Bảy yếu tố khiến Tăng đoàn hưng thịnh

Bảy yếu tố khiến Tăng đoàn hưng thịnh hay còn gọi là bảy pháp bất thối được đề cập trong bài kinh Đại bát Niết bàn, gồm: Có Tín tâm, có Tàm, có Quý, Đa văn, Tinh tấn, Chánh niệm và Trí tuệ. Đây là những yếu tố quan trọng được đức Phật đặc biệt nhấn mạnh như là nền tảng cho sự hưng thịnh của Tăng đoàn do ngài thành lập. Bài kinh là một tài liệu lịch sử quý giá, ghi lại cuộc hành trình cuối cùng của Đức Thế Tôn khởi sự từ Vương xá và kết thúc tại Kusinarà – nơi Ngài quyết định vào Niết-bàn. Trong những ngày tháng cuối cùng này, Đức Thế Tôn ân cần nhắc nhở các đệ tử những điểm giáo lý quan trọng, những điều cốt lõi trong giáo pháp. Dừng chân mỗi trú xứ, Thế Tôn khuyên nhắc những vấn đề khác nhau đầy ý nghĩa và súc tích. Đó là những gì tâm huyết nhất của bậc Đạo sư dành cho chúng đệ tử. Đặc biệt khi ở Vương xá thành, vì sự hưng suy của Tăng đoàn, vì sự tồn vong của Phật pháp, Đức Thế Tôn nêu ra những điều cần thiết để xây dựng một hội chúng hưng thịnh. Bảy yếu tố đã nêu trên như tóm thâu tất cả tinh hoa của giáo pháp và được xem là kim chỉ nam áp dụng vào nếp sống phạm hạnh của mỗi thành viên trong Tăng đoàn ở mọi thời đại.

2.1. Có Tín tâm:

Niềm tin là cửa ngõ bước vào đạo. Người học Phật muốn thể nhập chân lý với trí tuệ thì trước hết phải có lòng tin chân chánh. Bởi vì, Saddhà (Đức tin, lòng tin) là tâm sở đi đầu trong các tâm sở thiện. Nó khởi sự cho mọi việc tiếp theo đều tốt đẹp. Đó là đức tính cần thiết làm nền tảng cho người mới bước vào đạo. Kinh Tiểu địa quán có câu “Vào biển Phật pháp lấy niềm tin làm gốc, qua sông sanh tử lấy giới pháp làm thuyền”. Do vậy, người có lòng tin chân chánh thì tất cả thiện pháp đều thành tựu. Vị ấy không đi quá xa, không đi ra ngoài pháp luật của Đức Thế Tôn thuyết giảng.

Saddhàụ (Tín) xuất phát từ ngữ căn Sam (tốt, khéo) + dah (đặt xuống, để xuống) nghĩa là đặt lòng tin tưởng hoàn toàn đối với Tam bảo (Phật-Pháp-Tăng), tin nghiệp nhân, nghiệp quả, tin khả năng giác ngộ của chính mình.

Saddhà có khả năng làm các phiền não nghi ngờ tiêu sạch như viên ngọc của vua chuyển luân làm nước lóng sạch cáu bẩn. [13,38] Nhiệm vụ của nó là đi vào, như sự khởi hành vượt qua bộc lưu (xem Kinh Tập, tr. 184). Nó được biểu hiện bằng sự không mù mờ hay sự quyết định. Saddhà nên xem như một bàn tay, vì nó nắm giữ thiện pháp được xem như là tài sản và như hạt giống (kinh Tập, tr. 182). Như vậy, lòng tin là điểm khởi sự cần thiết cho việc thực hành giáo pháp. Nó là bước đi đầu tiên trong những bước đi hướng về giải thoát, nếu chúng ta làm sụp đổ hay đánh mất ngay bước đi đầu tiên thì những bước đi kế tiếp không thể nào thực hiện được. Cho nên, hành giả phải hết sức cân nhắc về vấn đề này, để khỏi lầm đường lạc lối, khổ lụy muôn đời.

Trước hết, hành giả phải có lòng tin nơi Đức Thế Tôn. Thế Tôn là bậc đạo sư, từ địa vị con người, Ngài đã tự mình tu tập chứng đạt chân lý tối thượng và trở thành bậc Giác ngộ vĩ đại. Tin vào Pháp của Thế Tôn thuyết giảng có khả năng giúp con người ra khỏi khổ đau: “Pháp được Thế Tôn khéo thuyết giảng, tự chứng ngay hiện tại, vượt ngoài thời gian, đến để mà thấy, có hiệu năng hướng thượng, được người trí chứng biết”. [5-II,286] Tin vào Tăng đoàn là những người đã và đang nỗ lực trên con đường diệt khổ, là những người thay Phật thuyết giảng con đường cứu khổ cho đời, “Chúng đệ tử của Thế Tôn đã đi vào thiện đạo, trực đạo, chân đạo, chánh đạo nghĩa là bốn đôi tám vị. Chúng đệ tử này của Thế Tôn đáng được cúng dường, cung kính chấp tay chào, là phước điền vô thượng của thế gian”. [5II,286] Người có niềm tin vững chắc đối với Tam Bảo như vậy thì sẽ cố gắng tu tập theo Chánh pháp, dù gặp trở ngại gì cũng không thối chuyển.

Tuy nhiên, đức Phật dạy chúng ta nên tìm chân lý, chớ không nên nghe qua vội tin liền, dù người nói có nhiều uy tín đi nữa. Ngài dạy:“Chớ có tin vì nghe truyền thuyết; vì truyền thống; vì nghe người ta nói; vì kinh tạng truyền tụng; vì nhân lý luận; chớ có tin sau khi suy tư một vài dữ kiện; chớ có tin theo thiên kiến định kiến; chớ có tin vì vị Sa môn là bậc đạo sư của mình”. [5-II,212] Đức Phật bác bỏ những trường hợp đáng tin như vậy, rốt cuộc, chúng ta biết tin ai và tin cái gì ? Nhưng đến đây, Thế Tôn khuyên dạy thật nhẹ nhàng: Hãy tin chính mình, tin ở nơi lý trí phán xét của mình. Đức Phật dạy khi nào tự mình biết rõ các pháp này là bất thiện, có lỗi lầm, bị người trí chỉ trích, nếu thực hành và chấp nhận các pháp ấy sẽ đưa đến bất hạnh đau khổ thì chúng ta phải từ bỏ. Ngược lại, nếu biết rằng các pháp này là thiện, không lỗi lầm, được người trí tán thán, nếu thực hành và chấp nhận sẽ đưa đến an lạc và hạnh phúc thì phải chứng đạt và an trú. Như vậy, đức Phật luôn đứng ở vị trí con người để giáo hóa chúng sanh và đặt lòng tin vào khả năng của con người có thể phân biệt thiện ác, chánh tà. Con người có khả năng tự giải thoát, tự giác ngộ như ngài đã tự mình giác ngộ giải thoát. [12,32-33]

Dù ở góc độ nào, niềm tin luôn được Đức Thế Tôn đặt lên vị trí dẫn đầu. Trong kinh Cankì – Trung bộ II, số 95, đức Phật phân biệt ba trình độ tiếp cận chân lý: Hộ trì chân lý, giác ngộ chân lý và chứng đạt chân lý. Tất cả đều bắt đầu từ lòng tin, nhưng tin như thế nào mới là điều quan trọng.

Người hộ trì chân lý (tôn trọng sự thật) khi tin tưởng một điều gì thì cứ tin, nhưng không nên xác quyết rằng chỉ có điều ta tin mới thật đúng, ngoài ra đều sai lầm. Vì rằng, chấp trước là một xiềng xích nên tốt nhất ta cứ tin nhưng đừng cực đoan ôm chặt nó. Đây là thái độ buông xả khéo léo của người học pháp.

Giác ngộ chân lý cũng thế, niềm tin trước tiên là đối với bậc thầy. Một người khi xem xét một vị thầy, biết rõ vị thầy ấy không có tham, sân, si… và khéo thuyết giảng pháp đưa đến vô tham, vô sân, vô si…thì người ấy khởi lòng tin. Nhờ có lòng tin, vị ấy đến gần rồi thân cận thường xuyên để được chỉ dạy về Phật pháp. Khi được chỉ dạy, vị ấy biết lắng nghe, nghe xong phải thọ trì, khi thọ trì phải tìm hiểu ý nghĩa của pháp. Nhờ hiểu rõ ý nghĩa, vị ấy hân hoan chấp nhận và phát sanh ý muốn nỗ lực tu tập, cân nhắc pháp môn nào thích hợp với mình, vị ấy tinh cần tu tập một thời gian dài cho đến khi tự thân chứng đạt chân lý và thể nhập chân lý với trí tuệ. Như vậy từ lòng tin chân chánh, hành giả nỗ lực tu tập để bước vào ngôi nhà trí tuệ là cả một con đường dài cam go, mỗi chặng đường mở ra một khúc quanh mới, nếu hành giả thiếu thiện xảo có thể bỏ cuộc hoặc lạc đường.

Trong việc chứng đạt chân lý, mặc dù, tinh cần là yếu tố xuyên suốt trong lộ trình tu tập, nhưng muốn tinh cần phải cân nhắc, muốn cân nhắc phải cố gắng, muốn cố gắng phải có ước muốn, để có ước muốn cần phải hoan hỷ chấp nhận, muốn hoan hỷ chấp nhận phải tìm hiểu ý nghĩa, muốn tìm hiểu ý nghĩa phải thọ trì pháp, muốn thọ trì pháp phải nghe pháp, muốn nghe pháp phải lóng tai, muốn lóng tai phải thân cận giao thiệp, muốn thân cận giao thiệp phải đến gần, muốn đến gần phải có lòng tin. Đến đây, chúng ta thấy niềm tin luôn khởi đầu trong tiến trình tu tập, nó giúp hành giả dứt bỏ sự nghi ngờ hay sự mù mờ đối với các pháp. Nghi ngờ là một trong năm triền cái làm chướng ngại việc hành thiền.

Cho nên, mỗi hành giả phải có niềm tin chân chánh. Đó là niềm tin của vị tỳ kheo Thánh đệ tử – niềm tin của người đã thấy pháp bằng chính kinh nghiệm cá nhân, đã đoạn diệt hoài nghi pháp. Đây là nền tảng vững chắc của Thánh tín, bất động không thể lung lay, không thể biến hoại, cho dù trôi lăn trong sanh tử.

2.2. Có Tàm:

2.3. Có Quý:

Tàm và Quý là hai tâm sở thiện thường đi chung với nhau. Do vậy, chúng ta có thể trình bày xen lẫn nhau để làm nổi lên tính chất ưu việt của hai tâm sở này.

Trong kinh Tăng chi, đức Phật gọi Tàm và Quý là những vị “hộ trì thế gian”, vì đấy là nền tảng của giới, nền tảng của đạo đức. Cho nên, mỗi hành giả phải tự soi rọi lại chính mình và làm cho hai đức tính này luôn hiện hữu trong tâm để thăng hoa nếp sống phạm hạnh – nếp sống của giới luật không có lỗi lầm.

Tàm (Hirì) có đặc tính là chán ghét, ghê tởm trước điều ác, do một ý thức về tính tự trọng. Nó được thể hiện là sự tự trách mình. Quý (Ottappa) có đặc tính là sợ hãi điều quấy, quan tâm đến dư luận. Hay nói cách khác, Tàm có nhiệm vụ không làm ác dưới hình thức khiêm cung, Quý có nhiệm vụ không làm ác dưới hình thức sợ hãi.

Sở dĩ, chúng là nền tảng của giới vì: người học Phật tự giác hành trì giới luật xuất phát từ cái tâm ghê sợ tội lỗi, sợ quả báo đau khổ nên cố gắng giữ gìn thân, khẩu, ý không cho dễ duôi phóng túng. Người ấy luôn khép mình trong giới luật để tịnh hóa thân tâm, giữ gìn chánh pháp làm cho Phật pháp hưng thịnh, “ Nếu người xuất gia có tín tâm, thường sanh Tàm Quý, siêng học giới luật thì Phật pháp sẽ tồn tại”. [20,54]

Xét về mặt bản chất, Hirì (hổ thẹn) phát sinh từ bên trong và Ottappa từ bên ngoài do ngoại cảnh. Ví như thanh sắt, một đầu đốt nóng lên, đầu kia thoa đồ dơ thúi vào. Ta không sờ tay vào đầu dơ thúi của thanh sắt vì ghê tởm, gớm , và không sờ tay vào đầu nóng vì sợ. Những điểm ghi nhận sau đây của bà Rhys David về Tàm và Quý mô tả rành rẽ sự khác biệt giữa hai tâm sở có liên quan mật thiết này :

“Hirì và Ottappa, như đức Buddhaghosa phân tích cho thấy nhiều điểm vô cùng hứng thú về phương diện đạo đức. Gom chung lại, hai danh từ này là sắc thái “cảm xúc” và “quyết ý” của ý niệm về tâm thức của thời hiện đại, cũng như Sati (Niệm) tiêu biểu cho phần trí thức. Hirì có nghĩa tương đương với hổ thẹn (lajjà), Ottappa tương đương với nỗi ưu phiền đau khổ (ubbego) về hành động bất thiện. Hirì bắt nguồn từ bên trong, tình trạng nguy hiểm và ghê sợ lỗi lầm. Nguồn gốc chủ quan của Hirì có bốn: ý niệm có liên quan đến sự sanh trưởng, đến tuổi tác, đến giá trị và đến giáo dục của ta. Do đó, người có tâm hổ thẹn trước hành động bất thiện, Hirì sẽ suy tư: “ chỉ có con cái của hạng người tầm thường, như dân chài chẳng hạn, những người nghèo khó, đói rách, những người mù dốt mới làm điều này” và vì nghĩ vậy người ấy tự chế, nhịn không làm. Nguồn gốc của Ottappa, Quý ghê sợ hậu quả của hành động bất thiện nằm ở bên ngoài ta. Đó là ý niệm: “ hạng người chân thật sẽ khiển trách ta, và vì lẽ ấy không làm điều bất thiện”. Đức Phật dạy người ấy là vị chủ nhân tốt nhất của chính mình. Đối với người có nhiều nhạy cảm hơn với Otaappa, ghê tởm hậu quả của hành động bất thiện, thì các ông chủ của niềm tin là hướng dẫn tốt nhất”.

Chính vì thế, Tàm và Quý là hai yếu tố chi phối thế gian rất quan trọng. Thiếu hai yếu tố này không có xã hội văn minh nào có thể tồn tại. Những điều Phật dạy cách đây hai mươi sáu thế kỷ sao mà luôn mới mẻ và thiết thực đến thế !

Trong nếp sống phạm hạnh, đức Phật luôn khích lệ tinh thần tự giác đối với các Tỳ kheo, mỗi người tự hành trì giới pháp để chứng đạt chân lý. Ngài không đặt để quy luật hà khắc hay trừng phạt nặng nề, chỉ có Tàm và Quý như là tòa án lương tâm chân thành nhất của mỗi người: Trong Ottappa ta cảm nghe ghê sợ trước phiền hà của chính ta; sự khiển trách của người khác; và quả báo trong một kiếp sống khác. Do vậy, Tàm và Quý là hai đức tính vô cùng cần thiết, mỗi chúng ta phải luôn phát huy để nâng cao phẩm hạnh của mình. Đồng thời nhờ có Tàm Quý, hành giả mới xa lìa ác pháp và phát triển thiện pháp, sống an vui không áy náy hay hối hận vì lỗi lầm. Ngược lại, người không có tàm quý thì quá trình chuyển hóa tâm thức không bao giờ xảy ra và cũng không bao giờ thăng tiến đời sống đạo đức tâm linh.

Đức Phật dạy, Tỳ kheo biết tàm, biết quý thì thường có ái và kỉnh; nếu có ái và kỉnh thì thường có tín; nếu có tín thì thường có chánh tư duy; nếu có chánh tư duy thì thường có chánh niệm, chánh trí; nếu có chánh niệm, chánh trí thì thường giữ gìn các căn, giữ giới, không hối hận, hoan duyệt, hoan hỷ, tịnh chỉ, lạc, định, tri kiến như thật, nhàm chán, vô dục, giải thoát; nếu đã giải thoát liền đắc Niết- bàn. Giống như một cây nào mà vỏ ngoài không bị hư thì vỏ trong không bị hư, vỏ trong không hư nên thân, lõi, nhánh, cành, hoa, lá chắc chắn thảy đều thành tựu. [11,528-529]

Cho nên, đức Phật nhấn mạnh một vị tỳ kheo khi đã tự xưng và được người ta gọi là Sa môn thì phải tu tập và thành tựu các hạnh Sa môn, trong đó có Tàm Quý. Vị tỳ kheo đã thành tựu Tàm Quý thì thân, khẩu, ý được thanh tịnh, các căn được hộ trì , ăn uống có tiết độ và sống trong chánh niệm tỉnh giác. [2, 600] Vị ấy sống có Tàm Quý nhưng không khen mình chê người, không kiêu căng hay chỉ trích các bạn đồng phạm hạnh. Ngược lại, vị ấy sống khiêm nhường, tế nhị, có từ tâm , biết cảm thông và tha thứ…. Vị ấy sống an lạc trong giáo pháp.

Tàm và Quý là nền tảng của giới, nền tảng của đạo đức. Đạo đức thì thường mang giá trị tương đối, thế nhưng, đạo đức Phật giáo cho đến nay vẫn không có gì lỗi thời, và phẩm chất đạo đức hay giới luật của Tỳ kheo đệ tử Phật hẳn là rất cao vời khiến cho nó tiếp tục tồn tại trải qua hai mươi sáu thế kỷ nay.

2.4. Đa văn (Văn huệ):

Đa văn là nghe nhiều. Ở đây chỉ cho nghe giáo pháp của Phật. Nghe giảng, đọc sách, thảo luận với thiện hữu tri thức để hiểu thấu đáo lời Phật dạy đều gọi là Văn huệ. Trong Tam huệ học (Văn huệ, Tư huệ và Tu huệ), Văn huệ là giai đoạn đầu tiên trên bước đường tu tập tiến đến trí tuệ.

Giai đoạn đầu, chúng ta thường thân cận bậc trí để lắng nghe diệu pháp, nhưng nghe xong phải khéo tư duy quan sát (Tư huệ) để áp dụng thiền tập trên những đề mục đã tư duy ấy. Nói cách khác, người học Phật không nên có thái độ học pháp, đón nhận pháp như người sưu tập chìa khóa mà không sử dụng, chất đầy nhà chỉ thêm choáng chỗ. Thái độ chân chánh khi học pháp là phải biết lắng nghe, nghe xong áp dụng tu tập trong nếp sống hằng ngày thì mới có lợi ích. Đó là người biết từ cửa Văn huệ bước vào ngôi nhà Phật pháp.

Nghe pháp mà không hành trì thì trọn đời cũng không nếm được pháp vị:

“Người ngu dẫu trọn đời

Thân cận bậc hiền trí

Vẫn không biết chân lý

Như cái muỗng múc canh.

Người trí dầu một khắc

Thân cận với bậc hiền

Cũng thấy ngay chân lý

Như lưỡi nếm vị canh”

[ PC.64-65]

Do vậy, người nghe pháp cần tránh ba lỗi: Lỗi thứ nhất, tâm trí bưng bít, không hân hoan, không nồng nhiệt đón nhận pháp, giống như cái bình đóng kín không thể đổ sữa vào; lỗi thứ hai, tâm buông trôi không chú ý lắng nghe, nghe tai này chạy sang tai kia, như cái bình lũng đáy đổ sữa vào sẽ chảy hết; lỗi thứ ba, nghe pháp với một tâm trí và thái độ bất tịnh như ham muốn vinh dự hay tiếng tăm nào đó, hoặc vị kỷ hay tham dục…, giống như cái bình bị ô uế. Chúng ta đừng để các điều này ngự trị trong tâm và hãy đón nhận pháp với tâm trạng hân hoan, cởi mở và trong sáng như cái bình trống, cái bình không lũng đáy, cái bình được súc sạch để diệu pháp thấm nhuần thân tâm. Đồng thời, chúng ta vui mừng đón nhận pháp như một bịnh nhân lắng nghe sự hướng dẫn của người thầy thuốc để uống thuốc cho đúng và hết bịnh. Cũng vậy, chúng ta lắng nghe diệu pháp, hành trì pháp để trị bịnh tham, sân, si và căn bịnh đau khổ triền miên do ôm giữ cái ta nhỏ bé này.

Đức Phật dạy: “Vị Thánh đệ tử nghe nhiều, không bị trói buộc bởi sanh, già, chết, sầu, bi, khổ, ưu, não. Ta nói người ấy không bị trói buộc bởi đau khổ”. [9,214-215]

Hay nói cách khác, con đường giải thoát là con đường không có bóng tối của vô minh, con đường đoạn tận ái theo một quá trình thân cận bậc trí để nghe diệu pháp đi đến đoạn tận năm triền cái: Do thân cận bậc chân nhân nên nghe được diệu pháp, nhờ nghe diệu pháp nên khởi tín tâm, nhờ có tín tâm nên như lý tác ý, nhờ có như lý tác ý nên được chánh niệm tỉnh giác, nhờ có chánh niệm tỉnh giác mà các căn được chế ngự, nhờ các căn được chế ngự nên có thân, khẩu, ý thiện hành, nhờ có thân, khẩu, ý thiện hành mà năm triền cái đựoc đoạn diệt. Năm triền cái là thức ăn nuôi dưỡng vô minh, khi năm triền cái diệt thì vô minh không có nhân duyên để tồn tại. [8,9-26]

Như thế, con đường đoạn tận vô minh để trí tuệ có mặt cũng bắt đầu từ việc lắng nghe diệu pháp (Văn huệ). Chịu khó lắng nghe, suy gẫm và thực hành phải được vận dụng khéo léo và cùng lúc, để việc tu tập có hiệu quả hơn. Và vì vậy, nói đến Văn huệ là nói đến Tư huệ và Tu huệ, chúng không thể tách rời nhau. Nếu dừng lại ở giai đoạn đầu (Văn huệ), hành giả trở thành những người học rộng, nghe nhiều, giàu có kiến thức, nhưng đời sống tâm linh thì nghèo nàn nhỏ bé. Chúng ta nên tránh lối học pháp và nghe pháp theo kiểu tầm chương trích cú, lối tư duy mang màu sắc hữu ngã….Vì như thế, nó sẽ làm tăng thêm ngã mạn, tạo nhiều chướng duyên, ngăn cản bước đi tâm linh của chính mình.

Chính vì thế, Đức Thế Tôn luôn khuyến khích chư đệ tử phải siêng năng học pháp, nghe nhiều để mở mang tri thức. Từ cánh cửa tri thức này, và bằng con đường thiền quán, hành giả sẽ bước vào lĩnh vực của trí tuệ, lĩnh vực chứng đạt tâm linh – nó bao la rộng lớn và thông suốt mọi ngọn ngành của vạn vật, vượt xa cái tri thức nhỏ bé hữu hạn mà con người tìm kiếm qua sách vở. Đây là tác dụng tích cực của người học rộng nghe nhiều.

Trong nếp sống tu học, lắng nghe là một nghệ thuật sống rất tuyệt vời và sống động. Nghe nhiều, nói ít là đức tính khiêm nhường cần thiết cho vị tỳ kheo. Nhờ biết lắng nghe, chúng ta sẽ học hỏi và được chỉ dạy từ nhiều phía, thầy tổ, bạn bè…. Hơn nữa, Đức Phật dạy, tỳ kheo đệ tử Phật khi ngồi lại với nhau, nếu có thảo luận thì nên thảo luận về Phật pháp, bằng không thì giữ im lặng của bậc Thánh. Im lặng ở đây là nếp sống thiền định. Vì thế để hội chúng được thanh tịnh, ngoài việc nghe pháp, học pháp, trau giồi phạm hạnh, vị tỳ kheo phải nỗ lực hành thiền để chứng đạt chân lý, không nên tranh luận việc thế sự làm dấy khởi tạp niệm, tạp tưởng trong tâm, lãng phí thời gian tu tập của mình và các bạn đồng phạm hạnh.

2.5. Tinh tấn(Viriya):

Tinh tấn là yếu tố xuyên suốt và không thể thiếu đối với việc tu tập của một hành giả. Nó là căn nguyên của mọi thành tựu mỹ mãn. Có thể nói, tiến trình tu tập từ phàm đến thánh như một xâu chuỗi ngọc bích mà tinh tấn như là sợi chỉ đỏ xuyên suốt xâu chuỗi đó. Hành giả muốn tu tập để đạt mục tiêu phạm hạnh thì phải nỗ lực thường xuyên trong suốt lộ trình tu học của mình.

Viriya xuất nguyên từ ngữ căn Vaj nghĩa là đi + ir “ vì” thay cho “aj” . Vìra là người chuyên cần nỗ lực hoàn thành công việc của mình một cách liên tục. Viriya được định nghĩa là trạng thái hay hành động của người cương quyết. Danh từ này cũng có nghĩa là cái gì được thực hiện hay hoàn tất đúng phương pháp.

Viriya có đặc tính nâng đỡ, giữ vững, chống đỡ, như một ngôi nhà hư cũ, nhờ những cây cột mới chống đỡ. Cũng vậy, Viriya hỗ trợ và nâng đỡ các tâm sở thiện khác đồng phát sanh.

Viriya được xem là một trong năm khả năng kiểm soát-Ngũ căn (Indriya), vì nó khắc phục trạng thái lười biếng. Viriya cũng được xem là một trong năm năng lực kiểm soát- Ngũ lực (Bala), vì nó không thể bị trạng thái lười biếng làm lay chuyển. Viriya là một trong bốn phương tiện để thành tựu mục tiêu cứu cánh (Iddhipàda – Tứ thần túc). Viriya là một trong bảy yếu tố cần thiết của sự giác ngộ (Bojjhanga- Thất giác chi). Cuối cùng, Viriya đạt đến mức trở thành Chánh tinh tấn, một trong tám chi của con đường cao quý (Atthangika Magga- Bát chánh đạo). Chuyên cần, cố gắng, tận lực, tinh tấn được xem là những từ sát nghĩa với Viriya.

Một cách bao quát, Chánh tinh tấn hay nỗ lực chân chánh là các cố gắng nhằm chấm dứt các quan niệm sai lầm, tư duy sai lầm, lời nói bất thiện, hành vi sai trái, nghề nghiệp xấu ác, ý thức sai lệch, thiền định tà vạy. Một cách cụ thể, nỗ lực chân chánh có thể được chia thành bốn nhóm, tùy theo chức năng và bản chất của chúng. Đó là nỗ lực ngăn ngừa, nỗ lực từ bỏ, nỗ lực phát huy và nỗ lực duy trì. [8, 15] Nói chung, nó bao gồm những nỗ lực hướng đến và hoàn thiện đời sống đạo đức, đời sống thánh thiện hay đời sống không còn đau khổ.

Nỗ lực ngăn ngừa là cố gắng ngăn chặn sự phát sanh của các động cơ và hành vi bất thiện và không có lợi ích. Đó thực ra là sự hộ trì các căn : Khi mắt thấy sắc, tai nghe âm thanh, mũi ngữi các mùi, lưỡi nếm các vị, thân xúc chạm vật thể và tâm nhận thức các hình ảnh hay khái niệm nội tại, chúng ta không nên vướng mắc vào các đặc điểm chung và riêng của chúng. Do không chấp mắc, chúng ta sẽ làm chủ các giác quan trong việc ngăn ngừa không cho các động cơ và hành vi bất thiện phát sanh.

Nỗ lực từ bỏ là năng lực hay ý chí triệt tiêu, hủy bỏ, chấm dứt sự hiện hữu như tư duy về khoái lạc giác quan, tư duy đầy dẫy sân hận và hiềm thù, tư duy bạo động và sát hại.

Nỗ lực phát triển là năng lực hay ý chí vun bồi các động cơ thiện chưa được phát khởi từ bảy yếu tố giác ngộ. Đó là chánh niệm, phân biệt chánh tà, nỗ lực, hỷ, khinh an thân tâm, định và xả trước các biến cố trong đời. Trọng tâm của những nỗ lực này được dựa trên ly tham, hướng đến sự chấm dứt và kết thúc ở thiện ích .

Nỗ lực duy trì là năng lực hay ý chí lưu giữ một đề mục thiền định nào đó. Đồng thời, vị tỳ kheo duy trì các thiện pháp đã sanh, không có mù mờ, được quảng đại, được tu tập, được viên mãn, khởi lên ý muốn cố gắng phát triển nghị lực và củng cố tâm mình. Tóm lại, như Đức Thế Tôn dạy:

“Ngăn ngừa, đoạn tận, tu tập và hộ trì

Là bốn tinh tấn mà bậc Đạo Sư,

Bà con của mặt trời đã tuyên bố

Ở đây, vị Tỳ khưu với tinh tấn nỗ lực

Sẽ đạt đến mục đích đoạn tận khổ đau”. [8,15]

Với tác dụng tích cực như thế, Đức Thế Tôn luôn luôn nhắc nhở chúng đệ tử hãy tinh tấn lên để giải thoát. Ngài chỉ là người dẫn đường, đi tới đích hay không là do mỗi người tự cất bước. Chúng ta hãy nhìn lại hạnh tinh tấn của bậc Đạo Sư. Từ khi thành đạo cho đến lúc nhập diệt, Đức Phật đã nỗ lực không ngừng để làm lợi ích cho đời. Ngài du hóa khắp nơi, từ dòng sông lạnh cho đến bãi cát nóng, từ những ngọn đồi khô trọc cho đến cánh đồng xanh… không nơi nào không lưu dấu chân của Bậc giải thoát. Ngoài việc khích lệ chư Tỳ kheo nỗ lực hành thiền để đoạn trừ tham ái – nguyên nhân của đau khổ, Thế Tôn thường khuyên chư vị hãy siêng năng thuyết giảng con đường thoát khổ cho đời. Ngài dạy: “Này các Tỳ kheo, hãy du hành vì hạnh phúc cho quần chúng, vì an lạc cho quần chúng, vì lòng thương tưởng cho đời, vì lợi ích, vì hạnh phúc, vì an lạc cho chư thiên và loài người”. [7,128] Mặc dù, tấm thân tứ đại có đôi lúc mõi mệt nhưng tinh thần của Ngài thì luôn tỉnh táo và mạnh mẽ. Bằng thân giáo và ngôn giáo, Đức Thế Tôn đã dạy cho đời một lối sống tích cực.

Khi cần không nỗ lực,Chánh tinh tấn nằm trong nhóm định của Bát chánh đạo chia theo Giới- Định –Tuệ. Nó vận hành đồng thời với chánh niệm và chánh định. Không có chánh tinh tấn thực khó có thể vượt qua được các triền cái ngăn che tiến bộ tâm linh. Chánh tinh tấn loại bỏ các tư duy ác và không lành mạnh tác động như một rào cản đối với sự định tâm, đồng thời thúc đẫy và duy trì những tâm sở tốt đẹp trợ giúp cho sự phát triển tâm định. Khi ngồi thiền, nhiều chướng ngại vây quanh như lười biếng, hôn trầm dã dượi là lúc ta áp dụng chánh tinh tấn, nếu như:

Dù trẻ khỏe nhưng lười

Buông thả tâm thụ động

Tụê đâu mà thấy đạo.

[PC.280]

Tuy nhiên, thanh lọc chuyển hóa tâm không phải việc dễ thành công trong một sớm một chiều. Nó cần có thời gian và phải thực hành thường xuyên. Ví như, người lực sĩ muốn cơ thể cường tráng phải bỏ nhiều thì giờ luyện tập theo chương trình nhất định. Cũng vậy, công việc tu tâm đòi hỏi cố gắng liên tục, đều đặn và kiên nhẫn. Nhưng khi thực hành, hành giả không nên quá căng thẳng, hãy để mọi việc tự nhiên, hãy ghi nhận tư tưởng mỗi khi nó phát sanh rồi để nó trôi qua. Hành giả càng cố ép, muốn gạt bỏ tư tưởng ác thì sẽ càng vướng mắc vào nó hơn. Như trường hợp giấc ngủ, ta càng cố ép giấc ngủ, càng khó ngủ hơn. Cho nên, ta không cần gắng sức để ngủ, giấc ngủ sẽ đến một cách tự nhiên và chúng ta chỉ thư giản những căng thẳng là đủ.

Tự hành hạ mình là một trong những cực đoan mà đức Phật dạy người muốn hành thiền phải tránh. Ngài dạy nên đi theo con đường trung đạo: không buông trôi, không căng thẳng. Trong việc thực hành chánh tinh tấn cũng vậy, hành giả phải theo pháp trung dung không để rơi vào một cực đoan nào cả.

Ở đây, cần lưu ý một điều, tinh tấn không phải chỉ áp dụng để kiểm soát tâm trong lúc ngồi thiền, mà trong sinh hoạt hàng ngày, hành giả nên cố gắng để ý kiểm soát tư tưởng lời nói, mọi hành động và cách cư xử của mình, tránh xa tam độc tham, sân, si…. Đó là cố gắng chân chính. Hơn nữa, để chế ngự tư duy tham lam, sân hận, ganh tỵ và hàng loạt những tư tưởng ác khác mà con người phải đối mặt, hành giả cần phải có nghị lực, siêng năng và tỉnh giác để vượt qua. Cho nên, tham thiền hay tu tập đều là sự trợ lực lớn lao giúp chúng ta điềm tĩnh khi đối diện với cuộc sống. Đồng thời, với sự nỗ lực không ngừng, hành giả cảm thấy mạnh mẽ hơn và cảm nhận được những niềm vui trong nội tâm, vì biết rằng mình đã dốc sức lực vào việc tìm kiếm giác ngộ giải thoát, không có gì so sánh được với chúng trong đời này. Tất cả những thứ khác chỉ vì mục đích sinh tồn, dầu có cần thiết nhưng không đem lại niềm vui chân thật.

Qua sự trình bày trên cho thấy, chánh tinh tấn luôn có mặt trong từng bước đi của ta. Dù tu tập pháp môn nào, hành giả cũng phải nỗ lực không ngừng mới có thể thành tựu viên mãn. Cũng như nhiều giọt nước sẽ làm đầy hồ, sự nỗ lực của hành giả cũng giống như những giọt nước kia, rất nhỏ nhoi nhưng mỗi ngày lại hơn hôm qua một ít, dần dần hồ nước sẽ đầy. Sẽ có ngày với sự nỗ lực cuối cùng, hành giả hoàn toàn buông bỏ các ảo tưởng về ngã. Tâm trở nên nhẹ nhàng đối với tất cả các pháp. Cho nên, mỗi chúng ta phải nỗ lực tinh cần trong giáo pháp thì hội chúng sẽ có nhiều sinh lực, sẽ hướng đến sự hòa hợp và thanh tịnh.

2.6. Chánh niệm ( Sammasati):

Chánh niệm là con đường đi vào thực tại. Chứng ngộ của Phật giáo là chứng ngộ thực tại, nhìn thực tại đúng như thực tại. Cái thực tại ấy, con người chỉ tự mình cảm nhận và sống với nó, chứ không thể diễn đạt thành lời. Bởi “thực tại vô ngôn” và vì thế, ngôn ngữ hữu hạn không thể diễn đạt chân lý vô cùng. Đây là nếp sống của thiền định giúp con người ra khỏi ảo tưởng của quá khứ, xa lìa mơ mộng đến tương lai, trở về với con người hiện tại của chính mình. Chỉ có sống trong hiện tại, hành giả mới hiểu rõ cái gọi là con người này mà thực ra chỉ là danh pháp và sắc pháp. Hay nói cách khác, đó là một quá trình vật lý và tâm lý hòa quyện vào nhau, chúng không có cái ta thực thể. Từ đó, hành giả có thái độ sống nhẹ nhàng buông xả, không bị đè nặng bởi những ảo tưởng về cái ta hữu hạn này.

Chánh niệm là các niệm tưởng đoạn trừ tà kiến, tà ngữ, tà nghiệp, tà mạng, đạt được nhờ trú chánh kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp gọi là chánh niệm. [4]

Sati ( niệm) xuất phát từ ngữ căn Sar nghĩa là nhớ đến. Đây không phải là trí nhớ mà chỉ là sự giác tỉnh, nhận thức rõ ràng những hành vi động niệm của mình. Trong Bát chánh đạo, Sati có danh từ Sammà đi kèm theo có nghĩa là đúng. Sammà-sati là chánh niệm hoặc có sự chú tâm hay biết chân chánh. Tuy nhiên, chánh niệm không phải là vấn đề “làm một điều gì” mà thực ra là “không làm”, không suy tư, không xét đoán, không liên tưởng, không sắp xếp kế hoạch, không tưởng tượng, không ước muốn, chỉ có sự ghi nhận quan sát, chú tâm nhìn vào đối tượng, ghi nhận rồi để nó trôi qua một cách tự nhiên không diễn dịch.

Chánh niệm được xếp vào nhóm định của Bát chánh đạo gồm Chánh tinh tấn, Chánh niệm và Chánh định. Ba chi này như ba tao của một sợi dây, chúng đan xoắn vào nhau và tác động qua lại lẫn nhau. Tuy nhiên, Chánh niệm được coi là tao mạnh nhất, vì nó đóng vai trò chủ chốt trong sự thâu thập cả an tịnh lẫn trí tuệ. Chánh niệm là một chức năng của tâm, do đó, nó là một tâm sở. Không có tâm sở này, hành giả không thể nhận thức được các đối tượng giác quan, không thể ý thức trọn vẹn về hành vi cư xử của mình. Chánh niệm hướng dẫn người thực hành trên con đường đi đến thanh tịnh và giải thoát.

Có bốn loại niệm chân chánh: Niệm thân, niệm thọ, niệm tâm và niệm pháp.

Niệm thân là chánh niệm về các hoạt động của thân, bao gồm sự ý thức về hơi thở ra vào, về các tư thế của thân, về cách hình thành và sự tan rã của thân.

Chánh niệm về hơi thở ra vào là sự ý thức trọn vẹn về sự chuyển động của hơi thở và bản thân của hơi thở. Hơi thở ra, hơi thở vào ngắn, dài hay trung bình hành giả đều biết rõ. Đó là cách thiết lập chánh niệm trong từng sát na giữa hơi thở với thân thể, để thấy rõ tính chất vô thường mong manh của sự sống và để tâm không bám víu và chấp thủ.

Sự quán sát chánh niệm về các tư thế của thân như đi, đứng, nằm, ngồi… là phương pháp quan trọng để làm chủ chúng, như nắm gọn một vật thể trong lòng bàn tay, và nhất là để có các hành vi và ứng xử tốt đẹp với người khác. Đồng thời, những hành vi cử chỉ như nói, nhìn, ăn, uống, nếm, ngữi hay đáp lại các tiếng gọi của tự nhiên… cần phải được quán chiếu một cách có chánh niệm.

Ngoài ra, quán niệm về thân biết rõ thân này là sự tổng hòa của tứ đại: chất rắn, chất lỏng, nhiệt lượng, chất lưu động – không khí. Mỗi yếu tố này gồm hai cấu phần: trong và ngoài, không có cái nào có thể được xem là “ cái này là tôi”, “cái này là bản ngã của tôi”. Thái độ chân chính là không chấp ngã: “cái này không phải là tôi”, “cái này không phải là bản ngã của tôi”. Như vậy, thực hành chánh niệm về thân sẽ chuyển hóa cái nhìn sai lầm của chúng ta về con người năm uẩn này.

Niệm thọ là chánh niệm về các cảm thọ, chúng thuộc cảm thọ vui, buồn, hay không vui không buồn hành giả đều biết rõ. Nhờ sự chánh niệm về chúng chỉ như là các cảm giác đơn thuần, hành giả giải thoát khỏi chấp mắc, hay tham dục đối với các cảm thọ vui, dễ chịu, hay sự xua đuổi đối với các cảm thọ khổ hay khó chịu, hoặc trạng thái mê mờ trước những cảm thọ không vui không buồn. Đồng thời, nhờ sự thực hành chánh niệm, hành giả không vướng mắc vào thế giới kinh nghiệm giác quan cũng như các phản ứng cảm xúc của chúng.

Niệm tâm là sự chánh niệm về tâm. Tâm có tham, sân, si hay vô tham, vô sân, vô si hành giả đều biết rõ. Nói chung, tâm ở trạng thái nào tập trung hay tản mạn, cao thượng hay hèn hạ, giải thoát hay trói buộc …hành giả đều biết rõ và sống tự do không vướng bận bất cứ vật gì ở đời.

Niệm pháp là sự chánh niệm về các ý niệm hay ý tưởng trong tâm, là sự nhận thức về tâm trong mối liên hệ với sự vắng mặt của năm triền cái (tham, sân, hôn trầm, trạo hối và nghi), sự xuất xuất hiện và sự hoại diệt của chúng. Hành giả cũng chánh niệm biết rõ khi sáu căn tiếp xúc sáu trần, biết rõ về các yếu tố đưa đến giác ngộ (Thất giác chi). Cuối cùng, hành giả chánh niệm về bốn chân lý cao thượng. Đức Thế Tôn dạy, Tứ niệm xứ này được tu tập, được làm cho sung mãn thì diệu pháp được tồn tại lâu dài.

Nhờ tu tập chánh niệm, hành giả luôn sống trong hiện tại, hoàn toàn loại bỏ các khuynh hướng của chủ nghĩa quá khứ và tương lai. Suy tưởng về quá khứ sẽ dẫn đến chủ nghĩa định mệnh, trong khi đó, tùy thuộc vào tương lai sẽ dẫn đến thái độ tham ái tái hiện hữu, nguyên nhân của sanh tử trong tương lai. Chánh niệm do đó trở nên vô cùng quan trọng cho đời sống đạo đức của nhân loại. Nó là cách sống tốt nhất để dung hòa các phản ứng tình cảm trước những tiếp xúc với thế giới nội tại và ngoại tại, trước các cảm giác và những ý niệm, trước các vận hành của tâm thức, trước tiến trình nhận thức phân biệt và trước hành vi đạo đức, để giúp con người giải thoát khỏi các vướng mắc và chấp thủ. Vì thế, chánh niệm được xem là con đường duy nhất dẫn đến sự thanh tịnh của chúng sanh, vượt thoát sợ hãi và lo âu, chấm dứt khỏi đau khổ và chứng đạt hạnh phúc chân thật (Nibbàna).

Nói một cách dễ hiểu và gần gũi hơn, tu tập chánh niệm hay Tứ niệm xứ là nhằm bảo vệ chính mình và bảo vệ người khác, đem lại hạnh phúc cho mọi người. Ở đây, kham nhẫn, vô hại, lòng từ và lòng bi là những đức hạnh qua đó ta đem lại sự bảo vệ và an ổn cho người khác. Những đức hạnh này không thể tu tập mà không có chánh niệm . Điều này nói lên rằng, người sống trong chánh niệm là người có tâm vị tha, luôn kiểm soát thân, khẩu, ý của mình để không làm tổn hại đến chúng sanh . Do vậy khi bảo vệ thân tâm, người ấy đang bảo vệ những người xung quanh, vì không để cho ai lo lắng hay khổ não về những tham , sân, si… bất chợt của mình. Chính vì thế, mỗi chúng ta phải tinh tấn trong chánh niệm hay tu tập Tứ niệm xứ để bảo vệ mình và đem lại an vui mọi người.

Chánh niệm thực sự là nếp sống cao thượng đầy trí tuệ. Sống có chánh niệm tỉnh giác và sống ngay với hiện tại là tinh thần thiết thực nhất . Than thở nuối tiếc quá khứ, hay mơ ước tương lai chỉ làm cho tâm lý rối loạn, phiền muộn, khổ đau, héo mòn, và đánh mất giây phút hiện taị sống động, mới mẻ đầy sáng tạo này. Đức Thế Tôn dạy:

“Không than việc đã qua,

Không mong việc sắp tới,

Sống ngay với hiện tại,

Do vậy sắc thù diệu.

Do mong việc sắp tới,

Do than việc đã qua,

Nên kẻ ngu héo mòn,

Như lau xanh lìa cành”. [7,18]

“Quá khứ không truy tìm,

Tương lai không ước vọng,

Quá khứ đã đoạn tận,

Tương lai lại chưa đến,

Chỉ có pháp hiện tại,

Tuệ quán chính ở đây…” [4,442]

Triết lý (kiến thức) thì luôn nói về (talk about) hay nghĩ về (think of), còn giáo pháp của Phật thì phải sống với (live with), sống với hiện tại, sống với con đường dập tắt khổ đau dẫn đến chân hạnh phúc .

Do vậy, hành giả phải luôn chánh niệm trong thiền quán, để bắt đầu mỗi ngày hay mỗi phút giây, chúng ta như vừa được tái sanh, tươi trẻ, sáng suốt, không lỗi lầm. Quá khứ đã qua rồi không trở lại, nếu chúng ta đã lầm lỗi trong quá khứ, thì hãy học từ kinh nghiệm đó mà không tái phạm, có lẽ, đó là sự hồi tưởng đáng làm nhất.

2.7. Trí tuệ (panõnõà):

Panõnõà (Trí tuệ) xuất phát từ ngữ căn “pa”, nghĩa là chân chính, đúng+ “nà” nghĩa là hiểu biết. Panõnõà là hiểu biết chân chánh, biết đúng như thật sự hiện hữu của các pháp, tức nhìn thấy sự vật dưới ánh sáng của Anicca (Vô thường), Dukkha (Khổ) và Anttà (Vô ngã).

Trí tuệ là yếu tố quan trọng nhất không chỉ về phương diện nhận thức mà còn là nguyên lý hướng dẫn đời sống đạo đức và tâm linh. Do vậy, nó là yếu tố tiên phong, dấu hiệu đi đầu trong các động cơ thiện, cũng giống như mặt trời xuất hiện báo hiệu cho bình minh. Trí tuệ sẽ hướng dẫn hành giả sống đời chân chánh về tư duy, nói năng, hành động, nghề nghiệp, nỗ lực, chánh niệm và thiền định. [5,516] Nói khác đi, sự hiện diện của trí tuệ sẽ kéo theo sự hiện diện của bảy cái chân chính còn lại. Cuộc sống của trí tuệ luôn luôn phủ trùm bởi sự an ổn tuyệt đối, vắng mặt tất cả khổ đau, dẫn tới đời sống Thánh và xứng đáng được đời tôn trọng. [5-I,340]

Từ góc độ đạo đức, Trí tuệ được ẩn dụ với người có hai mắt (tầm nhìn) toàn hảo, có thể nhìn thấy rõ và phân biệt thiện ác, trắng đen, đúng sai, lợi và bất lợi. [5-I,129] Như vậy, trí tuệ là tiêu chỉ nhận thức của sự đánh giá đạo đức. Ở đây, sự đánh giá sự vật bằng trí tuệ một cách phù hợp với bản chất giá trị của chúng.

Quan niệm chân chánh được hiểu dưới hai mức độ, thế gian và xuất thế gian. Quan niệm chân chánh thuộc thế gian là tuệ tri về kết quả đạo đức của bố thí, rộng lượng, cúng dường, hi sinh, cũng như kết quả đạo đức của những hành động có chủ ý trong đời này và đời sau. Nó còn là sự nhận thức về giá trị đạo đức của đời sống hiếu kính cha mẹ, tôn ttrọng sư trưởng và các bậc đạo cao đức trọng. Quan điểm chân chánh thuộc thế gian chủ yếu giới hạn trong việc thu thập công đức cho đời sống tốt lành ở kiếp sau. Quan điểm chân chánh xuất thế ngoài các quan điểm nêu trên còn bao gồm sự tuệ tri về bốn chân lý cao thượng, đánh giá cao về giá trị của trí tuệ, các tuệ căn quan trọng khác và nói chung năng lực của tuệ giác.

Tất cả những hành vi của người có trí tuệ, ngay cả sự chủ ý nguyện vọng, ước muốn và các giải pháp của vị ấy đều dẫn đến an lạc, hạnh phúc cho mình và cho người, ở đời này và đời sau.

Về phương diện nhận thức, trí tuệ hiểu rõ bốn chân lý. Đó là kiến thức về thực tại khổ, các nguyên nhân dẫn đến thực tại khổ, trạng thái chấm dứt hoàn toàn khổ đau và con đường thoát khổ. Đồng thời, trí tuệ biết rõ về bản chất, nguồn gốc, sự chấm dứt và con đường chấm dứt chấp thủ năm uẩn, cũng như mười hai móc xích duyên khởi.

Ở đây, sự hiểu biết về Tứ thánh đế hay sự hiểu biết về lý nhân duyên… không phải đơn thuần là sự hiểu biết qua kinh điển mà là sự hiểu biết có khả năng chuyển đổi từng sự kiện có tính lý thuyết trở thành những sự kiện thực tế của bản thân. Hay nói cách khác, trí tuệ thay đổi sự hiểu biết từ vay mượn trong sách vở thành kinh nghiệm sống thực sự. Và muốn được như thế, chúng ta phải qua quá trình trau giồi giới đức và đặc biệt là trau giồi phát triển định tâm tu tập thiền quán để có được trí tuệ sắc bén. Bởi vì, ai ai cũng có thể đọc hiểu được sự giải thích về Tứ diệu đế… trong sách vở, nhưng điều đó không có nghĩa là đạt được trí tuệ. Đức Phật dạy vì không thấu hiểu Tứ diệu đế và lý nhân duyên nên chúng ta phải trôi lăn trong vòng sanh tử. Hiểu biết ở đây phải là hiểu biết của trí tuệ, nhìn đúng bản chất của sự vật như chúng hiện hữu. Cái nhìn của trí tuệ là cái nhìn của ly tham, không chấp thủ bám víu. Do vậy, trí tuệ mở cửa đi đến tự do, khỏi khổ đau và tiến đến cuộc sống hạnh phúc.

Về phương diện nguồn gốc của khổ đau và hạnh phúc, người có trí tuệ sẽ nhìn mọi sự vật dưới ánh sáng của duyên sinh. Do đó, hạnh phúc và đau khổ trong đời đều nằm trong vòng duyên sanh vô tận. Trên tinh thần này, người có trí sẽ nỗ lực sống tích cực, vì biết rằng cuộc sống của mình hay những hành vi thiện và bất thiện của mình luôn chi phối và ảnh hưởng đến người xung quanh. Do vậy, vị ấy luôn ý thức rằng xây dựng và bảo vệ cuộc sống hạnh phúc cho mình là xây dựng và bảo vệ cuộc sống hạnh phúc cho người khác và ngược lại. Đồng thời, người ấy hướng đến nếp sống vị tha, nhân ái, công bằng, nếp sống không hại mình, hại người, hại cả hai ở đời này và đời sau.

Chính vì thế, trí tuệ là tiêu chí của đời sống đạo đức nhân sinh. Con người có trí tuệ sanh ra trong đời này sẽ mang lại hạnh phúc và lợi ích cho số đông, lợi ích và an vui cho thế giới thần linh và loài người, do người có trí tuệ luôn đặt mình trong con đường chân chính lợi ích .

Trí tuệ là cốt lõi của đạo Phật. Trong các tôn giáo khác, đức tin là tối thượng hay trong Yoga, thiền định là tối quan trọng. Trong đạo Phật, đức tin là bước đầu, thiền định chỉ là phương tiện và cốt tủy của đạo Phật là trí tuệ. Cho nên, mỗi vị tỳ kheo cần phải bồi dưỡng và giữ gìn trí tuệ như là tài sản quý báu nhất của mình, để nuôi dưỡng đời sống phạm hạnh ngày một thăng hoa.

Bảy yếu tố như đã trình bày phần nào nói lên những đóng góp có giá trị làm chuẩn mực cho nếp sống phạm hạnh. Đây là những yếu tố không bị lệ thuộc bởi văn hóa, truyền thống hay xứ sở, quốc gia…, vì nó không phải là những điều luật cứng nhắc hay cơ cấu hành chính của một tổ chức, mà là những pháp hành thiết thực rất diệu dụng, có thể áp dụng một cách linh hoạt cho từng cá nhân. Do vậy, dù ở đâu và thời đại nào, bảy yếu tố trên luôn phù hợp và tuyệt đối cần thiết cho nếp sống Tăng đoàn. Hơn nữa, giáo pháp của Phật đòi hỏi sự nỗ lực cá nhân chứ không phải kinh nghiệm tập thể. Sự hoàn thiện đạo đức của mỗi cá nhân tạo nét đẹp trang nghiêm cho đoàn thể. Do đó, mỗi Tỳ kheo hay Tỳ kheo Ni sống có niềm tin chân chánh, có Tàm, có Quý, có Đa văn, có Tinh tấn, có Chánh niệm và có Trí tuệ thì hội chúng sẽ có nhiều sinh lực. Đó chính là nguồn năng lực vô biên cho sự lớn mạnh của Tăng đoàn. Hay nói cách khác, hòa hợp và thanh tịnh là sức sống mãnh liệt giúp cho tập thể xuất gia – Tăng đoàn Phật giáo vượt qua mọi biến động của thời cuộc, giữ đúng vị trí và vai trò của mình đối với đạo pháp cũng như đối với xã hội.

Thích Nữ Liên Hoa

Nguồn: http://thuvienhoasen.org/a13341/bay-yeu-to-khien-tang-doan-hung-thinh