Duc-Dilgo-Khyentse-820x410

Giới nguyện Bồ Đề Tâm

Giới Nguyện Bồ Đề Tâm

Giới nguyện Bồ Đề Tâm gồm mười tám giới nguyện chính và bốn mươi sáu giới nguyện phụ. Vi phạm một giới nguyện chính là vi phạm tất cả giới nguyện Bồ Đề Tâm còn vi phạm một giới nguyện phụ thì chỉ tổn hại một phần Bồ Đề Tâm giới.

Những giới nguyện sau đây đã được trình bày trong quyển “Tinh Yếu Về Các Pháp Tu Tập” của đạo sư Tịch Thiên (Shantideva) và quyển “Giáo Lý Về Ba Giới Nguyện” của Đại Đức Tsewang Samdrup.

18 Giới Nguyện Chính

Mười tám giới nguyện chính đòi hỏi hành giả phải tránh những nghiệp xấu về thân, khẩu, ý:
1. Tự khen mình và chê bai người khác. Hành giả phải tránh tự đề cao bản thân, hoặc do phiền não mà phê bình, chê bai người khác để trục lợi. Tự khen hoặc chê bai và xúc xiểm người khác là những nghiệp xấu lớn. Và như vậy là vi phạm giới nguyện Bồ Đề Tâm.

2. Không bố thí tài vật và không bố thí pháp. Nếu do keo kiệt mà không bố thí tài vật hay bố thí giáo pháp, khi mình có khả năng bố thí cho những người thiếu thốn không có chỗ để nương tựa thì như vậy là vi phạm giới nguyện chính. Hành giả phải tu tập có lòng quảng đại trong việc tài thí và pháp thí đối những người nghèo khổ thiếu thốn, đau khổ hay phiền não. Hành giả nên hướng dẫn những người không biết giáo lý, chỉ cho họ cách tu tập để giải trừ phiền não. Giới nguyện này là một phần của hạnh bố thí ba-la-mật.

3. Không tha thứ, dù người khác đã hối lỗi. Không tha thứ cho người đã biết hối lỗi thì như vậy là vi phạm giới nguyện chính này. Thêm nữa, nếu có người nào vi phạm giới nguyện hay kỷ luật, và sau đó sám hối với mình thì hành giả phải sẵn lòng chấp nhận sự sám hối của người đó.

4. Từ bỏ Ðại Thừa. Nếu từ bỏ Ðại Thừa, hay từ bỏ một phần giáo lý Ðại Thừa vì cho rằng đó không phải là lời Phật dạy, thì như vậy là vi phạm giới nguyện chính này. Ðối với một số người thì Ðại Thừa có vẻ phức tạp và quá huyền bí. Giáo lý Ðại Thừa nói rằng có hằng hà sa số chư Phật cùng Bồ Tát. Những người không có trí huệ và nhãn quan rộng lớn để ngộ được triết lý này, và những phương pháp tu tập cầu kỳ của Mật Giáo Ðại Thừa, thường cho rằng: “Ðại Thừa pha trộn với các pháp ngoại đạo, không phải là giáo lý nguyên thủy của đức Phật dành cho Tiểu Thừa.” Nếu nghĩ như vậy thì là hành giả đã từ bỏ Ðại Thừa và vi phạm giới nguyện Bồ Đề Tâm này.

5. Trộm cắp lễ vật cúng dường Tam Bảo. Nếu trộm cắp một vật nào đó đã được hoặc sẽ được cúng dường Tam Bảo, thì như vậy là vi phạm giới nguyện chính này. Trộm cắp của người khác hay lấy tài vật được dành cho người khác cũng vi phạm giới nguyện này.

6. Hủy báng chánh pháp. Chỉ trích hay nói rằng một pháp nào đó của Tiểu Thừa, Ðại Thừa hay Kim Cương Thừa không phải là giáo lý của Đức Phật, thì như vậy là vi phạm giới nguyện chính. Hành giả không nên chỉ trích hay phê phán bất kỳ một giáo lý nào trong Tam Tạng Kinh Ðiển.

7. Lột áo của tu sĩ. Nếu vì sân hận mà cưỡng bách Tì-kheo hoặc Tì- kheo-ni buộc họ phải phá giới bằng cách lột bỏ y áo của họ, đánh đập giam cầm, trộm y của họ, hoặc bức bách họ làm những điều trái với giới luật, thì như vậy là vi phạm giới nguyện chính này. Nhất thiết, hành giả phải tránh làm những việc có hại cho Tăng Ðoàn.

8.Phạm tội ngũ nghịch. Có năm tội lớn là giết hại cha hoặc mẹ, giết A la hán, xúc phạm thân Phật, gây chia rẽ trong Tăng Ðoàn. Phạm một trong những tội này thì như vậy là vi phạm giới nguyện chính này.

9. Có tà kiến. Nếu có những tà kiến như chối bỏ sự hiện hữu của Tam Bảo, không thừa nhận Lý Nhân Quả, Tục đế và Nghĩa đế, Tứ Diệu đế, Thập nhị nhân duyên và những điều Phật dạy thì như vậy là vi phạm giới nguyện chính này. Những tà kiến như vậy không đem lại lợi ích cho bản thân cũng như cho người khác. Thí dụ, do không tin luật nhân quả, người ta sẽ không nghĩ gì tới hậu quả của những việc mình làm và như vậy sẽ tạo nghiệp xấu.

10. Hủy diệt nơi cư trú. Phá hủy nơi cư trú của con người là vi phạm giới nguyện chính này. Tàn phá thành phố hay nông thôn bằng lửa đạn, tà thuật hoặc hay các phương tiện khác gây chết chóc là vi phạm giới nguyện này.

11.Dạy Tánh Không cho người không tu tập. Nếu đem đề mục Tánh Không vi diệu dạy cho những người không có khả năng lý giải đúng pháp này hay cho những người không có ý muốn tu tập thì như vậy là vi phạm giới nguyện chính này. Ðiều nguy hiểm là họ có thể hiểu Tánh Không như là hư vô, hoặc là không có gì cả, khiến họ rơi vào biên kiến đoạn diệt, không tin vào lý nhân quả. Chân nghĩa về sự vô tự tánh của các pháp vốn thâm diệu và khó hiểu. Nhiều người cho rằng luận sư Long Thọ là người theo thuyết đoạn diệt, nhưng đó là vì họ không hiểu ý tưởng thâm thúy của ngài. Do đó, hành giả chỉ nên dạy tri kiến tối thượng về thật tánh của các pháp cho những ai căn cơ chín mùi có khả năng liễu ngộ chân lý Tánh Không.

12. Cản trở những người có ý nguyện đạt tới sự Toàn Giác. Dẫn dụ những người thực hành đạo pháp Ðại Thừa đi theo Tiểu Thừa là vi phạm giới nguyện này. Nếu nói với một người tu tập Ðại Thừa rằng người đó không có khả năng thực hành sáu ba-la-mật, sẽ không thể chứng ngộ, và do đó nên theo con đường Tiểu Thừa mới dễ dàng đi tới giải thoát, thì như vậy là vi phạm giới nguyện chính này.

13. Làm cho người khác từ bỏ giải thoát cá nhân. Không được làm cho người khác từ bỏ giới nguyện giải thoát cá nhân của họ, dù là giới nguyện của Tỳ-kheo, của Sa-di hay của Cư sĩ, hoặc Thập thiện giới. Không nên nói với họ rằng đó là giáo lý Tiểu Thừa, không quan trọng đối với hành giả Ðại Thừa. Cũng không nên bảo người khác từ bỏ giới nguyện của họ như giới nguyện không uống rượu chẳng hạn hay những điều khác, vì cho rằng những giới nguyện đó thấp hơn giới nguyện Bồ Đề Tâm, và do đó không quan trọng. Nếu làm cho người khác từ bỏ những giới nguyện giải thoát cá nhân của họ, thì như vậy là vi phạm giới nguyện chính này.

14. Hủy báng Tiểu Thừa. Nếu nói xúc siểm Tiểu Thừa với ác ý, đặc biệt là khi có sự hiện diện của hành giả Tiểu Thừa, thì như vậy là vi phạm giới nguyện chính này. Có người nói: “Tiểu Thừa là thừa thấp kém, lại mất nhiều thời gian tu tập. Nên thực hành Ðại Thừa cao hơn, và Kim Cương Thừa chứng thành tựu hơn.” Ý kiến này không đúng vì đạo pháp Thanh Văn, Duyên Giác là tu hạnh xả ly dẫn tới giải thoát, vốn là điều căn bản của đạo pháp Ðại Thừa.

15. Nói dối là mình đã chứng ngộ Tánh Không. Dối rằng mình đã chứng ngộ sự vô tự tánh của các pháp là vi phạm giới nguyện chính này. Ðây là một lời nói dối đặc biệt, làm cho người khác tin rằng mình đã đạt sự thành tựu đặc biệt. Không cần phải nói rõ là mình đã đạt chứng nghiệm cao mới vi phạm giới nghiệm này, chỉ cần nói bóng gió là mình chứng ngộ cũng đủ vi phạm rồi. Ví dụ như nói với người khác rằng nếu họ thực hành theo lời hướng dẫn của mình thì họ cũng sẽ có đắc thần thông hay đại thành tựu.

Dù không hẳn thuộc về giới nguyện này, Đức Phật từng dạy rằng ngay cả khi đạt tri kiến Vô Thượng Bồ Đề hay Giải Thoát cũng không nên tiết lộ với người khác là mình đã chứng ngộ hay đạt thành tựu. Vì nói như vậy chỉ gây hiểu lầm và nghi ngờ. Người nghi ngờ sẽ cho là mình nói dối để được tiếng tốt, còn kẻ dễ tin thì mù quáng làm theo không suy xét phẩm chất những giáo lý của mình. Nói dối như vậy là việc làm nguy hại. Người Tây Tạng xem thường những kẻ khoe khoang về quyền năng hay thành tựu của mình. Họ chỉ kính trọng những hành giả thực sự khiêm cung về những thành tựu của mình, sống đời an tĩnh, đơn sơ, và tinh tấn thực hành giáo pháp

16. Thu giữ tài vật của Tam Bảo. Nếu thu giữ những tài vật đã được cúng dường cho Tam Bảo, hoặc bị mất cắp hoặc bị lấy đi để đưa cho mình thì như vậy là vi phạm giới nguyện chính này. Giới nguyện này cũng bao gồm cả việc vua, chúa, quan viên dùng địa vị và quyền lực để chiếm đoạt tài vật của Tam Bảo rồi đem cho một phần hay thu vén hết cả về cho mình. Thu nhận những tài vật như vậy là một hình thức kiếm sống không chân chính.

17. Ðem cho vật cúng dường thuộc về một hành giả. Nếu lấy vật cúng dường dành cho một hành giả ẩn tu thiền định, và do sân hận, đem vật đó cho người khác thực hành một pháp kém hơn, thí dụ như tụng niệm, làm cho thiền giả phải ngừng nhập thất vì không có sự trợ giúp bằng tài vật thì như vậy là vi phạm giới nguyện chính này.

18. Thối chuyển Bồ Đề Tâm. Nếu từ bỏ ý nguyện giải thoát hay ý nguyện làm lợi ích cho tất cả chúng hữu tình hoặc ý nguyện làm lợi ích cho một chúng sinh nào đó, thì như vậy là vi phạm giới nguyện chính này. Một khi đã phát nguyện cứu độ chúng sinh mà lại từ bỏ ý nguyện đó thì như vậy là bỏ rơi chúng sinh và đánh lừa chúng sinh. Thối chuyển Bồ Đề Tâm là phá hủy  nền tảng của việc tu tập Ðại Thừa của mình.

Nếu vi phạm giới nguyện thứ chín “tà kiến” hay giới nguyện thứ mười tám “thối chuyển Bồ Đề Tâm”, hành giả hoàn toàn vi phạm Bồ Đề Tâm nguyện. Còn khi vi phạm một trong những giới nguyện chính khác thì phải có bốn nhân tố để cấu thành sự vi phạm Bồ Đề Tâm nguyện. Bốn yếu tố này không thuộc riêng giới nguyện Bồ Đề Tâm. Nếu không có một trong bốn yếu tố này thì không có sự vi phạm hoàn toàn và cũng không có hành động xấu hoàn toàn. Bốn yếu tố này góp phần vào việc tạo nghiệp xấu. Ác nghiệp càng nặng hơn khi càng có nhiều nhân tố này, và sẽ trở thành nặng nhất khi cả bốn nhân tố đó đều có mặt cùng lúc.

Bốn nhân tố ấy là:

  1. Không thấy hành động là tội lỗi.
  2. Không từ bỏ ý định thực hiện hành động xấu đó.
  3. Hài lòng và vui thú với hành động xấu đó.
  4. Không hổ thẹn vì hành động xấu đó.

Nếu vi phạm một trong mười tám giới nguyện chính, trừ giới nguyện thứ chín và thứ mười tám, người phạm lỗi có thể thành tâm sám hối, hay đảo ngược bốn nhân tố, thì Bồ Đề Tâm nguyện không bị vi phạm hoàn toàn. Khi đã phát Bồ Đề Tâm, hành giả nên giữ trọn những giới nguyện này. Nếu lỡ phạm, nên sám hối và tác pháp tịnh hóa ngay. Như vậy, việc trưởng dưỡng Bồ Đề Tâm không bị gián đoạn.

Mười tám giới nguyện chính và bốn mươi sáu giới nguyện phụ là phương tiện để phát Bồ Đề Tâm và tránh thối chuyển Bồ Tát Ðạo. Vì vậy những giới nguyện này là nguồn gốc của hạnh phúc và là cách tránh những hành động gây tổn hại cho chúng sinh.

Đạo sư Tịch Thiên (Shantideva)