d0c5556d-ee01-49e1-b43f-de468ef343ba

Nương tựa Tăng thân

Tu tập và chuyển hóa
Trong đời sống hàng ngày
Nương tựa vào Tăng Đoàn
Công phu mau nhìn thấy.

Sống đời sống hằng ngày một cách bình thường chúng ta vẫn có thể tu tập và chuyển hóa. Tu tập ở đây có nghĩa là thực tập chỉ (śamatha – Stopping) và quán (vipaśyana – Looking deeply).

“Chỉ” tức là ngưng lại. Một câu hỏi được đặt ra ngay là “Ngưng cái gì?”. Câu trả lời là “Ngưng sự phóng thể, ngưng chạy như ma đuổi”. Trong cuộc sống hằng ngày chúng ta bị lôi kéo như một nạn nhân bởi những người và hoàn cảnh xung quanh, bởi những suy nghĩ mông lung, những tâm tư buồn giận. Chúng ta không có đời sống cho chính chúng ta. Vì vậy cần phải dừng lại. Có người không cưỡng lại được những sự lôi kéo đó cho đến khi bị tai nạn phải nằm bệnh viện và bắt buộc phải nằm yên một thời gian lâu và nhờ đó mới có cơ hội nhìn lại cuộc đời của mình. Đây là trường hợp bắt buộc phải chỉ.

“Chỉ” trong sự thực tập của chúng ta là tự mình ngưng lại. Và năng lượng giúp chúng ta ngưng lại là chánh niệm. Có những phương tiện giúp chúng ta ngưng lại như tiếng đồng hồ điểm giờ hay tiếng chuông. Đang suy nghĩ miên man, đang buồn, đang giận mà nghe đồng hồ điểm giờ hay tiếng chuông thỉnh lên, chúng ta ngưng lại, thở và mỉm cười: “A, ta đang phiêu lưu!” Chúng ta phiêu lưu theo buồn giận. Chúng ta phiêu lưu trên dòng quên lãng. Chúng ta tự đánh mất chúng ta. Cho nên tiếng chuông là tiếng gọi của Bụt. Bụt ở đây là Bụt trong tự tâm đang gọi chúng ta trở về.

Lắng lòng nghe, lắng lòng nghe
Tiếng chuông huyền diệu đưa về nhất tâm.

True home – căn nhà của mình, có nghĩa là nơi mình an trú, nơi hiện pháp lạc trú. Chúng ta là những đứa con hoang. Nghe tiếng chuông thì phải trở về căn nhà của chúng ta, nơi giờ phút hiện tại, nơi có an lạc, có hạnh phúc, có giác ngộ. Vì vậy cho nên chỉ là phép tu của tất cả chúng ta. Khi đi thiền hành là thực tập chỉ. Đi mà không cần tới. Khi quét nhà, rửa nồi là thực tập chỉ. Chúng ta sống sâu sắc, sống đích thực trong những giây phút đó.

“Anh đã làm gì đời anh?” Ta đã làm gì đời ta trong mấy chục năm qua? Tại vì ta không biết dừng lại, tại vì chúng ta không biết tu chỉ, năm tháng đã đi qua như một giấc mộng. Ta chưa từng sống được những giây phút sâu sắc, chưa bao giờ đứng lại để ngắm một ngôi sao hay nâng một cành hoa trên tay. Cuộc sống như vậy là quá uổng.

Vậy thì, tu chỉ có nghĩa là ngưng lại sự phiêu lưu và trở về nhà, sống an lạc, không tìm cầu, không mơ ước. Chỉ cần an trú trong hiện tại. An trú trong hiện tại như vậy thì chánh niệm càng mạnh và hạnh phúc càng lớn.

Đang gọt cà rốt trong bếp mà nghe Thầy hỏi “Con đang làm gì đó?” thì phải hiểu rằng đó là một tiếng chuông chánh niệm mà Thầy trao cho mình.  Nếu trả lời “Thưa Thầy con đang gọt cà rốt” là hỏng, là không hiểu ý câu hỏi của Thầy. Thầy dư biết mình đang gọt cà rốt. Có thể mình đang phiêu lưu trong khi gọt cà rốt, và câu hỏi của Thầy là để giúp mình dừng lại, giúp mình trở về nhà, trở về nơi an lạc. Nếu mà thông minh thì chỉ cần mỉm cười thôi. Ban đầu chúng ta cần tiếng chuông, tiếng đồng hồ, tiếng điện thoại để giúp chúng ta ngưng lại. Rồi chúng ta nhờ sự có mặt của sư anh, sư chị, sư em. Sự hiện diện của những bạn đồng tu đang thực tập chỉ sẽ giúp cho chúng ngưng lại dễ dàng. Bởi vì một người đang thực tập chỉ sẽ giúp tạo ra không khí chỉ xung quanh mình.

Theo nguyên tắc thì phải an trú ít nhất là ba hơi thở trong khi thực tập chỉ. Nếu thực tập giỏi hơn thì có thể ngưng lại lâu hơn, trong mấy chục phút. Trong mấy chục phút đó, chúng ta ở trong một tình trạng gọi là định – tam muội (samādhi). Tam muội càng nhiều thì chánh niệm càng vững. Trong tam muội cái nhìn của chúng ta, như một luồng ánh sáng quét lên sự vật, sẽ sâu sắc hơn. Cũng như cây đèn pin. Pin càng mạnh thì đèn chiếu càng rõ.

Khi biết dừng lại (chỉ) lâu dài và năng lượng chánh niệm vững mạnh thì chúng ta không những nhận diện mà còn có thể nhìn sâu, thấy rõ. Đó gọi là quán. Chỉ và quán không thể rời nhau được. Trong chỉ đã có một ít quán rồi. Ngưng lại và nhận diện là đã thấy rồi. Và khi đã có quán, có thấy rồi thì nhất định phải có chỉ. Không thể có quán mà không có chỉ. Khi mà mình có “cái thấy” (insight), mình hiểu thấu cội nguồn, tức là có chỉ. Cho nên tu tập, chuyển hóa trong đời sống hằng ngày phải tu tập chỉ và quán.

Nương tựa vào tăng đoàn, công phu mau nhìn thấy. Tu tập mà không có tăng đoàn rất là khó, nhất là khi mình bị giam hãm trong thế giới đau thương, đen tối, không có khả năng tiếp xúc với những gì lành mạnh, tươi vui, trị liệu ở trong mình và xung quanh mình.

Chúng ta thường ca ngợi những người tu một mình, lên núi đóng cửa lại, sống một mình. Chúng ta cho đó là những người tu duy nhất, những người tu thiệt. Nhưng kỳ thực, tu mà không có tăng đoàn khó lắm.

Có những trung tâm tu học mà trong đó không có sự liên hệ giữa những người cùng tu. Mỗi người một mình hạ thủ công phu gắt gao, tu cho thật rục mà không có chuyển hóa gì cả. Tại vì tăng đoàn ở đó không hẳn là một tăng đoàn.

Tăng đoàn phải mang ý nghĩa nâng đỡ lẫn nhau. Chùa chiền ở các quốc gia Á Châu được tổ chức như một gia đình trong đó Thầy được coi như là một người cha, người mẹ, còn người sư huynh là một người anh, sư đệ là một người em. Còn có sư bác, sư chú, sư cô, sư dì. Và như vậy trong truyền thống của chúng ta, môi trường của tăng thân rất là quan trọng. Nếu tăng thân không được thiết lập như một gia đình tâm linh, trong đó mỗi người là một thành phần của gia đình thì công phu tu tập khó thành đạt lắm.

Ở Tây phương thường có những người đến với tăng thân từ một gia đình đổ vỡ, từ một xã hội thác loạn và những người đó không có gốc rễ. Tăng thân đó được thành lập như một sự tụ họp của những hòn đảo riêng biệt, không có tình người, không có không khí ấm áp của gia đình và các thiền sinh của tăng thân đó dù tu tập mười năm, hai mươi năm cũng không có kết quả. Những người đó ở trong gia đình không có gốc rễ, ra ngoài xã hội cũng không có gốc rễ, và đi vào một tăng thân mà lạnh lẽo thì không thể nào có gốc rễ được. Cho nên tăng thân phải được tổ chức như một gia đình trong đó có sự ấm áp, có hạnh phúc, có sự hòa hợp, trong đó mọi người tiếp nhận nhau như anh em, chị em và như thế mỗi thiền sinh mới có cơ hội mọc ra những cái rễ đầu tiên trong cuộc đời mình. Do đó,tăng đoàn phải giúp cho những người mất gốc rễ gia đình cảm nhận được sự hiện diện của một gia đình trong tăng đoàn và cắm được những gốc rễ đầu tiên.

Vấn đề này rất quan trọng ở Tây phương. Những năm vừa qua, trong khi đi giảng dạy, tác giả luôn luôn kêu gọi các trung tâm tu học nên tổ chức những tăng thân có tính cách gia đình. Những người mất gốc khi tới với một tăng thân mà không có không khí đầm ấm thì sẽ mất cơ hội cuối cùng của họ. Ngược lại, khi họ đã mọc rễ và chấp nhận tăng thân như là một gia đình thì họ sẽ trở thành bình thường và họ có thể vui được, hạnh phúc được, và sự tu tập của họ có thể đi xa hơn.

Một vị Thầy dù cho giỏi cách mấy, một vị Đạo sư có giỏi cách mấy mà không có tăng thân thì cũng khó làm được gì nhiều.

Xây dựng Tăng Thân

Ngày xưa, tăng thân của Bụt thỉnh thoảng cũng có vấn đề lớn, đôi khi chia rẽ, có khi chia làm hai. Nhưng mà biết làm sao hơn, con người nó là như vậy. Tại Kosambi, tăng thân chia làm đôi, Bụt can thiệp vào cũng không giải quyết được, Bụt phải bỏ đi. Ở thành Vương Xá, Đề Bà Đạt Đa tổ chức giáo hội mới. Nhưng những khó khăn đó giáo đoàn đã vượt qua được.

Tăng thân của Bụt có uy tín nhờ phương pháp hành trì giáo lý của Bụt đã gây được niềm tin nơi quần chúng. Vua Ba Tư Nặc, vua nước Kosala, có một lần chắp tay lạy mà thưa với Bụt rằng: “Bạch Đức Thế Tôn, nhìn cách các vị khất sĩ đi qua, đi lại, ngồi xuống, đứng lên, thực tập, con có đức tin nơi Thế Tôn”. Câu nói này đã được ghi lại trong kinh.

Nhìn một tăng thân, ta có thể thấy khả năng của một vị đạo sư của tăng thân ấy. Cho nên một trong những điều mà chúng ta phải học trong thời gian thụ huấn là môn học xây dựng tăng thân hay dựng chúng (community building, sangha building).

Một vị đạo sư mà không có tăng thân thì cũng như một nghệ sĩ không có tư liệu, một nhạc sĩ không có đàn, một chiến sĩ không có súng. Và vì vậy tăng thân rất quan trọng. Nếu trong tăng thân mà có được một ít yếu tố của sự hòa hợp, của hạnh phúc thì một người mới tới với tăng thân tuy chưa tu mà đã bắt đầu hưởng lợi rồi. Xây dựng tăng thân là một công trình quan trọng nhất của sự tu tập.

Ngày xưa, bây giờ cũng vậy, có nhiều người chán các Thầy, giận các Thầy rồi nói rằng: “Tôi chỉ quy y nhị bảo thôi, là Phật Bảo và Pháp Bảo, Tăng Bảo tôi không thích”. Có nhiều người nói tôi chỉ quy y Thánh Tăng thôi, tức là Xá Lợi Phất, Mục Kiền Liên, Văn Thù, Phổ Hiền thôi, còn mấy thầy mấy sư cô đang sống ở đây chưa phải là Thánh Tăng. Nói như vậy không đúng. Tại vì cái tăng thân mà ta có thể hưởng được là tăng thân này, tức là phàm tăng. Giá trị của tăng thân là do ta xây dựng nên chứ không phải tự nhiên mà có. Tăng thân là một đoàn thể trong đó mọi người đều có ý chí tu học. Còn tu học thành hay không thành, thành công tới mức nào là còn do nghệ thuật tu học nữa chứ không phải có thiện chí mà được. Có thiện chí chưa đủ. Cũng như muốn thương chưa chắc đã thương được.

Tăng thân không cần phải hoàn hảo. Chỉ cần phàm tăng thôi chứ chưa cần tới thánh tăng mà đã hưởng được nhiều lợi lạc rồi. Nếu mỗi cá nhân của tăng thân có ý thức cần nương tựa vào tăng thân để tu học, thì phải biết rằng tăng thân đó phải do tự mình xây dựng cho tốt đẹp. Nếu tăng thân chưa tốt đẹp như mình muốn thì phải làm cho tốt đẹp. Phương pháp làm cho tăng thân tốt đẹp là trước hết phải làm cho mình tốt đẹp, vì mình là một phần tử của tăng thân. Phần tử của tăng thân trong tầm tay mình nhất, gần mình nhất chính là mình. Cho nên, mỉm một nụ cười, thở một hơi thở, đó là làm cho cả tăng thân. Đi thiền hành cho đàng hoàng là phục vụ tăng thân, chứ đừng cho rằng phải dạy cho người này, dạy cho người kia mới là phục vụ tăng thân.

Vậy thì, xây dựng tăng thân trước hết là phải mỉm cười, là phải thiền hành, là phải thực tập chỉ, là phải an trú trong hiện tại. Căn cứ trên cơ bản đó mới giúp được một sư anh, một sư chị, một sư em. Nếu không căn cứ trên cơ bản đó thì có xây dựng cách mấy cũng không đi tới đâu cả.

Một tăng thân mà có hạnh phúc quan trọng vô cùng. Nó nuôi dưỡng và làm cho chúng ta thêm vững chãi. Tại vì cá nhân có khi lên, khi xuống nhưng nguyên một tăng thân thì không đến nỗi như vậy. Khi có một người này ngã xuống thì luôn luôn có những người kia nâng dậy. Chị ngã em nâng. Đó là sự quan trọng của tăng thân.

Cho nên con về nương tựa Tăng không phải là một vấn đề tín ngưỡng, không phải là vấn đề đức tin. Chúng ta đọc Quy Y Phật, Quy Y Pháp, Quy Y Tăng như là một sự tỏ lộ niềm tin, nhưng Quy Y Tăng không phải là vấn đề đức tin. Đó là một vấn đề thực tập. Quy Y Phật cũng vậy. Đó là một vấn đề thực tập. Quy Y Phật tức là luôn luôn sống trong chánh niệm. Chánh niệm tức là Phật soi sáng cho mình.

Một thiền sinh giỏi, có tương lai là một thiền sinh biết xây dựng tăng thân. Đừng đợi khi tốt nghiệp rồi mới ra xây dựng tăng thân, lúc đó sẽ không thành công đâu. Phải sống cho hòa hợp, hạnh phúc, phải xây dựng tăng thân ngay trong giây phút hiện tại. Con về nương tựa Tăng là vấn đề thực tập, không phải là vấn đề tín ngưỡng.

Thiền sư Thích Nhất Hạnh