Noi gương chứng ngộ và công hạnh của vị Thầy

Khi bạn hoàn toàn thuần thục trong cách thức theo chân một vị Thầy, bạn phải giống như một con thiên nga lướt nhẹ nhàng trên mặt hồ tinh khiết, vui đùa trong nước mà không làm nước vẩn đục; hay giống như một con ong trong vườn hoa, hút mật từ những đóa hoa nhưng không làm tổn hại màu sắc hay hương thơm của chúng. Hãy làm bất cứ điều gì Ngài dạy bảo mà không bao giờ cảm thấy chán nản hay mệt mỏi. Hãy lãnh hội từ vị Thầy của bạn, và bằng niềm tin và sự kiên định, hãy quyết tâm thấm nhuần tất cả những phẩm tính trí tuệ, quán chiếu và thiền định của Ngài, giống như những gì chứa đựng trong một cái bình hoàn hảo được rót sang một chiếc bình khác. 

Giống như một con thiên nga bơi trên mặt hồ tuyệt hảo.  

Hay con ong nếm hưởng mật hoa,  

Không bao giờ phàn nàn, mà luôn luôn lãnh hội lời Ngài,  

Hãy luôn hầu hạ Thầy trong cung cách mẫu mực.  

Nhờ lòng sùng kính như vậy, bạn sẽ trực nghiệm tất cả mọi phẩm hạnh của Ngài. 

Bất cứ khi nào vị Thầy siêu phàm của bạn tích lũy được những cơn sóng phước tuệ vĩ đại qua những công hạnh Bồ Tát của Ngài, thì việc chính bạn tham gia vào công đức tích lũy công đức đó – bằng những phẩm vật cúng dường tối thiểu hay qua những nỗ lực của thân hay khẩu, hoặc thậm chí chỉ với vật cúng dường là tâm hoan hỷ của bạn trước sự việc nhỏ bé nhất mà Ngài đã làm – thì điều này cũng sẽ đem lại cho bạn nhiều công đức như những công đức đã phát sinh ra từ chính tác ý vô song của Ngài. 

Một lần kia có hai người du hành đến trung tâm Tây Tạng. Thực phẩm duy nhất của một trong hai người là một nhúm bột tsampa nâu làm bằng đậu. Ông ta đưa bột cho người bạn đồng hành, trộn nó với một số lượng rất nhiều bột tsampa làm bằng lúa mạch trắng của người kia. Vài ngày sau, người khá giả hơn trong hai người nói với bạn rằng: “Có lẽ bây giờ bột tsampa của anh đã hết.” 

“Hãy nhìn xem,” người kia nói. Họ nhìn thấy vẫn còn một ít bột tsampa làm bằng đậu. Mặc dù họ kiểm điểm nhiều lần, bột tsampa làm bằng đậu vẫn không hết, nên cuối cùng họ phải chia đều tất cả bột tsampa ra. 

Cũng thế, chỉ nhờ cúng dường một phần các đóng góp nhỏ bé cho những hành động thiện lành của người khác, hay bằng cách tham gia bằng thân hay khẩu, bạn cũng có thể đạt được nhiều công đức như họ. Đặc biệt hơn nữa, nếu bạn phụng dưỡngï cho những nhu cầu hàng ngày của Thầy, đi đưa tin cho Ngài hoặc thậm chí chỉ quét dọn phòng Ngài là cũng một cách tích lũy công đức không thể sai lầm; vì thế hãy nỗ lực làm những việc như vậy càng nhiều càng tốt trong khả năng của bạn. 

Mọi hành động phù hợp với mục đích của một vị thánh sư,  

Được thật sự tiến hành trong Bồ Đề Tâm hạnh,  

Sự tích lũy công đức và trí tuệ,  

Tất cả mọi nỗ lực phụng dưỡng Thầy, đưa tin, hoặc ngay  

cả quét dọn phòng Ngài,  

Tất cả sẽ trổ quả lành – đây là con đường tích lũy  

công đức tốt lành nhất. 

Trong tất cả những suối nguồn cao cả nhất của quy y hay của những cơ hội để tích tụ công đức thì không có thứ gì lớn lao hơn vị Thầy. Đặc biệt là trong khi Ngài ban một lễ quán đảnh hay giảng dạy, lòng bi mẫn và năng lực gia trì của tất cả chư Phật và Bồ Tát trong mười phương rót vào thân tướng vi diệu của Ngài, và Ngài trở nên bất khả phân với tất cả chư Phật. Vì thế, trong một thời điểm như vậy, việc cúng dường Ngài một miếng nhỏ thực phẩm vào lúc ấy còn giá trị hơn hàng trăm hay hàng ngàn vật cúng dường vào những lúc khác. 

Trong giai đoạn phát triển của pháp Bổn Tôn du già (deity yoga), có rất nhiều hình tướng khác nhau của những vị 

Bổn Tôn để ta có thể thiền quán, nhưng bản tánh của tất cả các Ngài không là gì khác hơn ngoài chính vị Bổn Sư hay vị đạo sư gốc của bạn. Nếu biết được điều đó, năng lực gia trì sẽ đến thật nhanh chóng. Trong giai đoạn toàn thiện, tất cả những cách thức phát triển trí tuệ đều tùy thuộc duy nhất vào năng lực của lòng quy ngưỡng Bổn Sư của bạn và vào năng lực gia trì của Ngài. Điều này bao gồm cả việc trí tuệ sẽ sinh khởi ngay trong bạn từ chính sự chứng ngộ của Thầy. Như vậy, tinh túy của những gì được chứng ngộ trong tất cả những giai đoạn hành trì, bao gồm những chứng ngộ trong hai giai đoạn phát triển và toàn thiện, tất cả đều được thể hiện trong chính vị Thầy. Đó là điều tại sao tất cả Kinh điển và Mật điển đều mô tả Ngài như một vị Phật trong thân tướng của con người. 

Vì sao Ngài là nơi nương tựa và là ruộng công đức?  

Do bởi những pháp du già nội và ngoại để thành tựu Bổn Sư  

Chứa đựng tinh túy của những chứng ngộ trong các giai đoạn phát triển và toàn thiện.  

Đó là lý do tại sao tất cả Kinh điển và Mật điển đều nói Ngài chính là một vị Phật. 

Mặc dù trí tuệ bát nhã của một vị Thầy siêu phàm thì đồng nhất với tất cả chư Phật, nhưng Ngài đã xuất hiện trong thân tướng của một người bình thường để dẫn dắt chúng ta là những đệ tử ô trược của Ngài. Vì thế, trong lúc chúng ta có được Ngài ở đây trong thân tướng con người, chúng ta phải nỗ lực hết mức để thực hiện bất kỳ điều gì Ngài dạy bảo và để hợp nhất tâm chúng ta với tâm Ngài qua ba loại phụng dưỡng khác nhau. 

Có những người, thay vì phụng dưỡng, tôn kính và vâng lời Thầy khi Ngài còn sống, thì giờ đây lại tự cho là Ngài đã viên tịch để ngồi thiền định trước một tấm hình ai đó đã họa Ngài. Có những người cho là đã an trụ được trong những quán chiếu về chân như và họ đi tìm kiếm tất cả những gì uyên áo cao siêu ở nơi đâu khác thay vì cầu nguyện với lòng quy ngưỡng để có thể đón nhận được những phẩm hạnh cao cả của giải thoát và chứng ngộ được trí tuệ bát nhã của Thầy. Điều này được gọi là “thực hành mâu thuẫn với pháp hành trì.” 

Việc được gặp gỡ Thầy và được Ngài dẫn dắt trong trạng thái trung ấm chỉ có thể xảy ra do một sự nối kết tâm thức đã được thiết lập trước đó nương vào lòng sùng kính vô biên của chúng ta và vào năng lực của lòng từ bi và cầu nguyện của vị Thầy. Không phải là Thầy sẽ đến trong thân vật lý. Vì vậy, nếu bạn thiếu lòng quy ngưỡng thì cho dù vị Thầy có thể toàn thiện tới đâu chăng nữa, Ngài sẽ không hiện diện ở đó để dẫn dắt bạn trong trạng thái trung ấm. 

Hầu hết những kẻ xuẩn ngốc sử dụng hình Thầy để thiền định  

Mà không tôn kính Ngài khi Ngài hiện diện trước mặt.  

Họ quả quyết là thiền định về chân như, mà không thấu hiểu tâm của Thầy.  

Thật là một tai hoạ khi thực hành mâu thuẫn với pháp hành trì!  

Không có lòng quy ngưỡng mà gặp được Thầy trong trạng  

thái trung ấm thì quả là phép lạ! 

Trước hết, bạn phải cẩn thận quán sát vị Thầy. Điều này có nghĩa là trước khi cam kết đi theo Ngài qua những lễ quán đảnh và những giảng dạy, bạn phải quán sát Ngài thật kỹ lưỡng. Nếu bạn nhận ra rằng Ngài có tất cả những phẩm hạnh và tánh đức của một vị Thầy, thì hãy theo chân Ngài. Nếu vị Thầy thiếu một số phẩm hạnh thì đừng nên theo. Nhưng, từ lúc bắt đầu theo Ngài trở đi, hãy học tập để có niềm tin nơi 

Ngài và nhìn Ngài với một tri kiến thanh tịnh, chỉ nghĩ tưởng tới những công hạnh của Ngài và thấy rằng tất cả những gì Ngài làm là thiện lành. Việc đi tìm những sai lầm nơi Ngài sẽ chỉ đem lại cho bạn những bất hạnh không thể suy lường. 

Quán sát vị Thầy theo ý nghĩa chung có nghĩa quán sát xem Ngài có tất cả những phẩm hạnh đã được mô tả trong các Kinh điển và Mật điển hay không. Điều tối quan trọng là Ngài phải có Bồ Đề Tâm hay tâm giác ngộ. Như vậy thì việc quán sát một vị Thầy có thể cô đọng thành một điểm duy nhất: Ngài có Bồ Đề Tâm không? Nếu Ngài có Bồ Đề Tâm, Ngài sẽ làm bất cứ những gì tốt nhất cho đệ tử trong đời này và cho những đời tương lai, và việc họ đi theo Ngài không thể mang lại điều gì khác ngoài sự lợi ích. Giáo Pháp mà một vị Thầy như thế giảng dạy được nối kết với Đại Thừa, và đưa tới con đường chân chính. Trái lại, một vị Thầy thiếu Bồ Đề Tâm vẫn còn những tham muốn ích kỷ, và vì thế không thể chuyển hóa đúng đắn những quan điểm của đệ tử. Giáo Pháp mà họ giảng dạy dù có vẻ sâu xa và kỳ diệu cũng chỉ đem lại lợi ích cho những mối quan tâm tầm thường trong đời này. Đối với những điểm cần phải quán sát về một vị Thầy thì đây là điểm cô đọng tột yếu. Nếu trái tim của Thầy tràn đầy Bồ Đề Tâm thì hãy theo chân Ngài, cho dù ở vẻ bề ngoài Ngài có thể hiển lộ ra sao chăng nữa. Nếu vị thầy không có Bồ Đề Tâm thì đừng nên theo, dù cho thoạt đầu ta nhìn thấy tâm chán ghét thế gian, tâm cầu tìm giải thoát hay công phu hành trì miên mật và cung cách hành xử của vị thầy có ra vẻ tuyệt vời tới đâu chăng nữa. 

Tuy nhiên, với những người bình thường như chúng ta, không thể có một khối lượng quán sát kỹ lưỡng nào có thể giúp chúng ta tìm ra được những phẩm hạnh phi thường của những bậc siêu phàm đó, là những vị luôn che ẩn chân tánh của mình. Trong lúc đó, lại nhan nhản những kẻ bất tài bịp bợm giả đò làm các bậc thánh, khéo léo trong nghệ thuật lừa gạt. Bậc vĩ đại nhất trong tất cả những vị Thầy là người mà chúng ta được có duyên nối kết với Ngài từ những đời trước (duyên tiền kiếp). Đối với Ngài thì việc quán sát thật không cần thiết. Hãy chỉ đơn giản được diện kiến Ngài, chỉ lắng nghe giọng Ngài nói – hoặc thậm chí chỉ nghe danh hiệu của Ngài – là mọi sự có thể được chuyển hóa trong chốc lát và khơi dậy một niềm tin đến nỗi chúng ta phải dựng tóc gáy. 

Ngài Rongton Lhaga nói với Ngài Milarepa* rằng: “Vị Lạt Ma mà ông đã có duyên từ những kiếp trước là bậc tối hảo trong tất cả muôn loài, là vua của các dịch giả, có danh hiệu là Marpa. Ngài sống ẩn tu tại Trowolung ở miền Nam. Hãy đi và tìm gặp Ngài!” 

Chỉ nghe tới tên của Ngài Marpa không thôi là cũng đã đủ để khơi dậy trong Milarepa một niềm tin phi thường tận sâu thẳm tâm hồn. Ngài nghĩ: “Ta phải tìm gặp vị Lạt Ma này và trở thành đệ tử của Ngài, dù phải trả giá bằng cả cuộc đời ta.” Ngài kể lại với chúng ta rằng vào ngày hai thầy trò gặp nhau, Marpa đã ra đến tận ngoài đường để ngóng tìm Milarepa nhưng giả vờ như đang cày ruộng. Khi thoạt nhìn thấy Marpa, Milarepa không nhận ra được đó là vị Đạo Sư của mình. Tuy nhiên, trong chốc lát, mọi niệm tưởng lăng xăng tầm thường của Milarepa ngưng bặt và Milarepa đã đứng sững cả người. 

* Tiểu sử Ngài Milarepa được thuật lại chi tiết hơn ở cuối chương này. 

Nói chung, vị Đạo Sư mà chúng ta được gặp là do ở tri kiến thanh tịnh hay bất tịnh của chúng ta, và năng lực của những hành nghiệp của ta trong quá khứ. Vì vậy, cho dù Ngài có thể là người như thế nào chăng nữa thì cũng không bao giờ được ngừng coi Ngài như là một vị Phật đích thực mà nhờ vào thiện tâm của Ngài, bạn mới nhận được Giáo Pháp và những chỉ dạy riêng. Nếu không nhờ những nhân duyên tốt lành được tạo nên bởi những hành nghiệp của bạn trong quá khứ thì bạn sẽ không bao giờ có may mắn gặp được vị Thầy tuyệt hảo. Hơn nữa, nếu tri kiến của bạn bất tịnh, thì cho dù bạn có thể gặp được Đức Phật trong thân người, bạn cũng vẫn không thể nhận ra được những phẩm tính phi thường của Ngài. Vị Thầy mà bạn gặp nhờ vào năng lực của những hành nghiệp trong quá khứ, là người đã gia hộ từ bi cho bạn, vị Thầy đó chính là vị Thầy quan trọng nhất trong tất cả các vị Thầy. 

Trong giai đoạn ở giữa, hãy thực sự theo chân Thầy, tuân lời Ngài trong tất cả mọi việc và bất chấp mọi gian khổ, nóng, lạnh, đói, khát. Hãy khẩn cầu Ngài với niềm tin và lòng quy ngưỡng. Hãy thỉnh cầu lời khuyên của Ngài về bất kỳ những gì bạn làm. Bất kể điều gì Ngài nói với bạn, hãy đưa vào thực hành, hoàn toàn nương tựa nơi Ngài. 

Vào giai đoạn cuối, hãy noi gương sự chứng ngộ và hành động của vị Thầy, kể cả trong việc quán sát kỹ lưỡng cách xử sự của Ngài và hãy làm đúng như Ngài đã làm. Như tục ngữ có nói: “Mỗi hành vi là một sự noi gương; ai noi gương giỏi nhất, thì đó là người hành xử tốt nhất.” Có thể nói việc thực hành Giáo Pháp là sự noi gương chư Phật và Bồ Tát trong quá khứ. Khi người đệ tử đang học tập để trở thành giống như Thầy mình, anh ta cần phải thực sự đồng nhất với sự chứng ngộ và phương cách hành xử của vị Thầy. Người đệ tử phải giống như một (bức tượng) tsa-tsa sản xuất ra từ cái khuôn của vị Thầy. Giống như tsa-tsa tái tạo lại một cách trung thực tất cả những hoa văn được chạm khắc trên khuôn mẫu, thì cũng thế, người đệ tử phải quyết tâm đạt cho bằng được những phẩm hạnh y hệt như của Thầy, hay tối thiểu thì cũng gần giống được bất kỳ phẩm hạnh nào mà Thầy có. 

Bất kỳ người nào trước tiên khéo léo quán sát vị Thầy, sau đó khéo léo theo chân của Ngài, và cuối cùng khéo léo noi gương sự chứng ngộ và hành động của Ngài, thì người ấy sẽ luôn luôn ở trên con đường chân chánh, dù có thế nào đi nữa. 

Lúc ban đầu, khéo léo quán sát Thầy;  

Vào lúc giữa, khéo léo theo chân Ngài;  

Vào lúc cuối, khéo léo noi gương chứng ngộ và hành động của Ngài.  

Làm được như vậy thì người đệ tử đang đi trên con đường chân chánh. 

Một khi bạn gặp được vị Thầy tâm linh cao quý, là người có được tất cả những phẩm hạnh cần thiết, thì hãy theo chân Ngài mà không cần phải quan tâm tới bất kỳ một sự an nguy nào khác – y như khi Thường Đề Bồ Tát (Sadaprarudita) đã đi theo Pháp Khởi Bồ Tát (Dharmodgata), như khi đại học giả Naropa đi theo Ngài Tilopa tối thượng, và như khi Ngài Jetsun Mila đi theo Ngài Marpa xứ Lhodrak. 

Trước tiên, đây là câu chuyện làm thế nào Thường Đề Bồ Tát (Sadaprarudita) đi theo Pháp Khởi Bồ Tát(Dharmodgata).* Ngài Thường Đề Bồ Tát (Sadaprarudita) đang cầu tìm Bát Nhã Ba La Mật(Prajnaparamita), là giáo lý của trí tuệ siêu việt. 

Một ngày nọ, trong lúc đi tìm kiếm, Ngài đến một nơi hoang vắng cô tịch, ở đó Ngài nghe một tiếng nói từ không trung: “Ôi, hỡi đứa con may mắn, hãy đi về hướng Đông và con sẽ được nghe. Hãy đi dù ngày hay đêm, bất kể nhọc nhằn, ngủ nghỉ hay mê mệt, nóng hay lạnh của thân xác. Chớ nhìn qua trái hay phải. Chẳng mấy chốc con sẽ nhận được Bát Nhã Ba La Mật. Giáo lý này sẽ đến từ trong Kinh sách hoặc được một nhà sư, hiện thân của Giáo Pháp, sẽ giảng dạy cho con. Vào khi đó, hỡi đứa con may mắn, hãy đi theo và trung thành với vị Thầy đã dạy con Bát Nhã Ba La Mật, hãy nhận Ngài làm Thầy và tôn kính Giáo Pháp của Ngài. Ngay cả nếu con nhìn thấy Ngài hưởng thụ năm khoái lạc giác quan, hãy nhận thức rằng các vị Bồ Tát luôn luôn thiện xảo khi sử dụng phương tiện, và đừng bao giờ đánh mất lòng tin của con.” 

* Danh hiệu Sadaprarudita có nghĩa là “Thường Xuyên Than Khóc.” Dharmodgata có nghĩa là “Giáo Pháp Vi Diệu.” 

Nghe được những lời đó, Thường Đề Bồ Tát (Saraprarudita) bắt đầu đi về hướng Đông. Nhưng chưa đi được bao xa thì Ngài nhận ra rằng đã quên hỏi giọng nói trên không trung kia là Ngài phải đi bao lâu nữa – và vì vậy Ngài không nghĩ ra được cách làm thế nào để tìm ra cho ra được vị thầy sẽ giảng dạy về Bát Nhã Ba La Mật. Ngài than khóc và thệ nguyện rằng sẽ không quản ngại gian khổ, đói khát và ngủ nghỉ, ngày cũng như đêm cho đến khi nào nhận được giáo lý. Ngài đã bị rúng động một cách mãnh liệt, như một người mẹ lạc mất đứa con độc nhất của mình. Ngài bị ám ảnh thường xuyên bởi một câu hỏi duy nhất là khi nào thì Ngài sẽ được nghe Giáo Lý Bát Nhã Ba La Mật. 

Ngay lúc đó, Như Lai thị hiện trong một thân tướng trước mặt Ngài và tán thán việc cầu Pháp của Ngài.Đức Như Lai nói thêm rằng: “Cách đây năm trăm lý (1 lý khoảng 4,8km), có một thành phố tên là Thành Phố Thoảng Hương. Thành phố này được xây dựng bằng bảy chất liệu quý giá, có năm trăm công viên bao quanh và có mọi phẩm tính tốt đẹp. Ở trung tâm thành phố, nơi giao nhau của bốn đại lộ, là trú xứ của Pháp Khởi Bồ Tát (Dharmodgata). Nó cũng được xây dựng bởi bảy loại chất liệu quý giá, có chu vi khoảng một lý. Ở đó, trong các khu vườn và những trụ xứ hỷ lạc khác là nơi cư ngụ của Đại Bồ Tát Pháp Khởi cùng tăng thân của Ngài. Cùng với sáu mươi tám ngàn nữ nhân, Bồ Tát thụ hưởng lạc thú của năm dục lạc là những dục lạc mà Ngài đã hoàn toàn làm chủ, hoan hỉ làm bất cứ điều gì Ngài ưa thích. Suốt trong ba thời quá khứ, hiện tại và vị lai, Pháp Khởi Bồ Tát giảng dạy Giáo Pháp Bát Nhã Ba la mật cho những ai cư trú ở đấy. Hãy tới trụ xứ của Ngài, và ông sẽ được nghe giáo lý Bát Nhã Ba La Mật từ Ngài.” 

Giờ đây Thường Đề Bồ Tát (Sadaprarudita) không thể nghĩ được gì ngoài những điều Ngài vừa nghe thấy. Ngay tại nơi đang đứng, Ngài đã có thể nghe được Pháp Khởi Bồ Tát (Dharmodgata) giảng dạy Bát Nhã Ba La Mật (Prajnaparamita). Ngài đã trải nghiệm vô số trạng thái thiền định. Ngài nhận ra được những cõi giới khác nhau trong mười phương thế giới, và nhìn thấy hằng hà sa chư Phật đang giảng dạy Bát Nhã Ba la mật. Chư Phật đang tán thán Pháp Khởi Bồ Tát trước khi biến mất. Tràn đầy hoan hỷ, niềm tin và lòng quy ngưỡng đối với Pháp Khởi Bồ Tát, Bồ Tát Thường Đề tự hỏi làm cách nào có thể diện kiến được Pháp Khởi Bồ Tát. 

Ngài nghĩ: “Ta nghèo quá, không có gì để dâng cúng Ngài, không y áo hay châu báu, không dầu thơm hay vòng hoa, cũng chẳng có bất kỳ vật gì khác để tỏ lòng tôn kính một vị thầy. Vậy ta sẽ bán thịt của mình, rồi lấy số tiền đó cúng dường cho Pháp Khởi Bồ Tát (Dharmodgata). Từ vô thuỷ, trong vòng luân hồi, ta đã từng bán thịt của mình không biết bao nhiêu lần; cũng vô số lần ta đã bị chặt thành từng mảnh và bị thiêu hủy trong những địa ngục là nơi ta bị tham dục lôi kéo xuống – nhưng chưa bao giờ ta thọ nhận được một Giáo lý như thế này hay tôn kính một vị Thầy cao cả như vậy!” 

Thường Đề Bồ Tát (Sadaprarudita) đi đến giữa khu chợ và bắt đầu kêu lên, “Ai cần người? Ai muốn mua một con người?” 

Nhưng những tinh linh xấu ác vì ghen tức với Thường Đề Bồ Tát đang được trải qua những thử thách để làm lợi lạc cho Giáo Pháp, chúng tinh linh này đã làm cho mọi người ở trong chợ không nghe được những gì Ngài nói. Không tìm thấy người mua thịt của mình, Thường Đề Bồ Tát đi tới một góc chợ và ngồi xuống khóc than, nước mắt rơi lã chã. 

Sau đó vua Trời Đế Thích (Indra) quyết định thử thách quyết tâm của Ngài. Trong hình tướng của một người bà la môn trẻ, Thiên Vương xuất hiện trước mặt Thường Đề Bồ Tát và nói: “Ta không cần cả một thân người. Ta chỉ cần một ít thịt, ít mỡ và một ít tủy xương của một người để cúng dường. Nếu ngươi có thể bán cho ta những thứ đó, ta sẽ trả tiền cho ngươi.” 

Vui mừng khôn xiết, Thường Đề Bồ Tát lấy một con dao bén cắt vào tay phải cho đến khi máu phun ra. Rồi Ngài lóc tất cả thịt ở đùi phải, và khi đang chuẩn bị đập xương vào tường thì cô con gái của một thương gia giàu có từ tầng trên cùng ngôi nhà của cô đã nhìn thấy Ngài, bèn chạy bổ xuống. 

“Bậc tôn quý, vì sao ngài lại gây đau đớn như thế trên thân thể của mình?” cô ta hỏi. 

Ngài giải thích rằng Ngài muốn bán thịt của mình để có thể thực hiện cúng dường cho Pháp Khởi Bồ Tát(Dharmodgata). 

Khi cô gái trẻ hỏi Ngài sẽ được lợi ích gì từ lòng tôn kính như vậy, Thường Đề Bồ Tát (Sadaprarudita)trả lời: “Ngài sẽ dạy cho tôi những phương tiện thiện xảo của chư vị Bồ Tát và giáo lý Bát Nhã Ba la mật. Sau này nếu tôi tu tập Giáo Pháp đó, tôi sẽ đạt được toàn giác, có được nhiều phẩm hạnh phi thường của một vị Phật và có thể chia sẻ Giáo Pháp quý báu với tất cả chúng sinh.” 

Cô gái nói: “Chắc chắn là mỗi một phẩm hạnh trong những phẩm hạnh [của một vị Phật] hoàn toàn xứng đáng với sự cúng dường thân mạng nhiều như cát sông Hằng. Nhưng đừng nên làm tổn hại thân Ngài như vậy! Con sẽ dâng tặng Ngài bất cứ thứ gì Ngài cần để tỏ lòng tôn kính Pháp Khởi Bồ Tát và sẽ đi cùng với Ngài tới gặp Bồ Tát. Khi làm như vậy, con sẽ vun trồng cội công đức, và công đức này cũng giúp cho con đạt được những phẩm hạnh tương tự.” 

Khi cô nói xong, vua trời Đế Thích thị hiện trong hình tướng của mình và nói với Thường Đề Bồ Tát, “Ta là vua trời Đế Thích, vua của chư Thiên. Ta đến đây để thử thách sự quyết tâm của ông. Chỉ cần ông yêu cầu là ta sẽ ban cho ông bất kỳ những gì ông muốn.” 

”Xin ban cho tôi những tánh đức không thể nghĩ bàn của chư Phật!” Thường Đề Bồ Tát trả lời. 

“Ta không thể cho ngươi điều đó,” vua trời Đế Thích nói, “Những điều như thế không nằm trong phạm vi của ta.” 

“Nếu thế thì Ngài không cần phải nhọc sức làm cho thân tôi toàn vẹn trở lại,” Thường Đề Bồ Tát nói. “Tôi sẽ khẩn cầu năng lực gia trì của chân lý. Nhờ sự gia trì của lời tiên tri của chư Phật mà tôi sẽ không bao giờ quay trở lại vòng luân hồi, nhờ chân lý của sự quyết tâm siêu phàm và bất thối chuyển của tôi, cầu mong thân tôi hồi phục như cũ!” 

Với những lời này, thân Ngài trở nên hoàn toàn như trước. Và vua trời Đế Thích biến mất. 

Thường Đề Bồ Tát đi cùng cô con gái của vị thương gia tới nhà cha mẹ cô và kể lại cho họ câu chuyện của mình. Họ cung cấp cho Ngài nhiều phẩm vật cần thiết để cúng dường. Sau đó, ngài cùng với cô con gái và cha mẹ cô cùng với năm trăm thị nữ và toàn bộ đoàn tuỳ tùng của họ khởi hành bằng xe ngựa đi về hướng Đông, và tới Thành Phố Thoảng Hương. Ở đó, Ngài nhìn thấy Pháp Khởi Bồ Tát đang thuyết Pháp cho hàng ngàn người. Ngài tràn đầy lòng quyết tâm và hỉ lạc của một vị sự khi an trú trong định. Tất cả xuống xe và đi tới diện kiến Ngài Pháp Khởi Bồ Tát. 

Vào lúc đó, Pháp Khởi Bồ Tát đã xây dựng một điện thờ để tàng chứa và giảng Bát Nhã Tâm Kinh. Điện thờ được làm bằng bảy vật liệu quý giá, tô điểm bằng gỗ đàn hương đỏ phủ một lớp chạm trổ bằng những viên ngọc. Ở mỗi một phương trong bốn hướng có đặt những viên ngọc như ý giống như những ngọn đèn và những lư hương bạc, từ đó những nén nhang cúng dường làm bằng gỗ lô hội đen tỏa hương nhẹ nhàng. Ở chính giữa điện là bốn tủ ngọc đựng những quyển kinh Bát Nhã Ba la mật, được làm bằng vàng và viết bằng mực lưu ly xanh biếc. 

Nhìn thấy cả hai loài Trời và người đang hành lễ cúng dường, Thường Đề Bồ Tát bèn hỏi thăm rồi cùng với cô con gái, thương gia và năm trăm thị nữ cùng nhau trang nghiêm cúng dường. 

Sau đó, họ tiến tới gần Pháp Khởi Bồ Tát, người đang ban truyền giáo lý cho các đệ tử, và tỏ lòng tôn kính Bồ Tát bằng tất cả những phẩm vật cúng dường của họ. Con gái của vị thương gia và những thị nữ của cô đã thọ giới của Bồ Đề Tâm tối thượng. Thường Đề Bồ Tát (Sadaprarudita) hỏi Pháp Khởi Bồ Tát(Dharmodgata) là chư Phật mà Thường Đề Bồ Tát đã thấy trước đó,ù từ đâu đến và các Ngài đi về đâu. Pháp Khởi Bồ Tát trả lời bằng cách giảng dạy một chương về đề mục chư Phật không đến cũng không đi.* Sau đó Phát Khởi Bồ Tát rời pháp toà và đi tới khu vực riêng, ở đó Bồ Tát an trú trong trạng thái thiền định nhất như trong bảy năm. 

Suốt trong thời gian đó, Thường Đề Bồ Tát, con gái vị thương gia và năm trăm thị nữ không nằm hoặc ngồi nữa, mà thường xuyên đứng thẳng. Khi đứng yên hay đi kinh hành, họ chỉ đặt hết chú tâm vào thời điểm mà Pháp Khởi Bồ Tát sẽ xuất định và giảng Pháp một lần nữa. 

Khi bảy năm gần kết thúc, Thường Đề Bồ Tát nghe chư Thiên thông báo là trong bảy ngày nữa, Pháp Khởi Bồ Tát sẽ xuất định và bắt đầu giảng dạy trở lại. Cùng với năm trăm thị nữ, Thường Đề Bồ Tát Quét dọn trong phạm vi rộng một lý tại địa điểm mà Pháp Khởi Bồ Tát sắp đăng đàn thuyết pháp. Khi Ngài bắt đầu rải nước trên nền đất cho khỏi bụi, Ma Vương làm cho tất cả những nước ấy biến mất. Vì vậy, Thường Đề Bồ Tát đã cắt mạch máu và rải máu mình trên mặt đất, con gái vị thương gia cùng năm trăm thị nữ cũng làm như vậy. Vua trời Đế Thích biến máu của họ thành gỗ đàn hương đỏ của những cõi Trời. 

* Điều này có nghĩa là chư Phật không bị những khái niệm về nơi chốn trói buộc. 

Cuối cùng, Pháp Khởi Bồ Tát (Dharmodgata) đã đến và ngự trên ngai sư tử mà Thường Đề Bồ Tát(Sadaprarudita) và những người khác đã chuẩn bị thật hoàn hảo, ở đó Pháp Khởi Bồ Tát thuyết giảng Bát Nhã Ba la mật. Thường Đề Bồ Tát đã trực nghiệm sáu triệu trạng thái định khác nhau và có linh kiến về vô số chư Phật – một linh kiến không bao giờ xa lìa Ngài, ngay cả trong những giấc mơ. Người ta nói rằng giờ đây Thường Đề Bồ Tát đang an trụ trong trụ xứ của đức Phật toàn giác có danh hiệu là Diệu Âm Phật. 

Trong lúc đi theo Ngài Tilopa, đại học giả Naropa cũng phải trải qua vô vàn gian khó. Như chúng ta đã thấy trước đây, Naropa gặp Ngài Tilopa, lúc đó Ngài đang sống như một người hành khất, và Naropa xin Ngài Tilopa nhận mình làm đệ tử. Tilopa chấp nhận lời khẩn cầu này và đem Naropa theo bất cứ chỗ nào Ngài đi tới, nhưng chẳng bao giờ dạy cho đệ tử bất kỳ Giáo Pháp nào. 

Một ngày kia, Tilopa đem Naropa lên đỉnh một ngọn tháp chín tầng và hỏi: “Có ai tuân lời Thầy mà nhảy xuống từ ngọn tháp này không?” 

Naropa tự nghĩ, “Ở đây chẳng còn ai khác, vậy chắc Ngài muốn nói đến ta.” Ông bèn nhảy xuống từ tháp, thân đổ sầm xuống đất khiến ông cực kỳ đau đớn. 

Tilopa đi xuống và hỏi, “Ngươi có đau không?” 

“Không chỉ đau,” Naropa rên rỉ. “Con chẳng hơn gì một xác chết …” Nhưng Tilopa từ bi gia hộ cho ông, và thân ông lại hoàn toàn lành lặn. Sau đó Ngài Tilopa lại dẫn Naropa cùng đi trong chuyến du hành. 

Một ngày nọ, Ngài Tilopa ra lệnh cho ông, “Naropa, hãy nhóm lửa lên!” 

Khi lửa đã bốc cháy, Ngài Tilopa đã chuẩn bị nhiều mảnh tre dài, tẩm dầu và đưa vào lửa để làm cứng chắc. 

“Nếu ngươi vẫn tiếp tục vâng lời Thầy, ngươi cũng phải trải qua những thử thách như thế này,” Ngài nói và thọc các mảnh tre vào dưới móng tay và chân của Naropa. 

Mọi khớp xương của Naropa hoàn toàn co cứng và ông kinh nghiệm nỗi đau đớn và khổ sở không thể chịu đựng nổi. Rồi vị Đạo Sư bỏ đi. Vài ngày sau, khi Ngài trở lại, Ngài rút những mảnh tre ra, rất nhiều máu mủ tuôn ra từ những vết thương của Naropa. Một lần nữa, Ngài từ bi gia hộ và lại cùng ông lên đường. 

Một ngày khác Ngài nói: “Naropa, ta đói. Hãy đi xin một ít thức ăn cho ta!” 

Naropa đi đến một nơi rất đông nông dân đang bận rộn ăn uống, ông xin được món súp đựng đầy trong một bình bát làm bằng sọ người* và mang về cho Thầy. Tilopa ăn hết sức ngon lành và dường như Ngài rất hài lòng. 

Naropa nghĩ, “Ta đã phụng dưỡng Ngài trong suốt một thời gian dài, chưa bao giờ ta thấy Thầy ta hạnh phúc như vậy. Nếu hỏi xin nữa thì có lẽ ta sẽ được thêm một ít.” 

Cầm bình bát sọ người trong tay, ông lên đường đi khất thực lần nữa. Vào lúc này những người nông dân đã trở lại cánh đồng của họ, để lại món súp dư thừa ở chỗ cũ. 

“Việc duy nhất làm được là lấy trộm món súp,” Naropa tự nghĩ, rồi lấy súp và bỏ chạy. 

Nhưng những người nông dân thấy được. Họ túm bắt và đánh đập ông, bỏ mặc cho ông chết. Trong nhiều ngày, ông đau đớn tới nỗi không gượng dậy nổi. Một lần nữa vị Thầy lại đến, từ bi gia hộ và cùng ông lên đường như trước. 

* thod phor (Phạn: kapala). Một bình bát làm bằng sọ người. Đỉnh của một sọ người được các hành giả du già dùng làm bình bát. Bình bát này tượng trưng cho vô ngã. 

 Một ngày khác Ngài Tilopa lại nói: “Naropa, ta cần rất nhiều tiền,99 hãy lấy trộm về cho ta một ít.” 

Naropa bèn đi ăn trộm tiền của một người giàu có, nhưng bị bắt tại trận. Ông bị túm lấy, bị đánh đập và lại bị bỏ mặc cho chết. Vài ngày sau Tilopa tới và hỏi ông: “Ngươi có đau không?” Khi nhận được câu trả lời như lần trước, Ngài Tilopa lại từ bi gia hộ cho Naropa, và lại cùng nhau lên đường. 

Naropa đã phải trải qua mười hai thử thách chính và mười hai thử thách phụ như thế – đây là hai mươi bốn thử thách mà ông phải chịu đựng trong một đời. Cuối cùng họ cũng đi tới chỗ kết thúc. 

Một hôm, Tilopa nói, “Naropa, hãy đi lấy ít nước. Ta sẽ ở đây nhóm lửa.” 

Khi Naropa mang nước trở về, Tilopa nhảy ra từ đống lửa và dùng tay trái tóm lấy đầu Naropa. 

“Đưa ta xem trán của ngươi,” Ngài ra lệnh. 

Ngài lấy tay phải cởi dép ra và đánh vào trán của đệ tử. Naropa ngã ra bất tỉnh. Khi ông tỉnh dậy, tất cả những phẩm hạnh của trí tuệ bát nhã của vị Thầy đã phát khởi trong ông. Đạo Sư và đệ tử đã trở thành hợp nhất trong chứng ngộ. 

Tóm lại, hai mươi bốn thử thách mà đại học giả Naropa phải trải qua chính là những giáo huấn của Thầy cho nên những thử thách này đã trở thành các phương tiện thiện xảo mà qua đó các chướng nghiệp của ông đã được đoạn diệt. Bởi những thử thách này hiện ra giống như là những kinh nghiệm gian khó hoàn toàn vô nghĩa lý, khiến cho không ai nghĩ rằng đó chính là Giáo Pháp. Quả thực là vị Thầy đã không hề thốt ra một lời giảng dạy nào và đệ tử cũng chẳng thực hành một giây phút nào, ngay cả một lễ lạy duy nhất cũng không có. Tuy nhiên, một khi Naropa đã gặp được một vị Thành Tựu Giả Đắc đạo, ông đã tuân theo tất cả những huấn lệnh của Ngài bất chấp mọi khó khăn, và khi làm như thế thì ông đã hoàn tất việc tịnh hóa tất cả những chướng ngại của mình khiến kinh nghiệm chứng ngộ phát khởi trong ông. 

Không có một thực hành Giáo Pháp nào lớn lao hơn việc tuân theo lời Thầy. Những lợi lạc của điều này thì vô lượng như chúng ta có thể thấy ở đây. Trái lại, nếu không tuân lời Ngài dù chỉ một chút thôi cũng là một lỗi lầm cực kỳ nghiêm trọng. 

Có lần Tilopa cấm Naropa không được nhận trách nhiệm của một vị học giả trưởng lão trì giữ các “cánh cổng” (phân khoa) tại đại học viện Vikramasila.100 Nhưng ít lâu sau đó, khi Naropa đến Ma Kiệt Đa (Magadha), một trong những học giả giữ chức vụ đó đã chết. Vì không ai có khả năng tranh luận với những kẻ ngoại đạo nên tất cả các học giả van nài Naropa nhận nhiệm vụ bảo vệ cổng phía Bắc, và khăng khăng thúc bách cho đến khi ông chấp thuận. Tuy nhiên, khi một kẻ ngoại đạo xuất hiện để tranh luận, Naropa đã tranh luận trong nhiều ngày mà cuối cùng không thể đánh bại ông ta. Naropa cầu nguyện Thầy mình cho tới khi cuối cùng một ngày kia Tilopa thị hiện và nhìn Naropa bằng cái nhìn như muốn xuyên thủng ông. 

“Ngài quá ít lòng từ bi – sao Ngài không tới sớm hơn?” Naropa than vãn. 

“Không phải ta đã cấm ông nhận chức vụ trưởng lão trì giữ cổng viện hay sao?” Tilopa hỏi vặn lại. 

“Tuy vậy, trong khi tranh luận, hãy quán tưởng ta ở trên đầu ông và kết ấn phẫn nộ (hàng phục) trước người ngoại đạo!” 

Naropa làm theo lời Ngài, thắng thế trong cuộc tranh luận, và chấm dứt được tất cả luận cứ của những kẻ ngoại đạo. 

Cuối cùng, đây là cách thức Jetsun Milarepa đi theo Ngài Marpa xứ Lhodrak. Trong vùng Ngari Gungthang có một người giàu có tên là Mila Sherab Gyeltsen. Ông có một con trai và một con gái, người con trai tên là Mila Thopaga, “Mila Hoan Hỷ Khi Nghe Đến,” mà sau này trở thành Ngài Jetsun Milarepa. Khi hai người con còn nhỏ thì cha chúng mất. Người chú tên là Yungdrung Gyaltsen đã chiếm đoạt tất cả của cải và tài sản. Hai đứa bé và mẹ chúng bị bỏ mặc không tiền bạc và thực phẩm, buộc phải trải qua nhiều gian khổ. Mila đã học chú thuật và cách tạo mưa đá từ nhà huyền thuật Yungton Throgyal ở xứ Tsang và Lharje Nupchung. Bằng cách làm sập nhà, Mila gây nên cái chết cho con trai và con dâu của người chú cùng với ba mươi ba người khác. Khi tất cả dân chúng trong làng trở nên giận dữ chống lại Mila thì ông đã tạo ra một trận mưa đá dữ dội tới nỗi lớp nước đá phủ trên mặt đất dày bằng ba lớp tường đất sét.101 

Sau đó, hối hận về những ác hạnh đã tạo, Mila quyết định tu theo con đường Phật Pháp. Nghe lời khuyên của Lạt Ma Yungton, ông đi tìm gặp một vị thầy tinh thông Pháp Đại Viên Mãn tên là Rongton Lhaga, và xin được chỉ dạy. 

Vị Lạt Ma trả lời: “Giáo Pháp ta dạy là Đại Viên Mãn. Gốc của Pháp ấy là sự chiến thắng của nguyên sơ, ngọn của Pháp ấy là sự chiến thắng của giai đoạn thành tựu và quả của Pháp ấy là sự chiến thắng của pháp môn du già.102 Nếu hành giả thiền định về Pháp ấy trong ngày, hành giả có thể thành Phật trong ngày đó; nếu thiền định về Pháp ấy trong đêm, hành giả có thể thành Phật ngay trong đêm đó. Những người may mắn mà hành nghiệp trong quá khứ của họ đã tạo nên những thiện duyên thích hợp thì thậm chí không cần phải thiền định; họ sẽ được giải thoát chỉ nhờ nghe được Pháp ấy. Vì Pháp ấy là Giáo Pháp dành cho những người có căn cơ lỗi lạc xuất chúng nên Ta sẽ dạy Pháp ấy cho ngươi.” 

Sau khi nhận được quán đảnh và những giáo huấn, Mila tự nghĩ: “Ta đã mất hai tuần để đạt được những dấu hiệu thành công quan trọng trong việc sử dụng bùa chú. Bảy ngày đủ để làm được mưa đá. Giờ đây là một giáo lý còn dễ hơn cả bùa chú và mưa đá – nếu bạn thiền định trong ngày, bạn sẽ thành Phật ngay trong ngày đó; nếu thiền định vào ban đêm bạn sẽ thành Phật ngay trong đêm đó – và nếu hành nghiệp trong quá khứ của bạn đã tạo ra những thiện duyên thích hợp, thì thậm chí bạn hoàn toàn chẳng phải cần thiền định gì hết! Nhìn thấy cách ta đã gặp được giáo lý này như thế nào thì rõ ràng ta phải là một trong những người có những thiện hạnh trong quá khứ.” 

Vì thế, Ngài cứ ngồi ở trên giường mà không thiền định, do đó hành giả và giáo lý tách lìa nhau. 

Vài ngày sau vị Lạt Ma nói với Ngài: “Những gì ta nói với người đều là sự thật. Ngươi thực sự là kẻ đại tội lỗi, và ta đã tán thán giáo lý của ta hơi thái quá. Vì thế bây giờ ta sẽ không dẫn dắt ngươi nữa. Ngươi nên đi đến ẩn thất Trowolung ở Lhodrak, ở đó có một đệ tử chân truyền của thành tựu giả Ấn Độ Naropa. Ngài là Marpa, bậc xuất sắc nhất trong các vị Đạo Sư, vua của các dịch giả. Ngài là một thành tựu giả của Truyền Thống Tân Mật,103 và khắp tam giới không ai sánh bằng. Vì ngươi và Ngài có mối liên kết bắt nguồn từ các hành nghiệp trong những đời trước (có nhân duyên tiền kiếp), nên ngươi hãy đi tìm gặp Ngài!” 

Chỉ cần nghe tới âm thanh danh hiệu của Dịch Giả Marpa là cũng đủ làm cho tâm thức Milarepa tràn ngập niềm an lạc vô tả. Ngài hoan hỷ tới nỗi mọi lỗ chân lông trên thân Ngài đều dựng đứng, và cảm thức sùng kính bao la ngập đầy khiến mắt Ngài đẫm lệ. Milarepa lên đường, tự hỏi bao giờ mới được diện kiến vị Thầy của mình. 

Lúc bấy giờ Marpa và vợ Ngài có nhiều giấc mơ lạ thường, và Marpa biết rằng Jetsun Mila đang trên đường đi tới chỗ Ngài. Ngài đi xuống thung lũng để chờ Mila tới, giả vờ như đang cày ruộng. Thoạt tiên Mila gặp con trai của Marpa là Tarma Dode đang chăn trâu. Tiếp tục đi xa hơn một chút, Mila thấy Marpa đang cày ruộng. Lúc Mila nhìn thấy Ngài Marpa, Mila kinh nghiệm trạng thái hỷ lạc mãnh liệt vô tả; trong chốc lát, mọi niệm tưởng tầm thường ngưng bặt. Tuy nhiên, Mila không nhận ra được rằng đây là một Lạt ma bằng xương bằng thịt, và giải thích với người rằng mình tới đây để tìm gặp Marpa. 

“Ta sẽ dẫn mi tới gặp Ngài,” Marpa trả lời. “Hãy cày đám ruộng này cho ta.” Để lại cho Mila một bình bia, Marpa bỏ đi. Mila uống cạn bia rồi làm việc. Khi Mila hoàn tất công việc, con trai của vị Lạt ma tới gọi và cả hai cùng đi. 

Khi Mila được đưa tới trước mặt vị Lạt Ma, Mila đặt hai lòng bàn chân Marpa trên đỉnh đầu mình và kêu lên:“Ôi, Đạo sư! Con là một kẻ đại tội lỗi ở phương tây! Con xin cúng dường Ngài thân, khẩu và ý của con. Xin nuôi dưỡng, cho quần áo mặc và dạy con Giáo Pháp. Xin dạy cho con cách thức để thành Phật Trong đời này!” 

“Không phải là lỗi của ta khi mi tự cho mình là một kẻ xấu xa như thế,” Marpa trả lời. “Ta không yêu cầu tích luỹ những ác hạnh vì lợi ích của ta! Vậy mi đã làm những điều gì sai trái?” 

Mila thuật lại cho Ngài toàn bộ chi tiết câu chuyện. 

“Tốt lắm,” Marpa ưng thuận, “trong bất kỳ trường hợp nào, việc cúng dường thân, khẩu và ý của mi là một điều tốt. Tuy nhiên, về phần quần áo, thực phẩm và Giáo Pháp thì mi không thể có cả ba. Hoặc ta cho mi quần áo và thực phẩm còn Giáo Pháp thì mi phải đi tìm ở nơi khác, hoặc mi nhận Giáo Pháp của ta và tìm phần còn lại ở nơi nào đó. Hãy quyết định đi. Và nếu chọn Giáo Pháp, thì việc mi có đạt được Phật Quả trong đời này hay không sẽ tùy thuộc vào hạnh nhẫn của bản thân mi.” 

Mila nói: “Nếu đúng như thế thì con sẽ tìm lương thực và quần áo ở nơi khác bởi con tới đây chỉ vì Pháp.” 

Mila ở lại vài ngày và đi xin khắp xứ Lhodrak thượng và hạ được hai mươi mốt thùng lúa mạch. Ông dùng mười bốn thùng để mua một ấm đồng có bốn quai. Đổ sáu bình lúa vào một cái bao, ông trở về cúng dường ấm và lúa cho Marpa. 

Khi Mila đặt bao lúa mạch xuống, ông làm căn phòng rung chuyển, làm cho Marpa thức giấc. 

“Mi là một tên pháp sư trẻ có sức mạnh, phải vậy không?” Ngài nói. “Bộ mi định giết chết cả nhà ta bằng cách làm sập nhà với hai tay trần của mi chắc? Đem bao lúa mì đó ra khỏi đây ngay!” Ngài đá cái bao, và Mila phải đem nó ra ngoài. Lát sau, Mila đưa cho Ngài Marpa cái ấm rỗng.104 

Một ngày nọ, Marpa nói với Mila: “Những người xứ Yamdrok Taklung và Lingpa đang tấn công những đệ tử trung thành ở U và Tsang tới thăm ta, và trộm cướp lương thực cùng đồ cúng dường của họ. Hãy trút mưa đá xuống chúng! Vì đó cũng là một loại Pháp, sau đó ta sẽ ban cho mi những giáo huấn.” 

Mila gây ra những trận mưa đá tàn phá cả hai vùng này và sau đó đi cầu giáo lý. 

“Mi nghĩ ta sẽ trao cho mi giáo lý đem về từ Ấn Độ có giá trị to lớn như vậy để đổi lấy ba hay bốn trận mưa đá hay sao? Nếu mi thật sự mong cầu Giáo Pháp, hãy làm mê hoặc dân chúng ở ngọn đồi Lhodrak. Họ tấn công những đệ tử xứ Nyaloro của ta và luôn cư xử với ta bằng thái độ xem thường ra mặt. Khi có dấu hiệu cho thấy thần chú của mi đã có tác dụng, ta sẽ ban cho mi giáo lý khẩu truyền của Naropa, giáo lý ấy sẽ dẫn đến Phật Quả chỉ trong một thân và một đời người duy nhất.” 

Khi những dấu hiệu thành công của ác chú xuất hiện, Mila xin được ban Giáo Pháp. 

“Hả! Phải chăng để tỏ lòng tôn kính những ác hạnh mi đã tích lũy mà mi đòi các giáo huấn khẩu truyền còn ấm hơi thở của những vị Không-Hành nữ (dakini) này, là những gì ta đã phải tìm cầu bất chấp những hiểm nguy tới tính mạng và cuộc đời ta hay sao? Ta nghĩ rằng mi cợt đùa, nhưng ta thấy mình đã phải tự chế quá nhiều. Chính ta chứ không ai khác sẽ giết mi! Bây giờ hãy làm những người trên đồi sống lại và trả lại mùa màng cho dân xứ Yamdrok. Nếu làm được, mi sẽ nhận được giáo lý – còn không, đừng quanh quẩn bên ta nữa!” 

Hoàn toàn kiệt sức bởi những lời quở trách này, Mila ngồi khóc nức nở. Sáng hôm sau, Marpa đến gặp Thầy. 

“Tối qua ta có hơi cộc cằn với mi,” Ngài nói. “Thôi đừng buồn. Ta sẽ ban cho mi giáo huấn từng ít một. Hãy kiên nhẫn! Vì mi là một người thợ giỏi, ta muốn mi xây cho ta một căn nhà để cho Tarma Dodé. Khi nào mi hoàn tất, ta sẽ ban cho mi những giáo huấn, và cũng sẽ cung cấp cho mi thực phẩm và quần áo.” 

“Nhưng nếu con chết trong thời gian đó, con sẽ làm được gì khi không có Giáo Pháp?” Mila hỏi. 

“Ta bảo đảm rằng điều đó sẽ không xảy ra,” Marpa nói, “giáo lý của ta không chỉ để khoe suông, và bởi rõ ràng là mi có hạnh nhẫn thật phi thường nên khi mi áp dụng những giáo huấn của ta vào thực hành, chúng ta sẽ chờ xem mi có đạt được Phật Quả chỉ trong một đời hay không.” 

Sau khi khuyến khích đệ tử nhiều hơn nữa theo cách thức tương tự, Ngài bảo Mila xây ba căn nhà, cái này sau cái kia: một căn hình tròn ở chân ngọn đồi phía đông, một căn hình bán nguyệt ở phía tây và một căn hình tam giác ở hướng bắc. Nhưng mỗi lần khi căn nhà xây được phân nửa thì Marpa lại nhiếc móc Mila dữ dội, bắt ông phá hủy những gì đã xây và đem đất đá hoàn trả trở lại nơi Mila đã lấy chúng. 

Một vết thương mở hoác trên lưng Mila, nhưng ông nghĩ: “Nếu đưa cho Thầy xem, Ngài sẽ chỉ quở mắng ta một lần nữa. Ta có thể cho sư mẫu thấy, nhưng điều đó chỉ gây thêm ồn ào rắc rối.” Thế nên, không đưa cho sư mẫu xem vết thương, ông khóc lóc và van xin bà giúp ông thỉnh cầu giáo lý. 

Bà yêu cầu Marpa truyền dạy cho Mila, và Marpa trả lời: “Hãy cho nó được ăn ngon và đem nó tới đây!” Ngài ban cho Mila khẩu truyền và những giới nguyện quy y. 

Ngài nói: “Tất cả những điều này được gọi là Giáo Pháp nền tảng. Nếu mi muốn những giáo huấn phi thường của Mật Thừa thì những loại việc mà mi sẽ phải trải qua là như thế này…” và Ngài đọc một bài kệ tóm tắt về cuộc đời và những thử thách của Naropa. “Mi khó có thể làm được như vậy,” Ngài kết luận. 

Nghe những lời này, Mila cảm thấy niềm sùng kính mãnh liệt đến nỗi nước mắt ông tuôn chảy mãi không thôi, và với một quyết tâm mạnh mẽ, ông nguyện làm bất cứ những gì Thầy ông yêu cầu. 

Vài ngày sau, Marpa đi dạo và đem Mila theo như thị giả của Ngài. Marpa đi về hướng đông-nam và tới một miếng đất có vị trí thuận lợi. Ngài nói: “Hãy xây cho ta một tháp màu xám, có góc vuông và cao chín tầng ở đây, thêm một đỉnh nhọn nữa thì thành mười tầng. Mi không được hạ thấp tháp xuống, và khi hoàn tất ta sẽ ban cho mi những giáo huấn. Ta cũng sẽ cho mi lương thực khi mi nhập thất tu tập.” 

Mila đã đào xong phần móng và bắt đầu xây cất thì có ba đệ tử cao cấp của Thầy tới. Để đùa giỡn, họ lăn tới cho ông một tảng đá lớn và Mila dùng nó làm móng nhà. Khi ông hoàn tất hai tầng dưới cùng, Marpa tới thăm và hỏi tảng đá ở đâu tới. Mila kể với Ngài sự việc xảy ra. 

“Những đệ tử của ta đang thực hành pháp du già trong hai giai đoạn, họ không phải là những người hầu của mi!” Marpa la hét: “Hãy lấy tảng đá đó ra khỏi đây ngay và trả nó về chỗ cũ!” 

Mila phá bỏ toàn bộ cái tháp, bắt đầu từ đỉnh. Ông lôi tảng đá làm móng ra và đem đặt lại chỗ cũ. 

Sau đó Marpa lại bảo ông: “Bây giờ đem nó tới đây và đặt nó trở lại vào đây.” 

Vì thế, Mila lại phải lăn tảng đá trở lại và đặt đúng vào chỗ trước đó. Ông tiếp tục xây dựng cho đến khi hoàn tất tầng thứ bảy, vào lúc này ông bị một vết thương ở bên hông. 

Marpa nói: “Bây giờ hãy bỏ việc xây tháp, thay vào đó hãy xây cho ta một ngôi đền với một đại sảnh mười hai cột và một điện thờ cao.” 

Thế là Mila xây ngôi đền, và khi hoàn thành thì một vết thương phía dưới lưng ông bị bể ra. 

Vào lúc đó, Meton Tsonpo xứ Tsangrong thỉnh cầu Marpa ban quán đảnh “Người Chặn Đứng Bánh Xe Luân Hồi” (Samvara hay Chakrasamvara), và Tsurton Wangé xứ Dol thỉnh cầu ban quán đảnh “Bí Mật Tập Hội” (Guhyasamaja). Trong cả hai dịp này, Mila hy vọng rằng nhờ công việc xây cất mà ông được có quyền thọ nhận quán đảnh, có được một chỗ ngồi trong hội chúng, nhưng những gì ông nhận được từ Marpa chỉ là những cú đánh và những lời mắng nhiếc, và cả hai lần ông đều bị Thầy ném ra ngoài. Lưng ông giờ đây là một vết thương khổng lồ với máu và mủ chảy ra từ ba chỗ. Tuy nhiên ông vẫn tiếp tục làm việc, thay vì đeo giỏ đất ở lưng thì ông đeo ở phía trước ngực. 

Khi Ngokton Chodor xứ Shung tới thỉnh cầu ban quán đảnh “Hô Kim Cương” (Hevajra), vợ Ngài Marpa đưa cho Mila một viên lam ngọc lớn là vật thừa kế của riêng bà. Mila dùng nó như món cúng dường cho lễ quán đảnh, ông ngồi vào hàng những người dự lễ, nhưng như lần trước, Thầy ông đã trách mắng và đánh đập ông một trận, và ông lại không được ban cho quán đảnh. 

Lần này ông cảm thấy là không còn hoài nghi gì nữa: ông sẽ không bao giờ nhận được bất kỳ giáo lý nào. Ông đi lang thang vô phương hướng. Một gia đình ở Lhodrak Khok thuê ông đọc cả bộ Bát Thiên Tụng Bát Nhã Ba La Mật Đa Kinh. Ông đọc đến truyện của Thường Đề Bồ Tát (Sadaprarudita), và câu chuyện này làm ông phải suy nghĩ. 

Ông nhận ra rằng để nhận được lợi lạc của Giáo Pháp, ông phải chấp nhận mọi gian khổ và làm hài lòng Thầy bằng cách làm bất cứ những gì Ngài ra lệnh. 

Vì thế ông quay trở lại, nhưng một lần nữa Ngài Marpa chỉ đón chào ông bằng sự thóa mạ và những cú đánh. Mila quá tuyệt vọng đến nỗi vợ Ngài Marpa phải gửi ông tới Lạt Ma Ngokpa, vị này ban cho ông một số giáo huấn. Nhưng khi thiền định thì chẳng có điều gì xảy ra, vì Mila không được Thầy cho phép. Marpa ra lệnh cho ông phải đi về cùng với Lạt Ma Ngokpa. 

Một ngày nọ, trong một tiệc cúng dường, Marpa khiển trách Lạt ma Ngokpa và những đệ tử khác thậm tệ và sắp sửa tấn đánh họ. 

Mila tự nghĩ: “Với ác nghiệp của ta, không chỉ mình ta đau khổ vì những lỗi lầm trầm trọng và những hướng nghiệp sâu dày, mà giờ đây ta còn gây những khó khăn cho Lạt Ma Ngokpa và phối ngẫu của Đạo sư. Bởi ta chỉ đang chồng chất càng lúc càng nhiều ác hạnh mà chẳng được nhận bất kỳ giáo lý nào, nên cách tốt nhất là ta nên chết đi cho rảnh.” 

Mila chuẩn bị tự tử. Lạt ma Ngokpa đang cố ngăn cản ông thì Marpa dịu xuống và gọi cả hai tới. Ngài chấp nhận Mila làm đệ tử, ban cho ông nhiều lời khai thị quý báu và đặt danh hiệu cho ông là Mila Dorje Gyaltsen, “Mila Kim Cương Ngọn Cờ Chiến Thắng.” Khi Ngài ban quán đảnh Samvara cho ông, Ngài cho thị hiện một mạn đà la với sáu mươi hai Bổn Tôn thật rõ ràng. Rồi Mila nhận danh hiệu bí mật là Shepa Dorje, “Kim Cương Hỷ,” và Marpa ban tất cả những quán đảnh và giáo huấn cho ông giống như rót từ bình này sang chiếc bình khác. Sau đó, Mila đã hành trì trong những điều kiện khắc nghiệt nhất, và đạt được tất cả những thành tựu thông thường và siêu việt.105 

Cũng giống như thế, đó chính là cách mà tất cả những học giả, thành tựu giả và trì minh vương (vidyadhara) trong quá khứ của Tây Tạng lẫn Ấn Độ đã theo chân một vị Thầy tâm linh đích thực, và bằng cách làm bất cứ những gì vị Thầy dạy bảo, các Ngài đã đạt được sự chứng ngộ bất khả phân với chứng ngộ của vị Thầy. 

Trái lại, là một lỗi lầm hết sức trầm trọng nếu không theo chân Thầy với một tâm thức hoàn toàn chân thật, không chút giả dối. Đừng bao giờ cho rằng bất kỳ hành động nào của Ngài là một hành động tiêu cực. Chớ bao giờ nói dối Ngài dù chỉ một điều nhỏ bé nhất. 

Một lần kia, có đệ tử của một đại thành tựu giả đang giảng Pháp cho một nhóm đệ tử. Khi ấy, vị Thầy của ông ta đi tới, ăn mặc như một người ăn mày. Người đệ tử quá bối rối nếu phải quỳ lạy Ngài trước đám đông, nên ông giả vờ như không thấy. Chiều hôm đó, khi đám đông đã giải tán, ông đi gặp Thầy mình và đảnh lễ. 

“Tại sao trước đây ngươi không đảnh lễ?” vị Thầy hỏi. 

“Con không thấy Ngài,” ông ta nói dối. 

Lập tức, hai mắt ông rơi xuống đất. Ông cầu xin được tha thứ và nói ra sự thật, và Thầy ông đã từ bi gia trì để giúp phục hồi lại đôi mắt cho ông. 

Có một câu chuyện tương tự như vậy về đại thành tựu giả Ấn Độ Kan-ha-pa Kiêu Mạn (Krsnacarya). Một ngày kia, khi đang đi tàu trên biển với nhiều đệ tử, tâm ông khởi niệm: “Thầy của ta thực sự là một thành tựu giả, nhưng theo quan điểm thế gian thì ta xuất sắc hơn Ngài vì ta giàu có và có nhiều thị giả hơn.” 

Ngay lập tức chiếc tàu chìm xuống biển. Ngụp lặn vô vọng trong nước, ông khẩn nguyện Thầy mình; Ngài xuất hiện trong thân người phàm và cứu ông khỏi chết chìm. 

“Đó là phần thưởng cho cái kiêu mạn vĩ đại của ngươi,” vị Thầy nói. “Nếu ta nỗ lực tích lũy của cải và thị giả thì ta cũng sẽ có được những thứ đó. Nhưng ta đã quyết không làm như vậy.” 

Vô lượng chư Phật không thể nghĩ bàn đã thị hiện, nhưng lòng đại bi của các Ngài không đủ để cứu chúng ta: chúng ta vẫn còn ở trong đại dương đau khổ của vòng sinh tử luân hồi. Từ xa xưa, vô lượng không thể nghĩ bàn những bậc Đạo Sư vĩ đại đã xuất hiện, nhưng chúng ta không đủ may mắn để được thọ hưởng sự chăm sóc đầy bi mẫn của các Ngài, hay ngay cả được gặp mặt các Ngài. Ngày nay, giáo lý của Đức Phật sắp kết thúc. Năm tình trạng suy đồi càng ngày càng hiển nhiên, và mặc dù có được một đời người hiếm quý, chúng ta vẫn hoàn toàn nằm trong móng vuốt của những ác hạnh của mình, và lầm lạc không biết điều gì nên làm và điều gì nên tránh. Khi chúng ta lang thang như một kẻ mù loà lẻ loi trong cánh đồng hoang thì những thiện hữu tri thức tâm linh của chúng ta, những vị Đạo Sư siêu việt đã nghĩ tưởng tới chúng ta với lòng bi mẫn vô biên, và tùy theo nhu cầu (căn cơ) của mỗi người trong chúng ta mà các Ngài thị hiện trong thân tướng con người. Mặc dù trong chứng ngộ thì các Ngài là những vị Phật, nhưng trong hành động thì các Ngài lại hoà hợp với hoàn cảnh của chúng ta. Bằng những phương tiện thiện xảo, các Ngài nhận chúng ta làm đệ tử, giới thiệu cho ta về Giáo Pháp chân chánh tối thượng, khai thị cho ta về những gì nên làm và không nên làm, và chỉ bày chính xác con đường tu tột cùng thâm diệu dẫn tới ï giải thoát và giác ngộ. Quả thật, các Ngài không khác gì chính Đức Phật; nhưng khi so sánh với Đức Phật thì thiện tâm của các Ngài khi từ bi quan tâm tới chúng ta thậm chí còn vĩ đại hơn. Vì thế, hãy luôn cố gắng theo chân Thầy trong cách thế đúng đắn, với ba loại niềm tin (tín tâm).* 

* Những loại tín tâm này được giảng dạy ở phần đầu trong chương kế tiếp. 

Con đã được gặp một vị Thầy cao cả,  

nhưng lại để cung cách hành xử tiêu cực làm mình sa ngã.  

Con đã tìm được con đường thiện lành nhất,  

nhưng lại lang thang khắp nẻo chông gai.  

Xin tư bi gia hộ cho con và tất cả những ai có tánh khí xấu xa như con,  

Khiến tâm chúng con có thể được thuần hóa nương nơi Giáo Pháp.

 

Đức Patrul Rinpoche

Nguồn: Trích từ Tác phẩm Lời vàng của Thầy tôi

Chuyển dịch Việt ngữ lần đầu tiên (2004): Nhóm Longchenpa – Thanh Liên và Tuệ Pháp 

Hiệu đính sơ khởi (2006): Thanh Liên 

Hiệu đính toàn bộ (2008): Tâm Bảo Đàn với sự đóng góp của Từ Bi Hoa