng trước khi thọ pháp từ Lama Quốc Vương. Việc ngài về nước sớm, theo Nhật ký, là do sự căn dặn của vị Tổ sư kia về “nhân duyên tiếp độ” tại quê nhà, cho dù “nhiều bạn Lama trí thức muốn cho ngươi ở lại Lhasa, nhưng ngày giờ hoằng hóa hầu đã đến”, hơn nữa “Lhasa có nạn”! Ngày 30-10-1936, ngài rời Tây Tạng về lại Ấn, sang Sri Lanka, tháng 6-1937 thì về đến Việt Nam.

Sau khi trở về từ Tây Tạng, ngài đã nhận lời mời trụ trì chùa Bửu Hương và đổi tên chùa thành “Tây Tạng tự”. Không rõ vì lý do nào mà hầu như ngài không truyền dạy Mật tông Tây Tạng cho ai, hoặc giả nếu có truyền dạy thì cũng chỉ hạn chế cho một số ít đệ tử của ngài (?). Theo Nhật ký thì trước, ngay và sau khi gặp vị Tổ sư huyền bí nọ, ngài vẫn luôn ngồi thiền, niệm Phật một cách hết sức chăm chỉ…

Sau Thiền sư Nhẫn Tế đến vài chục năm, một Tăng sĩ Việt Nam khác cũng đã có nhân duyên đi cầu pháp Mật tông Tây Tạng, đó là cố TT.Thích Viên Thành.

Theo lời mời của ngài Đại sứ nước Anh tại Bhutan lúc bấy giờ, Thượng tọa Thích Viên Thành – Viện chủ chùa Hương và chùa Thầy, đã đến Bhutan và thọ pháp với Đức Pháp chủ của quốc gia này, thuộc dòng truyền thừa Drukpa. Được sự gia trì và ban phước của Pháp chủ Bhutan, nên dù chưa trải qua thời kỳ nhập thất và hành trì dài lâu, Thượng tọa vẫn được phép truyền thụ lễ Quán đảnh cho đệ tử nhằm “đem sự thực hành này để phát triển tâm linh cho Tăng Ni Phật tử trong nước”. Vì vậy, năm 1992 được xem là thời điểm đầu tiên Mật tông Tây Tạng có sự truyền thừa chính thức đến Việt Nam do sự truyền dạy của TT.Thích Viên Thành.

Dù vậy, sự truyền bá Mật tông Tây Tạng của cố Thượng tọa vẫn có ít nhiều điểm khác biệt so với sự thực hành theo đúng với khuôn mẫu, điển hình như việc trì tụng chú Đại Bi, Chuẩn Đề – hai câu chú này vốn không được truyền thừa trong các dòng phái Tây Tạng; tại Tây Tạng, người ta chỉ thực hành thần chú của Quan Thế Âm Thập Nhất Diện và các pháp Quan Âm khác, vì vậy cho đến nay, vẫn chưa có sự truyền thừa cũng như khảo cứu rõ ràng về hai câu chú ấy. Hơn nữa, việc Thượng tọa viên tịch quá sớm cũng là một mất mát lớn lao cho hàng đệ tử của ngài – họ không thể có đủ thời gian để thực hiện hoàn tất các pháp tu mà ngài đã được truyền thụ. Dù vậy, hơn 16 năm qua, Mật tông Tây Tạng do cố Thượng tọa hướng dẫn vẫn âm thầm bắt rễ trong đời sống của nhiều Tăng Ni, Phật tử, nhất là phía Bắc.

Một Tăng sĩ khác, còn khá trẻ, ĐĐ.Thích Trí Không, sinh năm 1975, hiện là một hành giả Mật tông Tây Tạng hành trì một cách đều đặn và miên mật với những đợt nhập thất hàng năm.

Năm 2000, lần đầu tiên ĐĐ.Trí Không thọ Quán đảnh với ngài Kyabje Kusum Lingpa – nhân chuyến viếng thăm (du lịch) Việt Nam và truyền Quán đảnh cho khoảng 100 Tăng Ni, Phật tử tại TP.HCM. Năm 2003, thầy một mình lặn lội sang Ấn Độ rồi đến Nepal thọ pháp với ngài Kyabje Trulshik Rinpoche và tu tập với ngài 3 tháng. Cuối năm 2003, thầy lại cùng một vị Tăng trẻ khác đến đó tu tập tiếp 6 tháng. Từ đó đến nay, năm nào thầy cũng hướng dẫn một nhóm Tăng Ni, Phật tử đến thọ pháp và tu tập với các Lama Tây Tạng tại Nepal và Ấn Độ, mỗi đợt từ 3-4 tháng.
Hiện ĐĐ.Trí Không tu học theo phái Nyingmapa (Cổ Mật) dưới sự hướng dẫn của ngài Kyabje Trulshik Rinpoche, dù thầy đã thọ pháp với khoảng 20 vị Rinpoche của cả 4 dòng phái Tây Tạng với các bậc thầy nổi tiếng như: Kyabje Kathuk Moktsa, Tulku Pema Wangyel, Rabjam Rinpoche v.v…

Nhìn chung, cho đến nay, sau một số chuyến viếng thăm chính thức và trao lễ Quán đảnh của các Lạt Ma Tây Tạng tại Việt Nam cùng với việc nhiều người thọ pháp với các Lama nước ngoài, Mật tông Tây Tạng đang bắt đầu hưng thịnh tại Việt Nam. Ước tính số người Việt (trong nước) thọ pháp Quán đảnh từ các dòng truyền thừa Tây Tạng hiện nay là vào khoảng 15.000 người, trong đó có khoảng 300 người chính thức sang Nepal, Ấn Độ, Tây Tạng cầu pháp và thọ lễ Quán đảnh, chủ yếu với các dòng Nyingmapa (Cổ Mật – Mũ Đỏ), Drukpa Kagyud (Thiên Long – Mũ Đen), Gelugpa (Mũ Vàng). Và con số này đang ngày càng tăng thêm. Những hành giả Mật tông Tây Tạng tại Việt Nam hiện tập trung chủ yếu ở các vùng như: Hà Nội, Hà Tây, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Việt Trì, TP.HCM, Lâm Đồng, Vũng Tàu, Đồng Nai, Cà Mau v.v…

Quảng Kiến

Nguồn: Hành trì Mật tông Tây Tạng tại Việt Nam