Dai-de-tu-phat-800x445

Theo chân Thầy

Hỡi thiện nam tử, con phải nghĩ rằng chính mình đang bị bệnh… 

Đây là câu đầu tiên khởi đầu cho một loạt các ẩn dụ được nhắc tới trong [một phẩm trong] Kinh Hoa Nghiêm. Những bệnh nhân tự đặt mình dưới sự chăm sóc của một vị y sĩ khéo léo. Những lữ khách trên con đường nguy hiểm đặt niềm tin nơi những người bảo vệ can trường. Đối mặt với hiểm nguy từ những quân thù, kẻ trộm cướp, hay dã thú…, người ta mong đợi có một người bạn đồng hành để được bảo vệ. Những thương nhân vượt đại dương hướng tới đất liền giao phó thân mạng của mình cho vị thuyền trưởng. Những lữ khách dùng thuyền phà qua sông giao phó bản thân cho thuỷ thủ. Cũng thế, để được che chở trước cái chết, trước sự tái sinh trong luân hồi và trước những cảm xúc ô nhiễmchúng ta phải đi theo chân một vị Thầy, một thiện hữu tri thức

Như bệnh nhân nương cậy nơi thầy thuốc,  
Lữ khách nương cậy người bảo vệ 
Kẻ khiếp sợ nương cậy bạn đồng hành 
Thương nhân nương cậy nơi thuyền trưởng,  
Và khách qua sông nương cậy người lái đò –  
Nếu sinh tử và cảm xúc ô nhiễm là kẻ thù mà bạn sợ hãi 
Hãy giao phó chính bạn cho một vị Thầy.

Một đệ tử can đảm được trang bị đầy đủ bằng lòng quả quyết sẽ không bao giờ làm Thầy phiền lòng, cho dù phải trả giá bằng cuộc đời của họ. Tâm họ kiên cố tới nỗi không bao giờ bị lay động trước những hoàn cảnh khắc nghiệt, họ phụng sự Thầy mà không cần quan tâm tới sức khỏe hay mạng sống của mình, và tuân thủ mọi huấn lệnh của Thầy không thiếu một điểm nào vào quy ngưỡng Thầy. 

Những người được trang bị đầy đủ và có lý trí kiên định 
Phụng sự Thầy mà không màng đến sức khỏe hay mạng sống của mình,  
Tuân theo những giáo huấn của Ngài không màng tới bản thân 
Sẽ được giải thoát chỉ nhờ năng lực của lòng quy ngưỡng

Để theo chân vị Thầy, bạn phải có nhiều lòng tin nơi Ngài tới nỗi bạn xem Ngài đích thật là một vị Phật. Bạn phải có sự phân định và thấu suốt giáo lý tới nỗi bạn có thể nhận ra được trí tuệ ẩn tàng dưới những hành động thiện xảo của Ngài, và nắm bắt bất kỳ những gì Ngài truyền dạy cho bạn. Bạn phải cảm thấy lòng bi mẫn bao la đối với tất cả những ai đang đau khổ vì không được che chở. Bạn phải tôn kính những giới nguyện và mật nguyện mà đạo sư dạy bạn phải giữ gìn, và phải an định và tự chủ trong mọi hành vingôn ngữ và tư tưởng của bạn. Quan điểm của bạn phải rộng lớn tới nỗi có thể chấp nhận bất kỳ những gì Thầy và những thiện hữu tri thức có thể làm. Bạn phải quảng đại rộng rãi tới nỗi có thể cúng dường Thầy bất kỳ những gì bạn sở hữuNhận thức của bạn về tất cả mọi sự phải thanh tịnh, tránh chỉ trích và để cho bị nhiễm ô. Bạn phải tự chế không làm bất kỳ điều ác hại hay bất thiện nào, và e sợ khi làm Ngài không hài lòng

Hãy có niềm tin, sự phân định, hiểu biết và lòng bi mẫn lớn lao.  
Hãy tôn kính giới nguyện và mật nguyện.  
Hãy làm chủ thân, khẩu, ý.  
Hãy khoáng đạt và quảng đại 
Hãy có thị kiến thanh tịnh và một ý thức tự chế. 

Kinh Hoa Nghiêm và những bản văn khác cũng dạy rằng khi theo chân một vị Thầy, chúng ta phải giống như con ngựa hoàn hảo, luôn luôn hành động phù hợp với ý muốn của Ngài trong mọi tình huống, khéo léo tránh làm tất cả những việc gì có thể khiến Ngài phật lòng, và không bao giờ giận dữ hay phẫn uất ngay cả khi bị Ngài quở trách nặng nề. Giống như một con thuyền, chúng ta không nên mỏi mệt khi tới lui mang những thông điệp hay làm những công việc khác để phục dưỡng Ngài. Giống như một cây cầu, không gì mà chúng ta không thể đảm đương dù những nhiệm vụ Ngài yêu cầu chúng ta làm có dễ chịu hay không. Giống như một cái đe thợ rèn, chúng ta phải chịu đựng nóng, lạnh và mọi nỗi gian khó khác. Giống như một người hầu, chúng ta tuân theo mọi mệnh lệnh của Ngài. Giống như một người phu quét đường, đừng bao giờ kiêu căng mà hãy giữ vị trí thấp nhất. Giống như một con bò bị gẫy sừng, chúng ta nên từ bỏ kiêu mạn và hãy kính trọng mọi người

* Trong chế độ giai cấp của Ấn Độ, người phu quét đường ở trong một giai cấp xã hội thấp nhất, và buộc phải hành xử một cách (thấp kém) rất chênh lệch so với những giai cấp khác. 

Hãy khéo léo đừng bao giờ làm phật lòng Thầy,  
Đừng phẫn uất vì bị Ngài khiển trách, hãy như con ngựa hoàn hảo 
Như một con thuyền, đừng bao giờ mệt mỏi khi qua lại.  
Hãy chịu đựng tất cả những gì xảy đến, dù xấu hay tốt, giống như một chiếc cầu.

Hãy chịu đựng nóng, lạnh và bất kỳ gian khó nào khác, như một cái đe.  
Hãy tuân theo mọi mệnh lệnh của Ngài, giống như một người hầu.  
Hãy vứt bỏ mọi sự tự phụ, như một người phu quét đường 
Và thoát khỏi mọi kiêu mạn, như con bò gãy sừng.  
Tam Tạng Kinh điển đã nói rằng đó là cách thức để theo chân Thầy. 

Có ba cách làm hài lòng Thầy và phụng dưỡng Ngài. Cách tốt nhất được biết đến là cúng dường công phu hành trìbao gồm việc đưa vào thực hành bất kỳ điều gì Ngài đã dạy bảo với sự quyết tâm bất chấp mọi gian khổ. Cách thức trung bình là phụng dưỡng bằng thân, khẩu, có nghĩa là hầu cận Ngài và thực hiện bất kỳ những gì Ngài muốn bạn làm xuyên qua thân, khẩu, hay ý. Cách thấp nhất là cúng dường vật chất, có nghĩa làm Thầy của bạn vui lòng bằng cách dâng lên Ngài của cải vật chấtthực phẩm, tiền bạc, v.v.. 

Của cải bạn có thể có, hãy cúng dường cho đệ Tứ Bảo,* 
Tôn kính và phụng dưỡng Ngài với thân và ngữ, 
Cả ba phương cách này, không hề có cách nào là lãng phí 
Nhưng trong ba cách làm Ngài hoan hỉcông phu thực hành là tuyệt vời nhất.  
* Vị Thầy, hiện thân của Tam Bảo, được xem như là viên ngọc quý thứ tư – đệ Tứ Bảo

Cho dù vị Thầy có thể hành xử một cách khó hiểu như thế nào chăng nữa thì bạn hãy luôn luôn duy trì một tri kiến thanh tịnh, và hãy nhận thức ra rằng cách hành xử của Ngài chính là những phương pháp thiện xảo

Đại học giả Naropa đã là một học giả uyên thâm và đại thành tựu giả. Nhưng Bổn Tôn của Ngài bảo Ngài rằng vị Thầy trong những đời trước của Ngài là Ngài Tilopa vĩ đại, và Naropa nên đi tới miền đông Ấn Độ để tìm gặp Thầy mình. Naropa lập tức lên đường, nhưng khi tới miền Đông Ấn thì Ngài không biết phải tìm Tilopa ở đâu. Ngài hỏi những người dân địa phương nhưng họ cũng không biết. 

“Trong vùng này, có ai tên Tilopa không?” Ngài nài nỉ

“Có một người tên là Tilopa thuộc Tiện Cấp (giai cấp bần cùng nhất), hay là Tilopa Hành Khất.” 

Naropa nghĩ, “Công hạnh của những bậc thành tựu thì không thể nghĩ bàn. Chắc hẳn đây là Ngài rồi.” Ngài bèn hỏi Tilopa Hành Khất sống ở đâu. 

“Ở bức tường đổ đằng kia, nơi có khói bốc lên,” họ trả lời

Khi đến nơi được chỉ thì Ngài thấy Tilopa ngồi trước một cái chậu gỗ đựng cá, một số con còn sống và một số đã chết. Tilopa lấy một con cá đem nướng, và cho vào miệng, trong khi búng những ngón tay. Naropa đảnh lễ và xin Tilopa nhận Ngài làm đệ tử

“Ông nói gì?” Tilopa nói. “Ta chỉ là một kẻ hành khất!”. Nhưng Naropa nài nỉ nên Tilopa nhận Ngài. 

Lúc đó Ngài Tilopa giết những con cá hoàn toàn không phải vì Ngài đói hay không tìm được thứ gì khác để ăn. Loài cá hoàn toàn vô minh không biết điều gì nên làm và điều gì nên tránh, là những sinh vật có nhiều hành vi bất thiện, và Tilopa có năng lực giải thoát chúng. Khi ăn thịt cá, Tilopa đã nối kết được với tâm thức của chúng; nhờ đó Ngài có thể chuyển thức của chúng vào cõi Phật thanh tịnh. [1] Tương tự, Ngài Saraha làm thợ rèn mũi tên, Savaripa là một thợ săn, và phần lớn những thành tựu giả vĩ đại khác của Ấn Độ cũng đã chấp nhận những cách sống rất thấp kém, thường là trong đẳng cấp bần cùng nhất. Do vậy, điều quan trọng là ta không cho rằng bất kỳ hành động nào của Thầy ta là sai lạc; hãy tu tập bản thân để chỉ có tri kiến thanh tịnh

[1] Việc búng những ngón tay là một phần của pháp chuyển di tâm thức của những chúng sinh khác vào một cõi tịnh độ. Pháp thực hành chuyển di tâm thức (‘pho-ba) được giảng dạy trong Phần Ba của tập sách này.

[2] Pitakas: ba phân loại trong những giáo lý của Đức Phật. Xem Tripitaka (Tam Tạng) trong phần Thuật Ngữ

Đừng ngộ nhận hành động của vị Thầy.  
Hầu hết những thành tựu giả Ấn Độ đã sống  
Như những kẻ dung tục làm điều ác, thuộc giai cấp cùng đinh  
Còn tệ hại hơn cả những kẻ bần cùng nhất trong giai cấp bần cùng. 

Những kẻ không biết đến điều này, tiếp tục ngộ nhận và chỉ trích những gì Thầy của họ làm, thì như Kinh văn có nói, họ sẽ tìm thấy ra lỗi lầm ngay cả trong một vị Phật nếu họ sống với Ngài trong một thời gian đủ dài lâu. 

Nhà sư Sunaksatra là anh em cùng cha khác mẹ của Đức Phật. Ông đã phụng dưỡng Đức Phật trong hai mươi bốn năm ròng, và thuộc lòng tất cả mười hai loại giáo lý trong Tam Tạng kinh điển. Nhưng ông ta lại cho rằng tất cả những gì Đức Phật làm là giả dối, và cuối cùng đi đến kết luận sai lầm là giữa ông ta và Đức Phật không có gì khác biệt. 

Ngoại trừ vầng hào quang rộng sáu bộ quanh Ngài,  
Suốt hai mươi bốn năm làm thị giả, tôi chưa từng thấy trong  
Ngài những tánh đức đặc biệt nào, ngay cả chỉ đáng bằng một hạt mè.  
Về Giáo Pháp, tôi cũng biết nhiều như Ngài – nên tôi sẽ chẳng làm thị giả cho Ngài nữa! 

Nói như thế xong, ông ta bỏ đi. Sau đó, Ngài Ananda trở thành thị giả riêng của Đức Phật. Ngài hỏi Phật rằng Sunaksatra sẽ tái sinh ở đâu. 

“Trong thời gian một tuần,” Đức Phật trả lời, “Sunaksatra sẽ chết và tái sinh làm một ngạ quỷ trong một vườn hoa.” 

Ngài Ananda đến gặp Sunaksatra và thuật lại những gì Đức Phật đã nói. Sunaksatra tự nghĩ: “Đôi khi những lời dối trá đó của Đức Phật trở thành sự thật, vì thế tốt hơn hết là ta phải hết sức thận trọng trong bảy ngày. Đến cuối tuần ta sẽ bắt ông ta nuốt lại những lời này.” Ông ta chay lạt trong một tuần. Vào buổi chiều của ngày thứ bảy, ông cảm thấy họng rất khô nên uống một ít nước. Nhưng nước uống vào không tiêu được nên ông ta chết và bị tái sinh làm một ngạ quỷ trong vườn hoa với đầy đủ chín dị tướng xấu xí

Bất cứ khi nào bạn nhận thấy những lỗi lầm trong bất kỳ điều gì vị Thầy siêu phàm của bạn làm thì bạn phải tự cảm thấy ngượng ngùng và xấu hổ một cách thật sâu sắc trong lòng. Hãy quán chiếu rằng chính cái thấy của tâm thức bạn là bất tịnh, và tất cả mọi hành động của Ngài đều không có tì vết và không sai trái; hãy làm cho tri kiến thanh tịnh này trở nên vững chắc và làm tăng trưởng tín tâm của bạn. 

Chưa làm chủ được những tri kiến riêng,  
Mà tìm kiếm những lỗi lầm nơi người khác,  
Đây là một sai lầm vô hạn.  
Mặc dù thuộc lòng mười hai loại giáo lý 
Tỳ kheo Sunaksatra bị năng lực của cái ác chế ngự 
Và nhìn thấy hành động của Đức Phật là giả dối 
Hãy cẩn thận suy ngẫm về điều này và chỉnh sửa bản thân. 

Khi vị Thầy có vẻ giận dữ với bạn thì bạn không được tức giận. Thay vào đó, hãy tự nhắc rằng hẳn là Ngài đã thoáng nhận ra một lỗi lầm nào đó trong bạn và qua cơn thịnh nộ của Thầy thì hãy thấy rằng đây là lúc để chỉnh sửa lỗi lầm của mình. Khi cơn giận của Ngài giảm đi, hãy tới sám hối những lỗi lầm của bạn và hứa với Ngài là bạn sẽ không tái phạm nữa. 

Nếu Thầy của bạn nổi cơn thịnh nộ, hãy kết luận rằng  
Ngài đã nhìn thấy một lỗi lầm trong bạn.  
Đã tới lúc phải sửa sai bằng lời khiển trách của Ngài.  
Hãy sám hối và nguyện không bao giờ tái phạm 
Như thế, người minh trí sẽ không rơi vào ảnh hưởng của Ma vương

Khi có mặt Thầy thì thay vì cứ ngồi yên vị, hãy lập tức đứng lên bất cứ khi nào Ngài còn đứng. Khi Ngài ngồi xuống, hãy vấn an sức khoẻ của Ngài. Khi bạn nghĩ có thể Ngài cần một điều gì đó, ngay lập tức hãy đem lại những gì làm Ngài vui lòng

Khi làm một thị giả đi theo vị Thầy, hãy tránh đừng đi phía trước Ngài bởi như thế bạn sẽ quay lưng của bạn lại với Ngài. Tuy nhiên không nên đi phía sau Ngài vì bạn có thể đạp lên dấu chân Ngài. *Bạn cũng không nên đi phía bên phải Ngài, vì đó là vị trí dành cho sự tôn kính. Thay vào đó, hãy kính cẩn đi bên trái và hơi lui lại phía sau Ngài. Nếu đường đi có nguy hiểm, thì lúc đó sẽ không có gì sai trái nếu bạn xin phép Ngài được vượt lên trước. 
* Bởi vị Thầy tâm linh được xem là một vị Phật nên nơi nào Ngài bước chân lên (in dấu chân của Ngài) thì nơi đó được gia hộ

Đối với toà ngồi và chỗ giảng dạy của Ngài, đừng bao giờ dẫm lên tấm nệm và không được leo lên, hoặc cưỡi ngựa của Ngài. Không nên đóng hay mở cửa mạnh tay; hãy làm nhẹ nhàng. Hãy hạn chế tất cả mọi biểu lộ phù phiếm hay bất mãn khi có mặt Ngài. Cũng tránh nói lời dối trá, thiếu cân nhắc hay nói những lời không thành thật, cười giỡn, làm trò hề, và nói chuyện vãn không cần thiết hay không thích hợp. Hãy học cách cư xử trong một thái độ tự chế, đối xử với Ngài bằng lòng tôn kính, và không bao giờ buông thả tùy tiện. 

Không nên ngồi yên khi Thầy đứng dậy 
Khi Ngài ngồi, hãy quan tâm đem lại mọi thứ Ngài cần.  
Không nên đi bộ phía trước, phía sau hay bên phải Ngài.  
Không tôn kính cương ngựa hay toà ngồi của Ngài sẽ khiến công đức của bạn bị hao tổn 
Không nên đóng sầm cửa; đừng ra vẻ tự phụ hay cau có 
Tránh nói dối, cười đùa, nói năng thiếu thận trọng và không chính đáng 
Hãy phụng dưỡng Ngài với sự điềm tĩnh, chuẩn mực của thân, khẩu, ý. 

Nếu có người chỉ trích hay thù ghét Thầy của bạn thì không nên cư xử với họ như những người bạn. Nếu bạn có khả năng thay đổi thái độ của bất cứ những người nào không có niềm tin hay xem thường Thầy thì bạn nên kết bạn với họ. Nhưng nếu không thể làm được chuyện này thì hãy tránh nói chuyện quá cởi mở hay thân mật với những người như thế. 

Không nên làm bạn với những người chỉ trích, hay thù ghét Thầy của bạn.  
Hãy chuyển hoá tâm họ nếu bạn có thể.  
Nếu bạn trò chuyện thoải mái với họ,  
Ảnh hưởng mạnh mẽ của những hành động sai lầm của họ  
Sẽ làm tổn hại mật nguyện của riêng bạn. 

Dù có phải tốn nhiều thời giờ với giáo đoàn của Thầy hay với những huynh đệ, tỉ muội kim cương của bạn, thì cũng đừng bao giờ cảm thấy mệt mỏi buồn chán hay cáu kỉnh với họ, hãy dễ chịu thoải mái như một sợi dây lưng. Hãy kềm chế tánh tự tôn của bạn và hội nhập trong mọi hoạt độnghoà hợp dễ dàng như muối tan trong thức ăn. Khi người ta nói nặng lời hay gây chuyện với bạn, hoặc khi bạn phải đảm nhậm trách nhiệm quá lớn, hãy sẵn sàng chịu đựng bất cứ cái gì giống như một cột trụ. 

Giống như sợi dây lưng, hãy là một người bạn đồng hành dễ chịu 
Giống như muối, hãy dễ dàng hoà hợp 
Giống như cột trụ, hãy chịu đựng không mỏi mệt bất kỳ gánh nặng nào;  
Vì thế, hãy phụng dưỡng chư huynh đệ kim cương và các thị giả của Thầy

Đức Patrul Rinpoche
Việt dịch: Nhóm Longchenpa – Thanh Liên và Tuệ Pháp 

Hiệu đính sơ khởi (2006): Thanh Liên 

Hiệu đính toàn bộ (2008): Tâm Bảo Đàn với sự đóng góp của Từ Bi Hoa 

Trích: Lời vàng của Thầy tôi