latma-hungkar-5

Chúng ta phải có nhiều lòng tin hơn vào Pháp Phật

Thầy đã có khá nhiều buổi giảng trong chuyến đi này và các bạn cũng đã nghe nhiều rồi, vậy nên chắc Thầy không phải nhắc lại quá nhiều nữa. Thầy hi vọng rằng các bạn đã nghe rồi và sẽ không quên.

Nghe Pháp là quan trọng. Nhưng ghi nhớ trong tâm lời Pháp nhũ còn quan trọng hơn. Và đưa lời dạy vào thực hành mới là quan trọng nhất. Nếu không thực hành, nếu không ghi nhớ lời dạy trong tâm thì nghe Pháp cũng vô ích. Vậy nên cái thực sự có ích, thực sự có ý nghĩa chính là đưa tất cả vào hành động, vào thực hành. Tuy chúng ta gọi thời đại này là thời mạt pháp nhưng có điều đặc biệt tốt lành ở thời đại này; chẳng hạn như cơ hội để học Pháp có nhiều hơn trước.

Trong quá khứ để học giáo lí bạn phải học từ ai đó, bạn phải theo một vị Thầy suốt một thời gian dài. Ngày nay chúng ta không phải làm như thế nữa; ngày nay có rất nhiều điều kiện thuận lợi để học Pháp. Chúng ta có nhiều kinh sách Phật giáo hơn và bạn có thể học qua mạng Internet. Tóm lại điều kiện học Pháp ngày nay thuận lợi hơn trước rất nhiều. Vì vậy, chúng ta không thể viện lí do để thanh minh rằng mình không có điều kiện để học giáo lý.

Trong quá khứ đôi khi giáo lý không được truyền cho đại chúng và người tu muốn thọ nhận giáo lý phải gặp rất nhiều khó khăn. Trong quá khứ, để có được chút giáo lý người đệ tử phải trải qua rất nhiều khó khăn, thử thách cam go, phải hội đủ những điều kiện, nền tảng căn bản rất tốt để thọ pháp. Tuy nhiên ngày nay, việc truyền pháp mở rộng cho mọi người và vì vậy chúng ta có nhiều cơ hội hơn. Người tu có nhiều cơ hội để gặp các Đạo sư và thọ nhận những giáo lý khác nhau từ các bậc Thầy chân tu. Vì vậy, có thể nói rằng đây là một thời đại tốt lành để chúng ta có thể học giáo lý đầy đủ.

Nhiều người trong số các bạn đã nghe về đạo sư vĩ đại Milarepa, nhiều người đã đọc tiểu sử của Ngài. Vì vậy chắc các bạn hiểu Ngài đã phải trải qua vô vàn gian khó như thế nào để thọ nhận giáo lý chân truyền, thậm thâm vi diệu từ Guru của Ngài. Và có nhiều bậc Đạo sư cũng đã phải trải qua vô vàn gian nan, thừ thách như Đức Milarepa. Như vậy để thọ nhận giáo lý chân truyền thậm thâm người tu phải trải qua nhiều khó khăn. Người tu phải chấp nhận nhiều điều kiện, thử thách.

Giáo lý Phật và việc tu hành chỉ có kết quả tốt với những đệ tử có căn cơ phù hợp. Nhiều người thực sự chưa đủ căn cơ bởi do họ không đủ tâm thành tín, không đủ hiểu biết, không đủ trung thực, và không đủ tinh cần. Chính vì lí do này mà đôi lúc việc tu hành không tiến triển tốt như chúng ta trông đợi. Lí do là vì việc tu đạo phụ thuộc vào những nhân và duyên. Thành quả của việc tu hành, lực gia trì của Pháp Bảo phụ thuộc vào nhiều nhân và duyên.

Lần này Thầy muốn nhắc lại một số điểm quan trọng cần phải có để việc tu của ta được kết quả tốt đẹp. Và những điều kiện cần thiết để thực hành giáo lý thành công, để người tu đạt được kết quả tốt là: thứ nhất, đức tin chân thật và tâm tín thành, tận tụy. Tiếp đó là nỗ lực tinh tấn và sự hiểu biết, kiến thức. Chúng ta thường nghĩ rằng sự hiểu biết, kiến thức là điều kiện đầu tiên và điều đó hoàn toàn đúng. Khi chúng ta không có hiểu biết, kiến thức thì chúng ta không biết phải thực hành thế nào phải tu thế nào, vì vậy sẽ rất khó để tu hành có kết quả tốt. Tuy nhiên cái thực sự làm cho việc tu hành có được kết quả như ý lại là lòng tin vì vậy chúng ta phải tự xem xét lòng tin của mình, tâm tín thành, tận tụy của mình. Nó có trong chân thật hay không, có trong sáng hay không, có đủ mạnh hay không, có vững chắc hay không. Đó là điều quan trọng mà Thầy phải nhắc lại hôm nay với các bạn.

Tuy nhiên lòng tin được đặt trên nền tảng của trí tuệ là điều thậm chí còn quan trọng hơn. Cần phải tin vào giáo lý chân thật của Phật. Không nên tin vào bất cứ ai một đó khi chưa có đủ quán chiếu thật rõ ràng tại sao lại tin và tại sao lại chấp nhận. Ngày nay nhiều người có tín tâm nhưng không có mấy sự hiểu biết, vì vậy mà họ hay mắc sai lầm. Chính vì lí do này mà Đức Phật thường đạy rằng trước hết phải học hành, phải nghiên cứu, phải tư duy quán chiếu đã, rồi sau đó mới đặt lòng tin vào ai đó. Tuy nhiên, thường có kẻ không nắm vững giáo lý, không tu hành tử tế, không có một nền tảng căn bản, thế nhưng vẫn có người, do không học Pháp, không hiểu Pháp nên cứ tin vào họ. Đây là một tình trạng thật sự nguy hiểm.

Những yếu tố mà Thầy nhắc tới ở trên là rất quan trọng và cần thiết đối với người tu. Vậy xin hãy ghi nhớ trong tâm và cố gắng hiểu rõ ý nghĩa của chúng: trước hết là đức tin và tâm chí tín thành, tận tụy. Có nhiều trình độ cao thấp khác nhau của lòng tin, của tâm chí tín thành. Lòng tin mà chúng ta cần trưởng dưỡng phải thực sự đặt trên nền tảng của hiểu biết đúng đắn, học hành đầy đủ. Lòng tin như vậy rất bền vững, không thối chuyển. Chúng ta có lòng tin loại này bởi vì chúng ta có những lý lẽ rất chân xác. Tóm lại, lòng tin phải mạnh mẽ nhưng nó phải dựa trên nền tảng trí tuệ.

Mặt khác, khi có kiến thức, hiểu biết nhưng không có đủ lòng tin thì việc tu cũng không có kết quả tốt. Có nhiều người học rộng biết nhiều nhưng không thể thành tựu trên đường tu. Vì vậy, chúng ta nói rằng yếu tố quan trọng nhất quyết định thành công của việc tu hành là lòng tin. Khi một người biết Pháp nhiều nhưng không có đủ lòng tin vào Pháp Phật thì người đó, do hiểu biết nhiều, sẽ sinh tâm cống cao ngã mạn, thường chê bai phê phán người khác, và là kẻ gây nhiều chuyện bất hòa, người đó thường sinh tâm ganh ghét đố kị với người khác. Vì vậy, tâm chí tín thành là yếu tố chính giúp ta giảm đi những tiêu cực phiền não trong tâm. Khi một người vừa có hiểu biết Phật pháp lại có tâm tín thành, tận tụy thì người đó chắc chắn sẽ rất khiêm tốn, hiền hòa, rất trung thực và từ ái; bởi nhờ có tâm chí tín thành, người đó thực hành giáo lý một cách chân thành, trung thực. Vậy là chúng ta có thể thấy sự khác nhau giữa lòng tin và kiến thức, hiểu biết. Ta cũng thấy được tầm quan trọng của lòng tin, tấm chí tín thành. Vậy xin các bạn hãy ghi nhớ tất cả trong tâm.

Khi không có đủ tâm thành tín chúng ta nói: Đức Phật, hay Guru của tôi, nói như vậy NHƯNG … chúng ta luôn nói NHƯNG. Khi có đủ lòng tin thì sẽ không có chữ NHƯNG, không có sự nghi ngờ trong tâm ta. Ví dụ, Phật luôn nói về vô thường và nhắc nhở không nên lười biếng. Nhưng chúng ta vẫn lười biếng. Chúng ta không nhớ nghĩ về vô thường. Đâu phải vì chúng ta không biết, không hiểu. Chúng ta biết rõ, nhưng chúng ta thường quên, không nhớ. Tại sao vậy? Tại vì chúng ta không thật sự đặt lòng tin vào lời Phật dạy. Chúng ta không có đủ lòng tin. Do đó, Thầy nói rằng tâm chí tín thành, tận tụy là nhân, là duyên chính yếu làm nên một hành giả lớn.

Đức Phật luôn nhắc chúng ta rằng vạn pháp là vô thường. Không có gì trên đời mà ta có thể nắm giữ mãi. Tất cả đều dời đổi. Vì vậy hãy rất cẩn trọng. Đừng đặt quá nhiều chú tâm, đừng đặt quá nhiều lòng tin vào những thứ bên ngoài, bởi vì chúng luôn luôn dời đổi. Chúng chắc chắn sẽ thay đổi. Hiện chúng đang lừa phỉnh bạn. Nếu bạn tin chúng thì chúng sẽ lừa dối bạn. Chúng sẽ không như vậy mãi theo cách mà bạn mong cầu. Chúng chắc chắn sẽ thay đổi. Vì vậy Phật luôn nhắc chúng ta đừng tham dục quá nhiều, đừng bám chấp vào những thứ bên ngoài. Thế nhưng chúng ta vẫn cứ tham, vẫn cứ bám. Tại sao vậy? Bởi vì chúng ta không tin lắm vào giáo lý của Phật. Chúng ta không học hành giáo lý, chúng ta không tư duy đầy đủ, chúng ta không công phu hành trì một cách chân thật và đúng đắn. Chính vì lẽ đó tất cả những gì chúng ta nghe chỉ dừng lại ở lời nói. Chỉ là câu chữ mà thôi. Vì vậy, như Thầy đã nói ở trên đôi khi việc tu hành không đem lại kết quả tốt cho chúng ta. Do chưa hội đủ những phẩm chất cần thiết của người tu nên chúng ta chưa thể nhận được sức mạnh, chưa nhận được lực gia trì của Pháp Phật.

Thầy nghĩ rằng chúng ta cần có nhiều kiến thức, cần học giáo lý nhiều hơn. Và điều quan trọng nhất là chúng ta phải có nhiều lòng tin hơn vào Pháp Phật, vào giáo lý của Phật để chúng ta có thể trở thành một hành giả, một đệ tử chân truyền của Phật.

Đức Hungkar Dorje Rinpoche