phat_day_cu_si

Pháp tu của người cư sĩ tại gia

Vừa qua, nhân lễ trai tăng tại chùa Bửu Quang, quận Thủ Đức, TPHCM, Đại đức Thiện Minh Uỷ viên Thường trực Ban Hoằng Pháp Trung ương Giáo hội Phật Giáo Việt Nam, trụ trì chùa Bửu Quang đã thuyết giảng Phật Pháp với đề tài: “Pháp tu của người cư sĩ tại gia”.

Nội dung thuyết giảng

“Thiện thay đức Phật tuyệt vời

Với lòng từ mẫn giảng lời diệu ngôn

Độ người đoạn tuyệt mê hồn

Dứt trừ cuộc sống sanh tồn khổ đau.

Thiện thay chánh Pháp nhiệm mầu

Dẫn đường giải thoát khổ sầu tử sanh

Vẹt trừ u tối quán minh

Chứng tri an trú tuệ minh rạng rời.

Thiện thay tăng chúng lánh đời

Theo chân từ phụ sa rời đọa xa

Tự mình tu vượt phong ba

Mà cùng hướng dẫn người ra khỏi đời.

Đệ tử thành kính tán dương Ân đức Tam bảo, là Phật bảo, Pháp bảo và Tăng bảo, do nhờ uy lực Tam bảo, xin gia hộ Quý vị được năm điều hạnh phúc, sống lâu, sắc đẹp, an vui, sức mạnh và luôn có trí tuệ sáng suốt. Mong cho 5 điều an lành này hằng gia tăng đến toàn thể quý vị.

NAM MÔ BỔN SƯ THÍCH CA MÂU NI PHẬT

Hôm nay ngày lễ trai tăng của gia đình Phật tử, với tác ý của thí chủ là cầu an cho cha mẹ và cầu siêu cho cửu huyền thất tổ. Gia đình đã thỉnh Sư thuyết giảng Phật Pháp. Để phước báu trọn vẹn cả tài thí và pháp thí, hôm nay sư nhận lời thí chủ thuyết pháp, đó là Pháp thí để gia đình biết thêm về Phật Pháp; còn tài thí đó là thí chủ cúng dường trai tăng trưa nay cho chư tăng, tu nữ. Bài thuyết pháp hôm nay Sư chọn đề tài là “NHỮNG PHƯƠNG PHÁP TU CỦA NGƯỜI CƯ SĨ”.

Trong kinh Pháp cú Đức Phật có thuyết một câu kệ ngôn cho người Phật tử:

Không làm các điều ác

Hãy làm các việc lành

Giữ tâm ý trong sạch

Đó lời chư phật dạy.

1/ Không làm các điều ác/Hãy làm các điều lành/Giữ tâm ý trong sạch

Không làm điều ác là thân mình không sát sanh, không trộm cắp, không tà dâm… Tâm mình không nói dối, không nói lời đâm thọc, không nói lời độc ác… Ý mình không tham, sân, si. Con người không hiểu đạo nên sanh ra độc ác qua thân, khẩu, ý. Ba điều này có tác hại rất lớn. Độc ác qua khẩu nghiệp, nói xấu, nói lời độc ác, huỷ báng Phật, Pháp, Tăng. Những lời nói độc ác phạm đến Thầy, Tổ, là những bậc trưởng thượng sẽ làm chúng ta tổn thọ, tổn đức. Cho nên người tu làm theo lời Phật dạy là phải có chánh ngữ, lời nói luôn đem lợi ích đến cho những người chung quanh.

Hãy làm các điều lành. Tôi không làm hại ai. Điều này đúng là không làm điều ác nhưng Phật dạy là phải tạo các điều lành nghĩa là mình phải làm phước, thí dụ như đi thập tự cúng dường, lễ bái tam bảo, cung kính Phật Pháp Tăng, hoặc làm những việc thiện lành khác. Đi chùa này, chùa kia sẽ giúp chúng ta khai mở tâm rộng lớn thêm một chút, từ ái thêm một chút. Ở nhà lâu quý vị sẽ bị bão hoà, có đi ra ngoài sẽ giúp mình cơ hội mở tâm mình ra (tránh sự dễ duôi theo thời gian), có dịp nghe sư thầy nhắc nhở. Dân gian có câu: “Ăn cơm có canh tu hành có bạn. Những người bạn đồng tu cũng giúp khai mở cho mình những điều hay điều đẹp trong cuộc sống. Cho nên mình đi tìm những người bạn có phước đức tốt, có hạnh tu đặc biệt để nghe những lời họ nói, nhắc nhở mình tiến bộ trên con đường tu tập. Có người bạn tốt có chánh kiến là hạnh phúc cao thượng, giúp mình phát triển lòng từ bi tiến hoá trên con đường tu tập.

Giữ tâm ý trong sạch. Quý vị phải có công phu, có những giây phút tụng kinh hay tham thiền, bất động khoảng nữa tiếng đồng hồ để thấy rõ tâm và thân của mình. Chúng ta thường xuyên bị công việc chi phối nên không có dịp nhìn lại bản thể thật của mình. Phương pháp giữ tâm thanh tịnh giúp ta tiến hoá trên con đường tu tập là thiền định. Phải dành thời gian để tịnh tâm, biết ngộ những điều hay trong cuộc sống. Nhiều khi do ái dục, si mê, bận rộn làm ta ngông cuồng, tham đắm, cố chấp, ích kỷ… những điều đó làm ta luân hồi, đắm chìm trong đau khổ. Thiền định giúp tâm ta tĩnh lặng.

2/ Người tu phải biết áp dụng những pháp tu: Bố thí, trì giới , tham thiền

Bố thí: Đó là những phương pháp giúp ta giàu sang, có cuộc sống an vui, sanh vào nhàn cảnh. Bố thí phải có lễ phẩm. Thí dụ mua một bông hoa, đĩa trái cây, nhang, đèn…. Lễ trai tăng hôm nay, thí chủ bố thí một bữa ăn trưa cho gần 80 vị tăng và tu nữ. Đó gọi là lễ phẩm. Nhưng điều thứ hai là phải có đối tượng thí. Hôm nay đối tượng thí là tăng ni. Phật dạy bố thí mười lần cho người ăn xin không biết tu thì không bằng bố thí cho người quy y, giữ giới. Bố thí mười lần cho người quy y, giữ giới thì không bằng cho người xuất gia. Thứ ba, người bố thí phải có tâm trong sạch. Lễ phẩm ít nhưng tâm rộng, tâm và vật thí phải song hành với nhau thì phước mới lớn. Nếu bố thí cho những bậc A la Hán thì phước sẽ vô lượng, vô biên quả sẽ trổ ngay sau khi mình làm. Tâm thí không có, quả sẽ nghèo. Cho nên tâm thí rất quan trọng. Mình có xe đi cho người ta quá giang gọi là bố thí. Cho người đói lạnh cơm ăn, áo mặc đó gọi là bố thí. Tâm thí, có phương tiện để giúp đỡ những người chung quanh sẽ giúp ta tạo phước đức, về sau sẽ phát sanh sự giàu sang trong cuộc sống.

Đức Phật dạy: Người tu muốn thành phật phải thực hành hạnh bố thí, nên trong Thập độ có câu:

Đường tu bố thí đứng đầu

Vị tha là tánh vô cầu là tâm

Không vì thương ghét sơ thân

Bàn tay ban bố nào phân biệt gì

Hy sinh ngoại vật tứ chi

Hoặc luôn mạng sống sá gì huyễn thân

Phật xưa pháp độ vẹn toàn

Chúng con nguyện bước theo chân đại từ.

Trong Thập độ, đức Phật dạy Bố thí có ba, đó là bờ kia, bờ trên, bờ cao thượng. Bố thí bằng tiền bạc, của cải, sự nghiệp, vợ và con với tâm bất động sẽ cho quả vị A La Hánh Thinh Văn Giác. Bố thí một phần trong thân thể, như mắt, tay v.v. với tâm bất động sẽ cho chúng ta quả vị A la Hán Độc giác. Bố thí cả sanh mạng của mình thì sẽ cho quả vị A La Hán Toàn giác (Phật tổ). Muốn trở thành Phật phải thực hành một trong ba hạnh bố thí trên. Tâm muốn thành phật thì phải bất động, không ngần ngại lằn tên mũi đạn, sá gì mạng sống, không còn sợ hãi thì sẽ gặt hái quả vị Phật. Còn nhân quả thông thường thì ta làm phước tự động có phước như bố thí vật thực sẽ cho sức lực, bố thí đèn sẽ cho mắt sáng, bố thí y phục sẽ cho sắc đẹp, bố thí vật quý trọng thì hằng được vật quý trọng.

Do phước lành đã tạo hôm nay là nhân để có quả lành trong ngày vị lai. Kiếp này gặp Phật Pháp, kiếp sau cũng sẽ gặp Phật pháp. Còn người nào không biết bố thí, không hoan hỷ khi người khác bố thí thì quả sẽ sanh ra làm người nghèo khổ, thiếu thốn. Tâm ích kỷ nhỏ mọn sẽ làm chúng ta trở thành hẹp lượng, có đời sống nghèo khó. Nếu có của cải thì cũng dễ bị tiêu hủy bằng nhiều cách như thiên tai, hỏa hoạn, sóng thần v.v.

Trì giới là giữ giới cho trong sạch, giúp cho mình có phước đức. Chính đạo đức trong đời sống của cha mẹ giúp cho con cháu sanh ra trong gia đình ngoan hiền theo lời chỉ dạy của mình. Nếu không có phước đức con cái sẽ không ngoan, đi theo bạn xấu. Người cha người mẹ phải giữ giới và khuyên người thân trong gia đình giữ giới.

Tham thiền là món ăn tinh thần không thể thiếu đối với người cư sĩ. Nếu đời sống vật chất thiếu ăn, thiếu uống nhưng đời sống tinh thần không có hành thiền thì sẽ an vui và hạnh phúc. Thiền giúp mình thấy được bản chất thật của cuộc sống.

3/ Người tu phải thường xuyên quán chiếu về sự vô thường, khổ, vô ngã

Vô thường: không có gì là của mình. Vạn vật luôn thay đổi. Con người chúng ta cũng luôn thay đổi từng giờ, từng ngày, từng tháng, từng năm, từng sát na. Người tu phải luôn quán chiếu thế gian là vô thường, đi đến chỗ huỷ diệt không gì tồn tại, không ai giàu ba họ, không ai khó ba đời. Quán chiếu để thấy thế gian này vô hộ vô chủ, mình không làm chủ được ai, thế gian này thiếu thốn, tham ái, con người trở nên nô lệ, khao khát bởi lòng tham ái. Do lòng tham, ước muốn của mình qúa lớn nên lúc nào cũng thấy tham ái cho nô lệ. Ông bà nói: lớn thuyền lớn sóng. Lòng tham quá lớn nên lúc nào cũng thấy thiếu thốn, lòng tham ái làm cho ta trở thành nô lệ. Tham ái cho nô lệ là sao? Nghĩa là đất nước đang hoà bình nhưng tâm vua lúc nào cũng muốn xâm chiếm những nước lân cận. Nếu chiếm được thì biết bao sanh mạng bị tổn hại. Nếu không chiếm được thì Vua đau khổ. Do vậy biết đủ sẽ giúp con người dừng lại lòng ham muốn vô tận.

Đức Phật dạy phải quán chiếu sự vô thường, quán chiếu thân này không phải của mình, tài sản này không phải của mình. Thí chủ hôm nay đi lên chùa vô ý bị té đau. Ngay đến cơ thể mình, mình muốn nó khoẻ nhưng nó không khoẻ theo ý mình được. Không ai muốn bịnh, già chết nhưng những điều đó không ai muốn là được. Chùa Bửu Quang có nhiều chim bồ câu bay về làm tổ. Chúng tôi thường nhìn thấy những con chim bồ câu bay đi bay về, có lúc sà xuống ăn bắp, ăn lúa gạo chúng tôi rải dưới gốc cây. Những con chim bồ câu rất mạnh mẽ và đẹp như một thiên thần. Nhưng lâu dần, chúng tôi lại nhìn thấy những con chim bồ câu già nua, bay chậm chạp, thân hình xơ xác rồi tự động ngã ra chết. Hình ảnh đó làm chúng tôi thấy sâu xa sự vô thường để không dính mắc, cố chấp vào bất cứ thứ gì trên đời này. Càng dính mắc nhiều thì càng khổ. Thí chủ hôm nay thân bịnh nhưng tâm không bịnh. Có tâm bố thí làm phước, cung kính Phật Pháp tăng Tam bảo sẽ gia hộ.

Khổ: Chúng ta thường xuyên phải quán khổ não. Cuộc sống đầy ắp khổ đau. Giàu khổ, nghèo khổ. Cái khổ này do tâm ta tạo ra. Tâm càng tham muốn thì khổ càng nhiều. Cho nên phải thường xuyên quán chiếu khổ. Phàm tục ai cũng đau khổ, còn thân ngủ uẩn này đều khổ. Quán chiếu cái khổ để thấy rằng cái khổ và sự an vui luôn song hành nhau. Cũng vậy, trong đời sống hằng ngày, những người ta ghét luôn hiện diện. Đừng mong họ vắng bóng để mình an tâm tu hành. Phật Thích ca luôn có Đề bà Đạt đa bên cạnh quấy phá.Trong cái khổ mình biết tĩnh tâm thì vẫn an nhàn thanh thoát.

Vô ngã: Quán chiếu vô ngã để hiểu trong thế gian không có cái gì là của mình, từ vũ trụ, xã hội, con người, nhà cửa, con cái v.v… không phải của mình. Cái thân này cũng không phải của mình, mình kêu nó không nghe, kêu nó đừng chết nhưng nó vẫn chết. Thân tóc bạc, răng rụng đó là vô thường, là khổ, là vô ngã, là không phải của mình. Mình không làm chủ được ai, không ai làm chủ được mình.

4/ Thực hành ngũ lực: Tín, Tấn, Niệm, Định, Tuệ.

Trong phim Tây Du Ký, hình ảnh Trư bát giới thân to, trí thì nhỏ.

Tề thiên thân nhỏ, nhưng trí tuệ và thần thông thì phi phàm. Con người tập luyện được ngũ lực giống như Tề Thiên có được sức mạnh và trí tuệ.

Tín: lòng tin bất động.

Tấn: tinh tấn nỗ lực không ngừng trong công việc, trong tu tập.

Niệm: ghi nhớ, biết những gì xảy ra trong qúa khứ, hiện tại, biết mình đang làm gì và đang không làm gì.

Định: định tâm, tập trung, vắng lặng. Càng tập trung tâm càng sáng. Làm cái gì cũng phải có đầu tư, phật gọi là chú tâm. Càng chú tâm càng hiệu quả .

Tuệ: Trí tuệ phát sanh giúp ta nhìn cuộc đời với tâm tĩnh lặng an vui.

Thế gian đau khổ. Con người an vui nhìn thế gian đau khổ vẫn tĩnh lặng an vui.

Tóm lại, hôm nay chúng tôi thuyết đề tài Phương Pháp Người Tu Tại Gia:

  1. Không làm các điều ác

Hãy làm các điều lành

Giữ tâm ý trong sạch

Đó lời chư phật dạy

  1. Bố thí, trì giới, tham thiền

3. Thường quán vô thường, khổ, vô ngã

4. Thực hành ngũ lực.

Người cư sĩ tại gia biết áp dụng 4 pháp này trong cuộc sống sẽ được an lạc, đây cũng là nhân duyên để đắc đạo quả trong ngày vị lai.

Cầu nguyện hồng ân Tam bảo gia hộ cho quý vị luôn an lạc trong cuộc sống.

NAM MÔ PHẬT PHÁP TĂNG TAM BẢO

Gs. Đại đức Thiện Minh