anh9

Phật hạnh – Phần 1

1.

các phương tiện để huấn luyện họ,

các môn huấn luyện thích hợp với tính khí,

những cử động đúng nơi và đúng lúc,

trong hành động của các ngài

sự bình đẳng luôn luôn tự phát.

Chương này được chia thành Phật hạnh tự phát xảy ra một cách tự nhiên không có bất cứ nỗ lực nào và Phật hạnh không đoạn diệt không bao giờ ngừng.

Chư Phật luôn luôn hành động một cách tự phát. Chư Phật biết tính khí của chúng sinh khác nhau, tính tình của chúng sinh khác nhau, những khuynh hướng ngự trị và những nguyện vọng của họ. Thấy tính khí của họ cho phép các ngài biết dùng phương tiện gì để giáo dục họ. Một vài người được giúp ích nhiều nhất bằng cách cho họ thấy một thí dụ của một loại hành xử nhất định nào đó. Thí dụ, nếu họ thấy sự hành xử bình hòa và rất có kiểm soát của một vị Phật, họ sẽ có một cảm giác tin tưởng to lớn và niềm tin này sẽ dẫn họ đến với pháp. Nhưng những người khác đáp ứng với các phép thần thông, vì chư Phật sẽ thị hiện thần thông cho họ. Một vài người chỉ đáp ứng với giáo lý, vì thế chư Phật sẽ chỉ ban cho họ giáo lý. Chư Phật cũng biết rằng một vài chúng sinh sẵn sàng làm việc ở những mức độ cao hơn và những người khác sẵn sàng cho sự giải thoát hoàn toàn, vì thế các ngài đưa họ vào con đường tương ứng với trình độ khả năng và nguyện vọng của họ.

Chư Phật biết một cách chính xác lúc nào và ở đâu cần các ngài làm việc mà không cần suy nghĩ, và các ngài hành động không chút gắng sức đúng vào lúc hoàn toàn thích hợp với nhu cầu của chúng sinh.    

  1.   Phú bẩm biển tuệ giác phi thường,

   đầy những phẩm tính như ngọc.

   Với ánh sáng mặt trời đức hạnh và tuệ giác,

   chư Phật đã lập nên tất cả các thừa.

   Không có giữa hay cuối – quá bao la,

      Giác ngộ thấm nhập tất cả, như hư không.

      Hoàn toàn thấy rằng kho tàng

   những phẩm tính không ô nhiễm này

   ở nơi mọi chúng sinh, không phân biệt,

   đánh tan những lưới mây ô nhiễm và tri kiến.

   bằng cơn gió bi tâm toàn hảo.

Phật hạnh thì không đoạn diệt. Những phẩm tính của chư Phật là tổng số tất cả những phẩm tính tốt của thiền định và những con đường khác nhau của chư Phật thì giống như đại dương chứa nhiều ngọc quý. Chư Phật cũng được ví với mặt trời. Các ngài đã hoàn thành hai sự tích lũy đức hạnh và nội kiến và những tích lũy ấy được ví như mặt trời bởi vì rau, cỏ, cây, và mọi vật cần ánh sáng mặt trời để phát triển. Cũng vậy, với ánh sáng mặt trời toàn hảo những tích lũy của chư Phật, tất cả chúng sinh có thể được đưa đến sự thuần thục tâm linh. Cuối cùng, chư Phật được ví với hư không bởi vì chư Phật không có đầu, giữa, hay cuối; các ngài thâm sâu và bao la bởi vì các ngài đã lập thành tất cả các thừa (Phạn: yāna).

Ba thí dụ này cho thấy những điều khiến các ngài thành Phật. Các ngài có thể thấy rằng không có gì khác nhau dù cho chúng sinh hiện tại ở trong cõi hữu cao hơn hay thấp hơn. Các ngài cũng thấy không có gì khác nhau giữa một người có đang tu đạo hay không; hạt giống bên trong tất cả chúng sinh không có phân biệt nào cả. Kho tàng này hiện tại bị những bất tịnh che giấu, nhưng các ngài biết làm sao đem nó ra khỏi sự che giấu đó. Những đám mây ám chướng có thể loại bỏ được bằng bi tâm của chư Phật mà nó tương tự như một cơn gió thổi bay tất cả những đám mây khỏi mặt trời. Một cách chi tiết hơn: 

3.

  Vì những ý nghĩ “cho ai,” “bằng phương tiện gì,”

   “qua huấn luyện gì,” “ở đâu” và “khi nào” không phát sinh,

   những chủ nhân của trí tuệ này luôn luôn tự phát. 

4.

  “cho ai” – tính khí của người tu tập,

   “bằng phương tiện gì” – kỹ thuật nào trong nhiều

    kỹ thuật huấn luyện,

   “qua huấn luyện gì,” – những hành động nào

    dùng để huấn luyện họ,

   “ở đâu và khi nào” – vào cơ hội nào.   

5.

  Phật hạnh không đoạn diệt vì nó không có khái niệm

   về chân giải thoát, hỗ trợ giải thoát, quả giải thoát,

  sự sở hữu chính thống quả này, những ám chướng che màn

  và các duyên cần thiết để phá tan ám chướng. 

Phật hạnh thì tự phát bởi vì qua tri kiến sai biệt, các ngài không cần nghĩ “Ta đang làm cái này cho ai?” hay “Ta nên làm việc này theo cách nào?” bởi vì các ngài tự động biết cho ai và hành động bằng cách nào. Qua tri kiến như thực các ngài hiểu rằng mọi vật không hiện hữu, bất sinh, và không có thực tại thực tế nào cả. Vì thế khi đang hành động các ngài không có sự ngần ngại thắc mắc mọi vật có thật chăng. Biết chân tính không, các ngài biết một cách chính xác hành động như thế nào. Bằng cách này Phật hạnh tự phát và không có bất cứ ý nghĩ nào và đồng thời đáp ứng một cách chính xác nhu cầu của chúng sinh các ngài đang trợ giúp.

6.

  Chân giải thoát là mười địa;

   nhân của nó là hai tích lũy.

   Quả của nó là giác ngộ vô thượng;

   và sự giác ngộ chúng sinh thực sự sở hữu.

Có sáu điểm miêu tả sự hoạt động không đoạn diệt của chư Phật: giải thoát hay sự tự tại nhất định với luân hồi; đạt được tự tại nhờ hai sự tích lũy; quả của sự giải thoát này là đạt Giác ngộ; tất cả chúng sinh có thể đạt được quả này; sự đạt được quả này; tất cả chúng sinh đều có Phật tính; nhưng họ không thể thấy nó bởi vì nó bị ám chướng che phủ; và cuối cùng sự loại bỏ tất cả những ám chướng này. Một cách chi tiết hơn: 

7.

  Những tấm màng che mờ là những ô nhiễm không dứt,

   những ô nhiễm phụ trợ và những rỉ lậu tiềm tàng.

      Đại bi là duyên để hủy diệt những [tấm màn] này.

Điểm thứ nhất là qua Phật hạnh, chư Phật giúp tất cả mọi chúng sinh đi vào đường đạo giúp họ giải thoát khỏi luân hồi. Qua Phật hạnh một chúng sinh sẽ đạt đến địa thứ nhất của Bồ tát, rồi địa thứ nhì, và như thế cho đến khi y ra khỏi luân hồi. Thứ nhì, sự tự tại đạt được bằng cách đi vào con đường Bồ tát và tu tập hai tích lũy đức hạnh và nội kiến. Thứ ba, thành quả của chúng sinh xác minh trong mười địa khác nhau của Bồ tát là cảnh giới của một vị Phật. Thứ tư, khi chúng sinh cố gắng tiến bộ qua nhiều địa khác nhau của bồ tát, họ gặp phải những chướng ngại của sở tri và phiền não và những dấu ấn trong tiềm thức do nghiệp để lại. Thứ năm, tất cả những ám chướng có thể loại bỏ được khi đạt giác ngộ. Và thứ sáu, đại bi của chư Phật cung cấp tất cả những duyên cần thiết để tiêu diệt những chướng ngại này.

8.

  Sáu điểm này nên biết theo thứ tự là

   như đại dương, mặt trời, hư không,

   kho tàng, mây, và gió.

Sáu điểm này được minh họa bằng sáu tỉ dụ. Ba tự tại đầu đạt được bằng sự làm chủ mười địa của Bồ tát được minh họa bằng thí dụ đại dương. Sự tu tập hai tích lũy được tượng trưng bằng thí dụ mặt trời. Sự thành Phật được tượng trưng bằng hư không và tất cả những chúng sinh đạt được như vậy được ví với kho tàng. Và những ám chướng khác nhau được tượng trưng bằng những đám mây. 

9.

  Các địa như đại dương mà nước là tuệ giác

      sở hữu những phẩm tính như ngọc của đại dương.

   Hai tích lũy thì như mặt trời,

   vì tất cả chúng sinh nhờ đó mà tồn tại. 

10.

Giác ngộ thì như hư không,

       bao la, không tâm điểm, và không cùng tận.

       Bản tướng của chúng sinh giống như kho tàng,

    là bản tính của giác ngộ viên mãn. 

11.

Ô nhiễm giống như những đám mây che phủ,

    chóng vánh, thấm nhập và không có thực thể.

       Bi tâm thì như cơn gió mạnh,

    luôn luôn hiện diện để đánh tan ô nhiễm.

Đây là những lý do dùng các tỉ dụ này. Mười địa của con đường Bồ tát được tượng trưng bằng đại dương bởi vì khi chúng sinh bước vào các địa kế tiếp nhau của con đường Bồ tát, họ được phú cho một số lớn những phẩm tính giống như ngọc quý. Cảnh giới của một Bồ tát ở địa thứ mười được ví với đại dương bởi vì đại dương chứa nhiều ngọc quý được ví với nhiều phẩm tính của thiền định, những năng lực của trí nhớ, nhận thức trực giác, và những năng lực tương tự mà một Bồ tát sở hữu ở địa này.

Hai tích lũy được tượng trưng bằng mặt trời bởi vì nếu không có mặt trời, sẽ không có hơi ấm và không một vật gì có thể phát triển được; như vậy những điều kiện duy trì sự sống vắng mặt. Cũng vậy, hai tích lũy thì giống như mặt trời trong đó chúng là hai yếu tố cần để đạt giải thoát.

Thứ ba, giác ngộ được ví với hư không bởi vì nó không có đầu, giữa, hay cuối vì thế người ta không thể nói rằng hư không là cái này hay cái kia bởi vì không có sự hiện hữu kiên cố. Giác ngộ cũng tương tự như vậy, nó rất bao la, rất sâu xa, và không thể miêu tả được bằng bất cứ cách nào.

Sự sở hữu Phật tính được ví với kho tàng bị chôn vùi bởi vì kho tàng có thể cung cấp tất cả những nhu cầu vật chất của một người. Nhưng nếu nó bị che khuất dưới đất, nó chỉ có tiềm năng làm như vậy thôi. Tuy nhiên, nếu có người nỗ lực đem kho tàng ấy ra khỏi đất, người ta có thể có mọi điều mình ước muốn. Cũng vậy, Phật tính ở bên trong tất cả mọi chúng sinh nhưng nó bị ô nhiễm che khuất. Nhưng nếu có người loại bỏ tất cả những ô nhiễm đó bằng nỗ lực gom góp hai thứ tích lũy, cuối cùng có thể đạt Giác ngộ.

Trong thí dụ thứ năm, ám chướng được ví như những đám mây. Mây xuất hiện trên bầu trời và đôi khi che khuất mặt trời, nhưng nó không phải là phần vốn có của bầu trời hay mặt trời. Nó chỉ là hiện tượng nhất thời có thể loại bỏ được. Khi mây che phủ mặt trời, người ta không thể cảm thấy mặt trời sáng; khi mây tan, mặt trời được nhận thức trong sự trong sáng nguyên thủy của nó. Cũng vậy, có những bất tịnh nhất thời che mờ Phật tính của chúng ta, nhưng những bất tịnh này có thể loại trừ bởi vì chúng không phải là phần vốn có của Phật tính chúng ta.

Thứ sáu là so sánh đại bi của chư Phật với cơn gió lớn. Bao lâu mây còn che phủ mặt trời, nó không thể chiếu sáng. Chừng nào bất tịnh còn hiện diện, chúng sinh không thể đạt giải thoát. Họ cần bi tâm của Phật để loại bỏ các bất tịnh đang che mờ chân tính của họ; bi tâm này hành động giống như cơn gió mạnh loại bỏ tất cả những bất tịnh của chúng sinh. 

12.

Giải thoát vì lợi người,

bình đẳng với chúng sinh

việc làm chưa hoàn tất,

hoạt động không gián đoạn

     đến khi hết luân hồi.  

Phật hạnh có đặc tính không ngừng bởi vì ngay từ đầu, chư Phật đã tự nguyện đạt mục đích Giác ngộ vì người khác. Thứ nhì, chư Phật đã thấy sự tương tự giữa các ngài và những chúng sinh khác và hiểu rằng nếu các ngài tìm cách đạt Giác ngộ thì mọi người khác cũng có thể thành Phật. Lý do thứ ba của sự không ngừng này là số chúng sinh thì vô cùng và chư Phật sẽ không bao giờ ngừng làm việc để giúp họ cho đến khi chấm dứt luân hồi. Bao lâu còn có chúng sinh trong luân hồi, chư Phật vẫn còn tiếp tục.

Đức Thrangu Rinpoche luận giải

Anh dịch: Ken và Katia Holmes
Việt dịch: Đỗ Đình Đồng