12801596_10207818798862019_7573777496972052178_n

Lời cuối cùng của Milarepa

Jetsun Milarepa(1) là một vị Tăng phiêu bồng nổi tiếng nhất Tây Tạngđồng thời là một du ca. Ngài sống cách đây khoảng chín trăm năm trong một hang đá ở Hi-mã-lạp sơn và đặt những bài ca kệ một cách bất ngờ, không suy nghĩ, người đời sau viết lại thành sách và ngày nay, trong thế kỷ 20, sách này đã được in ra nhiều thứ tiếng, để lại cho chúng ta.

Tương truyền rằng, Milarepa là người đạt giác ngộ hoàn toàn chỉ trong một đời làm người, và bằng cách tu tập thiền định trong một cuộc sống độc cư hàng chục năm trời. Trong thời gian tu tập ngài sống bằng một loại rau mọc hoang, vì vậy da ngài mang màu xanh. Vì lẽ đó mà học trò ngài, bên cạnh những cái tên tôn quý tặng ngài, còn gọi là ‘tu sĩ màu xanh’. Đạo sư của Milarepa có tên là Marpa (2), một nhà tiên tri nổi tiếng, đã từng thiền định mười bảy năm tại Ấn Độ và là người mang giáo pháp ‘Đại Pháp Ấn ‘ từ Ấn Độ qua Tây Tạng. Một trong những học trò giỏi nhất của Milarepa là Gampopa(3) mà câu chuyện sau đây kể về ông.

Gampopa là một y sĩ và đã là một Lạt-ma thông thái. Một ngày kia, ông bỗng thấy linh ảnh của một vị Tăng sĩ màu xanh, tóc tai rối bù. Trong ảnh đó, vị Tăng sĩ nhìn ông cười, mắt sáng long lanh và nhổ nước bọt vào mặt ông. Không bao lâu sau đó, Gampopa bắt đầu du phương, đó là một điều mà các vị Lạt-ma thỉnh thoảng vẫn làm. Trên đường đi, ông bị lạc vào một vùng hẻo lánh của Hi-mã-lạp sơn và quả nhiên gặp một người có da màu xanh, trông rất ốm yếu. Gampopa đi từ từ đến vị Tăng sĩ ở trần, chắp tay chào hỏi, đó là người đầu tiên ông gặp sau mấy ngày đi lạc. Milarepa nhếch mép cười khi thấy Gampopa ngần ngừ bước vào. Không nói gì cả, Milarepa đưa cho Gampopa một cái sọ người đựng đầy tràn một loại bia và yêu cầu Gampopa uống hết, theo cách của Mật giáo bày tỏ phép tâm truyền tâm giữa thầy và trò. Gampopa từ chối không uống, ông không thể uống rượu vì giới luật không cho phép. Milarepa cười lớn, giống như trong linh ảnh đã hiện, và nói ngay rằng, theo học một vị Phật đang hiện tiền tốt hơn bám giữ vào một giới luật. Ngay tại chỗ, Gampopa uống cạn một hơi. Sau đó Gampopa nhìn vào mắt Milarepa và nhận ra rằng, linh ảnh đã biến thành sự thật: vị Tăng sĩ giác ngộ này xem như đã nhổ vào mặt ông và đã trao truyền năng lực cho kẻ thông thái nhưng chưa thực sự thức tỉnh đó. Cũng trong phút đó, Mirarepa biết đã tìm ra truyền nhân của mình.

Sau đó, Gampopa ở lại với thầy mình nhiều năm, tu tập thiền định và nghe giảng pháp. Một ngày kia, Milarepa cho hay Gampopa đã chín, đã tới lúc rời thầy ra đi. Tới ngày từ giã thầy và xa thầy mãi mãi, Gampopa quì dưới chân Milarepa, để cho vị đạo sư để hai chân lên đầu mình và nhận một luồng chân khí, nhờ đó Gampopa đạt được tâm thức Đại viên cảnh trí của Phật. Sau buổi lễ này, Gampopa xin thầy cho một lời nhắn nhủ cuối cùng. Milarepa nhún vai và nói: “Ngồi thiền thì ngươi còn phải ngồi nhiều và thường xuyên, còn học thì tuyệt đối không còn gì để học nữa”. Sau đó, Milarepa không nói gì nữa. Gampopa xuống núi, vừa đi qua khởi một con suối thì nghe phía sau Milarepa kêu réo: “Ta còn một lời dạy cuối cùng”, tiếng kêu lẫn trong tiếng suối reo. “Và lời này thật sự là bí mật và thâm sâu, riêng giành chỉ dạy cho những bậc xuất sắc nhất trong giới thượng căn”.

Gampopa yên lặng nín thở, tim đập thình thình. Milarepa quay lưng lại, vén váy lên và cho Gampopa thấy mông đít đã đóng thành sẹo sau nhiều năm ngồi trên đá. “Lời dạy cuối cùng của ta đây hãy nhớ”, Milarepa kêu to.

Surya Das

Sư Tử Tuyết bờm xanh (The Snow Lion’s turquoise mane)
Nguyễn Tường Bách dịch 
Nhà xuất bản: Nxb Tổng hợp TP.HCM