dalai-lama-meditating-before-jesus

Bài giảng nhân Lễ giáng sinh

Pháp thoại giảng cho các đệ tử Tây phương tại tu viện Kopan nhân dịp Lễ Giáng Sinh

Khi gặp lại nhau nhân Lễ Giáng Sinh kỷ niệm ngày Đức Chúa Jesus ra đời, chúng ta hãy nhìn nhau trong sự an bình và với một rung động tuyệt vời, một tâm hồn hạnh phúc. Tôi cho rằng điều này thật là kỳ diệu. Tham dự thánh lễ này với một tâm thái sân hận thì thật đáng buồn. Thay vào đó hãy đến với một động lực đẹp đẽ và rất nhiều tình thương. Đừng phân biệt mà hãy nhìn mọi sự như một đóa hoa vàng, ngay cả với kẻ thù xấu xa nhất của các bạn. Khi ấy lễ Giáng Sinh, là buổi lễ rất thường tạo nên một tâm trí kích động, sẽ trở nên tuyệt đẹp.

Khi các bạn thay đổi thái độ tinh thần của mình, cái nhìn bên ngoài cũng thay đổi. Đây là một sự chuyển hóa thực sự của tâm thức. Không còn nghi ngờ gì về điều này. Tôi không có gì đặc biệt, nhưng tôi có kinh nghiệm trong việc thực hiện sự chuyển hóa này, và nó có hiệu quả. Các bạn là những người rất thông minh, vì thế các bạn có thể hiểu được tâm có khả năng ra sao để chuyển hóa chính nó và môi trường của nó. Chẳng có lý do gì để sự chuyển hóa này không thể tốt hơn. Một số trong các bạn có thể nghĩ: “Ồ, tôi không muốn dính dáng gì với Jesus, không muốn quan hệ gì với Kinh Thánh.” Đây là một thái độ hết sức sân hận, đầy cảm tính đối với Cơ Đốc giáo. Nếu thực sự hiểu biết thì các bạn sẽ 2 nhận ra điều Đức Chúa Jesus giảng dạy là “Hãy yêu thương!” Nó đơn giản và sâu xa như thế đấy. Nếu trong các bạn có tình thương chân thật, tôi bảo đảm rằng các bạn sẽ cảm thấy an bình hơn bây giờ rất nhiều.

Các bạn thường suy nghĩ về tình thương ra sao? Hãy trung thực. Các bạn luôn luôn bị dính mắc với những sự phân biệt, đúng không? Hãy nhìn quanh căn phòng này và xem có ai ở đây là đối tượng của tình thương của các bạn. Vì sao các bạn phân biệt quá rạch ròi giữa bằng hữu và kẻ thù? Vì sao các bạn thấy có một khác biệt lớn lao như thế giữa bản thân các bạn và những người khác?

Trong giáo lý đạo Phật, thái độ phân biệt sai lầm này được gọi là sự nhị nguyên. Đức Jesus nói rằng một thái độ như thế đối nghịch lại tình thương chân thật. Vì thế, ai trong chúng ta có tình thương chân thật mà Đức Jesus nói tới? Nếu ta không có tình thương ấy, ta không nên phê bình giáo lý của ngài hay cảm thấy giáo lý ấy không thích hợp với chúng ta. Chúng ta đã hiểu sai lầm, có thể hiểu được lời dạy của ngài nhưng chẳng bao giờ làm theo.

Trong Kinh Thánh có rất nhiều câu thật hay, nhưng tôi không nhớ là mình có đọc được rằng Đức Jesus nói các bạn không cần phải làm gì – không tự chuẩn bị theo cách thế nào đó – Thiên Thần sẽ bất ngờ tới thăm các bạn! Nếu các bạn không làm theo cách ngài bảo các bạn nên làm thì chẳng ở đâu có Thiên Thần hiện ra cho các bạn.

Điều tôi đã đọc trong Kinh Thánh có ý nghĩa tương tự như giáo lý đạo Phật về sự quân bình, lòng bi mẫn và việc chuyển hóa sự chấp ngã của ta thành tình yêu thương đối với những người khác. Cách thức các bạn tu hành tâm thức để phát triển những thái độ này có thể không rõ ràng tức thì, nhưng chắc chắn là các bạn có thể làm thế. Chỉ có tánh ích kỷ và tâm thức hẹp hòi của chúng ta ngăn trở ta.

Với những chứng ngộ chân thật, tâm thức không còn quan tâm một cách ích kỷ tới sự tự cứu rỗi nữa. Với tình thương chân thật, ta không xử sự một cách nhị nguyên nữa; không còn cảm thấy hết sức dính mắc với một vài người, xa cách những người khác và hoàn toàn dửng dưng đối với những người còn lại. Điều đó thật đơn giản. Trong tính cách bình thường, tâm luôn luôn bị phân cách với chính nó, luôn luôn đấu tranh và làm nhiễu loạn sự an bình của riêng nó.

Những giáo lý về tình thương rất thực tiễn. Đừng để tôn giáo ở một nơi nào mãi tận trời cao và cảm thấy các bạn bị dán chặt vào nơi đây trên Trái Đất. Nếu những hành động của thân, ngữ và tâm hòa hợp với thiện tâm từ ái, các bạn sẽ tự động trở thành một con người tín tâm chân chính. Có tín tâm không có nghĩa là các bạn tham dự những giáo lý nào đó. Nếu các bạn nghe giáo lý và hiểu sai lạc thì thực ra các bạn đang đi nghịch lại tín ngưỡng. Và chỉ vì các bạn không thấu hiểu một giáo lý nào đó mà các bạn phỉ báng tôn giáo. Việc thiếu hiểu biết sâu xa dẫn tới tinh thần bộ phái. Bản ngã cảm nghĩ rằng “Tôi là một Phật tử, vì thế Cơ Đốc giáo hẳn là hoàn toàn sai lầm.” Điều này hết sức tai hại đối với cảm xúc sùng mộ chân chính. Các bạn không hủy diệt một tôn giáo bằng những quả bom nhưng bằng sự thù ghét. Quan trọng hơn nữa là các bạn hủy diệt sự an bình của tâm các bạn. Việc các bạn có biểu lộ sự thù ghét bằng lời nói hay không thì không quan trọng. Chỉ những tư tưởng thù ghét không thôi cũng đã tự động hủy diệt sự an bình của các bạn.

Tương tự như thế, tình thương chân thực của các bạn không phụ thuộc vào sự biểu lộ vật lý. Các bạn nên nhận ra điều này. Tình thương chân thực là một cảm xúc sâu xa trong các bạn. Tình thương không chỉ là việc các bạn nở một nụ cười trên khuôn mặt và có vẻ vui sướng. Đúng hơn, tình thương phát khởi từ một sự hiểu biết chân thành về nỗi khổ của mỗi chúng sinh và tỏa ra với họ không chút phân biệt. Tình thương không thiên vị một ít người được chọn lựa để loại trừ tất cả những người khác. Vả lại, nếu có ai đánh các bạn và các bạn phản ứng bằng thái độ sân hận hay hết sức hoảng sợ, các bạn kêu ầm lên “Chuyện gì xảy ra cho tôi vậy?” điều này cũng chẳng dính dáng gì tới một tâm thức hiểu biết ý nghĩa của tình thương chân thật. Đó chỉ là sự bận tâm vô minh của bản ngã về hạnh phúc của riêng nó. Sẽ sáng suốt hơn biết bao khi nhận ra rằng “Việc tôi bị đánh không thực sự làm hại tôi. Sự mê lầm thù hận của tôi là một kẻ thù còn làm hại tôi nhiều hơn việc tôi bị đánh.” Quán chiếu như thế sẽ khiến cho tình thương chân thật phát triển.

Những lời dạy này được tìm thấy trong một quyển sách kỳ diệu tên là Tâm Tĩnh lặng, Tâm Linh thánh, một tuyển tập những Pháp thoại của Lạt ma Yeshe tại Tu viện Kopan lúc kết thúc các Khóa Thiền định Kopan lúc ban đầu kéo dài một tháng. Các đệ tử người Tây phương đã tụ họp nhân Lễ Giáng sinh, cảm thấy hơi bị lạc điệu và không biết chắc là phải cư xử ra sao với những cảm xúc “bị thiệt một mùa Giáng sinh,” hầu như là thực hành tâm linh lúc ban đầu của họ trong đời này. Thấy được những cảm xúc sai lầm của các đệ tử, Lạt ma Yeshe đã bảo họ vào sảnh đường thiền định, ở đó ngài ban Pháp thoại này về Lễ Giáng Sinh và thực hành Phật giáo. Bài giảng được ghi âm và sau đó được in thành sách do Nhà Xuất bản Wisdom ấn hành. Bản của chúng tôi ở trung tâm biến mất đã lâu và quyển sách không in nữa, nhưng đoạn trích dẫn này vẫn còn và chúng tôi chia sẻ nó với các Bằng hữu trên mạng internet./.

Lama Thubten Yeshe

Việt dịch: Thanh Liên

Nguồn: Bài giảng nhân Lễ giáng sinh