Shar Khentrul Rinpoche

Shar Khentrul Rinpoche chia sẻ về “Tinh thần bất bộ phái (Rime’) “

Trong buổi họp mặt thân mật với các anh chị em Viet Nalanda và thân hữu tại Quận Cam, California vào ngày 12/9/2018, Shar Khentrul Rinpoche  đã chia sẻ như sau về một câu hỏi liên quan đến tinh thần bất bộ phái (Rime’):

Tinh thần bất bộ phái ở đây là một sự kính trọng đồng đẳng với tất cả các thừa, các nền tôn giáo, các truyền thống tu tập và sự kính trọng đồng đẳng đối với các đạo sư từ tất cả các thừa,  các nền tôn giáo và các truyền thống khác nhau. Lẽ dĩ nhiên, có quá nhiều giáo giáp, làm sao mình có thể học cho hết được? Không thể học cho hết được, nhưng bạn có thể học những gì trong khả năng, trong nhân duyên của bạn và rút tỉa ra những điều hay ho, sau đó, bạn sẽ tìm được một giáo pháp mà bạn có sự kết nối sâu đậm nhất và bạn có thể tiếp tục đi theo giáo pháp đó cho đến ngày thành tựu viên mãn. Nhưng đó không có nghĩa là bạn sẽ coi thường hay kỳ thị hay xa lánh những truyền thống khác.

Bản thân tôi đã tu học với rất nhiều đạo sư từ hai dòng Gelug và Nyingma và đã ở tu học ngay tại các tự viện của hai dòng này. Sau đó tôi cũng đã bỏ thời gian học hỏi rất nhiều từ các đạo sư của hai dòng Sakya và Kagyu tuy rằng tôi không lưu lại tại các tự viện đó. Rốt ráo, tôi đã tìm được đến với dòng Jonang, là một dòng truyền thừa theo tinh thần bất bộ phái và là dòng chuyên tu về pháp Kalachakra (Thời Luân). Tôi đã nhập thất ẩn tu pháp môn Kalachakra trong nhiều năm trời cùng với môt nhóm hành giả chuyên tu Kalachakra, và sau đó tôi cũng đã ẩn cư môt mình tiếp tục tu tập pháp môn này. Tuy vậy, tinh thần bất bộ phái trong tôi vân không bao giờ suy suyễn.

Tôi cảm thấy hơi lạ lùng khi tôi nghe nói có bạn lại lo sợ rằng nếu học với nhiều thầy thì có nghĩa là phản bội vị thầy gốc của mình, phản bội dòng truyền thừa của mình. Tại sao bạn lại nghĩ như vậy? Đạo sư của bạn có phải là một đạo sư chân chính không? Nếu đạo sư của bạn là một đạo sư chân chính thì mục tiêu duy nhất trong cuộc đời của vị ấy là gì? Là làm sao có thể giúp được cho đệ tử và chúng sinh đạt được giải thoát giác ngộ. Đó là mục tiêu duy nhất, là làm sao thấy được đệ tử của mình được giải thoát bằng bất cứ giá nào. Vậy nếu đệ tử cảm thấy là chưa hoàn toàn 100% tìm ra đúng con đường giải thoát phù hợp với căn cơ của mình và muốn đi tìm tòi học hỏi thêm các chân lý khác để giúp cho việc đạt ngộ giải thoát của họ thì đó là việc rất tốt thôi.

Còn bạn, dù là bạn đang học tập với ai thì bạn có thấy là bạn đang học tập tu tập chánh pháp thanh tịnh hay không?  Nếu bạn đang học tập chánh pháp thanh tịnh thì làm sao gọi là phản thầy, phản dòng truyền thừa được? Bạn chỉ phản bội thầy và phản bội dòng truyền thừa của bạn khi nào bạn  không tu đúng chánh pháp thôi.

Tôi có viết một quyển sách tên là Ocean of Diversity (Đại Dương của Sự Đa Dạng), trình bày về tất cả các nền tôn giáo khác nhau trên khắp thế giới, về Phật đạo, về các truyền thống và các trường phái  của Phật Giáo tây Tạng. Lúc đầu tôi chỉ viết về các trường phái chính yếu của Tây Tạng thôi. Sau đó tôi đưa cho Đức Đạt Lai Lạt Ma xem. Ngài hoan hỷ lắm, rồi ngài bảo tôi là ông nên nới rộng ra và viết cả về những nền tôn giáo khác nhau trên địa cầu và về cả khoa học nữa. Ngài khuyến khích tôi hãy viết bằng một cái nhìn “hoàn vũ, nới rộng đến toàn cầu. Thế nên tôi đã làm theo lời ngài. Sự đa dạng không phải là để chia chẻ chúng ta mà đó là một năng lực mạnh mẽ để đem chúng ta lại với nhau và cho chúng ta cơ hội học hỏi lẫn nhau.

Shar Khentrul Rinpoche khai thị

Quận Cam, California – Sept. 12, 2018

Tâm Bảo Đàn dịch và ghi chép

** Link của các sách do Khentrul Rinpoche biên soạn và có thể thỉnh trên trang Amazon.

** Câu chuyện cuộc đời Shar Khentrul Rinpoche: http://khentrulrinpoche.com/about/khentrul-rinpoche/#story-1003