14324146_1784023581875446_5090101459557717053_o

Hòa bình thế giới thông qua lòng từ bi

Thekchen Chöling, Dharamsala, HP, Ấn Độ – Sáng nay, Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma đã được mời tham gia lễ kỷ niệm Ngài được trao giải Nobel Hòa bình năm 1989. Sự kiện này được tổ chức bởi các thành viên của Trung tâm Gaden Shartse, Đài Loan, bắt đầu bằng một đoạn video ngắn về buổi lễ ở Oslo khi Đức Ngài nhận giải thưởng. Egil Aarvik – Chủ tịch Ủy ban Nobel đã đọc trích dẫn và thu hút sự chú ý rằng đó cũng là ngày kỷ niệm Liên hợp quốc xác nhận Tuyên ngôn Thế giới về Nhân quyền.

Trong lời phát biểu của mình vào thời điểm đó, Đức Ngài nói rằng “đối với những người yêu chuộng hòa bình, giải thưởng này là nguồn vui của họ”. Ngài cũng tuyên bố: “Tôi hy vọng và cầu nguyện rằng sự thật sẽ sớm trở thành hiện thực và các quyền lịch sử của dân tộc tôi sẽ sớm được phục hồi. Và cuối cùng, tôi tái khẳng định cam kết của mình đối với cuộc đấu tranh này, cũng như tôi cầu nguyện mỗi ngày cho một nền hòa bình lâu dài trên hành tinh của chúng ta. Tôi cũng sẽ làm việc chăm chỉ để hướng tới mục tiêu này để có một ngày bình minh sẽ tỏa rạng khi mọi người trên khắp thế giới biết yêu thương, giúp đỡ lẫn nhau và sống hòa thuận thực sự.”

Đoạn video ghi lại về việc Đức Ngài được trao Giải Nobel Hòa bình và sau đó là một buổi khiêu vũ thể dục đầy năng lượng của các sinh viên trong lễ kỷ niệm. Tiếp theo, những người thuyết trình mời Đức Ngài phát biểu trước thính chúng.

Ngài bắt đầu: “Trước tiên, tôi muốn chào hỏi các anh chị em của tôi, đặc biệt là các anh chị em người Hán của tôi. Chúng ta đã có những sự liên kết chặt chẽ trong nhiều thế kỷ. Chúng ta có thể đã từng chứng kiến những sự thăng trầm về chính trị, nhưng tình cảm thân thiết của anh chị em vẫn còn. Người Tây Tạng và người Hán chúng ta có điểm chung là kính ngưỡng Phật pháp. Khi tôi đến viếng thăm Trung Quốc đại lục, tôi đã nhìn thấy rất nhiều ngôi chùa và tượng của Đức Phật. Rõ ràng là chúng ta có những sự liên kết về tôn giáo rất gần gũi.

“Tất cả chúng sinh, không chỉ là con người, mà cả chim chóc và động vật, đều muốn sống trong hòa bình. Trong số tất cả những sinh vật này, con người có lẽ là tinh quái nhất. Chúng ta có một trí thông minh tuyệt vời, nhưng đôi khi nó bị định hướng sai lệch bởi những cảm xúc tiêu cực. Các loài động vật ăn thịt như sư tử và hổ có móng vuốt và răng nanh trang bị cho chúng để săn, giết mồi và ăn thịt. Tuy nhiên, chúng chỉ săn mồi những động vật khác khi chúng cần thức ăn. Ngược lại, con người gây ra rắc rối ngay cả khi chẳng có lý lẽ nào.

“Chúng ta có thể thay đổi điều này không? Tôi tin rằng chúng ta có thể làm được, bởi vì bản chất thiết yếu của chúng ta là từ bi. Ngay từ khi ta được sinh ra, mẹ chúng ta đã chăm sóc cho ta. Nếu không có sự chăm sóc này, chúng ta sẽ không sống sót. Trải nghiệm này là cơ hội đầu tiên của chúng ta để học được rằng, lòng từ bi là gốc rễ của mọi hạnh phúc. Tuy nhiên, sự cảm kích tự nhiên này về lòng từ bi dường như sẽ phai nhạt khi chúng ta đến trường. Chúng ta cần được nhắc nhở rằng sức khỏe tốt và trạng thái an lạc nội tâm đều được dựa trên tình yêu thương và lòng từ bi.

“Một khi chúng ta nhận ra rằng sự tức giận, luyến ái và thù hận làm phát sinh nỗi sợ hãi và lo lắng; và làm xáo trộn sự an lạc nội tâm của chúng ta, ta phải sử dụng trí thông minh của mình để chống lại những cảm xúc tiêu cực. Việc thực hành lòng từ bi (‘karuna’) và bất bạo động (‘ahimsa’) ở Ấn Độ đã thịnh hành ngay cả trước thời Đức Phật và vẫn còn mạnh mẽ và phù hợp cho đến ngày nay.

“Tất cả các truyền thống tôn giáo của chúng ta đều dạy về tầm quan trọng của việc đối xử với nhau bằng tình thương yêu. Đức Phật cũng dạy rằng tâm có kỷ luật là nguồn vui, trong khi tâm phóng túng chỉ mang lại đau khổ.

“Tôi đã bị mất đi Tổ quốc của mình và trở thành người lưu vong, nhưng nhờ sự thực hành của mình, tôi không tức giận về điều đó. Ngay từ lúc thức dậy vào buổi sáng, tôi đã cống hiến bản thân mình để phát triển tình yêu thương và lòng từ bi. Tôi tu tập dòng truyền thừa của tri kiến thâm sâu, dòng truyền thừa của hành vi quảng đại, cũng như dòng truyền thừa của sự thực hành mang cả hai lại với nhau. Trong điều này, tôi thấy những bài Kệ của bậc Thầy Ấn Độ – Ngài Tịch Thiên – là hữu ích nhất.

“Những niềm hỷ lạc trên thế gian này
Đều xuất phát từ lòng khát khao mang lại niềm vui cho người khác
Và những nỗi khổ đau trên cõi đời này,
Đều đến từ lòng ích kỷ mong cầu hạnh phúc của riêng ta.” 
(8/129)

“Cần gì phải nói nhiều?
Hãy xem sự khác biệt
Giữa hai người ngu – trí
Kẻ ngu sống ích kỷ
Vì lợi lạc riêng mình
Bậc trí luôn phụng sự
Vì phúc lợi tha nhân.” 
(8/130)

“Đối với người không thực sự hoán đổi hạnh phúc của mình
Cho những khổ đau của bao nhiêu người khác;
Thì chắc chắn cảnh giới Phật họ sẽ không bao giờ đạt;
Mà ngay cả trong luân hồi cũng sẽ chẳng thể nào vui.” (
8/131)

Đức Ngài khẳng định rằng những phẩm chất tích cực, chẳng hạn như Bồ đề Tâm, có thể được dạy và học. Việc thực hành kết hợp trí tuệ với các phương tiện thiện xảo bắt nguồn từ Truyền thống Nalanda và được củng cố bằng lý luận.

Tiếp theo, Đức Ngài thông báo rằng Ngài sẽ ban sự truyền đọc về “Thắp sáng Ba Bậc Tín Tâm”: Lời khẩn cầu Mười bảy bậc Thông tuệ của Nalanda Vinh quang”. Ngài bắt đầu bằng việc đọc lời bạt ở phần cuối tác phẩm mà Ngài đã trước tác cách đây 20 năm. Nó nêu ra lý do của việc trước tác như vậy của Ngài; và nói rằng “điều cực kỳ quan trọng là những đệ tử của Đức Phật phải có đức tin dựa trên sự hiểu biết về những gì mà Ngài đã dạy”.

Trở lại phần đầu của bài kệ đầu tiên xưng tán Đức Phật là vị Thầy của duyên khởi. Khi đọc đến bài kệ tán thán nhà triết học vĩ đại Nguyệt Xứng, Đức Ngài đã đề cập rằng luận thuyết chính của Ngài Nguyệt Xứng, “Nhập Trung Quán Luận” đã mô tả tất cả Ba La Mật, không phải chỉ có Trí tuệ Ba La Mật. Ngài trích dẫn những bài Kệ sau đây để làm ví dụ:

Quả thật, giận dữ đối với Pháp vương tử
Công đức bố thí, trì giới hằng trăm kiếp
Lập tức mất sạch trong khoảng một sát na
Thế nên không gì tổn hại bằng sân giận.
 (3.6)

Sân giận biến ta thành xấu xí và đưa đến điều bất thiện;
Nó cướp đi tâm thức của ta về nhận xét đúng và sai;
Lòng dạ hẹp hòi nhanh chóng ném ta vào cõi thấp.
Nhưng hạnh Nhẫn mang lại những phẩm chất trái ngược với những điều vừa mô tả.
 (3.7)

Nhẫn nhịn được trang nghiêm và yêu quí bậc siêu phàm,
Trở nên thông tuệ, hiểu điều gì là phù hợp; điều gì không,
Sau đó được sinh ra ở cõi người hoặc thiên giới;
Và giúp ta tiêu trừ đoạn tận bao ác nghiệp. 
(3.8)

Biết được lỗi lầm tâm sân của chúng sanh
Và lợi ích hạnh nhẫn nhịn của chư Bồ Tát
Nên hãy tránh xa tâm thiển cận hẹp hòi,
Nhanh chóng không ngừng trau giồi hạnh nhẫn nhịn;
Đó là điều các bậc Thánh hằng tán thán ngợi khen.
 (3.9)

Những bài Kệ tiếp theo đề cập đến Ngài Tịch Hộ – người đã được Đức Ngài mô tả là đặc biệt tốt đối với người Tây Tạng. Chính ông là người đã khuyến khích việc dịch văn học Phật giáo Ấn Độ sang tiếng Tây Tạng.

Đức Ngài đọc lướt qua những bài Kệ còn lại, dừng lại để nêu bật ý nghĩa trong bài Kệ 20 của dòng:

“Thông qua sự hiểu ý nghĩa của Nhị Đế,
Thực tế nền tảng của các pháp như nó là,
Tôi chắc chắn bằng con đường Tứ đế;
Là cách chúng sanh lẩn quẩn trong cõi ta bà.

Ngài cũng thu hút sự chú ý đến khát vọng vĩ đại được thể hiện trong bài Kệ 23:

“Nguyện cho con, trong mỗi kiếp sống tiếp theo,
Đều đạt được thân người hoàn hảo;
Thuận duyên cho việc giồi trau Tam học;
Và phụng sự Giáo Pháp như chư Vị Tiền Bối đã từng làm
Bằng cách bảo vệ và hoằng truyền Kinh điển và trí tuệ;
Thông qua sự thực hành tu tập và giải thích tận tường.”

Đức Ngài cho biết rằng Ngài cảm thấy rất vinh dự khi có thể giới thiệu về Phật giáo và đọc Lời khẩn cầu Mười bảy bậc Thông tuệ của Nalanda Vinh quang cho những Pháp Hữu của Ngài ở Đài Loan. Ngài đề cập rằng cốt lõi của phương pháp tiếp cận được đề cao tại Nalanda là thực hành Văn (học tập), Tư (suy tư) và Tu (thiền định). Thông qua sự học tập nghiên cứu, quý vị có được sự hiểu biết, thông qua sự suy ngẫm, quý vị có được niềm tin và thông qua sự thiền định, quý vị có thể tích hợp được những gì mà quý vị đã học được vào trong chính mình.

Có một bài thuyết trình ngắn về việc tặng xe cứu thương liên quan đến lễ kỷ niệm trong ngày.

Đức Ngài đã kết thúc bằng cách trích dẫn những dòng từ phần cuối của “Đại Luận về Giai trình của Đạo Giác Ngộ”:

Ở những nơi mà giáo lý cao quý, tối thượng chưa được hoằng truyền;
Hoặc nơi Giáo lý đã được truyền nhưng bị tàn lụi diệt vong,
Xin cho con soi sáng kho tàng hạnh phúc và lợi lạc vô song,
Với tâm xúc động sâu sắc bởi lòng từ bi vĩ đại.

Đức Dalai Lama 14

Nguồn: Hòa bình thế giới thông qua lòng từ bi