Chín thái độ tôn kính vị Minh Sư

Kính thờ bậc Đạo sư có nghĩa là quý trọng Đạo sư như vị Phật. Theo lời dạy của Đức Phật Kim Cương Trì hay Đức Phật Thích Ca, luận lý và kinh nghiệm bản thân với vị Đạo sư, những đức tính đặc biệt mà các bạn nhận thấy nơi vị Đạo sư, các bạn luyện tâm để xem Đạo sư là Phật, không có lỗi lầm và đức hạnh hoàn toàn.  Các bạn phải kính tất cả các vị Đạo sư đã có mối liên hệ Đạo Pháp với các bạn như kính Phật. Thế nào là “có mối liên hệ Đạo Pháp”: Mối liên hệ Đạo Pháp được hình thành khi bạn kính Đạo sư là bậc Minh Sư và tự xem mình là đệ tử – mặc dầu có thể vị Đạo sư chỉ dạy một câu chú hay một câu kinh.  Tôn kính bậc Đạo sư đúng phép, tôn kính các thiện hữu tri thức đúng cách, tức là bạn đang bước trên con đường giải thoát, từ việc có được thân người cho đến khi rốt ráo thành Phật.

Các đức tính để dạy Phật Giáo Nguyên Thủy là Tam Học – Giới, Định và Huệ.  Để dạy pháp Đại Thừa, vị Đạo sư cần có mười đức tính được nêu rõ trong Kinh Di Lặc.

Bản văn “Thực hành Chín Thái Độ Tôn Kính vị Minh Sư” được Ngài Shabkar Tsogdrug Rangdrol viết. Ngài Lama Zopa Rinpoche dịch bản văn của Ngài Shabkar.

“Con nguyện Đạo sư cho phép con được cung kính phụng sự Đạo sư cho đến tất cả những đời sau.  Khi biết rằng nguồn gốc của hạnh phúc và đức hạnh là phụng sự vị Đạo sư đúng phép, con nguyện cung kính phụng sự Đạo sư, và cho dầu phải lìa bỏ thân mạng, con cũng không rời bỏ Đạo sư.  Khi nghĩ đến tầm quan trọng của vị Đạo sư giới đức kiêm ưu, con nguyện quy mạng Đạo sư.”

  1. Hãy là đứa con ngoan – vâng làm đúng theo lời dạy của vị Đạo sư.
  2. Cho dầu ma vương hay bạn xấu có chia rẽ bạn với vị Đạo sư, hãy đừng bao giờ lìa xa Đạo sư.
  3. Khi Đạo sư giao việc, cho dầu nặng nhọc đến mấy, hãy kiên nhẫn như đất và chịu đựng làm cho xong việc.
  4. Khi hầu Đạo sư, cho dầu có bị đau khổ, hãy bất động như núi, đừng chuyển lòng.
  5. Cho dầu phải nhận lãnh tất cả các công việc nặng nhọc, hãy như vị trung thần, hoàn thành tất cả công việc với tâm không dao động.
  6. Hãy từ bỏ thói kiêu mạn, hãy tự đặt mình thấp hơn vị Đạo sư.
  7. Cho dầu trách nhiệm có khó khăn nặng nhọc đến mấy, hãy như sợi dây, vui vẻ nắm giữ công việc của Đạo sư.
  8. Cho dầu vị Đạo sư có phê phán, chỉ trích hay không đoái hoài đến bạn, hãy như con chó trung thành, đừng bao giờ đáp lại bằng sự nóng giận.
  9. Hãy như chiếc thuyền, đừng bao giờ buồn khi đến hay đi cho Đạo sư.

Kính bạch vị Đạo sư cao quý, cúi xin Đạo sư chúc nguyện cho con được thực hành như vậy.  Từ rày về sau, trong tất cả các đời vị lai, con nguyện được hầu Đạo sư như vậy.”

Ngay lúc bạn quyết định tạo mối quan hệ Thầy trò, cung kính một bậc Đạo sư như là Minh sư của mình – cho dầu vị Đạo sư có giác ngộ hay không, có là vị Bồ tát hay không – vị Đạo sư trở thành người có quyền nhất trong cuộc đời của bạn, hơn cả các vị Phật và Bồ tát.  Do đó, mỗi việc bạn làm, cho dầu là dọn dẹp phòng Đạo sư, cũng tiêu nghiệp và đưa bạn đến gần sự liễu ngộ.  Như vậy, bạn hãy nhớ rằng mỗi lần bạn hầu Đạo sư, bạn đang tịnh tâm và đến gần sự giác ngộ.

Không hầu Đạo sư, cho dầu bạn có học bao nhiêu kinh điển đi nữa, tất cả ngôn từ đều khô khan.  Nhưng quý vị nào đã kính quý Đạo sư đến mức khi nhắc đến tôn danh của Đạo sư là rơi lệ, sẽ có khả năng thành tựu Bồ tát đạo, pháp Không và bất cứ việc gì khác không mấy khó khăn ngay trong cuộc đời này!

 Nguồn: Trích Lời dạy của Lama Zopa Rinpoche – từ Lama Yeshe Wisdom Archive