Vòng hoa báu bốn Pháp – Tịnh hóa mê lầm thành tánh giác nguyên sơ

Tiếp theo là sự tịnh hóa mê lầm thành tánh giác nguyên sơ. Trong hai giai đoạn của việc này, cái trước là tạm thời, cái sau là tối hậu. Điều này liên hệ với thời gian khi bạn đang thực hành trên những con đường. Do làm quen với những phương pháp sâu xa, bạn sẽ có thể tịnh hóa bất cứ mê lầm nào sanh khởi vào chính cõi giới của chúng. Làm biểu lộ tánh giác nguyên sơ vốn là sự trong sáng tự nhiên (của tâm) được gọi là tịnh hóa những tư tưởng mê lầm vào cõi giới tánh giác nguyên sơ.

Những phương pháp sâu xa là những tantra bên ngoài và bên trong, đặc biệt hơn là những giai đoạn phát triển và thành tựu của maha, anu, và ati-yoga, nhờ đó bạn đến chỗ kinh nghiệm tánh giác nguyên sơ. Tánh giác này của bản tánh thường trụ của thực tại có năm phương diện, như tánh giác nguyên sơ như tấm gương và v.v… Khi bạn không biết những phương diện này, bạn có mê lầm. Một trạng thái mê lầm hay bị lừa dối như vậy của tâm có hình thức là những vọng tưởng, như sợ hãi hay giận ghét. Như vậy năm vọng tưởng căn bản là những trạng thái của sự không biết năm loại tánh giác nguyên sơ tương ứng. Nếu bạn trở nên rõ biết, những vọng tưởng tự nhiên được tịnh hóa thành cõi giới tánh giác nguyên sơ tương ứng và sự trong sáng tự nhiên của tâm lâu nay bị che ám bởi mê lầm sẽ được hiển lộ.

Đây là một giải thích ngắn về những phương pháp tạm thời. Giảng dài hơn, những kỷ luật này được dùng trên con đường có thể được phân như sau.

Việc này có thể phân chia rõ hơn theo những phương pháp dựa vào những con đường chung, đặc biệt và vô song. Theo thứ tự, đó là xóa sạch (những vọng tưởng mê lầm) với những đối trị của chúng, chuyển hóa chúng với những phương pháp, và tịnh hóa chúng thành cõi giới của tánh giác nguyên sơ mà không từ bỏ chúng bởi vì chúng tự nhiên tan vào chỗ ở đích thực của chúng. Bất kể bạn tu hành với loại tịnh hóa nào bạn thích, trạng thái dừng dứt và trạng thái tịnh hóa những vọng tưởng thì rốt ráo là một.

Con đường chung là của những kinh, phân chia thành Thừa Thanh Văn và Độc Giác Phật, và Đại thừa của Bồ tát. Trên con đường trước bạn loại bỏ những vọng tưởng bằng cách từ bỏ chúng như thuốc độc. Trên con đường sau bạn áp dụng những sức mạnh đối nghịch như thiền định về lòng từ để xóa sạch sân hận, về bất tịnh cho tham dục, về duyên sanh cho vô minh chấp chặt.

Những con đường đặc biệt là những tantra bên ngoài và bên trong nhờ đó những vọng tưởng được chuyển hóa và tịnh hóa bằng những phương pháp đặc biệt. Chẳng hạn, trên giai đoạn phát triển, bạn trau dồi thị kiến thanh tịnh đến độ bạn nhìn thấy năm uẩn của bạn là những vị đứng đầu của năm bộ Phật, năm vọng tưởng của bạn là năm tánh giác nguyên sơ trong hình dạng của những bổn tôn. Trên giai đoạn thành tựu bạn chuyển hóa những vọng tưởng bằng cách hòa tan chúng vào những thuộc tính tích cực tương ứng của chúng qua những kỹ thuật tinh tế bao gồm những hệ thống năng lượng của thân vi tế. Tham dục được hòa với lạc bởi thực hành nội nhiệt (gtum-mo), tức giận hòa với sự thấu hiểu hiện hữu không thật bởi những thực hành thân huyễn và vô minh chấp chặt hòa với giấc ngủ bởi phương tiện tịnh quang.

Phương pháp vô song là của Đại Toàn Thiện. Nhờ tu hành dần dần với những kỹ thuật ở trước, bạn có được sự mềm dẻo nhạy bén và kinh nghiệm để có thể làm chủ nó. Bạn đến chỗ thấu hiểu, chứng nghiệm rằng những tư tưởng lừa dối, mê lầm sanh khởi và tan biến đồng thời trong nơi ở của chính chúng như những hình vẽ trên nước. Thế nên không cần từ bỏ những vọng tưởng. Khi bạn chứng ngộ tánh giác nguyên sơ và cõi giới trống không của mọi sự, chúng tự động được tịnh hóa vì chúng tự nhiên tan biến.

Như vậy, bởi vì rốt ráo những vọng tưởng không có hiện hữu thật, vô tự tánh và không thể tìm thấy, phương pháp nào bạn dùng để loại trừ chúng thì không quan trọng. Sự dừng dứt và sự tịnh hóa của chúng vào bản tánh nguyên sơ chính xác cùng là một việc. Một nét vẽ trên mặt nước sẽ thôi hiện hữu ngay khi nó được vẽ bất kể phương pháp nào bạn dùng để xóa nó.

Khi bạn nhận biết cái nền tự nhiên cho sự sanh khởi của tham, sân, si, kiêu căng và đố kỵ, (bạn thấy rằng) chúng tự động lắng chìm. Chúng tự nhiên tan biến, được tịnh hóa thành năm phương diện của tánh giác nguyên sơ.

Nhận biết cái nền tự nhiên cho những vọng tưởng khởi lên, hay nói theo nghĩa đen, “chỗ ở của chúng”, nghĩa là nhận biết bản tánh thực sự trống không của chúng. Rốt ráo, những vọng tưởng không thể được tìm thấy. Ngay khi sanh khởi và chìm xuống đồng thời, như những hình vẽ trên mặt nước, chúng không có sanh, trụ hay diệt thực như những sự cố hiện thực. Tuy nhiên, khi bạn mê lầm về bản tánh của chúng, chúng có vẻ có thực. Nhưng khi bạn nhận biết chúng đúng như chúng là, bạn thấy rằng chúng tự động lắng chìm không cần bạn phải làm gì cả. Như những làn sóng tự động lắng chìm thành nước, bạn không thể thực sự tìm thấy cái gì được lắng chìm và cái gì đã lắng chìm nó. Trong thí dụ này, những làn sóng là những tư tưởng lừa dối mê lầm và nước là bản tánh thực của tâm. Như thế khi bạn nhận biết bản tánh của những vọng tưởng, bạn thấy chúng có bản tánh của loại tánh giác nguyên sơ tương ứng. Chúng được tịnh hóa thành những tánh giác nguyên sơ này và tự động tan chìm như vậy.

Chẳng hạn, khi bạn nhận biết bản tánh của tham muốn khiến bạn chọn ra cái gì thích thú và mong muốn sở hữu nó một cách ám ảnh, bạn thấy rằng vọng tưởng này thuộc về bản tánh của tánh giác nguyên sơ thấy sự cá biệt (Diệu quan sát trí). Nói cách khác, bằng cách nhận biết bản tánh của tham muốn, bạn lột bỏ nó khỏi bám nắm cho là thật có của bạn. Khi làm như vậy, bạn làm biểu lộ tánh giác nguyên sơ thấy sự cá biệt.

Không phải là vào một khoảnh khắc có một vọng tưởng và rồi, khi dừng dứt, thì có tánh giác nguyên sơ tiếp theo đó. Những tư tưởng lừa dối mê lầm sanh khởi và chìm xuống cùng khoảnh khắc. Khi bạn biết bản tánh của chúng, bạn có tánh giác nguyên sơ và khi không biết, đó là vọng tưởng. Nếu bạn mê lầm về bản tánh của chúng, bạn bị lừa dối; nếu không, chúng là thanh tịnh.

Hơn nữa, không phải bạn nhận biết bản tánh của những vọng tưởng trong một khoảnh khắc và rồi trong khoảng khắc tiếp theo chúng tan vào tánh giác nguyên sơ. Chẳng hạn, không phải bóng tối của đêm biến mất trước tiên rồi bạn có ánh sáng của ngày. Nếu như vậy thì không cần mặt trời bởi vì bóng tối đã biến mất trước khi mặt trời mọc. Thế nên sự xuất hiện của ánh sáng tương đồng với sự biến mất của bóng tối, cũng thế sự biểu lộ của tánh giác nguyên sơ và sự tan biến của mê lầm là đồng thời. Sự khác biệt duy nhất giữa hai cái là chúng có được tịnh hóa hay không trong cõi giới tánh Không của mọi sự. Tánh giác nguyên sơ bị che tối bởi bóng tối của bám chấp vào hiện hữu có thật là sự mê lầm của những vọng tưởng. Những mê lầm được tịnh hóa khỏi bám chấp chính là tánh giác nguyên sơ.

Điều này được biết như là sự tịnh hóa tạm thời của mê lầm của năm độc vào những tánh giác nguyên sơ căn bản, có tên là diệu quan sát, giống như tấm gương, cõi giới của tánh Không, bình đẳng và thành tựu.

Tham muốn là bám luyến vào cái gì bạn xem là thích thú. Nó thấm khắp mọi vọng tưởng khác. Chẳng hạn, tham muốn của tức giận hay của sợ hãi và giận ghét là ý muốn thoát khỏi cái gì không thích, trong khi ham muốn của si là tham muốn ở lại trong sự không biết hay không quan tâm đến cái gì. Sự tịnh hóa cái cố chấp như vậy vào một đối tượng là tánh giác nguyên sơ thấy sự cá biệt. Nó chỉ chọn ra một đối tượng cá biệt, không hòa lẫn nó với cái khác, và thấu hiểu bản tánh trống không của nó là không hiện hữu thực.

Sợ và giận ghét được hướng đến cái bạn cho là không thích. Sự từ chối như vậy được tịnh hóa như là tánh giác nguyên sơ như tấm gương nó chỉ phản chiếu đối tượng một cách trong sáng. Loại tánh giác này được định nghĩa là tánh giác mà sự trong sáng không bị che ngăn, nói cách khác, nó có thể phản chiếu những đối tượng mà không bị ngăn ngại. Đặc trưng chính của nó là trong sáng.

Vô minh là một trạng thái của bóng tối trong đó bạn không thấy gì rõ ràng và không có thấu hiểu. Giống như tham, nó cũng thấm khắp mọi vọng tưởng. Được tịnh hóa, nó là tánh giác nguyên sơ của cõi giới trống không của mọi sự, có tính chất là một thấu hiểu trần trụi, không khái niệm về tánh Không.

Một số vị Thầy giải thích hai cái tương ứng sau cùng này theo cách nghịch nhau, nghĩa là tức giận được tịnh hóa là tánh giác nguyên sơ của cõi giới tánh Không và vô minh được tịnh hóa là tánh giác nguyên sơ như tấm gương. Không có mâu thuẫn trong này bởi vì mỗi tánh giác nguyên sơ có thể phân chia thành những phương diện của một trong năm cái. Có những phương diện diệu quan sát, như tấm gương, cõi giới của tánh Không, bình đẳng và thành tựu của tánh giác nguyên sơ của cõi giới của tánh Không và vân vân. Như vậy tất cả năm loại đều có đủ trong mỗi loại. Không phải chúng là những thực thể loại trừ lẫn nhau.

Kiêu căng là sự cảm nhận tốt hơn những người khác về vị trí xã hội, gia đình, giàu có, thông minh…. Tánh giác nguyên sơ bình đẳng thì không có những phân biệt mê lầm như trên dưới, tốt xấu, ngoại quốc hay bản địa. Như vậy trong tánh giác không tạo ra những phân biệt nhị nguyên, không có nền cho kiêu căng sanh khởi. Thế nên cái trước là sự tịnh hóa của cái sau.

Cuối cùng, tánh giác nguyên sơ thành tựu là cái đem đến sự không chướng ngại cho những hành động khiến được thành tựu tự phát, không cố gắng. Nó là sự tịnh hóa của đố kỵ, tức là bạn muốn người khác không thành tựu điều gì, còn bạn thì được.

Đây là những kỷ luật để tịnh hóa mê lầm thành tánh giác nguyên sơ khi ở trên những con đường đến giác ngộ. Tiếp theo là sự tịnh hóa tối hậu, sự tinh hóa của Phật quả.

Về cái tối hậu, khi bạn loại bỏ những vết dơ chốc lát khỏi trường bao la (của Phật tánh) và khám phá trạng thái toàn thiện an lạc không vết dơ, bản tánh của cõi giới này biểu lộ y như nó là. Ba Thân Phật, Pháp thân, một vị hay tánh giác nguyên sơ mà bạn khám phá, được biết là Thân của cõi giới tánh Không, có hai thanh tịnh. Đây không phải là một đối tượng cho ai được biết ngoài chư Phật.

Trường trống không của Phật tánh thì tự nhiên thanh tịnh và thấm tỏa tất cả chư Phật và chúng sanh, dù đối với chúng sanh nó bị che ám bởi những vết dơ tạm thời của vô minh. Khi bạn thấy trọn vẹn tánh Không của những chướng ngại sanh khởi và tan biến đồng thời này, chúng đã ngăn ngại sự giải thoát và toàn trí của bạn, bản tánh này đòi hỏi một sự thanh tịnh thứ hai thêm vào sự thanh tịnh tự nhiên vốn có. Đây là sự thanh tịnh bằng cách thoát khỏi những vết dơ. Hai sự thanh tịnh này giống như vàng được đánh bóng, nó vốn thanh tịnh tự nhiên và sáng sạch khi mọi cáu bẩn được loại bỏ.

Trạng thái của một Phật tánh được chứng ngộ hoàn toàn này được biết như là Thân của Trường tánh Không có hai sự thanh tịnh và đồng nghĩa với trạng thái giác ngộ của một vị Phật. Nhìn từ những phương diện khác, nó là Ba Thân Phật, Pháp thân, vị đơn nhất hay đơn giản là tánh giác nguyên sơ. Một trong những ý nghĩa của từ Dzogchen hay Đại Toàn Thiện là trong trạng thái toàn thiện của Phật quả, tất cả Ba Thân Phật là tròn đủ một cách tự phát. Pháp thân thỏa mãn những mục tiêu của chính bạn và hai Sắc thân thỏa mãn những mục tiêu của những người khác. Chúng không ngăn ngại nhau mà là một vị. Chúng là đồng thời, tự phát, không tách lìa và tròn đủ trong cõi giới của tánh giác nguyên sơ.

Ba Thân Phật, Thân Trùm khắp mọi Sự (Pháp thân), Thân Lợi Lạc (Báo thân) và Thân Lưu xuất (Hóa thân), cùng với tánh giác nguyên sơ, tất cả được bao gồm trong Thân của Tự tánh (Svabhavakaya), nó thường trụ, toàn khắp, không nhân duyên và không biến đổi, chuyển động. An trụ trong cõi giới của Pháp thân, là một viên ngọc như ý, Thân của Đức hạnh của tánh Giác nguyên sơ phô diễn từ trạng thái này như là Báo thân và Hóa thân xuất hiện lần lượt cho những người trên các địa Bồ tát và cho những chúng sanh khác. Tuy nhiên, chúng chỉ xuất hiện theo cách ấy qua sự kết hợp của lực đức hạnh hay công đức của Phật và chừng nào còn sanh tử, nó còn tiếp tục không dứt làm thỏa mãn những mong ước (của tất cả chúng sanh) như một cây hay viên ngọc như ý, và nó được biết như là sự tịnh hóa (tối hậu) mê lầm thành tánh giác nguyên sơ.

Thân của Tự Tánh là bản tánh thường trụ của tất cả thực tại, thấm tỏa khắp và hòa nhập tất cả Thân Phật, thật ra là sự không thể tách rời của chúng. Phương diện biết của nó là Thân của tánh Giác nguyên sơ, trò phô diễn tự nhiên của nó là đức hạnh hay công đức của chư Phật thỏa mãn mong muốn của tất cả chúng sanh bằng cách biểu lộ những Sắc Thân theo cách như mặt trời phát ra ánh sáng.

Những Sắc Thân này có hai loại, Báo thân và Hóa thân. Cái trước chỉ xuất hiện với các Bồ tát đã có tri giác trực tiếp về tánh Không và như vậy đang ở trên một của mười địa Bồ tát. Cái sau xuất hiện cho chúng sanh bình thường đã tích tập công đức và thanh tịnh của tâm để có thể thấy chúng. Như cùng cách mà những phản chiếu của mặt trăng xuất hiện trên các mặt viên ngọc qua lực kết hợp của những tia sáng mặt trăng và sự bóng láng của các viên ngọc, tương tự những Sắc Thân xuất hiện trong không gian trống không của Pháp thân qua lực phối hợp của những làn song gia trì của chư Phật và công đức của chúng sanh. Sự đạt đến đức hạnh của những Sắc Thân là sự tịnh hóa tối hậu mê lầm thành tánh giác nguyên sơ.

Nguyện rằng mặt trời, là tinh túy của nghĩa sâu xa, tỏa ra muôn ngàn tia sáng của lời và nghĩa trên thế giới của các đệ tử qua bầu trời tâm của họ và như thế loại trừ bóng tối vô minh khỏi tất cả chúng sanh.

Đức Longchen Rabjam
Việt dịch: Đương Đạo
Trích: Vòng Hoa Báu Bốn Pháp – Một dẫn nhập vào Đại Toàn Thiện – Nhà xuất bản Thiện Tri Thức