scanyt_cropped

Tiểu sử Đức bà Yeshe Tsogyal

Theo lịch sử Phật Giáo cổ xưa, vào cùng thời với sự kiện đản sinh của Đức Chúa, một người tìm cầu tâm linh trẻ tuổi tên Sadaprarudita đã đến miền Tây của xứ Tây Bắc Ấn Độ với lòng khát khao cầu giáo lý giải thoát. Ngài trở thành đệ tử của bậc Thầy uyên bác Dharmodgata vùng Kashmir. Sadaprarudita thọ nhận từ Đạo sư Dharmodgata bản luận linh thiêng có tên Quyển sách Vàng ròng “bảy tầng niêm phong”, bản văn gốc của Trí tuệ Siêu việt (Bát nhã ba la mật đa).

Trong những ghi chép lại các sự kiện về sau có nhắc đến con gái của một thương buôn nào đó đã giúp đỡ và động viên Sadaprarudita và đầy đức hy sinh, nếu không có nàng thì có lẽ Ngài đã không thành tựu ước nguyện. Người con gái của thương buôn ấy, cùng với Sadaprarudita, đã nỗ lực hết mình trên con đường tâm linh. Nàng được công nhận như một bậc Đại Bồ tát và về sau là Saraswati-devi, nữ thần của tri thức, ân phúc và trí tuệ. Quả thật, Sadaprarudita khó có thể chứng đắc Giác Ngộ nếu không có sự giúp sức của nàng. Người ta nói rằng Yeshe Tsogyal chính là một tái sinh của vị Bồ tát Saraswati-devi.

Thở thiếu thời của Đức Bà Yeshe Tsogyal không được êm đẹp. Đức Bà Yeshe Tsogyal bị cưỡng bức cầu hôn với người đầu tiên và bị người thứ hai đánh đập dã man. Sau cùng, Đức Bà Yeshe Tsogyal được đưa đến làm hoàng hậu của Đức Vua Trisong Detsen. Về sau, Đức Vua dâng Đức Bà Yeshe Tsogyal như một phối ngẫu tâm linh cho Guru Rinpoche.

Sau đó Đức Bà Yeshe Tsogyal trở thành đệ tử của Guru Rinpoche và thọ nhận giáo lý bí mật. Chỉ đến lúc đó, Đức Bà Yeshe Tsogyal mới khám phá được nguồn an lạc chân chính. Đó là vào năm 794 sau Công Nguyên, Yeshe Tsogyal được 16 tuổi. Khi nhận quán đảnh, bông hoa của Ngài rơi vào mandala linh thiêng của Vajrakilaya (Kim Cương Phổ Ba) và nhờ thực hành theo nghi quỹ, Ngài đã chứng đắc thành tựu. Sau đó, Ngài thọ nhận tất cả giáo lý của Guru Rinpoche và trở thành bậc kế thừa tâm linh.

Nhờ sở hữu khả năng nghi nhớ siêu phàm, Ngài có thể ghi nhớ rất nhiều bản văn mà không gặp chút khó khăn nào. Như thế, toàn bộ giáo lý Khandro Nyingthig đã được Đức Bà Yeshe Tsogyal trì giữ.

Đức Bà Yeshe Tsogyal du hành đến Nepal năm 795 sau Công Nguyên và đúng như lời tiên tri của Guru Rinpoche, Đức Bà Yeshe Tsogyal gặp được phối ngẫu tâm linh của mình là Atsara Sahle tại thung lũng Kathmandu – Nepal. Sau đó, Đức Bà Yeshe Tsogyal cùng phối ngẫu của mình Atsara Sahle đã đi đến nhiều hang động ẩn tu, nơi họ thực hành nghi quỹ bí mật và đạt được nhiều thành tựu.

Đức Bà Yeshe Tsogyal có tính cách mạnh mẽ hơn người phối ngẫu tâm của mình. Tuổi thơ ấu Đức Bà Yeshe Tsogyal đã kinh qua nhiều đau khổ. Ngài có tâm bất thoái chuyển đến khi đạt đến sự giác ngộ hoàn toàn. Atsara Sahle đến từ thung lũng Kathmandu, chưa từng nếm trải cái lạnh cắt da thịt của Tây Tạng vào mùa Đông. Do đó, Atsara Sahle đã gặp rất nhiều khó khăn khi tu tập tại các động ẩn tu trên núi cao. Tuy vậy, cùng với phối ngẫu tâm linh Atsara Sahle, Đức Bà Yeshe Tsogyal đã nỗ lực hết mình trên con đường thành tựu Phật Quả.

Có giai đoạn, khi đang ẩn tu một mình trong hang động lạnh giá tại Nering Senge, bạn đồng tu đang nhập thất tại vùng ấm hơn, Đức Bà Yeshe Tsogyal thực sự đối mặt với rất nhiều chướng ngại đến từ bên ngoài và bên trong tâm mình. Những hình ảnh xuất hiện với Ngài khi đang tham thiền cũng giống như những gì đã xảy ra với Đức Phật Thích Ca Mâu Ni dưới cội Bồ Đề – ở Ấn Độ, đầy những hình ảnh kinh dị và ghê gớm. Những bầy ma quỷ xuất hiện: kinh khiếp, đầy mê hoặc, ác độc và xấu xa. Những thứ này là sản phẩm của những dục vọng đến từ nghiệp trong quá khứ của Đức Bà Yeshe Tsogyal và Đức Bà Yeshe Tsogyal đã chuyển hóa với chúng trong khi vẫn an trụ bất động địa với Đại định tựa Kim cương của mình, thiền định về trạng thái cân bằng bất thối. Sau nhiều ngày bị công kích dữ dội, Ngài cũng đã thấy tìm nguồn an lạc. Đây như là phép thử cho con đường thành tựu tâm linh của Đức Bà Yeshe Tsogyal .

Về sau, tại hang động ẩn tu tại Paro Taktsang miền cao nguyên Bhutan, cùng với phối ngẫu tâm linh Atsara Sahle, Ngài thể nghiệm bản thân qua những ngày nhịn đói mãnh liệt, thiền định lâu dài và thực hành tâm linh có tên Karmamudra, pháp kết hợp thanh lọc các huyệt đạo (bindu) tích cực và tiêu cực của luân xa (cakra) tim cùng hệ thống kinh mạch (nadi), nơi phát ra 5 luồng khí (vayu) chính và 5 luồng khí phụ, để kết tinh toàn bộ thể xác thành nền tảng của thân Kim cương bên trong. Pháp kết hợp thanh lọc hai giọt tinh (trắng và đỏ) này cùng với việc khai mở nút thắt cuối cùng của trung tâm tim đem lại trạng thái rốt ráo cho sự chứng đắc Phật Quả trong một đời. Đợt nhập thất tại Paro Taktsang của Đức Bà Yeshe Tsogyal có thể xem là lần thực hành khổ hạnh sau cùng vì lợi ích của chính Ngài và hữu tình chúng sinh.

Tại thánh địa Paro Taktsang, sau khi theo đuổi tâm nguyện với ý chí sắt đá, Đức Bà Yeshe Tsogyal đã đạt đến cấp độ của Bậc Trì giữ giác tánh. Như vậy, Ngài đã đạt đến bậc đầu tiên của quả vị Phật.

Sau đó, Đức Bà Yeshe Tsogyal du hành khắp Tây Tạng cùng Đạo sư tôn quý, Guru Ripoche, gia trì cho những địa điểm cụ thể và chôn giấu các Kho tàng kinh (Terma), vì lợi ích của hữu tình chúng sinh đời sau.

Năm 796, Đức Bà Yeshe Tsogyal bắt đầu nhập thất thiền định cô độc và không xuất hiện cho đến năm 805, sau khi bậc Đạo sư tôn quý Guru Ripoche rời khỏi Tây Tạng, cũng là lúc Ngài nhập thất và đạt đến Phật Quả Viên Mãn. Khoảng năm 837, có lẽ muộn hơn, Ngài siêu vượt khỏi mọi giới hạn bay lên không gian tan hòa trong ánh sáng quang minh cùng Đạo sư tôn quý Guru Ripoche.

Việt dịch:  Viet Rime 

Hiệu đính: Giác Nhiên

Nguồn tiếng anh: Tiểu sử Đức bà Yeshe Tsogyal