cf60300306c71e5a6f4f1c28c0b9dc83

Không bao giờ làm ác dù phải trả giá bằng tính mạng

Đức Phật dạy rằng khổ đau vô cùng của các cõi thấp

Là kết quả của các ác hạnh.

Bởi thế không bao giờ làm ác,

Cho dù phải trả giá bằng tính mạng, là Pháp hành của một vị Bồ Tát.

Khi bạn đã quy y Tam Bảo, điều quan trọng là hành xử hài hòa với giáo lý. Dù bất cứ điều gì xảy ra, hãy liên tục làm nhiều việc tốt lành hơn nữa, những hành động lợi lạc, và luôn tránh làm điều gì xấu. Tham gia một cách tích cực vào mười thiện hạnh; và từ bỏ mười ác hạnh. Ví dụ, điều này không chỉ là từ bỏ việc sát sinh mà còn là cứu mạng chúng sinh, các loài động vật sắp bị giết thịt, phóng sinh cá và tương tự.

Có bốn pháp đen cần phải tránh và bốn pháp trắng cần phải theo.

Bốn pháp đen

(1) lừa những người đáng được kính trọng;

(2) gây ra buồn khổ bằng cách đem đến sự hoài nghi trong tâm trí ai đó về giá trị của các thiện hạnh của anh ta;

(3) chỉ trích và gièm pha các bậc tôn quý; và

(4) không thật thà về các lỗi lầm và phẩm tánh của bạn và lừa người khác.

Bốn pháp trắng cần phải theo là,

(1) không nói dối, dù phải trả giá bằng tính mạng;

(2) kính trọng và tán thán các vị Bồ Tát;

(3) thoát khỏi sự lừa dối và làm việc tốt với mọi chúng sinh; và

(4) dẫn dắt mọi chúng sinh trên con đường giác ngộ.

Hãy sám hối các ác nghiệp mà bạn phạm phải, dù là trong mơ. Đừng lẫn lộn về cách hành xử trong các hoàn cảnh hàng ngày. Hãy cố gắng hành xử hòa hợp với các chỉ dẫn mà Thầy bạn ban ra. Người ta nói rằng Đức Atisha không bao giờ để một ngày trôi qua mà không sám hối bất cứ ác hạnh nào ngài có thể đã phạm phải. Khi được sám hối, các ác hạnh trở nên dễ dàng để tịnh hóa.

Người nào phạm rất nhiều ác hạnh, thậm chí dù giàu có hay quyền lực ra sao, chắc chắn sẽ rơi vào ba cõi thấp hơn. Người nào làm rất nhiều việc thiện, thậm chí là người khiêm nhường nhất trong những kẻ ăn xin, cũng sẽ được chư Phật dẫn từ bardo đến Cõi Tây Phương Cực Lạc, hay tái sinh ở các cõi cao hơn. Như người ta thường nói:

Các hành động tốt và xấu

Sẽ đều có kết quả chắc chắn.

Điều xảy ra vào lúc chết

Tương ứng với điều bạn đã làm.

Nếu hành động của bạn tốt lành và đức hạnh,

Sẽ có hạnh phúc ở các cõi cao hơn.

Nếu hành động của bạn độc ác và xấu xa,

Sẽ chỉ có khổ đau trong các cõi thấp hơn.

Ngay bây giờ, khi bạn có thể lựa chọn

Hạnh phúc hay khổ đau,

Đừng tham gia vào các ác hạnh

Mà hãy nỗ lực nhiều nhất có thể

Làm việc tốt và thiện lành, cả lớn lẫn nhỏ.

Không có thứ gì dù là hành động nhỏ bé nào mà biến mất, không để lại gì đằng sau. Các dấu ấn được tạo ra bởi một ác hạnh, như là sát sinh sẽ không bao giờ biến mất cho đến khi bạn trải qua kết quả không thể tránh được của nó hay đối phó với nó bằng một phương pháp đối trị tích cực[1]. Mặt khác, thậm chí cúng dường một bông hoa nhỏ lên Tam Bảo, hay trì tụng một biến thần chú Mani, cũng tạo ra công đức vô lượng, thì chỉ một hành động xấu chẳng có gì đặc biệt cũng tạo ra kết quả xấu – bởi thế cần phải được tịnh hóa ngay.

Mọi giáo lý của Đức Phật đều nói rằng mỗi hành động đều có kết quả. Đây là luật nhân quả không thể sai lầm.

Một vài người cho rằng các hành động không mang đến kết quả nghiệp, thậm chí với kẻ sát nhân giết hại hàng nghìn người. Các cõi địa ngục không hề tồn tại, họ tranh luận, bởi chẳng có ai quay trở về từ cõi đó để nói về nó. Họ gạt bỏ Luật nhân quả không thể sai lầm chỉ như một phát minh, và phủ nhận việc có những thứ như các đời quá khứ hay tương lai. Nhưng họ hoàn toàn sai lầm. Một cách chắc chắn, cho đến hiện nay, thay vì tin vào các nhận thức giới hạn của riêng bạn, tại sao không tin tưởng nơi trí tuệ Phật Đà? Đức Phật nhìn thấy các thời quá khứ, hiện tại và tương lai của tất thảy chúng sinh. Bạn có thể tin tưởng vào những lời nói của ngài. Ví dụ, chư Phật tán dương những lợi lạc của việc trì tụng một biến thần chú Mani, tuy nhiên nếu bạn nghi ngờ về những lợi lạc này hay nghĩ rằng mất rất lâu kết quả mới xảy đến thì bạn chỉ đang làm cho sự chứng ngộ trở nên xa hơn.

Hoài nghi và do dự là chướng ngại chính cho việc đạt được các thành tựu thông thường và siêu việt. Nếu bạn nghi ngờ vị Thầy, bạn sẽ không thể nhận được sự gia trì từ ngài. Nếu bạn nghi ngờ giáo lý, dù bạn giành bao nhiêu thời gian để nghiên cứu và thiền định, những nỗ lực đó sẽ trở nên vô nghĩa.

Luôn cố gắng hoàn thành dù là hành động lợi lạc nhỏ bé nhất mà không dè dặt hay do dự, và tránh các ác hạnh dù là bình thường nhất.

Như Đức Đại Đạo sư Liên Hoa Sinh từng nói:

Mặc dù tri kiến của ta cao hơn bầu trời,

Sự chú ý đến các hành động và kết quả thì mềm hơn bột.

Khi sự chứng ngộ tánh không của bạn trở nên rộng lớn như hư không, bạn sẽ đạt được sự chắc chắn hơn về luật nhân quả, và bạn sẽ thấy mức độ quan trọng của hành động của bạn thực sự ra sao. Sự thật tương đối vận hành trong sự thật tuyệt đối. Sự chứng ngộ chi tiết bản tánh trống rỗng của mọi hiện tượng không bao giờ dẫn ai đó đến việc nghĩ rằng các hành động tốt không mang lại hạnh phúc, hay các hành động xấu không mang lại khổ đau.

Mọi hiện tượng xuất hiện từ trong tánh không là kết quả của việc kết hợp giữa các nguyên nhân và điều kiện huyễn hoặc. Sự hiển bày vô tận của mọi hiện tượng chỉ khởi lên vì mọi thế đều trống rỗng về bản chất. Như ngài Long Thọ từng nói:

Chỉ bởi vì mọi thứ là trống rỗng

Chúng mới có thể hiển bày.

Sự hiện diện của hư không khiến cho toàn thể vũ trụ có thể nằm trong nó, tuy nhiên điều này không thay đổi hay quyết định đến hư không theo bất kỳ cách nào. Mặc dù cầu vồng xuất hiện trên trời, chúng không tạo ra sự khác biệt cho bầu trời; chỉ đơn giản bầu trời tạo ra hình tướng của cầu vồng. Các hiện tượng tô điểm cho tánh không, nhưng không bao giờ làm hỏng được nó. Nếu bạn đã hiểu thấu cách thức các hiện tượng xuất hiện thông qua sự khởi lên phụ thuộc, sẽ không khó để bạn hiểu được tri kiến về tánh không trong khi duy trì trong thiền định. Khi khởi lên từ thiền định và bước vào con đường hành động, bạn sẽ nhận ra rõ ràng mối quan hệ trực tiếp giữa các hành động và kết quả của chúng. Điều này sẽ giúp bạn phân biệt được hành động thiện và ác.

Tri kiến của bạn có thể, và nên, càng cao càng tốt – không có nguy hiểm gì trong điều này bởi giác ngộ là sự chứng ngộ hoàn toàn tri kiến tối thượng. Nhưng cùng lúc đó hành vi của bạn nên càng nền tảng càng tốt trong sự tỉnh thức về nhân quả. Nếu bạn đánh mất thái độ cơ bản liên quan đến các hành động này, nếu bạn quên mất mọi nhận thức chung và sử dụng sự kiêu ngạo của tri kiến để bào chữa cho việc hành xử bất cứ điều gì đến với tâm, bạn đang tham gia vào các hoạt động thế tục đối lập với Pháp, giống như những người bình thường trên thế giới này. Và nếu bạn để các cảm xúc dẫn dắt các thực hành trượt theo cách đó, bạn sẽ chìm trong vũng lầy luân hồi.

Một tri kiến rộng lớn, và một thái độ cẩn thận, chu đáo về các hành động không bao giờ đối lập. Bạn càng cẩn thận trong điều bạn làm bao nhiêu, càng dễ để nhận ra tánh không bấy nhiêu; tri kiến của bạn càng sâu sắc bao nhiêu, sự hiểu của bạn về mối quan hệ nhân quả sẽ trở nên rõ ràng bấy nhiêu.

Không lẫn lộn, hay đảo ngược bất cứ điều gì phải làm với điều gì phải tránh là Pháp hành của một vị Bồ Tát.

[1] Có bốn điều cần phải nhớ liên quan đến luật nhân quả: (1) kết quả nghiệp là chắc chắn; (2) kết quả của một hành động có xu hướng tăng lên; (3) bạn sẽ không bao giờ trải qua bất cứ điều gì mà không phải là kết quả của các hành động trong quá khứ của bạn; và (4) hạt giống nghiệp được trồng bởi các hành động sẽ không bao giờ bị lãng phí và không bao giờ tự biến mất.

Tác giả: Kyabje Dilgo Khyentse Rinpoche

Nguyên tác: Trái Tim Từ Bi