Kagyu Tăng đoàn

Cha mẹ sinh ra nhục thân, Bổn sư sinh ra Pháp thân

Mỗi vị xuất gia được biết đến Phật pháp và may mắn thoát khỏi phiền não thế tục, tiến trên con đường giác ngộ giải thoát đều là nhờ đấng tôn sư rủ lòng xót thương tiếp độ. Do vậy, chư vị hành giả xuất gia phải hết lòng kính mến, chăm học, làm tròn bổn phận của mình.

Đó là điều quan trọng và cũng là nền tảng căn bản của người xuất gia. Là đệ tử, khi có cơ hội được gần gũi, thì hết lòng chăm sóc sức khỏe cho Thầy. Bậc tôn sư hay người “Bổn sư” nghĩa là vị thầy cội gốc của mỗi hành giả xuất gia. Nhờ thầy mà người xuất gia được vào cửa Phật, xa lìa căn nhà thế tục và tiến lên con đường giác ngộ giải thoát. Nương vào tâm từ bi tiếp độ của thầy mà từ con người phàm phu, thế tục trở thành con người “Xuất trần Thượng sĩ”.

Cha mẹ sinh ra tấm thân bằng xương thịt này (nhục thân); còn Thầy Bổn sư sinh ra thân chánh pháp (pháp thân). Cho nên sự biết ơn, nhớ ơn, đền ơn, cung kính tôn trọng và giữ tròn bổn phận của người đệ tử đối với Thầy là một việc cực kỳ quan trọng, không thể thiếu.

Thầy là bậc có trí tuệ thâm sâu và có đạo đức rộng lớn. Trí tuệ của thầy vượt xa, có cái nhìn xa trông rộng. Sự hiểu biết của những bậc tu hành thâm sâu có thể vượt hơn mình rất xa hàng trăm ngàn năm, gọi là “tầm nhìn vượt thế kỷ”. Hoặc những người đã thâm nhập sâu trong pháp tính thì cái thấy biết siêu việt, vượt ra hình sắc, nghe ngoài âm thanh và không còn bị giới hạn bởi không gian, thời gian. Cho nên, mỗi vị hành giả phải một lòng cung kính, tôn trọng và lắng nghe sự chỉ dạy các bậc Trưởng thượng.

Hành giả xuất gia là bỏ hết tất cả để theo thầy học Đạo, thầy là người chỉ dẫn, răn nhắc, đẽo gọt, giúp bản thân mau chóng thành tựu Đạo nghiệp. Đó là một điều vô cùng quý báu.

Các tùng lâm tự viện đều là chỗ thi tuyển làm Phật (Tuyển Phật trường), là nơi những bậc mô phạm, những người chí lớn được nắn đúc ra Phật, rèn luyện ra Tổ. Đó là nhân duyên thù thắng trong trăm ngàn muôn kiếp tu tập, không phải người nào cũng được. Khi có cơ hội gần gũi, thì phải hết lòng chăm  sóc sức khỏe cho Thầy. Cần phải cung kính cố gắng hết sức làm tròn bổn phận, mà không cần phải để ý đến chuyện của người khác.

Nhiều người cho rằng việc xây cất một ngôi chùa là quan trọng, nhưng thời xưa một bậc thầy đạo hạnh thâm sâu xem việc tìm được người học trò nối pháp còn quan trọng hơn gấp trăm ngàn lần.

Ngài Hoa Đình Thiền Tử sau khi đã đắc đạo, cải trang thành một người chèo đò ở một vùng quê nọ suốt mấy chục năm để tìm đệ tử nối pháp. Khi đã tìm được người thừa kế, Ngài liền lật úp thuyền thị tịch.

Người xưa khi đã được tự tại trong sinh tử thì luôn nán lại để chờ người có đủ khả năng gánh vác đại pháp. Sau khi đã hoàn tất trách nhiệm trao pháp cho người sau rồi mới thanh thản ra đi.

Trong nhà Thiền thường nói: “Loài có sừng tuy nhiều, nhưng chỉ một con kỳ lân là đủ”. Kỳ lân là loài thú quý hiếm được dùng biểu trưng cho người có khả năng gánh vác đại pháp. Đệ tử tuy nhiều nhưng tìm được người có khả năng tiếp nhận và giữ gìn chánh pháp Vô thượng cam lồ giải thoát của đức Phật mới thật sự là việc quan trọng.

Ngày xưa, một vị thầy chỉ thu nhận hai hoặc ba người đệ tử, nhưng khi đã là thầy trò với nhau thì tình nghĩa đằm thắm còn hơn cha với con. Trách nhiệm nặng nề của vị thầy là phải luôn theo dõi để hướng dẫn, đẽo gọt, mài giũa xây dựng một người đệ tử suốt mấy mươi năm cho đến khi thành tựu đạo hạnh và có thể đi ra hoằng pháp lợi sinh. Những vị được phước duyên sớm hôm kề cận bậc Cao Đức suốt hai, ba chục năm, sau này đều thành những bậc Cao Tăng làm chấn hưng Phật giáo hoặc là những người có khả năng phát dương quang đại đạo lý giải thoát.

Khi xưa, ngài A-nan không chứng quả vào Niết bàn để được kề cận bên Phật, ghi nhớ hết tất cả lời dạy của Phật để sau này kết tập thành ba tạng Thánh điển có giá trị suốt mấy ngàn năm.

Cả một đời của ngài Cưu-ma-la-thập phiên dịch rất nhiều kinh điển. Luôn kề cận bên cạnh là ngài Tăng Triệu. Người đệ tử này được Ngài khen là Tần nhân giải Không đệ nhất, tức là người nhà Tần hiểu về tánh Không bậc nhất. Về sau, ngài Tăng Triệu  đã viết bộ Triệu Luận gây chấn động Phật giáo đương thời, chỉ tiếc là Ngài viên tịch quá sớm ở lứa tuổi 32. Trí tuệ siêu việt của Ngài được Đạo sư Ấn Thuận khen ngợi là bậc xuất sắc về Trung Quán Học.

Đại sư Thiên Thai Trí Khải, Tổ khai sáng của tông Pháp Hoa, có đệ tử nối pháp là ngài Quán Đảnh, luôn ở bên cạnh để ghi chép lại những điều mà Sư phụ chỉ dạy. Đến khi ngài Trí Khải thị tịch thì những lời ghi chép được tổng hợp làm thành bộ Thiên Thai Tạng.

Ngài Lô Sơn Huệ Viễn kề cận bên cạnh ngài Đạo An mà tỏ ngộ về pháp Bát-nhã Ba-la-mật, lên Lô Sơn mở ra Tịnh độ tông và được người sau tôn là Sơ tổ. Ngoài ra, các ngài Huyền Trang, Lục Tổ, Thanh Nguyên Hành Tư và nhiều vị khác nữa do ở gần gũi các bậc Cao Tăng mà về sau đều trở thành bậc lỗi lạc, xuất chúng.

Ngày nay, mỗi vị hành giả nên nhìn những tấm gương sáng ấy mà học hỏi thực hành theo đức độ, đạo hạnh và sự quên mình hy sinh vì đạo pháp của các Ngài. Phải nên cung kính phụng sự, cúng dường thân, miệng, ý thì sẽ được lợi ích vô lượng vô biên.

Nguồn:https://phatgiao.org.vn/cha-me-sinh-ra-nhuc-than-bon-su-sinh-ra-phap-than-d36882.html