Monks-DebateSera-Monatery

Vài nét về phương pháp tranh biện trong truyền thống Phật giáo Tây Tạng

Từ thế kỷ thứ VII, Phật giáo đã dần dần phát triển ở Tây Tạng; Logic học cũng được truyền bá và lan truyền rộng rãi từ đó. Vị dịch giả bLo lDen She Rab  (1059 – 1092) đã dựa trên nhiều bản dịch của Lượng Luận mà tạo thành những bài luận thuyết về Lượng học và dựa trên bảy tập Nhận thức luận của ngài Pháp Xứng mà khai triển thành những luận thuyết được áp dụng trong ngành giáo dục.

Bên cạnh đó còn có vị học giả thuộc phái Kadampa ở Gsan phu, một quận phía Tây của Lhasa, tên là Cha Pa Chos kyi Seng Ge (1109 – 1169) đã tổng hợp tất cả các ý nghĩa quan trọng tinh yếu của những bộ luận giải – giải thích về bảy tập Lượng Luận ấy và qui về thành một hướng được gọi là Nhiếp Loại Học, ngành học này đã trở thành mục tiêu mới trong chốn học đường. Tại lớp học, những đề tài này được đem ra bàn thảo; mỗi người đều tranh luận để giữ vững luận điểm của mình; từ đó bác bỏ những định kiến sai lầm và đón nhận những quan điểm đúng đắn. Dựa trên các phương pháp tranh luận ấy mà môn Triết học lý luận được hình thành với phương pháp học tập và tranh luận đặc biệt của nó để mọi người đều lần lượt thay phiên nhau tranh luận, thi thố với nhau bằng phương pháp logic học; đó là cách để tìm ra những điều mà mình còn chưa hiểu một cách thông suốt trong các Kinh hệ quan trọng; hoặc để bác bỏ những điều đã hiểu nhưng lại hiểu một cách sai lầm; hoặc để giúp mình giải toả được tình trạng bị kẹt trong mạng lưới kiến hoặc, nghi vấn, mơ hồ… do đó mà hệ thống Triết học lý luận được thiết lập ở Tây Tạng. Phương pháp này thích ứng với kiến thức chung của người dân xứ Tuyết; đặc biệt, lại càng hiệu quả hơn trong sự phát triển của Phật giáo. Dần dần, các học giả của xứ Tuyết, những người có truyền thống chính yếu là logic học – đều phải thông qua phương pháp này mà thể hiện đỉnh cao của mình. Và môn triết học lý luận đã dần dần được hình thành như thế.

Tinh hoa của giáo lý đức Phật chính là Tứ thánh đế: Khổ đế, Tập đế, Diệt đế và cuối cùng là Đạo đế; là con đường nội tâm chân chính để hành giả phát triển trí tuệ của mình. Đây chính là trọng điểm của mọi hoạt động trong chốn thiền môn. Tất cả mọi người đều phải học và phải biết cách đem những điều mình học được để áp dụng vào phương pháp thực hành hàng ngày với mục đích loại trừ được hai Thánh đế đầu tiên (Khổ đế và Tập đế) và đạt được hai Thánh đế sau cùng (Tập đế và Đạo đế).

Mọi hoạt động trong chốn Thiền môn – kể cả y phục hàng ngày của các Tăng sĩ cũng chính là những biểu tượng đặc trưng có liên quan đến các Thánh đế này. Chẳng hạn như những đôi giày của các vị Tăng; đầu của mũi giày có chóp cong lên tượng trưng cho mõm của con heo. Hai bên của mỗi chiếc giày có hai phần phồng to lên tương tự như phần trên hai cánh của con gà trống. Và đường cong từ ống giày xuống đến mũi giày giống như đường cong của một con rắn. Trong kinh đức Phật có đề cập đến ba loại động vật: heo, gà và rắn này; là những biểu tượng của tam độc: tham, sân và si. Các Tu sĩ mang những đôi giày này dưới chân là tượng trưng rằng họ đã chế ngự được tam độc này và luôn luôn nhắc nhở họ phải biết chánh niệm, tỉnh giác và hàng phục, tiêu trừ một cách rốt ráo ba thứ phiền não ấy.

Đức Phật dạy chúng Tăng khi mặc y phục cũng phải ý thức được về đời sống phạm hạnh của một Tu sĩ và tự nhắc nhở mình về bổn phận mà một người xuất gia thọ lãnh giới Pháp cần phải thực hành. Cách mặc y phục cũng nhắc nhở họ về những lời dạy của đức Phật. Phía bên phải có hai nếp gấp quay hướng ra phía ngoài – tượng trưng cho sự từ bỏ đối với hai đế đầu tiên (Khổ đế và Tập đế); phía bên trái có hai nếp gấp hướng vào phía trong tượng trưng cho hai Chân lý (Diệt Đế và Đạo Đế) cần phải đạt được. Sự thực hành một cách hài hoà và hợp nhất giữa phương tiện (lòng Từ bi) và trí tuệ là điều rất cần thiết trong việc từ bỏ hai sự thật đầu tiên và đạt được hai Chân lý sau và điều đó được tượng trưng bằng hai nếp gấp đối diện với nhau ở phía trước.

Đối với một hành giả, sự tinh tấn, nhiệt tình, đầy tâm huyết chính là yếu tố cốt tuỷ cho sự thành công trong việc thực hành giáo pháp của họ; và điều này chỉ đạt được bằng phương pháp phát triển tâm hiểu biết về sự vô thường. Trong một số kinh điển, sự nỗ lực tinh cần được ví như chú ngựa; và trí tuệ hiểu biết về sự vô thường được ví như chiếc roi da của người cưỡi ngựa. Trên mỗi bên áo của vị Tăng sĩ, ngay phía dưới nách, có những đường sọc màu nâu sẫm cùng gặp nhau tại một điểm. Những đường này tượng trưng cho quai hàm của Tử thần. Điều này nhắc nhở cho chúng ta biết là ta đang sống giữa quai hàm của Tử thần và ta có thể chết vào bất cứ lúc nào.

Nếu chỉ có sự nỗ lực tinh cần thôi thì cũng chưa đủ; chúng ta cần phải biết lắng nghe (văn) và suy ngẫm (tư) về những lời giảng dạy của đức Phật và áp dụng những điều ấy vào sự thực hành thiền định (tu) của mình. Chiếc mũ là biểu tượng của sự thực hành và là kết quả đạt được từ ba giai đoạn văn, tư, tu ấy. Đối tượng được hành giả lắng nghe và học hỏi (văn) chính là giáo lý của đức Phật. Toàn bộ giáo lý này được chia làm mười hai phần. Để biểu tượng cho điều này, trên quai cầm của nón được khâu bằng mười hai mũi kim. Ba tua được kết bằng màu xanh treo ngược từ quai cầm xuống là biểu tượng của Tam tạng kinh điển. Như vậy, khi một vị Tăng cầm chiếc mũ lên là đã được nhắc nhở về những môn học mà mình cần lắng nghe và học hỏi. Khi đội mũ lên đầu, quai cầm sẽ được cuốn vào phía bên trong; khi mang mũ đi thì quai cầm được để ra phía ngoài. Bên ngoài màu vàng, bên trong màu trắng và các lớp vải lót còn lại thì màu xanh. Ba màu vàng, trắng, xanh tượng trưng cho Trí, Bi và Dũng. Khi nhìn thấy những màu sắc ấy; vị Tăng sẽ được nhắc nhở về ba Phẩm Hạnh này và sẽ thiền quán về ba điều ấy. Chúng cũng là biểu tượng của Ngài Văn Thù Sư Lợi, Quan Thế Âm và Kim Cang Thủ Bồ-tát; là những hiện thân về Trí tuệ, Từ bi và Oai lực của chư Phật. Nhờ nương vào ba vị Bồ-tát này mà chúng ta sẽ nhận được những năng lực đặc biệt để phát triển ba phẩm hạnh ấy. Hàng nghìn sợi dây mỏng nhỏ tủa xuống từ trên đỉnh chiếc mũ thể hiện cho sự phát triển rốt ráo của Bi, Trí, Dũng và thành tựu được quả vị Phật. Điều đó cũng nhắc nhở chúng ta về hàng nghìn vị Phật trong thời kỳ may mắn này. Vì đó là những biểu tượng của sự quy y tối thượng mà nhờ đó chúng ta mới có thể tự trao trách nhiệm cho chính mình – thế nên những biểu tượng ấy đã được đội lên trên đỉnh đầu; là vị trí cao nhất trên thân thể của con người. Khi những vị Tăng có động cơ đúng đắn và hiểu được những ý nghĩa quan trọng về y phục của mình; thì chính những ý nghĩa ấy sẽ nhắc nhở họ và sẽ đóng vai trò như những vị Thầy của họ.

Một vị Tăng mới vào chùa sẽ không biết được ý nghĩa của những biểu tượng này. Vì vậy, cứ mỗi vài tuần, vào đầu buổi tranh luận thì vị Giám thị của trường sẽ giải thích những ý nghĩa ấy cho những vị Tăng mới tu. Trong quân đội, những cậu lính mới sẽ được huấn luyện cho nhiều phương pháp làm thế nào để chiến đấu và tiêu diệt kẻ địch một cách có hiệu quả. Cũng vậy, những vị Tăng mới vào chùa cũng sẽ được truyền dạy cho những pháp môn tu tập để diệt trừ những phiền não của mình. Điểm chính của tất cả sự đào tạo này là diệt trừ tất cả mọi chướng duyên, thành tựu được sự lợi lạc và đạt được sự hiểu biết một cách đúng đắn.

Mục đích chính của phương pháp tranh luận trong truyền thống Phật giáo Tây Tạng là để đánh tan những nhận thức sai lầm; thiết lập nên một quan điểm đúng đắn, chính xác. Bằng sự nỗ lực, tinh tấn không ngừng, các vị Tu sĩ Tây Tạng đã tranh luận và hùng biện không hề mệt mỏi nhằm để nắm bắt và hiểu biết thật rốt ráo từng lời, từng chữ cũng như cả những ý nghĩa cốt yếu tinh hoa trong từng lời của Phật dạy.

Trong Jatakas (Chuyện tiền thân của đức Phật), ngài Asvaghosa đã nói rằng: “Để đẩy lùi những học thuyết ngu xuẩn của sự lười nhác, trước tiên, ta cần phải mở rộng sự học hỏi về giáo Pháp. Sự học hỏi luôn được xem như ngọn đèn tỏ rạng có khả năng soi sáng và đẩy lùi bóng tối của vô minh”. Vô minh chính là nguồn gốc của mọi khổ đau và trí tuệ chính là phương thuốc hữu hiệu nhất để giải trừ căn bệnh vô minh ấy.

Phương pháp học hỏi chủ yếu trong chốn Thiền môn của Tây Tạng chính là phương pháp tranh biện. Tranh biện đối với các Tăng sĩ Tây Tạng không phải chỉ mang tính học thuật mà là phương pháp sử dụng những hàm ý trực tiếp từ những sự kiện, những hiện tượng hiển nhiên, rõ ràng để phát triển những suy luận đối với các pháp ở trạng thái tiềm tàng, ẩn tích, không hiển lộ rõ ràng, cụ thể để ta có thể nhận thức được qua các giác quan. Các hành giả đã nghiên cứu, truy tầm, tìm hiểu để liễu ngộ được bản chất của Chơn đế thông qua phương pháp phân tích tỉ mỉ, cặn kẽ, tận tường những trạng thái hiện hữu của các hiện tượng thuộc về thế gian pháp (Tục đế). Đó chính là mục đích chủ yếu của sự tranh biện. Họ như những chú ong cần mẫn hút mật; chỉ chắt lọc những tinh chất của mật hoa và biết loại bỏ những thành phần không cần thiết.

Mục đích của việc tranh biện quả là vô cùng đặc biệt! Tuy nhiên, có một số ý kiến cho rằng phương pháp ấy quá thô tháo, không phù hợp với phong cách oai nghi của nhà Phật. Thật ra, mỗi một cử chỉ, động tác của họ đều thể hiện được trọn vẹn ý nghĩa của sự giác ngộ và giải thoát; và họ luôn ý thức, chánh niệm về mỗi một động tác của mình.

Quá trình tranh biện đòi hỏi cần phải có hai người: người biện hộ (defender) – ở tư thế ngồi để trả lời và người thách đấu (challenger) ở tư thế đứng để đặt câu hỏi. Mở đầu cho cuộc tranh biện, người thách đấu sẽ vỗ hai bàn tay chạm với nhau và đọc Chủng tự “dhīḥ” của Ngài Đại Trí Văn Thù Sư Lợi Bồ-tát. Đức Văn Thù chính là hiện thân cho trí tuệ của chư Phật và là một vị Thần đặc biệt của phương pháp tranh luận. Trong quá trình tranh luận, người thách đấu phải có động cơ tốt với lòng khát khao muốn giúp cho tất cả chúng sanh đều được giải thoát và giác ngộ. Tuy nhiên, tâm nguyện này không dễ gì hoàn thành được nếu như hành giả không có được Đại Trí Tuệ, vì vậy, người thách đấu phải đọc Chủng Tự “dhīḥ” để thỉnh cầu ngài Văn Thù rót vào Tâm mình dòng trí tuệ siêu việt của Ngài. Kế đến, người thách đấu sẽ mở đầu cuộc tranh biện bằng lời tuyên bố: “dhīḥ ji ltar chos can”. Theo ngài Denma Locho Rinpoche thì lời tuyên bố này có ý nghĩa là: “Ngài Văn Thù đã đưa ra những đề tài để đánh bại những tà kiến và sự nghi ngờ của đối phương; tôi cũng sẽ làm như vậy với tất cả thiện chí và hảo ý của mình.”

Có lẽ phong thái rõ ràng nhất của một cuộc tranh biện thật sự chính là những cử chỉ, điệu bộ của động tác tay. Khi người thách đấu đặt câu hỏi đầu tiên cho người biện hộ, tay phải của anh ta đưa lên cao khỏi đầu và tay trái duỗi thẳng về phía trước, lòng bàn tay hướng lên trên. Sau khi đặt xong câu hỏi cho đối phương, anh ta sẽ vỗ tay thật to và lập tức rút tay phải về, lòng bàn tay hướng lên trên. Bấy giờ anh ta sẽ giữ bàn tay phải của mình cao hơn vai một tí, lòng bàn tay vẫn hướng lên trên – đồng thời đưa tay trái về phía trước và lật úp lòng bàn tay xuống.

Động tác của tay trái tượng trưng cho hành động đóng lại cánh cửa tái sanh trong trạng thái bất lực của vòng sanh tử luân hồi. Động tác rút bàn tay phải về và đưa lên cao tượng trưng cho ý chí của hành giả muốn đưa tất cả chúng sanh vượt khỏi sự luân hồi và đặt họ vào trong Nhất Thiết Chủng Trí. Tay trái tượng trưng cho Trí tuệ của Tánh Không – với năng lực siêu phàm có khả năng vượt qua được sự luân hồi sanh tử. Tay phải tượng trưng cho phương tiện quyền xảo của tinh thần Phật giáo Đại thừa – đó chính là Tâm vị tha của sự Giác ngộ được thúc đẩy bởi Tâm Đại Từ Bi vì tất cả chúng sanh muôn loài. Động tác vỗ tay tượng trưng cho sự kết hợp hài hoà giữa Trí tuệ và Phương tiện (lòng Bi). Theo lời giảng của Ngài Lati Rinpoche thì sự hợp nhất giữa Từ Bi và Trí Tuệ được dựa trên sự phối hợp chặt chẽ giữa Trí tuệ và Phương tiện – hành giả có thể đạt được quả vị giải thoát và giác ngộ của Phật.

Đối với người quan sát từ phía bên ngoài, dường như những vị Tăng này đang tranh cãi với nhau một cách rất giận dữ. Sự nhận xét đó quả thật là sai lầm. Các nhà hùng biện tranh luận với giọng nói thật dõng dạc và đầy tự tin; họ vỗ tay với sự hăng hái, nhiệt tình, sôi nổi, và khi có một câu trả lời sai thì họ sẽ quở trách thật gắt gỏng đối với người phạm phải lỗi lầm. Bởi vì họ cho rằng để phát triển được trí tuệ không phải là điều đơn giản; họ cần phải thật dũng mãnh và kiên cường! Họ rất quả quyết một cách chắc chắn về những điều mà họ đã học, đã nghiên cứu; và phương pháp tranh luận sẽ giúp cho nền tảng kiến thức của họ trở nên vững vàng hơn.

Sự tranh biện không những chỉ lợi lạc cho những người tham gia tranh biện mà còn giúp cho những người ngoài cuộc đang theo dõi sự tranh biện có thể hiểu được vấn đề đang tranh luận. Các cuộc tranh luận thường hay thu hút sự tham gia của nhiều thính chúng bên ngoài. Thật là thú vị khi các nhà hùng biện đang do dự chưa tìm được câu trả lời thì thính chúng sẽ hô lên thật to: lan rgyod! lan rgyod! (“trả lời đi! trả lời đi!). Và khi có một câu trả lời bị sai thì họ sẽ cười ầm lên và hét: tsha! tsha! “xấu hổ! xấu hổ!” (lêu lêu…lêu lêu). Các Tăng Sĩ Tây Tạng thường tỏ ra rất hào hứng và sôi nổi mỗi khi đề cập đến vấn đề tranh luận! Trong nền văn hoá của họ, những cuộc tranh tài đầy gay cấn đều trở nên rất có ý nghĩa; bởi vì nó đã từng hiện hữu trong truyền thống văn hoá tổ tiên của họ trước thời kỳ Phật giáo du nhập. Sự tranh biện ở chốn Thiền môn không phải là một hiện tượng nằm bên lề của văn hoá Tây Tạng mà nó đã trở thành một phần trọng yếu trong truyền thống văn hoá của họ.■

(Theo Debate in Tibetan Buddhist Education)

Chú Thích:
1. Denma Locho Rinpoche, oral teachings translated by Jeffrey Hopkins, (University of Virginia, Charlottesville, Virginia), September 4,1978.
2. Lati Rinpoche, oral teachings translated by Jeffrey Hopkins, (University of Virginia, Chalottesville, Virginia), April 1976.

Thích Nữ Diệu Hải
[Tập san Pháp Luân – số 66, tr39, 2009]