web3-880x440

Đi tìm bản ngã

I) Tu tập sáu Ba la mật để làm thuần thục Dòng tâm thức của bạn

1. Làm thế nào Tu tập Bố thí Ba la mật

Được thúc đẩy bởi tư tưởng thành tựu Phật quả vì lợi ích của tất cả chúng sinh, bạn nên rộng rãi trong việc hiến tặng những giáo lý không sai lầm của Đức Phật cho những người cần tới Pháp, đem lại sự vô úy (không sợ hãi) cho những người sợ hãi nhà vua, chiến trận và v.v.., cho những người e sợ những thế lực sinh động như quỷ ma, dã thú, rắn và v.v.., cho những người sợ hãi những thế lực vô tri như lửa, nước và v.v.., và bố thí đồ ăn, thức uống, thuốc men và v.v.. cho những người túng thiếu. Tóm lại, không chút do dự, bạn nên hiến tặng thân thể, của cải, và mọi cội gốc đức hạnh mà bạn đã tích tập trong ba thời. Trong cách thế tương tự, Đạo sư Tôn kính nói:

Bố thí là viên ngọc như ý làm hài lòng những hy vọng của chúng sinh,
Là vũ khí tuyệt hảo chặt đứt sự trói buộc của tánh bủn xỉn,
Là công hạnh đầy cảm hứng phát triển lòng can đảm không vơi cạn cho chư vị Bồ Tát,
Là nền tảng của vinh quang vang động khắp mười phương,
Hiểu rõ điều này, những bậc uyên bác vun bồi con đường cao quý
Của sự bố thí thân thể, của cải và đức hạnh của bản thân.

2. Làm thế nào Tu tập Trì Giới Ba la mật

Bạn nên đạt được Phật quả vì lợi lạc của tất cả chúng sinh. Vì mục đích này, bạn nên luôn luôn chánh niệm, tận tâm và có một cảm thức xấu hổ và ngượng ngùng và không nên làm những ác hạnh ngay cả vì mạng sống của bạn. Bằng giới hạnh tự chế không làm những ác hạnh, bạn nên tăng cường những thực hành sáu ba la mật. Bằng hai thái độ (được đề cập ở trên), bạn nên thành tựu những lợi lạc không lỗi lầm vì lợi ích của chúng sinh. Vì thế, hãy tu tập ba giới hạnh. [10] Đạo sư Tôn quý đã khuyên:

Giới là nước rửa sạch những vết nhơ của các ác hạnh,
Là ánh trăng làm an dịu hơi nóng dày vò của những mê lầm,
Oai nghiêm như Núi Tu Di giữa chúng sinh, người giữ giới
Không cần chế ngự mà được chúng sinh quy phục,
Hiểu rõ điều này, bậc đáng kính giữ gìn điều thiện lành
Coi giới luật như đôi mắt họ.

3. Làm thế nào Tu tập Nhẫn nhục Ba la mật

Bạn không nên giận dữ khi có ai làm hại bạn, bởi sự tổn hại mà người ấy làm cho bạn là một nghiệp quả của việc bạn đã làm hại họ trong đời trước, và cũng bởi họ bất lực khi bị cơn giận của mình áp đảo, do đó việc bạn trả thù vì bị làm hại sẽ không thích hợp. Hơn nữa, một chốc lát giận dữ hủy diệt cội gốc công đức của ba nền tảng [11] đã được tích tập trong nhiều kiếp, vì thế hãy suy nghĩ: “Bằng mọi cách, tôi sẽ không để giận dữ in dấu trong tâm bạn.” Đây là nhẫn nhục trong việc giữ tâm an định đối với việc làm tổn hại. Tổn hại mà người khác mang lại cho bạn khiến bạn đau khổ dữ dội. Điều này giúp bạn giảm bớt tánh kiêu ngạo, tự phụ, và v.v.. và giúp bạn từ bỏ sinh tử. Khi bạn không muốn đau khổ, bạn sẽ nghĩ rằng đau khổ đến từ những ác hạnh, và khi nghĩ rằng nếu không có nhân thì sẽ không có quả, bạn sẽ không dấn mình vào những ác hạnh. Bạn sẽ suy nghĩ xa hơn rằng khi có người làm hại bạn, nếu bạn vun trồng tánh nhẫn nhục thì những ba la mật khác cũng được phát triển và bạn nhanh chóng đạt được giác ngộ. Vì thế, người làm hại bạn đang cho bạn một lời chỉ dạy để vun bồi tánh nhẫn nhục, và do đó, bạn coi người ấy như vị Thầy tâm linh của bạn và bạn sẽ cảm thấy biết ơn người ấy. Đây là nhẫn nhục chấp nhận đau khổ. Nhờ nhận ra năng lực không thể nghĩ bàn của Tam Bảo, chư Phật và chư Bồ Tát, bạn ước muốn tu tập những công hạnh của các Bồ Tát và hiểu biết về ý nghĩa của lòng vị tha với lòng sùng mộ trọn vẹn. Đây là nhẫn nhục để có được sự đảm bảo nơi Tam Bảo, là điều bạn nên thực hành tự đáy lòng bạn. Đạo sư Tôn kính cũng nói:

Nhẫn nhục là vật trang sức đẹp đẽ nhất dành cho những người mạnh mẽ,
Là khổ hạnh tuyệt hảo đối với những phiền não dày vò,
Là chim garuda (Kim xí điểu), kẻ thù của loài rắn hận thù,
Là áo giáp ngăn ngừa những mũi tên của sự chỉ trích,
Hiểu rõ điều này, với những phương tiện khác nhau,
Hãy vun trồng áo giáp nhẫn nhục tuyệt vời.

4. Làm thế nào tu tập Tinh tấn Ba la mật

Nếu bạn bị dính mắc vào những lạc thú thấp kém như những hoạt động vô ích của ba cửa (thân, ngữ, tâm), sự tà dâm, ngủ nghỉ và v.v.. và không thiền định về những nỗi khổ trong sinh tử, điều đó sẽ mang lại sự lười biếng. Vì thế, bạn nên từ bỏ những nguyên nhân gây ra sự lười biếng và hoàn toàn hiến mình cho những hoạt động đức hạnh của thân, ngữ và tâm. Tinh tấn như áo giáp là dấn mình vào những khổ hạnh mà không suy nghĩ về thân thể và cuộc đời bạn để giải trừ những đau khổ của ngay cả một chúng sinh. Nhờ tu tập này, nếu bạn tăng cường thực hành sáu Ba la mật, thì đó là thực hành tinh tấn tích tập các đức hạnh. Nhờ hai thực hành này, nếu bạn hoàn toàn hiến mình để thành tựu những lợi lạc không lỗi lầm cho chúng sinh, thì đó là tinh tấn làm việc vì chúng sinh. Đạo sư Tôn kính cũng nói:

Nếu ta mặc áo giáp tinh tấn kiên định,
Những đức hạnh của sự hiểu biết Kinh điển và trí tuệ tăng trưởng như vầng trăng tròn,
Mọi con đường của các hoạt động sẽ trở nên ý nghĩa,
Mọi công việc đã bắt đầu sẽ hoàn toàn thành tựu như ước muốn,
Chư Bồ Tát, hiểu rõ điều này, để tiệt trừ tánh lười biếng,
Hãy dấn mình vào thực hành đại tinh tấn.

5. Làm thế nào tu tập Thiền định Ba la mật

Được Bồ đề tâm thúc đẩy và thoát khỏi sự xao lãng và phấn khích, ta nên tu tập hai loại thiền định: Thiền định thế tục và thiền định xuất thế, ba hình thức thiền định từ quan điểm của sự định hướng: Thiền an định (thiền chỉ), nội quán đặc biệt (thiền quán) và sự hợp nhất của thiền an định và thiền nội quán đặc biệt, và ba loại thiền định từ quan điểm của chức năng: Thiền định giúp an trú trong kinh nghiệm hỉ lạc thuộc thân và tâm trong đời này, thiền định giúp thành tựu những phẩm tính cao hơn và thiền định giúp thành tựu hạnh phúc của chúng sinh. Đạo sư Tôn quý cũng nói:

Thiền định là vị vua cai quản tâm thức,
Khi được làm kiên cố, thiền định an trụ bất động như vua của những núi non,
Khi được hướng dẫn, thiền định tham gia vào mọi đối tượng của tâm đức hạnh,
Và mang lại hỉ lạc hữu dụng cho thân và tâm,
Hiểu rõ điều này, những hành giả vĩ đại luôn nương tựa vào samadhi (thiền định),
Là người hủy diệt kẻ thù – những phóng dật của tâm thức.

6. Làm thế nào tu tập Trí tuệ Ba la mật

Được Bồ đề tâm thúc đẩy, bạn nên tu tập ba loại nội quán (trí tuệ): Nội quán nhận ra bản tánh tối hậu – sự chứng ngộ thực tại – nhờ đó tiệt trừ cội gốc của sinh tử, nội quán nhận ra chân lý quy ước và nhờ hai loại nội quán này, bạn thành tựu những lợi lạc của chúng sinh, vì thế đó là nội quán làm lợi ích chúng sinh. Đạo sư Tôn quý cũng nói:

Nội quán (trí tuệ) là con mắt để nhận ra như thị (tánh Không) sâu xa,
Là con đường tiệt trừ cội gốc của sinh tử,
Là kho tàng đức hạnh được tán thán trong mọi Kinh điển,
Nổi danh là ngọn đèn tuyệt hảo xua tan bóng tối vô minh,
Hiểu rõ điều này, những bậc uyên bác tìm kiếm giải thoát,
Hiến dâng mọi nỗ lực để phát triển con đường.

II) Tu tập bốn cách tập họp Đệ tử để làm thuần thục dòng tâm thức của Chúng sinh

Được thúc đẩy bởi Bồ đề tâm, trước tiên, nhờ thực hành bố thí vật chất (tài thí), bạn nên tập hợp chúng sinh như các đệ tử của bạn. Sau đó, để làm hài lòng họ và làm họ thoải mái, bạn nên biểu lộ một khuôn mặt vui tươi và nói năng dịu dàng với họ. Kế đó, bạn nên dạy Pháp làm vui tai họ như sáu Ba la mật. Sau đó, hãy dạy họ cách thực hành những giáo lý bạn đã dạy. Tiếp theo, bạn cũng nên nhất quán đối với giáo lý bạn giảng dạy và thực hành bạn làm, nghĩa là bạn nên sống và thực hành Pháp bạn đã dạy họ chẳng hạn như sáu Ba la mật. Bằng mọi phương tiện, bạn nên tu tập bốn phương pháp sâu xa này để thành tựu những lợi lạc của chúng sinh. Bởi sự chấp ngã là cội gốc của sinh tử, thiền định nhất tâm (định, thiền chỉ) không trực tiếp đối nghịch với cách hiểu biết về sự bám chấp đó nên chỉ một mình thiền định mà không có con đường nội quán (tuệ, thiền quán) thì không thể tiệt trừ cội gốc của sinh tử. Và chỉ một nội quán (tuệ, thiền quán) nhận thức vạn pháp không thực sự hiện hữu mà không có thiền an định (định, thiền chỉ) an trụ kiên cố và nhất tâm trên đối tượng của sự quan sát thì không thể chiến thắng được những cảm xúc phiền não, cho dù ta phân tích bao nhiêu chăng nữa. Để đạt được giải thoát, sự từ bỏ những cảm xúc phiền não, cái thấy (kiến) của ta – là cái nhận ra cách thức của thực tại tối hậu và không sai lầm của sự hiện hữu, sự thấu suốt ý nghĩa của tánh Không – nên cưỡi trên con ngựa của thiền an định kiên cố đối với đối tượng quan sát của nó; và ta nên mở rộng hay phát triển trí tuệ – là cái chứng ngộ thực tại nhờ vũ khí sắc bén của bốn suy diễn/lập luận của Madhyamika, [12] thoát khỏi những cực đoan của thuyết vĩnh cửu và hư vô – là cái phân tích cách thức thực sự của thực tại, nội quán hủy diệt mọi bám chấp cực đoan. Đạo sư Tôn quý nói:

Chỉ một mình thiền định nhất tâm
Không thể tiệt trừ cội gốc của sinh tử,
Nội quán (tuệ) mà không có con đường an định (định)
Không thể chiến thắng những cảm xúc phiền não, dù ta phân tích tới đâu chăng nữa.
Vì thế, nội quán quyết định cách thức hiện hữu,
Nên cưỡi con ngựa của thiền an định kiên cố, và
Nhờ vũ khí sắc bén của lập luận Trung Đạo, thoát khỏi những cực đoan,
Mọi bám chấp/quan điểm cực đoan đều bị hủy diệt.
Như thế với nội quán bao la phân tích đúng đắn,
Hãy mở rộng trí tuệ chứng ngộ thực tại.

Từ việc an trú trên đối tượng của sự quan sát một cách nhất tâm và kiên cố, ta thành tựu không chỉ sự kiên cố thiền định của thiền an định, mà nhờ an trú trong thiền định nhất tâm và sự phân tích đúng đắn ý nghĩa của thực tại bằng nội quán của sự phân tích cá nhân, ta phát triển sự kiên cố thiền định an trú vững chắc và nhất tâm trên cách thức hiện hữu, ý nghĩa của tánh Không. Khi nhận ra điều này, hãy nhận thức sâu sắc nỗ lực thành tựu sự hợp nhất như thế của thiền định và nội quán đặc biệt (thiền quán) thì kỳ diệu biết bao và hãy nỗ lực cầu nguyện để lưu lại những dấu vết trong dòng tâm thức của bạn. Đạo sư Tôn kính nói:

Chưa kể đến việc làm quen thuộc sự nhất tâm mang lại thiền định vững chắc,
Khi phân tích đúng đắn cách thức hiện hữu,
Bằng nội quán của nghiên cứu cá nhân,
Cũng phát triển thiền định an trụ vững chắc và kiên cố,
Nhìn thấy điều này, những nỗ lực để thành tựu sự hợp nhất của thiền định và nội quán đặc biệt (thiền quán) như thế
Thì kỳ diệu biết bao!

Nhờ an trú trong sự hợp nhất như thế của thiền an định và thiền nội quán đặc biệt ở đó tập trung một cách nhất tâm trên tánh Không như-không gian, là cái thoát khỏi mọi tạo tác của ý niệm. Sau đó trong trạng thái sau thiền định (hậu thiền định), ta nên thiền định về tánh Không như-huyễn giống như những tạo tác của một nhà ảo thuật, chúng xuất hiện mặc dù không có hiện hữu nội tại. Khi hợp nhất với lòng bi mẫn và Bồ đề tâm, thiền định này trở thành một thực hành hợp nhất phương pháp và trí tuệ, là cái dấn mình vào thực hành/công hạnh toàn hảo của một Bồ Tát, là điều đáng tán thán. Hiểu rõ điều này, không hài lòng với những con đường riêng lẻ thiếu sót của phương pháp và trí tuệ, nhưng tu tập con đường hợp nhất phương pháp và trí tuệ là truyền thống của những người may mắn. Vì thế, ta nên nỗ lực thực hành sự hợp nhất này. Đạo sư Tôn quý nói:

Việc thiền định tánh Không như-không gian của quân bình thiền định và tánh Không như-huyễn của hậu thiền định,
Dấn mình vào thực hành/công hạnh của một Bồ Tát
Với sự hợp nhất của phương pháp và trí tuệ thì đáng tán thán,
Hiểu rõ điều này, và không hài lòng con đường phiến diện,
Là truyền thống của những người may mắn.

Ta nên tu hành thật tốt đẹp những con đường thông thường của Kinh điển và tantra (Mật điển). Sau đó, không chút nghi ngờ, ta nên đi vào mantra (thần chú). Trước tiên, từ một vị Thầy kim cương đầy đủ phẩm tính, ta nên làm thuần thục dòng tâm ta bằng những quán đảnh như đã đề cập trong các loại tantra. Ta nên giữ gìn thật đúng đắn những cam kết và thệ nguyện đã lập khi nhận quán đảnh và tu tập pháp du già (yoga) với những dấu hiệu và pháp yoga không có các dấu hiệu trong trường hợp ba bộ tantra thấp; và lần lượt tu tập hai giai đoạn (phát triển và thành tựu) trong trường hợp tantra du già tối thượng. Theo cách này, ta tu tập toàn bộ những cốt tủy thiết yếu của con đường trọn vẹn của Kinh điển và Mật điển và việc có được tái sinh làm người với sự nhàn nhã và thuận lợi trở nên tràn đầy ý nghĩa. Nhờ những thực hành như thế, ta nên làm lợi lạc bản thân ta và chúng sinh bằng những giáo lý quý báu của Đức Phật. Bản thân Đạo sư Tôn quý đã thiết tha thực hành và đã khuyên dạy chúng ta, những môn đồ của ngài, hãy thực hành tương tự. Bây giờ hãy quán tưởng rằng Đạo sư Tôn quý đang an tọa trước mặt bạn một cách hoan hỉ và chỉ dạy chúng ta bằng một giọng rõ ràng. Trên thực tế, tất cả chúng ta nên tụng bài “Bài Ca Tâm linh Lamrim” (Chứng Đạo Ca) [xin đọc tài liệu tham khảo ở cuối bài] với lòng tôn kính và khiêm tốn. Đạo sư Tôn kính cũng nói:

Như thế, con đường thông thường, cần thiết cho cả hai
Thừa Nhân và Quả của Đại thừa, nên được phát triển,
Sau đó, nhờ sự che chở của một thuyền trưởng tài ba,
Hãy tiến vào đại dương các Mật điển và
Nhận những giáo huấn cốt tủy khẩu truyền trọn vẹn.
Đây là cách khiến cho tái sinh làm người có ý nghĩa.
Tôi, một hành giả, đã thực hành giống như cách này,
Các bạn, những người tìm kiếm giải thoát, cũng nên làm như thế.

Để làm thuần thục tâm ta,
Và cũng làm lợi lạc những người may mắn,
Ở đây, ta đã giảng nghĩa bằng ngôn ngữ dễ hiểu,
Con đường trọn vẹn làm hài lòng các Đấng Chiến Thắng,
Ta cầu nguyện và hồi hướng mọi công đức đã được tạo ra như thế,
Cho chúng sinh không xa lìa con đường thanh tịnh và cao quý,
Tôi, một hành giả, đã cầu nguyện theo cách này,
Các bạn, Ôi những kẻ tìm kiếm giải thoát, cũng hãy thực hành tương tự.

Bằng cách nghĩ rằng Đạo sư Tôn kính đã chỉ dạy như thế, bạn nên trì tụng những câu kệ hồi hướng sau đây từ tận đáy lòng bạn:

Từ nay cho tới mọi đời sau,
Xin gia hộ cho con thờ phụng dưới gót sen của Ngài,
Xin gia hộ để con lắng nghe giáo lý của Ngài, và
Xin gia hộ mọi hành động của ba cửa của con để làm vui lòng Ngài v.v.

Nhờ năng lực của Đấng Chiến Thắng Tsongkapa và
Vị Thầy tâm linh mà từ ngài con nhận những giáo lý,
Cầu mong con không bao giờ xa rời dù chỉ một giây phút
Con đường siêu việt làm hài lòng chư Phật. Cầu mong nhờ giáo huấn cốt tủy không lỗi lầm và trọn vẹn này,
Của Lamrim, giáo huấn cốt tủy,
Được Đức Dipamkara Atisha và Lạt ma Tsongkhapa giảng dạy,
Dẫn dắt mọi chúng sinh tới con đường làm hài lòng Đức Phật.

Đức Đạt Lai Lạt Ma Thứ Ba (1543-1588)

Việt dịch: Thanh Liên

Nguồn: Đi tìm bản ngã