16178475_260755117686566_1262704928987635331_o

Gia tài của Bụt

Là người xuất gia, là những người con gần gũi nhất của Bụt, em phải biết thừa hưởng gia tài của Bụt. Phải thực tập cho được những pháp môn căn bản để có hạnh phúc. Phải nắm vững các pháp môn thiền tọa, thiền hành, quán niệm hơi thở, ăn cơm chánh niệm, quán chiếu vô thường, quán chiếu vô ngã, quán Từ, quán Bi, nhận diện và chuyển hóa khổ đau, xây dựng tăng thân và làm hạnh phúc cho đời. Khi học kinh, nên luôn luôn tự hỏi: những tư tưởng này của kinh có dính líu gì tới đời sống hàng ngày của ta không, có giúp ta chuyển hóa khổ đau và tạo thành an lạc không? Cố nhiên là các kinh lớn như Kim Cương, Pháp Hoa, Hoa Nghiêm, Bảo Tích… chứa đựng nhiều tư tưởng siêu việt, nhưng mục đích học kinh không phải là để thưởng thức triết lý thâm uyên, lặp lại những tư tưởng ấy và đi tìm sự thỏa thích trong khi giải bày những tư tưởng ấy. Phật pháp là chiếc bè đưa ta qua sông; em phải sử dụng được chiếc bè để qua tới bến bờ của chuyển hóa và an lạc. Mục đích của người xuất gia không phải là để trở thành nhà Phật học hay nhà triết học, mà là trở thành một người an lạc, giải thoát, một vị đạo sư đích thực có khả năng độ đời. Cho nên em phải tránh con đường chất chứa kiến thức. Phải theo nguyên tắc thực học, thực tu, thực chứng. Em phải thấy được vô thường, vô ngã, từ, bi… là những dụng cụ quán chiếu để chuyển hóa khổ đau, chứ không phải là những lý thuyết. Nếu em biết cách quán chiếu vô thường, vô ngã, từ và bi, em sẽ phá được những nhận thức sai lầm (vọng tưởng) của em trong đời sống hằng ngày, sẽ trở nên hiểu biết và bao dung hơn, và tình thương trong em càng ngày càng lớn. Có tình thương thì cuộc đời ta mới có hạnh phúc. Những người chỉ có trách móc và hận thù trong tâm là những người đau khổ. Chừng nào em thấy chất liệu của Từ và Bi lớn lên trong em, chừng nào em nhận thấy em đã bắt đầu biết nhìn người khác bằng con mắt từ bi (từ nhãn thị chúng sinh) không còn khắt khe, không còn oán trách, thì em biết lúc đó em đã bắt đầu có nhiều hạnh phúc. Đây là một chuyển hóa lớn của người tu. Tôi đã từng đi trên 30 quốc gia trên thế giới, tổ chức những khóa tu học cho người bản xứ. Có những khóa tu kéo dài được ba tuần, nhưng cũng có những khóa tu rất ngắn, chỉ kéo dài có bốn hôm. Ấy vậy mà có những thiền sinh và gia đình họ sau bốn ngày tu đã được chuyển hóa, đã tìm lại được sự tha thứ, thương yêu, hài hòa trong lòng họ và trong gia đình họ. Người xuất gia không nên quên rằng mình có cái may mắn là được thường trú trong khung cảnh tu học: nếu để tháng ngày đi qua mà không hạ thủ công phu thì uổng phí cuộc đời xuất gia của mình. Người nông phu sau khi thí nghiệm một loại hạt giống, một loại phân bón hoặc một phương pháp canh tác mới mà không thành công thì chắc chắn sẽ thay đổi hạt giống, phân bón hoặc phương pháp canh tác ấy. Chúng ta cũng vậy. Nếu tu tập từ ba tới sáu tháng mà không thấy hoặc chưa thấy có chuyển hóa gì, ta phải biết là có một cái gì không đúng trong phương pháp tu học. Ta phải lập tức tìm thầy và bạn để tham vấn, tìm ra những pháp môn thích hợp và hữu hiệu cho ta. Tôi thấy có những người tu suốt mấy mươi năm mà nhận thức, cách sống và tập khí khổ đau vẫn không hề thay đổi. Thật là uổng phí cho họ và cho chính ta.

Bạn đồng hành của Bồ Tát

Thực tập Từ và Bi cho đúng phép, một ngày nào đó em sẽ thấy năng lượng từ bi trong em đòi em phải thể hiện qua hành động. Từ và Bi không phải là những nguyên tắc sống, đó là những năng lượng đòi hỏi được biểu hiện cụ thể bằng sự sống. Có thể em là một người xuất gia muốn biểu lộ từ bi qua công tác cứu trợ người nghèo đói, chăm sóc cô nhi, người khuyết tật, hoặc phục vụ tại các nhà thương và nhà tù. Những công tác này là những bài thuyết pháp đích thực, nếu quả thực công tác của em được thúc đẩy bởi động lực thương yêu. Mỗi cử chỉ săn sóc người ốm đau, người tàn tật hay người nghèo khó có thể là một lời pháp ngữ hùng hồn. Dù vị pháp sư thuyết pháp hay, nhưng nếu những lời vị ấy nói ra không phải là do năng lượng từ bi thúc đẩy thì bài pháp cũng chỉ là một công tác danh lợi, không phải là một bài thuyết pháp đích thực. Tôi rất không muốn sư cô và sư chú mải mê làm công tác xã hội mà quên mất mục đích thật sự của người xuất gia là tu tập để diệt trừ phiền não, chuyển hóa khổ đau. Em không nên để hết thì giờ vào việc xã hội. Phận sự của em không phải là bác sĩ, y tá hay cán sự xã hội. Em có thể phát nguyện làm việc mỗi tuần vài ba buổi tại các bệnh viện, trại giam hoặc nhà cô nhi, nhưng trong khi làm việc em phải làm cho thật có chánh niệm, luôn luôn trầm tĩnh, có đủ phong độ, uy nghi và không bao giờ đánh mất mình trong thất niệm. Nếu em biết theo dõi hơi thở và thực tập an trú trong giây phút hiện tại thì công tác giúp người của em cũng đồng thời là công phu tu tập, cũng quan trọng như thực tập ngồi thiền hoặc tụng kinh.

Tại các nước phát triển ở Âu và Bắc Mỹ Châu, rất nhiều bệnh viện có thánh đường và thiền đường để cho bệnh nhân và những người thân nhân của họ thực tập.

Có những giây phút bệnh nhân hoặc thân nhân của họ cần phải tĩnh tâm để cầu nguyện, như những lúc trước giờ giải phẫu, những lúc giải phẫu hay cấp cứu, những lúc chờ đợi hồi sinh… Thánh đường, niệm Phật đường hay thiền đường vì vậy rất cần thiết. Có những người xuất gia nguyện phục vụ trong ấy. Họ phải được học hỏi cách thức để có thể giúp người bệnh và thân nhân của họ đạt tới sự an tâm. Trong các nhà giam cũng vậy. Có những người tu được đào tạo để có thể phục vụ những người đang bị giam giữ. Căn bản tâm lý học, phương pháp an ủi và giải tỏa tâm lý rất cần thiết. Vào những nơi này để phục vụ, em sẽ có cảm tưởng là Bồ Tát Địa Tạng cũng cùng đang đi bên em để đem lại sự bình yên cho tâm hồn những người trong ấy. Em phải làm công tác với tất cả trái tim em, vì em đang là một vị Bồ Tát, bạn đồng hành của Bồ Tát Địa Tạng. Mà đã là Bồ Tát thì giây phút nào cũng tập luyện tỉnh thức, đừng để công việc kéo đi, lọt vào thế giới của thất niệm. Chúng ta nói chúng ta thực tập từ bi mà nếu chúng ta không có mặt tại những nơi có khổ đau như nhà thương và trại giam thì đó là một điều khó hiểu. Tại nhiều nước Tây phương như Anh và Mỹ, sách của tôi viết được gửi vào các trại giam nhiều lắm, thỉnh thoảng những thành phần của chúng chủ trì dòng tu Tiếp Hiện cũng vào thăm viếng các tù nhân để ủy lạo và hướng dẫn thiền tập cho họ. Tôi đã nhận được rất nhiều thư cám ơn của các độc giả trong tù. Nhiều vị nói trong tù họ thực tập tinh chuyên lắm, và tin tưởng nơi những phương pháp thực tập ấy, vì tâm hồn họ được an tĩnh và niềm tin của họ được hồi sinh. Các vị lãnh đạo giáo hội, các bậc sư trưởng của em thế nào cũng phải can thiệp với các cấp chính quyền để tại mỗi bệnh viện và nhà giam sẽ được thiết lập một thiền đường, và can thiệp với các Viện Phật Học để chuẩn bị huấn luyện một số tăng sinh sau này có thể phục vụ tại những nơi như thế.

Thiền sư Thích Nhất Hạnh
Trích: Bước chân thảnh thơi – NXB Hồng Đức