marpa-2

Cách thức Jetsun Milarepa đi theo Ngài Marpa xứ Lhodrak

Trong vùng Ngari Gungthang có một người giàu có tên là Mila Sherab Gyeltsen. Ông có một con trai và một con gái, người con trai tên là Mila Thopa-ga, “Mila Hoan Hỷ Khi Nghe Đến,” mà sau này trở thành Ngài Jetsun Milarepa. Khi hai người con còn nhỏ thì cha chúng mất. Người chú tên là Yungdrung Gyaltsen đã chiếm đoạt tất cả của cải và tài sản. Hai đứa bé và mẹ chúng bị bỏ mặc không tiền bạc và thực phẩm, buộc phải trải qua nhiều gian khổ. Mila đã học chú thuật và cách tạo mưa đá từ nhà huyền thuật Yungton Throgyal ở xứ Tsang và Lharje Nupchung. Bằng cách làm sập nhà, Mila gây nên cái chết cho con trai và con dâu của người chú cùng với ba mươi ba người khác. Khi tất cả dân chúng trong làng trở nên giận dữ chống lại Mila thì ông đã tạo ra một trận mưa đá dữ dội tới nỗi lớp nước đá phủ trên mặt đất dày bằng ba lớp tường đất sét.101

Although Milarepa became a great sorcerer, conjuring hailstorms as pictured above, his remorse over his deeds overwhelmed him.

Sau đó, hối hận về những ác hạnh đã tạo, Mila quyết định tu theo con đường Phật PhápNghe lời khuyên của Lạt Ma Yungton, ông đi tìm gặp một vị thầy tinh thông Pháp Đại Viên Mãn tên là Rongton Lhaga, và xin được chỉ dạy.

Vị Lạt Ma trả lời: “Giáo Pháp ta dạy là Đại Viên Mãn. Gốc của Pháp ấy là sự chiến thắng của nguyên sơ, ngọn của Pháp ấy là sự chiến thắng của giai đoạn thành tựu và quả của Pháp ấy là sự chiến thắng của pháp môn du già.102 Nếu hành giả thiền định về Pháp ấy trong ngày, hành giả có thể thành Phật trong ngày đó; nếu thiền định về Pháp ấy trong đêm, hành giả có thể thành Phật ngay trong đêm đó. Những người may mắn mà hành nghiệp trong quá khứ của họ đã tạo nên những thiện duyên thích hợp thì thậm chí không cần phải thiền định; họ sẽ được giải thoát chỉ nhờ nghe được Pháp ấy. Vì Pháp ấy là Giáo Pháp dành cho những người có căn cơ lỗi lạc xuất chúng nên Ta sẽ dạy Pháp ấy cho ngươi.”

Sau khi nhận được quán đảnh và những giáo huấn, Mila tự nghĩ: “Ta đã mất hai tuần để đạt được những dấu hiệu thành công quan trọng trong việc sử dụng bùa chú. Bảy ngày đủ để làm được mưa đá. Giờ đây là một giáo lý còn dễ hơn cả bùa chú và mưa đá – nếu bạn thiền định trong ngày, bạn sẽ thành Phật ngay trong ngày đó; nếu thiền định vào ban đêm bạn sẽ thành Phật ngay trong đêm đó – và nếu hành nghiệp trong quá khứ của bạn đã tạo ra những thiện duyên thích hợp, thì thậm chí bạn hoàn toàn chẳng phải cần thiền định gì hết! Nhìn thấy cách ta đã gặp được giáo lý này như thế nào thì rõ ràng ta phải là một trong những người có những thiện hạnh trong quá khứ.”

Vì thế, Ngài cứ ngồi ở trên giường mà không thiền định, do đó hành giả và giáo lý tách lìa nhau.

Vài ngày sau vị Lạt Ma nói với Ngài: “Những gì ta nói với người đều là sự thật. Ngươi thực sự là kẻ đại tội lỗi, và ta đã tán thán giáo lý của ta hơi thái quá. Vì thế bây giờ ta sẽ không dẫn dắt ngươi nữa. Ngươi nên đi đến ẩn thất Trowolung ở Lhodrak, ở đó có một đệ tử chân truyền của thành tựu giả Ấn Độ Naropa. Ngài là Marpa, bậc xuất sắc nhất trong các vị Đạo Sư, vua của các dịch giả. Ngài là một thành tựu giả của Truyền Thống Tân Mật,103 và khắp tam giới không ai sánh bằng. Vì ngươi và Ngài có mối liên kết bắt nguồn từ các hành nghiệp trong những đời trước (có nhân duyên tiền kiếp), nên ngươi hãy đi tìm gặp Ngài!”

Chỉ cần nghe tới âm thanh danh hiệu của Dịch Giả Marpa là cũng đủ làm cho tâm thức Milarepa tràn ngập niềm an lạc vô tả. Ngài hoan hỷ tới nỗi mọi lỗ chân lông trên thân Ngài đều dựng đứng, và cảm thức sùng kính bao la ngập đầy khiến mắt Ngài đẫm lệ. Milarepa lên đường, tự hỏi bao giờ mới được diện kiến vị Thầy của mình.

Lúc bấy giờ Marpa và vợ Ngài có nhiều giấc mơ lạ thường, và Marpa biết rằng Jetsun Mila đang trên đường đi tới chỗ Ngài. Ngài đi xuống thung lũng để chờ Mila tới, giả vờ như đang cày ruộng. Thoạt tiên Mila gặp con trai của Marpa là Tarma Dode đang chăn trâuTiếp tục đi xa hơn một chút, Mila thấy Marpa đang cày ruộng. Lúc Mila nhìn thấy Ngài Marpa, Mila kinh nghiệm trạng thái hỷ lạc mãnh liệt vô tả; trong chốc lát, mọi niệm tưởng tầm thường ngưng bặt. Tuy nhiên, Mila không nhận ra được rằng đây là một Lạt ma bằng xương bằng thịt, và giải thích với người rằng mình tới đây để tìm gặp Marpa.

“Ta sẽ dẫn mi tới gặp Ngài,” Marpa trả lời. “Hãy cày đám ruộng này cho ta.” Để lại cho Mila một bình bia, Marpa bỏ đi. Mila uống cạn bia rồi làm việc. Khi Mila hoàn tất công việc, con trai của vị Lạt ma tới gọi và cả hai cùng đi.

Khi Mila được đưa tới trước mặt vị Lạt Ma, Mila đặt hai lòng bàn chân Marpa trên đỉnh đầu mình và kêu lên:“Ôi, Đạo sư! Con là một kẻ đại tội lỗi ở phương tây! Con xin cúng dường Ngài thân, khẩu và ý của con. Xin nuôi dưỡng, cho quần áo mặc và dạy con Giáo Pháp. Xin dạy cho con cách thức để thành Phật trong đời này!”

“Không phải là lỗi của ta khi mi tự cho mình là một kẻ xấu xa như thế,” Marpa trả lời. “Ta không yêu cầu mi tích luỹ những ác hạnh vì lợi ích của ta! Vậy mi đã làm những điều gì sai trái?”

Mila thuật lại cho Ngài toàn bộ chi tiết câu chuyện.

“Tốt lắm,” Marpa ưng thuận, “trong bất kỳ trường hợp nào, việc cúng dường thân, khẩu và ý của mi là một điều tốt. Tuy nhiên, về phần quần áo, thực phẩm và Giáo Pháp thì mi không thể có cả ba. Hoặc ta cho mi quần áo và thực phẩm còn Giáo Pháp thì mi phải đi tìm ở nơi khác, hoặc mi nhận Giáo Pháp của ta và tìm phần còn lại ở nơi nào đó. Hãy quyết định đi. Và nếu chọn Giáo Pháp, thì việc mi có đạt được Phật Quả trong đời này hay không sẽ tùy thuộc vào hạnh nhẫn của bản thân mi.”

Mila nói: “Nếu đúng như thế thì con sẽ tìm lương thực và quần áo ở nơi khác bởi con tới đây chỉ vì Pháp.”

Mila ở lại vài ngày và đi xin khắp xứ Lhodrak thượng và hạ được hai mươi mốt thùng lúa mạch. Ông dùng mười bốn thùng để mua một ấm đồng có bốn quai. Đổ sáu bình lúa vào một cái bao, ông trở về cúng dường ấm và lúa cho Marpa.

Khi Mila đặt bao lúa mạch xuống, ông làm căn phòng rung chuyển, làm cho Marpa thức giấc.

I am not to blame for Milarepa’s suffering. I actually used my rage as a skillful tool to test him thoroughly and purify him of his past ill-deeds.

“Mi là một tên pháp sư trẻ có sức mạnh, phải vậy không?” Ngài nói. “Bộ mi định giết chết cả nhà ta bằng cách làm sập nhà với hai tay trần của mi chắc? Đem bao lúa mì đó ra khỏi đây ngay!” Ngài đá cái bao, và Mila phải đem nó ra ngoài. Lát sau, Mila đưa cho Ngài Marpa cái ấm rỗng.104

Một ngày nọ, Marpa nói với Mila: “Những người xứ Yamdrok Taklung và Lingpa đang tấn công những đệ tử trung thành ở U và Tsang tới thăm ta, và trộm cướp lương thực cùng đồ cúng dường của họ. Hãy trút mưa đá xuống chúng! Vì đó cũng là một loại Pháp, sau đó ta sẽ ban cho mi những giáo huấn.”

Mila gây ra những trận mưa đá tàn phá cả hai vùng này và sau đó đi cầu giáo lý.

“Mi nghĩ ta sắp trao cho mi giáo lý đem về từ Ấn Độ có giá trị to lớn như vậy để đổi lấy ba hay bốn trận mưa đá hay sao? Nếu mi thật sự mong cầu Giáo Pháp, hãy làm mê hoặc dân chúng ở ngọn đồi Lhodrak. Họ tấn công những đệ tử xứ Nyaloro của ta và luôn cư xử với ta bằng thái độ xem thường ra mặt. Khi có dấu hiệu cho thấy thần chú của mi đã có tác dụng, ta sẽ ban cho mi giáo lý khẩu truyền của Naropa, giáo lý ấy sẽ dẫn đến Phật Quả chỉ trong một thân và một đời người duy nhất.”

Khi những dấu hiệu thành công của ác chú xuất hiện, Mila xin được ban Giáo Pháp.

“Hả! Phải chăng để tỏ lòng tôn kính những ác hạnh mi đã tích lũy mà mi đòi các giáo huấn khẩu truyền còn ấm hơi thở của những vị Không-Hành nữ (dakini) này, là những gì ta đã phải tìm cầu bất chấp những hiểm nguy tới tính mạng và cuộc đời ta hay sao? Ta nghĩ rằng mi cợt đùa, nhưng ta thấy mình đã phải tự chế quá nhiều. Chính ta chứ không ai khác sẽ giết mi! Bây giờ hãy làm những người trên đồi sống lại và trả lại mùa màng cho dân xứ Yamdrok. Nếu làm được, mi sẽ nhận được giáo lý – còn không, đừng quanh quẩn bên ta nữa!”

Hoàn toàn kiệt sức bởi những lời quở trách này, Mila ngồi khóc nức nở. Sáng hôm sau, Marpa đến gặp Thầy.

“Tối qua ta có hơi cộc cằn với mi,” Ngài nói. “Thôi đừng buồn. Ta sẽ ban cho mi giáo huấn từng ít một. Hãy kiên nhẫn! Vì mi là một người thợ giỏi, ta muốn mi xây cho ta một căn nhà để cho Tarma Dodé. Khi nào mi hoàn tất, ta sẽ ban cho mi những giáo huấn, và cũng sẽ cung cấp cho mi thực phẩm và quần áo.”

“Nhưng nếu con chết trong thời gian đó, con sẽ làm được gì khi không có Giáo Pháp?” Mila hỏi.

“Ta bảo đảm rằng điều đó sẽ không xảy ra,” Marpa nói, “giáo lý của ta không chỉ để khoe suông, và bởi rõ ràng là mi có hạnh nhẫn thật phi thường nên khi mi áp dụng những giáo huấn của ta vào thực hànhchúng ta sẽ chờ xem mi có đạt được Phật Quả chỉ trong một đời hay không.”

Sau khi khuyến khích đệ tử nhiều hơn nữa theo cách thức tương tự, Ngài bảo Mila xây ba căn nhà, cái này sau cái kia: một căn hình tròn ở chân ngọn đồi phía đông, một căn hình bán nguyệt ở phía tây và một căn hình tam giác ở hướng bắc. Nhưng mỗi lần khi căn nhà xây được phân nửa thì Marpa lại nhiếc móc Mila dữ dội, bắt ông phá hủy những gì đã xây và đem đất đá hoàn trả trở lại nơi Mila đã lấy chúng.

Một vết thương mở hoác trên lưng Mila, nhưng ông nghĩ: “Nếu đưa cho Thầy xem, Ngài sẽ chỉ quở mắng ta một lần nữa. Ta có thể cho sư mẫu thấy, nhưng điều đó chỉ gây thêm ồn ào rắc rối.” Thế nên, không đưa cho sư mẫu xem vết thương, ông khóc lóc và van xin bà giúp ông thỉnh cầu giáo lý.

Bà yêu cầu Marpa truyền dạy cho Mila, và Marpa trả lời: “Hãy cho nó được ăn ngon và đem nó tới đây!” Ngài ban cho Mila khẩu truyền và những giới nguyện quy y.

Ngài nói: “Tất cả những điều này được gọi là Giáo Pháp nền tảng. Nếu mi muốn những giáo huấn phi thường của Mật Thừa thì những loại việc mà mi sẽ phải trải qua là như thế này…” và Ngài đọc một bài kệ tóm tắt về cuộc đời và những thử thách của Naropa. “Mi khó có thể làm được như vậy,” Ngài kết luận.

Nghe những lời này, Mila cảm thấy niềm sùng kính mãnh liệt đến nỗi nước mắt ông tuôn chảy mãi không thôi, và với một quyết tâm mạnh mẽ, ông nguyện làm bất cứ những gì Thầy ông yêu cầu.

Vài ngày sau, Marpa đi dạo và đem Mila theo như thị giả của Ngài. Marpa đi về hướng đông-nam và tới một miếng đất có vị trí thuận lợi. Ngài nói: “Hãy xây cho ta một tháp màu xám, có góc vuông và cao chín tầng ở đây, thêm một đỉnh nhọn nữa thì thành mười tầng. Mi không được hạ thấp tháp xuống, và khi hoàn tất ta sẽ ban cho mi những giáo huấn. Ta cũng sẽ cho mi lương thực khi mi nhập thất tu tập.”

Mila đã đào xong phần móng và bắt đầu xây cất thì có ba đệ tử cao cấp của Thầy tới. Để đùa giỡn, họ lăn tới cho ông một tảng đá lớn và Mila dùng nó làm móng nhà. Khi ông hoàn tất hai tầng dưới cùng, Marpa tới thăm và hỏi tảng đá ở đâu tới. Mila kể với Ngài sự việc xảy ra.

“Những đệ tử của ta đang thực hành pháp du già trong hai giai đoạn, họ không phải là những người hầu của mi!” Marpa la hét: “Hãy lấy tảng đá đó ra khỏi đây ngay và trả nó về chỗ cũ!”

Mila phá bỏ toàn bộ cái tháp, bắt đầu từ đỉnh. Ông lôi tảng đá làm móng ra và đem đặt lại chỗ cũ.

Sau đó Marpa lại bảo ông: “Bây giờ đem nó tới đây và đặt nó trở lại vào đây.”

Vì thế, Mila lại phải lăn tảng đá trở lại và đặt đúng vào chỗ trước đó. Ông tiếp tục xây dựng cho đến khi hoàn tất tầng thứ bảy, vào lúc này ông bị một vết thương ở bên hông.

Marpa nói: “Bây giờ hãy bỏ việc xây tháp, thay vào đó hãy xây cho ta một ngôi đền với một đại sảnh mười hai cột và một điện thờ cao.”

Thế là Mila xây ngôi đền, và khi hoàn thành thì một vết thương phía dưới lưng ông bị bể ra.

Vào lúc đó, Meton Tsonpo xứ Tsangrong thỉnh cầu Marpa ban quán đảnh “Người Chặn Đứng Bánh Xe Luân Hồi” (Samvara hay Chakrasamvara), và Tsurton Wangé xứ Dol thỉnh cầu ban quán đảnh “Bí Mật Tập Hội” (Guhyasamaja). Trong cả hai dịp này, Mila hy vọng rằng nhờ công việc xây cất mà ông được có quyền thọ nhận quán đảnh, có được một chỗ ngồi trong hội chúng, nhưng những gì ông nhận được từ Marpa chỉ là những cú đánh và những lời mắng nhiếc, và cả hai lần ông đều bị Thầy ném ra ngoài. Lưng ông giờ đây là một vết thương khổng lồ với máu và mủ chảy ra từ ba chỗ. Tuy nhiên ông vẫn tiếp tục làm việc, thay vì đeo giỏ đất ở lưng thì ông đeo ở phía trước ngực.

Khi Ngokton Chodor xứ Shung tới thỉnh cầu ban quán đảnh “Hô Kim Cương” (Hevajra), vợ Ngài Marpa đưa cho Mila một viên lam ngọc lớn là vật thừa kế của riêng bà. Mila dùng nó như món cúng dường cho lễ quán đảnh, ông ngồi vào hàng những người dự lễ, nhưng như lần trước, Thầy ông đã trách mắng và đánh đập ông một trận, và ông lại không được ban cho quán đảnh.

Lần này ông cảm thấy là không còn hoài nghi gì nữa: ông sẽ không bao giờ nhận được bất kỳ giáo lý nào. Ông đi lang thang vô phương hướng. Một gia đình ở Lhodrak Khok thuê ông đọc cả bộ Bát Thiên Tụng Bát Nhã Ba La Mật Đa Kinh. Ông đọc đến truyện của Thường Đề Bồ Tát (Sadaprarudita), và câu chuyện này làm ông phải suy nghĩ.

Ông nhận ra rằng để nhận được lợi lạc của Giáo Pháp, ông phải chấp nhận mọi gian khổ và làm hài lòng Thầy bằng cách làm bất cứ những gì Ngài ra lệnh.

Vì thế ông quay trở lại, nhưng một lần nữa Ngài Marpa chỉ đón chào ông bằng sự thóa mạ và những cú đánh. Mila quá tuyệt vọng đến nỗi vợ Ngài Marpa phải gởi ông tới Lạt Ma Ngokpa, vị này ban cho ông một số giáo huấn. Nhưng khi thiền định thì chẳng có điều gì xảy ra, vì Mila không được Thầy cho phép. Marpa ra lệnh cho ông phải đi về cùng với Lạt Ma Ngokpa.

Một ngày nọ, trong một tiệc cúng dường, Marpa khiển trách Lạt ma Ngokpa và những đệ tử khác thậm tệ và sắp sửa tấn đánh họ.

Mila tự nghĩ: “Với ác nghiệp của ta, không chỉ mình ta đau khổ vì những lỗi lầm trầm trọng và những chướng nghiệp sâu dày, mà giờ đây ta còn gây những khó khăn cho Lạt Ma Ngokpa và phối ngẫu của Đạo sư. Bởi ta chỉ đang chồng chất càng lúc càng nhiều ác hạnh mà chẳng được nhận bất kỳ giáo lý nào, nên cách tốt nhất là ta nên chết đi cho rảnh.”

5

Mila chuẩn bị tự tử. Lạt ma Ngokpa đang cố ngăn cản ông thì Marpa dịu xuống và gọi cả hai tới. Ngài chấp nhận Mila làm đệ tửban cho ông nhiều lời khai thị quý báu và đặt danh hiệu cho ông là Mila Dorje Gyaltsen, “Mila Kim Cương Ngọn Cờ Chiến Thắng.” Khi Ngài ban quán đảnh Samvara cho ông, Ngài cho thị hiện một mạn đà la với sáu mươi hai Bổn Tôn thật rõ ràng. Rồi Mila nhận danh hiệu bí mật là Shepa Dorje, “Kim Cương Hỷ,” và Marpa ban tất cả những quán đảnh và giáo huấn cho ông giống như rót từ bình này sang chiếc bình khác. Sau đó, Mila đã hành trì trong những điều kiện khắc nghiệt nhất, và đạt được tất cả những thành tựu thông thường và siêu việt.105

101.gyang rim gsum: ba lớp tường đất sét,” khoảng ba mét. Trong nhiều vùng của Tây Tạng, tường nhà được xây bằng đất sét (gyang) được kết chặt khi còn ẩm giữa những khuôn gỗ song song được đặt dọc theo tường và để cho khô. Cái khuôn này sau đó được di chuyển lên trên để giữ những lớp (rim) đất sét kế tiếp. Các bảng gỗ được sử dụng như những cái khuôn thường rộng khoảng một mét. Thuật ngữ gyang hoặc gyang rim thường được sử dụng như một cách đo lường phỏng chừng chiều sâu của tuyết. 
102.Có thể giải thích về ba câu này như sau: “Gốc (của pháp tu ấy) là sự chiến thắng của nguyên sơ,” có nghĩa rằng Phật tánh là bản tánh nguyên sơ của chúng ta, không thể bị ảnh hưởng bởi bất kỳ nguyên nhân hay hoàn cảnh nào. “Ngọn của pháp ấy chính là sự chiến thắng của quả vị thành tựu” có nghĩa là ta có thể đắc được Đạo Quảû tối thượng. “Quả của pháp ấy chính là sự chiến thắng của pháp môn du già” có nghĩa là không có phương pháp du già (yoga) nào có thể đem lại một kết quả tốt đẹp hơn. 
103.Truyền thống dựa trên những giáo lý ban đầu được đưa từ Ấn Độ vào Tây Tạng trong thế kỷ thứ 8 được gọi là truyền thống Cổ Mật (Cựu Phái) hay là Nyingma. Còn truyền thống đặt nền tảng trên một trào lưu giáo lý mới, bắt đầu từ thế kỷ 11 trở về sau gọi là Tân Dịch, hay Sarma. Vị Thầy đầu tiên của Milarepa, Ngài Rongton Lhaga, thuộc về phái Nyingma, trong khi Marpa là một dịch giả và hành giả thành tựu của giáo lý Tân Phái. 
104.Jetsun Mila muốn cúng dường một bình đầy lúa mạch. Cúng dường một bình rỗng được coi là điềm chẳng lành. 
105. Những thử thách mà Milarepa đã trải qua trước khi nhận giáo lý từ Marpa cũng là để tịnh hoá ác nghiệp đã tạo trong quá khứtích tụ công đức và là những chuẩn bị có tính chất tâm lý. Những thử thách này cũng có một mối liên hệ với tương lai của dòng truyền thừa của Ngài, mỗi chi tiết đều có một biểu tượng đầy ý nghĩa mà theo lý duyên sinh (rten ‘bral), sẽ ảnh hưởng tới tương lai của chính Milarepa và những đệ tử của Ngài. 

Đức Patrul Rinpoche

Nguyên tác: Lời Vàng Của Thầy Tôi