10703651_1502808006626823_9014490954323234522_n

Tiến tới Giác ngộ một cách tin tưởng

Hiện nay chúng ta đang ở ngã tư đường, và về mặt tâm linh, chỉ có hai con đường một cái làm ta tiến lên, một cái làm ta suy thoái. Là con nguời, chúng ta được tự do chọn: một là đi vào giác ngộ, hai là trở về sự lẫn lộn mù mịt, cái này đồng nghĩa với khổ. Phải lựa chọn một cách ý thức, lập ước nguyện và giữ vững nó. Sự lựa chọn này không ai khác có thể làm thay ta. Để có động cơ thúc đẩy mạnh hơn, hiểu các đức tính cả sự giác ngộ là điều quan trọng. Sự học cần thiết, vì giúp ta hiểu biết đức tính của giác ngộ, của sự ngưng khổ và của lợi ích cho các chúng sinh. Nhờ sự hiểu ấy, một sự ước muốn nổi lên, làm nền tảng cho hành động của ta, hành động đó sẽ đưa ta đi về giác ngộ. Nếu chúng ta lập niềm tin vào các ước nguyện ấy một cách vững chắc không thay đổi, sự tiến bộ sẽ rất đơn giản và chúng ta tiến lên qua các khó khăn.

 Vấn đề xuất hiện nếu chúng ta không lập quyết chí. Chúng ta ở một ngã tư đường khó khăn, chúng ta tiến lên một bước nhưng tự nhủ: “Hướng kia cũng đâu có tệ!”, chúng ta quay lại để rồi tự nhủ, ít lâu sau đó: “ Ừ, nhưng dù sao cũng khổ. Đằng kia tốt hơn”

Trong sự tới lui giữa giác ngộ và thế gian, chúng ta bị xâu xé và từ đó sinh ra khổ. Khó là ở chỗ đó. Ngay khi tâm ta hướng về giác ngộ, ý thức được giá trị của nó, chúng ta tiến lên một cách tự nhiên. Sự lựa chọn và quyết định dấn thân thật là quan trọng.

Khi muốn tiến bộ, chúng ta cần phát triển niềm tin vào các đức tính của giác ngộ và đối với các phương tiện đưa ta đến giác ngộ, giác ngộ và trạng thái của Phật chỉ lên một thực tế chung. Trước hết phải thanh tịnh hóa, giải thoát tâm khỏi mọi thứ màng che lấp và khỏi sự tối tăm. Các màng ấy phát sinh từ nghiệp, từ các cảm xúc tiêu cực (tham, sân, si, kiêu, ghen), từ các khuynh hướng quen thuộc, từ cách nhìn “chấp có hai” (lối nhìn sai về thực tế). Một khi đã thanh tịnh hóa các màng ấy xong, các đức tính của giác ngộ hiển lộ ra đối với ta trong sự có được thân của sự thực rốt ráo tức “Pháp Thân”. Song song với sự đạt được như thế của ta, hạnh phúc của chúng sinh được thực hiện. Quả vậy trong trí tuệ ấy tất cả các đức tính được gắn liền với sự giác ngộ được hiển lộ. Đó là tất cả các đức tính của hoạt động từ bi vì lợi ích của chúng sinh. Nên giác ngộ thực hiện bằng cái gọi là “các thân hình có hình tướng”. Báo thân (thân của sự hoàn hảo của các đức tính của tâm) và ứng thân (thân của sự biểu hiện ảo huyễn) cho phép dìu dắt chúng sinh. Ba phương thức ấy: phương thức rốt ráo, phương thức biểu hiện các đức tính và phương thức biểu hiện ảo huyễn, thực hiện lợi ích của chúng sinh là giác ngộ, mà ta muốn có cho ta và cho tất cả các chúng sinh.

Muốn đạt được đến giác ngộ, chắc chắn là phải theo một phương pháp, một con đường. Con đường ấy đã được chính Đức Phật chỉ bày và điều đó thể hiện lòng từ bi của ngài. Đức Phật đã trình bày một số phương pháp và sự giảng dạy để giúp chúng ta tiến lên, từ tình trạng hiện nay của chúng ta, cho đến khi giác ngộ. Toàn bộ các phương pháp ấy đã được lưu giữ trong một bộ các bài giảng, các bài ấy là sự truyền đạt dưới dạng viết do dòng tu thực hiện, từ thời Phật đến ngày nay. Các bài giảng ấy chứa đựng tất cả các lời giảng dạy của Phật, cũng như sự giảng dạy và bình luận của các vị thầy nối tiếp nhau. Sự giảng dạy ấy đã được lưu truyền bởi một dòng tu, tuần tự thầy truyền cho trò, các vị ấy trong mỗi giai đoạn đều đã suy nghĩ về các bài ấy và đã thiền và đạt được sự chứng đắc tương đương với sự chứng đắc của thầy họ. Điều này đã cho phép đảm bảo và giữ được tinh thần của sự giảng dạy, sự dạy ấy được lưu truyền đồng thời với lời văn. Đó là Dharma ( dịch giả: Phật Pháp).

Để lưu truyền sự giảng dạy ấy cần có một đoàn thể, đó là “Sangha” ( tăng già). Sangha nghĩa là “hội”, “tập thể của tất cả những người đã nhận được sự giảng dạy ấy, đã thực hành chúng và đã thực hiện chúng ở những mức độ khác nhau”. Tùy trình độ thực hiện của các sự giảng dạy, các vị ấy đã trở thành những người hướng dẫn, những người giảng dạy, hoặc những người bạn đồng hành trên con đường và với danh nghĩa ấy, họ rất quý báu đối với chúng ta.

Chúng ta muốn đạt đến giác ngộ. Để đạt đến đó chúng ta cần có phương pháp và tiến lên trên con đường được gọi là “ Dharma”. Để nhận được các sự giảng dạy, tập thể của các “sangha” cần thiết vì giữ cho sự giảng dạy ấy được sống còn. Ba khía cạnh ấy cần để đạt đến giác ngộ. dù cho chúng ta chỉ nhắm giác ngộ “ Dharma” và “Sangha” không thể thiếu và do đó đáng được kính trọng, vì thế chúng ta quy y nơi ba khía cạnh ấy.

Tam Bảo rất quý báu, vì vừa là mục đích vừa là phương tiện. Tất cả các Phật và các Bồ Tát trong quá khứ đều đi theo con đường đó, tất cả đã quy y và theo tăng già để thực hiện “Dharma” nhằm thành Phật.  Không có ai đi con đường đó một mình, không được chỉ dạy, không có phương pháp. Hơn nữa trong tương lai tất cả các Bồ Tát và các Phật sẽ đi đúng con đường ấy, vì không có cách khác. Phải có một phương pháp để tiến lên, từ tình trạng mê lầm của chúng ta tiến đến trạng thái trí tuệ và sự giác ngộ, cũng như ta cần có những người hướng dẫn và bạn đồng hành. Vậy thì tổ chức của Tam Bảo là một tổ chức phổ cập và không thay đổi. Không có tổ chức ấy chúng ta sẽ không thể tiến bộ và sẽ đi lạc. Cần phải hiểu được các đức tính của Tam Bảo để có thể tiến lên một cách không cực nhọc.

Đã hiểu được các đức tính của giác ngộ và của Tam Bảo, chúng ta quy y, chúng ta cúng dường, nghị lực của thân, lời nói và ý của chúng ta để cho tất cả các chúng sinh đạt được giác ngộ và chúng ta ra sức tu tập. Chúng ta thanh tịnh hóa dần dần tất cả các mảng che lấp trí tuệ và các cảm xúc, và chúng ta loại bỏ chúng. Làm như vậy, chúng ta hiểu được rằng ba phương cách mà chúng ta nói trên thực ra ở ngay trong ta. Chúng ta nhắc lại: đó là phương cách không hình tướng “dharmakāya” (Pháp Thân) và hai phương thức có hình tướng được gọi là “saṃbhogakāya” (Báo Thân) và “nirmāṇakāya” (Hóa Thân). Ba thân ấy là sự biểu hiện của chính thân ta, lời nói của ta và tâm của ta, nhưng chúng ta không biết chúng, vì chúng bị che khuất. Tu tập chừng nào thì các màng che thân biến đi chừng ấy. Sau cùng chúng ta hiểu được rằng thân chỉ là một biểu hiện ảo huyễn, không có thật, chỉ có mục đích là phục vụ và giúp chúng sinh. Đó hiểu được rằng thân chúng ta là “nirmāṇakāya”. Khi chúng ta tiến lên trong sự thanh tịnh hóa, các màng che của lời nói được tan biến đi. Chúng ta hiểu được rằng lời nói là “saṃbhogakāya”, sự giao tiếp của các đức tính của tâm.  Khi các màng che tâm tan biến đi, chúng ta hiểu được rằng tâm là rỗng lặng và trí tuệ. Trong nghĩa này đó là “dharmakāya”, hay thân của sự thật rốt ráo. Khi chứng đắc được như thế và ngay trên con đường, chúng ta hiểu được rằng không nên tìm sự giác ngộ như thể là chúng ta không có nó. Đúng vậy, đây là công việc nhằm phơi trần ra. Sự biểu hiện của ba kaya phải được tìm thấy nơi chính ta, qua con đường và các phép tu tập thích hợp với nó.

Cách cư sử đúng là một thái độ tin tưởng và phó thác. Chúng ta tin vào sự ban phước của Tam Bảo, vì chúng ta hiểu rằng sự ban phước ấy có phẩm chất của giác ngộ và sẽ dẫn ta đi về đó, nếu chúng ta từ bỏ cách nhìn ích kỉ, nếu chúng ta cho rằng là chủ nhân của hoạt động này, rằng chúng ta điều hành mọi thứ, chúng ta không thắng được sự ích kỉ. Nếu ngược lại, chúng ta tự mở ra đối với ảnh hưởng tâm linh của Tam Bảo, không hi vọng và không sợ hãi, cố gắng một cách đúng, các màng che tan biến một cách từ từ đi. Mọi sự trở nên rất trong sáng. Tâm ở trong một trạng thái vui và bình an tự nhiên. Nó rất lanh lợi và chính xác. Nó biết rõ điều phải làm, mà không một ý muốn ích kỉ. Các màng che và các cảm xúc biến mất, thay vào đó là sự hiểu biết, sự tin tưởng và niềm vui.

Tự phó thác cho Tam Bảo

Nếu chúng ta xem sự tu tập như một thách thức đối với mình, như một trận đánh thì ta phải làm: “ta phải tu, ta phải thắng, ta phải thực hành mọi sự”, cái tôi ở trung tâm các thứ ấy mạnh thêm và lại áp chế chúng ta. Bấy giờ phiền muộn có thể ập vào, vì chúng ta hành động. Mọi sự trở nên rất rắc rối. Chúng ta cố xây dựng một sự giác ngộ theo ý chúng ta và hoàn toàn khép kín trước mọi phước lành. Sự thất vọng, hi vọng, lo sợ và các khó khăn quấy rầy chúng ta suốt trên con đường và nhiều lúc chúng ta muốn bỏ cuộc. Ngược lại nếu chúng ta tự phó thác cho sự ban phước của Tam Bảo, chúng ta tự mở ra hoàn toàn đối với sự ban phước ấy. Các màng che mà chính là các màng của sự cố chấp phân biệt tan biến đi. Các đức tính của giác ngộ, vốn là các đức tính của chính tâm ta, xuất hiện và không có một ép buộc nào.

Khi có quá nhiều ý muốn của cái “tôi” trong sự tu, điều đó trở thành một chướng ngại, vì chúng ta biến giác ngộ thành một khái niệm thúc ta tạo nên quan niệm của mình. Chúng ta muốn trở nên hoàn toàn, đáp lại cái mà ta xem là lý tưởng thánh thiện tức giác ngộ và đã được giải thoát khỏi mọi hình thức khổ, chúng ta tập trung trong mọi nỗ lực trong chiều hướng ấy. Các nỗ lực ấy, mà người ta có thể gọi là có “tính cách khái niệm”, khép kín tâm ta lại đối với chính thực tế của giác ngộ. Chúng ta tưởng tượng ra cái có thể là giác ngộ và chúng ta không muốn nghe, nói điều gì khác. Khi mọi chuyện đều tốt, chúng ta rất kiêu, rất hãnh diện: “mình là một người tu đúng”. Khi có vấn đề, chúng ta không tự xem xét lại mình: “nếu có điều gì không tốt, đó là do lỗi của thầy hoặc của sự giảng dạy”. Thực ra “mọi sự không xuôi” là chúng ta tin quá vào cái chúng ta cho là giác ngộ nên tự khép kín đối với giác ngộ thực. Chúng ta hoàn toàn bị khựng lại nên không nhận được phước, tâm ta co quắp lại, trở nên càng lúc càng nhỏ nhen, chật hẹp đối với quan niệm ấy về giác ngộ. Chúng ta càng lúc càng bướng và sự tu của chúng ta hoàn toàn khác với sự tu đúng.

Ngược lại nếu chúng ta mở rộng tâm, chúng ta sẽ sẵn sàng và mở rộng đối với mọi tình huống, chúng ta hết lòng vì lợi ích của chúng sinh, rất dễ cảm nhận được sự giác ngộ. Tất cả những gì xảy đến là một sự ban phước, một dịp để nhận thêm một ân phước cho phép ta được giải thoát khỏi các màng che. Và tất cả những gì xảy đến được đón tiếp như nhau. Hạnh phúc và đau khổ không trở thành nguồn gốc của trầm uất hoặc kiêu mạn, và chúng ta tiến lên một cách đúng, trên con đường.

Một thái độ tự kỉ có thể thực hiện một sự định tâm nào đó. Bấy giờ mình rất hài lòng vì đã đạt đến cái ý mà mình có về sự giác ngộ, nghĩa là một trạng thái không bị quấy nhiễu, không tiếng động, không tư tưởng, không gì để làm phiền ta. Chúng ta rất sung sướng. Chúng ta tự đặt mình một cách hãnh diện trong trạng thái đó và hưởng nó, tự nhủ: “chúng sinh có thể chờ, về sau mình sẽ tính. Điều quan trọng là sau rốt, mình có được sự yên tĩnh mà mình mong biết bao”. Chúng ta tự đặt mình vào đó như con chim làm tổ, chúng ta nép vào đó trong cái ấm của nó. Loại thiền đó tựa như giấc ngủ của loài gấu vào mùa đông. Chúng ta qua mùa đông và ngủ trong sự tiện nghi dễ chịu.

Sự Thiền đúng bắt đầu bằng sự phát triển niềm tin và sùng kính đối với Thầy. Nó bắt đầu bằng sự hành trì như đạo sư Yoga, trong đó chúng ta tự mở ra trước sự ban phước của thầy, để loại bỏ các màng che lấp tâm ta, tâm thầy và thân của sự thực tuyệt đối hay “dharmakāya” (Pháp Thân)” là cùng một bản chất duy nhất. Chúng ta tự đặt trong một trạng thái tâm thức trong đó các tri thức thông thường của thế gian cạn dần đi, nhường chỗ cho cái nhìn trí tuệ, tức nhìn thấy được sự thật của các hiện tượng và của chính chúng ta. Thiền là tự đặt một cách tự nhiên và không bị ép buộc cũng không thiền nữa, trong trạng thái đó và ở trong đó. Đó là một cách thiền đúng. Ở đó tâm chúng ta bình an và sung sướng một cách tự nhiên.

Nếu chúng ta thấy có sự khác biệt giữa Phật và các chúng sinh, đó là vì cái thấy của chúng ta bị hỏng, vì chúng ta còn phân biệt giữa thanh tịnh và bất tịnh. Cái thấy ấy dựa trên sự phân biệt của cái tôi và trên các thói quen về tư tưởng, về các niệm sai, bị bóp méo bởi các cảm xúc và nghiệp. Khi chúng ta ý thức được rằng tâm ta, tâm thầy và dharmakāya (Pháp Thân) đều cùng một bản chất duy nhất, chúng ta hiểu rằng rốt cục không có một sự khác biệt cơ bản nào giữa các Phật và chúng sinh, và cùng một bản chất Phật làm sống tâm của từng vị, từng chúng sinh. Chúng ta hiểu rằng tất cả các chúng sinh là Phật mà không biết mình là Phật, nhưng trong cái nhìn đời của chúng ta, chúng ta không còn phân biệt. Sở dĩ cái “thấy” bị hỏng là vì có những màng che không cho ta thấy bản chất rốt ráo của mọi hiện tượng, bản chất Phật của tâm, chúng ta phải làm việc để thoát khỏi các màng che ấy.

Các đệ tử của Milarepa thắc mắc muốn biết làm thế nào để Thầy có thể thắng nhiều trở ngại như thế, từ bỏ nhiều thứ đến thế để đạt đến giác ngộ, trong một thân duy nhất và một đời duy nhất. Các đệ tử đầy lòng tốt và thành kính, thưa với ngài rằng: “Ngài chắc chắn không phải là một người thường. Ngài phải là hóa thân của một vị Phật hay một vị Bồ Tát, vì một người thường không thể làm được những gì Ngài đã làm”. Ngài Milarepa  giảng cho họ, đại để như sau: “ Nếu các con cho rằng ta là một vị đặc biệt, các con không hiểu được Phật Pháp, các con không tin vào những phương tiện mà Phật Pháp cho và đặc biệt là Kim Cang thừa, bởi vì chính ta, ta cũng không biết ta là ai. Ta cũng không biết ta là hóa thân của ai và điều đó ít quan trọng đối với ta. Ta có thể là sự tái sinh của một chúng sinh nơi địa ngục, ta không biết gì hết. Tất cả những gì ta biết là do áp dụng những phương tiện mà Thầy ta cho, ta đã đạt đến chỗ hiện nay. Nếu các con làm như vậy, các con cũng có thể đạt đến đó, nhưng điều này tùy các con. Nếu các con tưởng ta là một người xuất chúng, rằng có một sự khác biệt giữa ta và các con, thì các con đã lầm. Đó là một dấu hiệu rằng các con thiếu tin Phật.

Cái Thấy thanh tịnh

Mỗi chúng sinh thấy thế giới qua mắt mình và công việc của mỗi người là thanh tịnh hóa mình, biến cái thấy thông thường về thế giới thành cái thấy trí huệ, cái thấy sự thực tế. Không ai có thể làm việc ấy cho chúng ta, mỗi chúng ta phải tự làm cho mình. Sự thay đổi ấy được thực hiện qua sự tu, qua các giai đoạn đã được cắt nghĩa. Dần dần chúng ta hiểu rằng không có sự khác biệt giữa chúng sinh và Phật. Thế giới hiện ra chúng ta hiểu đó là sự biểu hiện của tâm. Và vì lý do đó, đó là sự biểu hiện sự thanh tịnh của tâm, của sự hoàn toàn của tâm. Tất cả các chúng sinh trong thế gian này, mà hiện giờ chúng ta thấy đó là chúng sinh phàm tục, thanh tịnh hay bất tịnh, súc sinh hay người thực ra đều nắm giữ trí huệ, các dakini (dịch giả: Thiên nữ) và các daka (dịch giả: Thiên nam) là các dạng nữ hay nam của giác ngộ, họ có một hoạt động và họ làm việc vì hạnh phúc của tất cả chúng sinh. Nhưng chúng ta không thể có cái thấy ấy do các màng che, các cảm xúc, các sai lầm của chúng ta che lấp đi cái thấy ấy. Vậy mỗi người phải làm việc để làm sáng các tri giác của mình. Sự thay đổi dần dần ấy dẫn đến trí huệ, đến cái thấy thánh thiện và do đó, sẽ cho ta sự hiểu rốt ráo về bản chất của tâm.

Như chúng tôi đã nhắc, để đến với Dharma bằng sự học, suy nghĩ và thiền, luôn phải có thái độ đúng: chí hướng và giác ngộ, Bồ Đề Tâm. Một lần nữa phải nhắc lại rằng tất cả các hành động của đời ta đều phải thấm nhuần chí hướng giác ngộ. Các hành động của ta, dù quan trọng hay nhỏ bé phải được dựa trên chí hướng ấy. Dù tụng một lần câu chú của Quan Thế Âm Bồ Tát cũng phải dựa trên nó.

Ngoài động cơ đúng đó, điều quan trọng thứ nhì là sự tin Tam Bảo, nền tảng của Phật Pháp. Phật pháp và tăng già là nền tảng của mọi phép tu và sự tự tin ấy là trọng điểm của sự tu. Nếu chúng ta không có niềm tin ấy, tất cả những khó khăn nổi lên được cảm nhận là những nỗi khổ và chướng ngại cá nhân. Một cách nhanh chóng, nghị lực của chúng ta giảm, niềm tin biến mất. Ngược lại nếu chúng ta tự phó thác hoàn toàn cho sự ban phước của Tam Bảo, và nếu ta chấp nhận mỗi trở ngại như một công việc thanh tịnh hóa trên con đường, niềm tin với Tam Bảo sẽ tăng dù điều đó khó. Và lúc đó, một cách tự nhiên tâm ta sẽ tĩnh, mở ra đối với ảnh hưởng tâm linh ấy và các kinh nghiệm có thể xuất hiện.

Nhiều loại người tu

Rất đông chúng ta đi theo học Phật pháp, và chúng ta đều rất khác nhau. Một số có thể cho rằng họ có khả năng tu tập theo Phật pháp, rằng họ có được nghiệp cho phép họ làm như thế, và một số khác có thể nghĩ rằng mình gần như xa lạ đối với tất cả. Đó là một nhầm lẫn lớn, vì mỗi người đều có thể phát triển các đức tính của giác ngộ và gắn liền với tâm. Mỗi người phải làm công việc đó theo nhịp độ của mình, với những khả năng của mình. Học được Phật pháp, gặp được một vị thầy đã là một dấu hiệu của hạt giống nghiệp, một khả năng chỉ muốn lớn lên. Dĩ nhiên chúng ta không thể tiến bộ giống nhau và cùng nhịp độ. Tuy nhiên điều này không quan trọng. Điều quan trọng là mỗi người phải phát triển niềm tin và mục đích và các phương tiện, vào Tam Bảo. Nhờ niềm tin đó, tâm ta thay đổi và chúng ta phát triển các đức tính. Những ai có một khả năng rất lớn, do nghiệp, sẽ đi ngay và trọng điểm của sự tu tập với một niềm tin và một ước muốn không thể tan vỡ, lay chuyển được. Một số khác chỉ thích Phật pháp, sung sướng vì một việc tâm linh đang được thực hiện. Qua niềm vui đó, qua sự thu hút đối với Phật pháp, có một sự tiến bộ tâm linh, và nó gia tăng. Dần dần một niềm tin, một sự tinh tấn trong sự tu tập sẽ phát sinh. Tóm lại, đó chỉ là một công việc cá nhân, một cố gắng phải làm trên cơ sở tình trạng của chúng ta, hay của những gì chúng ta có, với sự phát triển niềm tin vào Tam Bảo, chí hướng giác ngộ và thực hành ý trí ấy. Dần dần các màng che tâm Phật trong mỗi chúng ta biến mất.

Chúng ta là những chúng sinh thông thường, ít ra chúng ta cũng tự xem như vậy, và đối với chúng ta, giác ngộ hay trạng thái của Phật là một cái gì đó xa xôi, không hình dung được nữa là khác. Thực ra khi chúng ta biết hết các phương tiện đi đến giác ngộ, thì giác ngộ hay trạng thái của Phật không xa như vậy. Nó rất gần, vì chính nó là tâm ta. Tâm đó là giác ngộ, tâm đó là Phật. Chỉ vì ngu si và các loại màng che mà chúng ta không thấy được thực tế đó. Và giác ngộ có vẻ xa xôi với chúng ta, rất khác hiện trạng với chúng ta. Tilopa có một phong cách chung: “do ngu si, chúng sinh thấy khác giữa họ và giác ngộ, và đi tìm giác ngộ ngoài họ ra. Cố gắng đó tạo nhiều lo âu và mệt nhọc. Khổ thay! Thương thay!”

Bản chất Phật hiện diện nơi mọi chúng sinh

Các sự giảng dạy nói rằng tất cả chúng sinh đều có bản chất Phật, nhưng do bất định tạm thời, họ không thể trông thấy nó. Bản chất của tâm ta là cái được gọi là bản chất Phật. Thực ra không có sự khác về phẩm chất giữa tâm một vị Phật và tâm của một chúng sinh. Cũng không có sự khác giữa tâm của các chúng sinh. Vậy nên người ta nói về tâm, và tâm đó có đặc điểm sâu xa là bản chất Phật, tiếng phạn gọi là ta-ta-ga-ta-gac-ba. Người ta có thể nói rằng chúng sinh chung nhau tâm ấy, hay đúng hơn, nó làm sống tâm của tất cả các chúng sinh. Nhưng do các màng che tạm thời: nghiệp, các cảm xúc, các khuynh hướng quen thuộc, ngu si, chúng ta không trông thấy thực tế đó và giai đoạn đó có khi hơi dài!

Việc cần làm là giải thoát khỏi các màng che tạm thời ấy, hay đúng ra là để thấy được bản chất Phật, bản chất sâu xa của tâm chúng ta. Lúc việc đó đã làm xong, lúc ta đã thấy được rồi, ta nhận thấy rằng giác ngộ lúc nào cũng là bản chất của tâm ta và chúng ta không hề tạo ra nó. Chúng ta không lấy được nó bằng cách này hay cách khác. Lúc nào nó cũng có đó. Khổ thay, cho dù bản chất Phật là bản chất sâu xa của tâm ta, do ngu si chúng ta không biết điều đó. Và nếu chúng ta không làm gì, sự ngu si sẽ ở đó mãi. Đừng mong rằng tự nhiên như phép lạ, bản chất Phật thức dậy và các màng che lấp biến đi. Phải tác động lên tâm, phải đi theo con đường. Nhờ học các phương pháp của Phật pháp mà chúng ta sẽ thoát khỏi các màng che và thấy được bản chất thật của tâm chúng ta. Điều đó hơi giống như sữa. Sữa chứa bơ trong chất kem của nó, nhưng nếu ta không tách kem ra khỏi sữa, nếu người ta không đánh kem, bơ sẽ không xuất hiện từ một ly sữa! Cần phải cố gắng để thoát khỏi các màng che làm chướng ngại bản chất Phật, bản chất sâu xa của tâm chúng ta.

 Sự thanh tịnh hóa thân, lời nói và tâm

Tất cả các màng che lấp bản chất Phật của chúng ta, đều tích tụ bởi thân, lời nói hay tâm ta. Không có sự tích tụ nào xấu có thể xảy ra ngoài ba cửa ấy, ba con đường ấy. Vậy phải thanh tịnh hóa dần dần các điều xấu tích tụ qua ba cửa ấy bằng các phép tu khác nhau và có những thái độ, tinh thần khác. Đó là chức năng của Phật pháp, chức năng của các phương tiện khéo được giảng dạy.

Để thanh tịnh thân, chúng ta có thể chẳng hạn lễ lạy, đi nhiễu quanh vật thánh, như các tháp. Ngoài ra các phương tiện của Kim Cang Thừa (Vajrayana) chúng ta sẽ phát triển cái thanh tịnh của sự thể hiện bằng hình tướng. Phải thấy rằng biểu hiện ấy là hình tướng của các vị thần (dịch giả: Phật, Bồ Tát, trong phép quán các Yi-đam: bổn tôn) cái nhìn thanh tịnh ấy giúp ta hiểu rằng thân chỉ là một sự biểu hiện ảo huyễn có mục đích giúp đỡ và giảng dạy. Về lời nói, chúng ta sẽ nhờ đến các câu chú để thanh tịnh hóa, các bài tụng như các kinh (xu-tra) chúng ta sẽ dùng các phương tiện của Kim Cang Thừa, trì chú kết hợp với quán tưởng một vị thần đặc biệt để đạt đến một cách cảm nhận có trí tuệ của sự phát biểu, của sự giao tiếp, của lời nói chúng ta.

Tâm sẽ được thanh tịnh nhờ niềm tin và lòng thành kính mà chúng ta sẽ phát triển đối với Thầy và Tam Bảo. Và cũng nhờ tình thương và từ bi của chúng ta đối với chúng sinh. Đặc biệt, tâm sẽ được thanh tịnh nhờ thiền định Xa-ma-đi với các phương tiện khác như Ma-ha-mu-dra (Đại thủ ấn) để hiểu được bản chất của tâm.

Như vậy các màng che lấp thân, lời nói và tâm sẽ biến mất dần dần và các đức tính của giác ngộ sẽ nổi lên. Sau cùng chúng ta sẽ hiểu được rằng thân, lời nói và tâm chúng ta trước đây thấy là phàm phu, thực ra là biểu hiện của ba Kaya (thân Phật) ba mặt của giác ngộ. Ba cách  biểu hiện ấy không chia cắt nhau. Chúng ta tạo thành một thực thể tổng thể thiết yếu gọi là thân thiết yếu, Sva-ba-vi-ka-ya.

Lama Gendun Rinpoche

Nguyên Tác: Thầy và Đệ tử

Ani Ngawang Kuntchok Dreulma Viên Huệ

Nhà Xuất Bản Phương Đông