Vũ Điệu Dakini – Truyền Pháp và gia trì lực

Mới đầu khi ở Chimpu Gegong và Yama Lung, Đức Bà Yeshe Tsogyel có ý định sống đời đạo hạnh theo giáo lý Tứ Diệu Đế của Đức Phật. Sau đó, Đức Bà dạy chân lý tương đối (tục đế) trong Tam Tạng Kinh Điển, luật nhân quả, và những gì cần phải từ bỏ và những gì cần phải trưởng dưỡng. Yeshe Tsogyel  được thọ giới Tỳ Khưu Ni đức hạnh vô nhiễm. Sau khi học trọn vẹn về sáu thừa thấp và ghi nhớ trong tâm trí, những gì phải thành tựu và thấm nhuần sâu xa, những gì được dạy bảo bà đã hiểu thấu đáo, và những gì phải được nhận ra thì Bà đã biết rồi.

Ngay lúc này, Nữ Thần Saravasti xuất hiện ban cho Yeshe Tsogyel  trí  nhớ hoàn hảo. Bà có khả năng nhìn thấy khắp thế gian với mắt thịt của mình; có quyền năng thần thông; có thể biết được những việc sẽ xảy ra ở thế gian, và có trí nhớ siêu phàm. Chỉ riêng bề dày quyển “Sách Ghi Chép Giáo Lý” của Bà cũng đủ làm cho chúng ta thán phục. Ở đây, chúng ta không in lại hết nội dung của quyển sách đó, mà chỉ lược thuật tóm tắt.

Đại Sư Liên Hoa Sinh thủ đắc nhiều Phật Ngôn; y như thể các lời dạy của Đức Phật đã được rót vào Ngài như nước đổ vào bình. Sau khi ta, người đàn bà mang tên Yeshe Tsogyel , đã dâng Ngài ba điều mãn nguyện là danh dự, thực phẩm, và sự tu tập cùng thành tựu của ta, do vì đã phụng sự Ngài rất lâu, ngài mới chia sẻ trí huệ của Ngài cho ta giống như đổ nước vào bình. Chẳng bao lâu tâm trí của ta hoàn toàn thoải mái bước trên đường đạo. Các chị của ta học cách nhận ra sự khác biệt giữa chín thừa (9) dẫn tới niết bàn, cách phân biệt điều chân chính với điều tà hạnh. Tuy nhiên, ta cảm thấy có một sự thật lớn hơn, và một nền tảng bí ẩn của nguyên nhân (Tính Không), và nung nấu muốn tìm con đường hoàn thiện, tối thượng, siêu việt nhân quả và tính chất lạnh lùng của luật nhân quả. Vì vậy, ta thỉnh cầu Đức Liên Hoa Sinh như sau:

“Phật hóa thân tôn kính,

Ra đời ở xứ Orgyen,

Thánh Nhân tối thượng của Ấn Độ,

Người đại diện của Đức Phật ở Tây Tạng,

Con còn nhỏ tuổi nhưng không phải là không có kinh nghiệm,

Vì con đã chịu đau khổ từ năm mười hai tuổi

Khi cha mẹ không cho con sống độc thân

Mà bắt phải lấy chồng trong một cuộc hôn nhân ngoài tôn giáo.

Con không muốn đời sống thế tục

Nên đã chạy trốn tới Thung Lũng Wongphu Taktsang.

Nhưng vì dục vọng, một kẻ gây phiền nhiễu đã tìm con,

Thân gái cô độc, con đã bị bắt và chịu đau khổ.

Và rồi do lòng từ bi của Ngài, thưa Đại Sư,

Con đã được Hoàng Đế giải thoát

Và khi con được được lên ngôi Hoàng Hậu ở Samye

Cho tới khi con được dâng cho Ngài ở tuổi mười hai

Như lễ vật của Hoàng Đế dâng lên Ba Lực Gia Hộ.

Nay, với trí căn bản nguyên nhân đơn nhất (trí pháp giới),

Con xin được thọ nhận Lời Thiêng siêu việt nhân quả.”

Đại Sư cười rạng rỡ với ta rồi đáp:

“Sẽ được như vậy, con gái của xứ Kharchen.

Một nữ nhân mười sáu tuổi như con

Mà đã chịu nhiều đau khổ như bà già tám mươi.

Nên biết đau khổ của con chính là nghiệp đời trước,

Và di tích của nghiệp xấu đó đã không còn.

Giờ đây con đã tìm thấy đại lạc,

Và sẽ không mang trở lại thân nghiệp thô xấu.

Bây giờ khi đã biết nền tảng của nhân quả,

Con có thể mong cầu tuyệt đỉnh vô thượng của Đại Thừa.”

Ngài nhập vài cõi Mật Giáo, nhớ lại những lời nguyện Samaya căn bản và phụ thứ, rồi nói tiếp:

“Hãy nghe cho kỹ, Con Gái Kharchen,

Hãy chú ý nghe, Kuntuzangmo (Phổ Hiền Nữ) đáng kính.

Nền tảng của Đại Thừa Mật Giáo là giới nguyện Samaya.

Nếu lời thệ nguyện Samaya bị vi phạm, cả hai chúng ta sẽ gặp tai họa.

Vì vậy, hãy gìn giữ các giới nguyện này.

Nghe Ngài nói xong, ta phát tâm thọ trì các giới nguyện căn bản về Thân, Khẩu Ý Phật, và hai mươi lăm giới nguyện phụ. Giới nguyện căn bản là nguyện Bồ Đề Tâm: Bồ Đề Tâm tương đối đối đảm bảo bởi Bồ Đề Tâm: Bồ Đề Tâm tuyệt đối, và để củng cố giới nguyện này để ta không vượt quá trạng thái mà ngay từ thời vô thủy thân thể chính là một vị thần, lời nói là sự rung động tự nhiên của thần chú, và tư tưởng là phẩm tính tính tối thượng, vô vật chất của mọi kinh nghiệm, trước hết ta thọ giới nguyện Samaya Thân Phật. Ở đây ta sẽ nói về các loại đạo sư và đồng tu, và sẽ giải thích ý nghĩa của sự giữ giới.

Có sáu loại Lama. Các Lama nói chung là: vị Lama hướng dẫn chúng ta, vị Lama chứng giám việc giữ giới, vị Lama phục hồi những lời thệ nguyện mà ta vi phạm, vị Lama giải thoát chúng ta khỏi cá tính và tư tưởng xấu, và vị Lama hướng dẫn chúng ta giáo lý khẩu truyền. Có bốn loại huynh đệ đồng tu: các huynh đệ đồng tu nói chung như: đồng tu cùng một Lama, đồng tu cùng một dòng, và đồng tu có cùng Lama và cùng dòng.

Bây giờ, để gìn giữ giới Samaya Thân Phật, về mặt công truyền, vị Lama được coi như một người chủ, như cha mẹ, hay như một chú bác thân yêu. Về mặt bí truyền, vị Lama được coi  như một là mắt, là tim hay như chính là sự sống. Về mặt huyền bí, vị Lama không còn đạo đức giả về thân, khẩu, ý nên Ngài coi là vị thần Yidam.

Về việc tôn kính vị Lama của mình một cách cụ thể, đệ tử nhiễu quanh và phục lạy Ngài và các huynh đệ đồng tu của Ngài. Quan tâm tới tiện nghi của các Ngài như người hầu săn sóc chủ nhân. Dâng lên các Ngài những gì có thể làm các Ngài vui lòng, như thực phẩm, của cải, thân mình. Đệ tử cũng tôn kính thân nhân của các vị Lama như tôn kính chính Ngài. Hãy tôn kính vợ, con, cha, mẹ, đồng tu, những người phối ngẫu, và những người hầu cận của Ngài.

Như vậy, giới nguyện Samaya sẽ được bảo tồn. Hãy làm theo lệnh và lời chỉ bảo của vị Lama. Không khinh thường những đệ tử trẻ tuổi, tu sĩ, thí chỉ của Ngài, là những người làm công việc vật chất phục vụ Ngài. Tóm lại, kính trọng những người thân cận của Ngài như kính trọng chính Ngài. Kính trọng cả con ngựa, con chó canh, và những người hầu của Ngài. Trừ khi Lama và những huynh đệ đồng tu của Ngài cho phép, không được tự ý dùng thực phẩm hay của cải của Ngài, dù chỉ giá trị bằng một hạt mè, mà cũng không nghĩ tới chuyện lạm dụng đó. Nếu bóng đen của đệ tử phủ lên, hay đệ tử đi ngang lên trên, giầy, mũ, y phục, ghế, giường, hay của bóng đen của vị Lama, thì như vậy được coi là tương đương với động phá hủy một bảo tháp hay một tượng Phật. Đệ tử không được đánh lộn, giết người, trộm cướp trong tầm mắt của vị Lama, dù chỉ là trò đùa giỡn.

Về việc tôn kính vị Lama và huynh đệ đồng tu của Ngài bằng lời nói, thì những đệ tử kể những lỗi mà vị thầy của mình có thể phạm đối với người khác, hoặc phóng đại sự không có lỗi của Ngài, hoặc trách mắng Ngài, hay đối đáp lại lời khuyên bảo của Ngài thì như vậy tất cả những sự thờ phụng của đệ tử đối với chư Phật mười phương đều trở nên vô ích, và chắc chắn sẽ tái sinh vào địa ngục Kim Cương.

Về việc tôn kính vị Lama bằng ý tưởng thì đệ tử không được lừa dối vị thầy của mình, không có ý định gian ác đối với Ngài, không được giễu cợt hay có thành kiến về Ngài, không được ngầm nguyền rủa hoặc không tin Ngài. Ta ,Yeshe Tsogyel, chưa lần nào vi phạm một chút giới nguyện Samaya Thân Phật này, hay không theo đúng việc tôn kính vị Lama và các huynh đệ đồng tu của Ngài.

Thứ nhì là Samaya Khẩu Phật liên quan tới vị thần Yidam. Các phương diện của samaya gồm ba loại thần chú (mantra) và bốn loại ấn (mudra). Ta sẽ nói tới cách giữ samaya Khẩu Phật này. Có ba loại Samaya thần chú: Samaya thần chú gốc rễ, nguyên nhân không biến dịch (thí dụ chủng tự HUNG là thần chú rễ Vajrasattva); Samaya thần chú phát sinh, dùng để kêu cầu sự xuất hiện của vị thần (thí dụ OM VAJRASATTA HUNG của Vajrasattva); Samaya của thần chú  được niệm để thực hiện một năng lực đặc biệt của một vị thần (thí dụ như thần chú trăm chữ Vajrasattva, để thanh lọc tâm trí). Có bốn samaya về bốn ấn: ấn lời nguyện giữ các giới nguyện Samaya căn bản và phụ thứ; nghiệp ấn (karma mudra), là nguyện hợp nhất với Trí Huệ trong Người Phối Ngẫu của Đại Sư; pháp ấn (dharma mudra), nguyện thực hành các thủ ấn và các thế ngồi; đại ấn (mahamudra), là ý nguyện đắc Phật Quả.

Phương pháp bảo tồn Samaya Khẩu Phật này duy trì sự hợp nhất với các mandala (tức thân và tâm) của vị Lama, vị thần Yidam và chư vị Dakinĩ với thân, khẩu, ý của mình. Để duy trì sự hợp nhất này, có hình thức thực hành thích hợp với khả năng của hành giả. Bản thân ta đã thực hành bảy trăm ngàn mandala của các nghi quỹ (mật điển) có tối thượng mà Lama của ta đã ban cho ta, với nhiều cách thức dành cho hành giả có khả năng siêu đẳng, trung bình, cũng như sơ đẳng. Pháp thực hành cao nhất dành cho hành giả siêu đẳng là Đại Định (samadhi) Đại Lạc Không Tính Chất (Không Định). Pháp thực hành của hành giả trung bình là pháp thiền quán trong đó các thân ánh sáng và năng lực xuất hiện như những vị thần nam nữ. Và pháp thiền định dành cho hành giả sơ đẳng là pháp Định Dòng Sông Trôi Chảy.

Ở mức hành trì tối thượng, mandala được kinh nghiệm như một dòng chảy liên tục (thường trực), như khi ta chứng nghiệm Mandala của Hayagriva và Vajra Varahi. Ở mức hành trì trung bình, hành giả giữ vững lời nguyện hành thiền ba thời ban ngày, và ba thời ban đêm, như ra đã hành pháp thiền Dorje Phurba (Dao Kim Cương). Và ở mức sơ đẳng, mỗi khóa nghi thức căn bản như niệm chú với các pháp nghi lễ vật chất, lễ cúng ganacakra, phải được ứng dụng đều đặn mỗi ngày một lần, như ta đã ứng dụng pháp Thành Tựu Siêu Việt Tám Vị Thần Lớn. Cũng vậy, ta không bao giờ trì hoãn một chút nào việc hành trì mà ta đã nguyện thực hành để duy trì thành tựu của ta về vô số mandala của các vị thần khác, dù là theo thông lệ của hành giả siêu đẳng phát nguyện quán tưởng và niệm chú một số thời nhất định đều đặn, trong mỗi tháng; dù là theo hành giả trung bình hành trọn một khóa thiền quán về một vị thần nào đó vào ngày trăng tròn, không trăng, mùng tám, mùng mười, mười tám, vân vân; dù là theo hành giả sơ đẳng hành trì một nghi thức nào đó một lần mỗi tháng; hay hành giả lười biếng chỉ hành một khóa trọn vẹn một lần mỗi năm.

Thứ ba là giới nguyện Samaya Ý Phật là sự duy trì Thị Kiến, Thiền Định, và Hành Động. Ta sẽ giải thích ba điều này  này và nói về phương pháp giữ giới nguyện. Thị Kiến là tri kiến siêu diệu. Thiền Định là thành tựu sự hiểu biết về tâm trí qua kinh nghiệm thiền quán. Còn Hành Động do thiền quán đem lại là các hoạt động hay dòng tự tại bên ngoài, bên trong tâm trí, và huyền bí.

Phương pháp giữ giới nguyện Samaya này là việc giữ bí mật. Hành giả giữ “bốn bí mật phổ quát”, “bốn bí mật trung cấp”, “các bí mật thích đáng”, và “các bí mật được giao phó”. Bốn bí mật phổ quát là tên từ vị Yidam của hành giả, thần chú căn bản của vị Yidam đó, thần chú hành động (karma mantra) của vị Yidam, và các ấn chứng của hành giả. Bốn bí mật trung cấp là nơi chỗ, thời gian, những người đồng tu hay người giúp đỡ của hành giả, và những pháp khí dùng trong nghi thức. Những pháp khí mà hành giả dùng trong việc thực hành các nghi quỹ tối thượng là những linh dụng thích đáng được giữ bí mật, và những món dùng trong lễ cúng, các lễ vật như viên thuốc sman, bánh torma, các biểu tượng pháp khí cầm tay như chùy kim cương, chuông, chĩa ba, tên của các thành phần mandala, tám món trang sức của nghĩa địa, các đồ trang sức bằng xương, và đặc biệt là chén sọ, trống damaru. Các bí mật được giao phó là các bí mật về những hành vi cần được giữ kín đáo như các pháp thực hành huyền bí của các huynh tỷ đồng tu của hành giả và hành vi tính dục của nam nữ nói chung. Tóm lại, tất cả các loại hành vi cần được giữ bí mật của vị Lama hay của các huynh tỉ đồng tu, hoặc của người khác, không nên nói cho ai biết.

Vì ta đã thề với thầy là giữ mười giới nguyện Samaya bí mật về Thân Phật, Khẩu Phật, và Ý Phật, bốn Samaya Thân Phật liên quan tới vị thầy và các huynh đệ đồng tu, các Samaya Khẩu Phật gồm ba điều về thần chú và bốn điều về các ấn, và các Samaya Ý Phật vừa nói ở trên, ta đã giữ trọn vẹn, không vi phạm, dù chỉ một phần nhỏ nhất bằng một phần trăm bề rộng của một sợi tóc và chỉ trong một sát na.

Say đây là hai mươi lăm Samaya phụ mà Đức Liên Hoa Sanh đã dạy ta. Các Samaya về năm việc nên thi hành, đó là: tà dâm, trộm cướp, nói dối, nói hành và la hét; các Samaya về năm chất nên vui lòng thọ nhận, đó là phân, tinh dịch, thịt, máu, và nước tiểu, các Samaya về năm sự thật nên thành tựu, đó là Năm Phương Diện Phật (Ngũ Trí Như Lai), Năm Trí Huệ, Năm Người Phối Ngẫu Nam, Năm Người Phối Ngẫu Nữ, và năm các thức của một vị Phật (thân, khẩu, ý, phẩm tính, hành động); các Samaya về năm loại trí thức mà một hành giả nên có, đó là ngũ uẩn, năm nguyên tố (địa, thủy, hỏa, phong, không), năm giác quan, năm đối tượng của giác quan, và năm màu sắc. Ta thọ giới nguyện phụ này với sự tham khảo các luận thư, và ta chưa bao giờ vi phạm dù chỉ một chút giới nguyện nào, dù chỉ trong một khoảnh khắc. Vì vậy, ta đã được hộ trì thường trực bởi sự từ bi của Đức Đạo Sư Orgyen, an trụ trong mandala của nghi quỹ nội tối thượng. Và vì ta hiểu rằng lễ truyền pháp và gia trì lực là chìa khóa mở cửa của Mật Giáo, rằng Samaya là nguồn gia trì lực, nên ta giữ giới nguyện Samaya toàn vẹn.

Từ đó, ở Samaye, Yama Lung, Đại Sư tiết lộ cho ta Mandala của Mật Giáo, ban cho ta luận thư “Tập Hội Tám Vị Thần Lớn: Biểu Pháp”, và chúng ta sống ở đó với nhau.

Vào dịp Tết Nguyên Đán, Triều Đình và dân chúng tụ tập ở Samaya. Nhận thấy ta vắng mặt, các quan đã muốn biết ta đi đâu. Họ tích cực tìm kiếm nhưng không ai biết ta ở đâu cả. Khi họ hỏi nhà Vua thì ngài không giữ nổi bí mật mà nói hết với họ việc ngài đã dâng ta cho Đại Sư Liên Hoa Sanh để làm người phối ngẫu. Các quan thuộc phái “Zhang” thù địch với Giáo Pháp, quan đại thần Lugong Tsenpo, Takra Lutsen, Tướng Quân Zhang, Gyud Gyud Ringmo, Mama Zhang, Jarok Gyud, Shen Tago, và các người khác chống đối Giáo Pháp đồng thỉnh cầu nhà Vua như sau:

“Thưa Đại Vương, Chúa của người Tây Tạng đầu đen, ngài có bị quỷ ám hay không? Đừng lướt qua luật pháp và trật tự của xứ này như hớt kem trâu sữa. Đừng để đầu người Tây Tạng rơi trong máu. Đừng để đuôi người Tây Tạng bay trong gió. Đừng đối với quan lại Tây Tạng như giống chó. Đừng coi vương quyền Tây Tạng như rác rưởi. Di sản của tổ tiên chúng ta, cái ách bằng vàng mà các bậc thánh vương đã truyền lại cho ngài, có thể rất dễ bị tên quỷ ngoại nhân Liên Hoa Sanh, tên tu sĩ lang thang, tên phù thủy tà thuật đó ăn cắp. Thần dân của ngài sẽ đau khổ và thất vọng. Đứa con gái của bộ tộc Kharchen trước hết gây rắc rối cho cha mẹ của nó, sau đó làm phiền đến người chồng hợp pháp của nó, và bây giờ nó mang tại họa đến cho Tây Tạng. Hành vi như vậy có phải là đạo đức không? Bây giờ triều thần của ngài vẫn còn hơi thở, hãy để cho mỗi người trong số họ trình bày ý kiến. Có câu tục ngữ: “Khi cái túi quyền lực của các triều thần chưa rách thì dù vị vua có bị mất trái tim, vẫn còn phương kế để thay thế nó”. Vì vậy Ngài phải nghe ý kiến của mọi người”.

Bài diễn văn này làm mọi người tức giận, nhưng trước khi nhà Vua hay vị quan nào kịp nói thì Trưởng  Lão Go lên tiếng: “Thưa Hoàng Thượng, các quan sẽ thảo luận không dứt, và vì có câu “Nói vắn tắt trước Đức Vua”, nên để chúng tôi quyết định ở chỗ khác”.

Mọi người đồng ý điều này, và các quan họp ở bên ngoài phòng hội đồng để trao đổi ý kiến. Trong khi đó nhà Vua quá nóng ruột, ngài gửi ngay một bức thư mật báo ngay cho Đại Sư biết vụ này. Ở Drakmar, Yama Lung, Đại Sư nhận được bức thư và ngài gửi lời phúc đáp như sau:

“Hỡi Chúa của Người, Thần Vương,

Ngay lúc này đây khi cái khó khăn xuất hiện,

Ta, Đạo Sư Liên Hoa Sanh,

Không có gì lo sợ khi sống cũng như chết.

Làm sao đấng tối thượng giống như kim cương này

Lại nao núng trước mối hiểm nguy(10)?

Dù cả thế gian chống lại ta

Thì tại sao Liên Hoa Sanh này lại phải sợ?

Nếu người lớn sợ trẻ thơ

Thì ai sẽ bảo vệ con cháu chúng ta?

Ta là nơi an trú của chúng sinh,

Vậy nếu ta không thể bảo vệ những người nương tựa vào ta

Thì làm sao ta có thể chỉ bảo những kẻ thờ ơ lãnh đạm?

Vì vậy, thưa Đại Vương, Ngài hãy gạt bỏ mọi nỗi sợ và cầu nguyện!”

Bức thư này làm nhà Vua yên tâm, và ở hội đồng Ngài tuyên bố:

“Hãy lắng nghe, hỡi các thần dân của ta, dù các ngươi thuộc dân da đen, trắng hay da màu.

Chúng ta sẽ thực hành và truyền bá giáo Pháp,

Thiết lập Phật Pháp ở đây.

Đạo Bon sẽ không che mắt chúng ta nữa.

Hãy tuân theo chiếu chỉ này của nhà Vua các người, Đấng Bảo Hộ Giáo Pháp.

Ở Xứ Tây Tạng này, trên toàn cõi của ta

Các tu viện và các thiền viện sẽ gia tăng và phồn thịnh,

Các kinh điển và mật điển sẽ phối hợp với nhau.

Người nào bất tuân chiếu chỉ này,

Sẽ bị phạt tội chống lại lệnh của Vua và các quan.

Ngoài ra, ta khuyên các ngươi nên đón tiếp,

Cúng dường và sám hối với Đức Đại Sư Orgyen”.

Sau đó nhà Vua nhận được kháng nghị của Takra và Lugong với lời lẽ như sau:

“Đấng trị vì độc nhất của chúng tôi, Chúa của loài Người, Thánh Vương,

Xin hãy nghĩ kỹ! Hãy xem xét cẩn thận!

Hãy quyết định sau khi đã tham vấn kỹ lưỡng, Thưa Hoàng Thượng!

Đừng từ bỏ truyền thống của tổ tên.

Đừng đoạn lìa luật pháp và phong tục của Tây Tạng.

Đừng hủy diệt tín ngưỡng của người dân.

Hạnh phúc của xứ này tùy thuộc vào đạo Bon,

Không có những vị Thần Chữ Vạn thì ai bảo hộ Tây Tạng?

Chúng ta biết cầu nguyện ai để nêu cao lá cờ Tây Tạng?

Và người vợ tốt nhất của Đức Vua đâu rồi?

Người vợ giống như Con Gái của Đấng Brahma,

Yeshe Tsogyel đã đi đâu?

Lão đạo sĩ ngoại nhân man rợ này

Chắc chắn đã vượt qua giới hạn của mình

Ngài có loạn trí không, thưa Hoàng Thượng? Ngài đã mất trí rồi chăng?

Tâm trí ngài đang phiêu lãng hay sao? Ngài làm sao vậy?

Nếu ngài điên thì uy quyền của ngài sẽ không còn,

Xứ này sẽ loạn.

Vậy hãy giữ Tsogyel ở nhà,

Và để cho pháp luật đối phó với tên quỷ ngoại nhân”.

Họ nói tiếp: “Hãy loại bỏ các thuật đó, nếu không tai họa sẽ bám theo bước chân của ngài. Có câu nói: “Vì đau trong người đã lâu nên cứ khóc mãi”. Vậy hãy bắt tên quỷ ngoại nhân và giao nó cho pháp luật. Nếu nó tìm cách chạy trốn, hãy giết nó!

Các quan lại đều ủng hộ ý kiến của tôi. Chúng tôi đồng thanh khuyên ngài như vậy. Nếu ngài không nhận lời khuyên quyết liệt này, tôi sẽ tôi sẽ từ chức ngay. Vị vua đầu heo đang mang tại họa tới cho các quan kiêu hãnh như sư tử của ngài. Lời của vua có quyền lực lớn, bất cứ lệnh gì của ngài cũng phải được thi hành, nhưng lời can gián của các quan cũng có sức mạnh, nhất định như vậy”.

Đa số các quan đạo Bon đều tán thành những lời lẽ đó, nhưng các quan có cảm tình Giáo Pháp như Shubu Pelseng, Drugu Ube, Kaba Peltsek, Chokro Lui Gyeltsen, Namkhai Nyingpo, Langdro Lotsawa, Dre (Gyelwa Lodro), Yung và Nub (Sangye Yeshe) cùng những người khác nói như sau:

“Thời đại xấu xa này báo hiệu sự hủy diệt của Giáo Pháp. Người ta đang sửa soạn gây một tội ác không thể nói được chống lại Đại Sư, vị Phật thứ nhì. Hoàng Đế, giống như một viên ngọc mong manh, đang bị làm nhục. Giáo pháp sẽ không được hoằng truyền, Đạo Phật sẽ không được thiết lập ở đây, và nếu làm theo lời của các quan theo đạo Bon, chúng ta sẽ chịu nghiệp quả của năm trọng tội giết cha, giết mẹ, làm đổ máu Đại Sư, ăn cắp của Tăng Đoàn và phá hủy chùa tháp. Tại sao chúng ta lại không sẵn sàng chịu chết? Vậy, dù Tây tạng có thể trở thành sa mạc, chúng ta sẽ phòng thủ quân Yeru bằng binh lực. Bất cứ chuyện gì xảy ra chúng ta cũng phải giữ cho Đại Sư và Phu Nhân được an toàn”.

Hoàng Đế cũng nói: “Viên quan nào không tôn trọng hay phụng sự Đại Sư, vì Ngài giống như Đức Phật Nguyên Thủy Vajradhana, nếu ai định định gây tội ác lớn này, sẽ bị phạt nặng gấp chín lần những gì họ muốn làm cho Đại Sư. Ta là quyền lực của xứ này”.

Hoàng Hậu Tsepong Za, người bộ tộc Tsepong, sau khi suy nghĩ đã theo phe các Đạo Bon. Trong khi đó không ai đồng ý với ai, mọi người tranh luận dữ dội. Trưởng lão Go đề nghị với nhà Vua: “Thưa Thánh Vương, thay vì để cho Tây Tạng rối loạn, chúng ta nên thương nghị với các quan”.

Nhà Vua đồng ý và tức khắc nói với các quan chống đối như sau:

“Hỡi các quan đại thần của Tây Tạng,

Trên thế gian này không có vị vua nào vĩ đại hơn ta.

Nếu vua vĩ đại, tất nhiên các quan cũng đầy uy quyền,

Nếu không có vua, các quan có làm được gì đây?

Vậy đừng tìm cách lấn lướt nhà vua

Mà hãy giải quyết việc này bằng thảo luận một cách lịch sự và khôn ngoan”.

Các quan Đạo Bon ưng thuận. Nhà Vua lại nói với các quan theo Đạo Phật:

“Than ôi! Lý tưởng của các người đã bị hại vì sự cuồng nhiệt của mình.

Không thể chuộc được tội bạo động, dù để bảo vệ chân lý.

Nên biết không ai có thể làm hại được thân bất hoại của Đại Sư

Vậy chúng ta nên giải quyết việc này bằng thương nghị”.

Tất cả đều đồng ý với nhà Vua và tụ tập quanh ngài để thảo luận trong vòng trật tự. Hai phe đồng ý rằng dùng một số vàng để đưa Đại Sư trở về Ấn Độ một thời gian ngắn, vì nhà Vua không nên gặp Đại Sư lúc này, và ta, Tsogyel, cần phải bị phạt lưu đày ở Lhodrak (gần biên giới Bhutan).

Các quan những tưởng là quyết định này được thi hành, thật ra hai người đồng tu chúng ta sửa soạn đi tới hang Tidro ở Zhoto. Ở đó chúng ta sẽ được yên ổn để thực hành pháp  âm dương (tính dục huyền bí) trong cái hang có tên là Nhà Hội của các Dãkinĩ, địa điểm năng lực của Nữ Thần Chuông Xanh Hủy Diệt (Tara). Trước khi chúng ta rời Yama Lung, Hoàng Đế dâng chúng ta hai cân vàng bụi, bảy bình bát bằng vàng, và các lễ vật khác, còn Đức Đại Sư ban phước và lời tiên tri cho nhà Vua. Từ Yama Lung đi xuống chúng ta cất giấu một bảo tạng giáo lý ở trong ở trong một khe đá trông giống như hình một con quạ, chúng ta cũng soạn một bài tiên tri. Ở đây Mười Hai Chị Em Đèo Núi (các nữ thần bảo hộ các cửa ải ở Trung Tây Tạng) xuất hiện rực rỡ với một cái kiệu trắng bằng ánh sáng. Chúng ta ngồi vào trong kiệu, bay lên trời rồi mất dạng. Nhà Vua và các quan tụ tập ở đó đều phát tín tâm, và từ đó quả núi Okar Drak (Vách Ô Trắng) được gọi là Wokar Drak (Vách Trắng Bay Vút).

Trong chớp mắt, chúng ta đã thấy mình đã ở Zhoto, và ở đây chúng ta trú tại Nhà Hội Của Các Dãkinĩ ở Tidro. Ta, Tsogyel, sửa soạn một mandala theo nghi thức rồi phục lạy chín lần chín và cầu khẩn:

“Hỡi Đức Orgyen Tôn Kính,

Vì đã đạt Thân Kim Cương của một vị Phật

Nên Ngài không sợ Diêm Vương quỷ quyệt.

Đạt Thân Phật Huyễn Ảo

Ngài chiến thắng Quỷ Thần.

Đạt Thân Kim Cương Cầu Vồng

Ngài đánh bại quỷ Nhập Xác một cách dễ dàng.

Đạt Thân Phật Quán Tưởng

Ngài đã giải thoát lũ Quỷ Cảm Xúc như những đồng minh.

Đại Sư Liên Hoa Sanh bất tử,

Nay con đã tìm thấy niềm tin toàn vẹn thật cảm động,

Con muốn thỉnh cầu nghi quỹ tối thượng,

Ở Yama Lung ma quỷ đã dọa con,

Nhưng nhờ lòng từ bi của ngài, thưa Đại Sư,

Bay giữa không trung, chúng ta đã tới đây.

Do sự cảm thông đầy từ bi của ngài,

Xin ngài tiết lộ mandala làm cho hành giả giác ngộ và đạt giải thoát.

Và cho tới khi con đạt giác ngộ,

Xin ban cho con ân phước vô ngại”.

Đại Sư đáp:

“Chúc mừng con, con gái xứ Kharchen.

Mandala của Nghĩ Quỹ Tối Thượng

Giống như hoa sen xanh Udumbara,

Hiếm khi nở, và sống không lâu

Không phải tất cả những người có phước đều được gặp

Bông hoa rất hiếm này. Vậy hãy vui mừng!

Bây giờ hãy dâng “mandala” huyền bí của con”.

Không ngượng ngùng hay giống lệ thường thế gian, ta sung sướng, thành kính và khiêm hạ sửa soạn “mandala” huyền bí rồi dâng lên Đại Sư. Hào quang do nụ cười từ bi của ngài chiếu trong năm lớp tia sáng làm cho ba ngàn thế giới tràn đầy ánh sáng trong trẻo, rồi những tia sáng đó lại tập trung vào mặt ngài. Mời gọi vị thần với các tiếng hô DZA! Và HUNG! Ánh sáng hạ xuống qua thân ngài và “chùy kim cương” huyền bí của ngài vươn lên dữ dội và như Vajra Krodha ngài giao hợp với “hoa sen an lạc” trong hòa hợp tuyệt đối. Trong vũ điệu hoan lạc của chúng ta, các mandala mặt trời và mặt trăng của tám luân xa (trung tâm năng lực) của hai chúng ta phát sáng rực rỡ, và tinh lực của mỗi luân xa đó tăng cường độ qua bốn mức hoan lạc như một lễ vật dâng cho các vị thần của mỗi luân xa. Trong trạng thái đại lạc, với cảm giác sâu đậm về sức mạnh và sự thực hiện rất khó chịu đựng, Đại Sư tiết lộ Mandala Giọt tim của Dakinĩ; ngài trình bày “sự thật riêng tư” của Mahavajradhara (Đại Kim Cương Trì, cõi pháp giới trong pháp “mahayoga”) với Năm Phương Diện của Phật Nguyên Thủy (Ngũ Trí Như Lai) giao hợp với các Người Phối Ngẫu của họ (tượng trưng sự thanh tịnh nguyên thủy trong mandala của Thân Guru; năm thành phần của thân và tâm (ngũ uẩn: sắc, thọ, tưởng, hành, thức) vốn thanh tịnh nguyên thủy, biểu lộ như năm vị Phật và năm nguyên tố (địa, thủy, hỏa, phong, không) vốn thanh tịnh nguyên thủy, là năm Người Phối Ngẫu của Năm Vị Phật đó. Vậy ngài đã ban cho ta phương pháp thành tựu Ngũ Trí Như Lai với lễ truyền pháp này.

Sau khi Đại Sư ban cho ta phương pháp thành tựu Năm Phương Diện An Lạc của Phật Nguyên Thủy vốn được coi là Đạo Sư Bên Ngoài, cùng với Điểm Đạo Bình vào Thân Guru (Thân  Đạo Sư), và đã giới thiệu với ta “chén bên ngoài” (pháp giới, tính không) như một cõi đại lạc siêu phàm bao la, và cam lộ đựng bên trong (sắc tướng) như các vị thần, ngài bảo ta tự mình ứng dụng pháp thiền quán này trong bảy ngày.

Làm theo lời ngài, ta thực hành pháp quán tưởng chén bên ngoài như một cung điện thiêng liêng và  cam lộ đựng bên trong như các vị thần nam nữ, và quả nhiên, ta không cần phải ra sức mà toàn thể khung cảnh xuất hiện huy hoàng như cõi trời của một vị thần, và mọi sắc tướng cam lộ bên trong xuất hiện với đủ màu sắc như Năm Phương Diện Phật hợp nhất với các Người Phối Ngẫu.

Khi tất cả các sắc tướng nói trên đã xuất hiện bất kể ngày đêm như thực tại của Năm Phương Diện Phật,  Đức Đại Sư bảo ta rằng đã tới lúc ban cho ta lễ truyền pháp (hay điểm đạo) bên trong và ta nên sửa soạn dâng cúng mandala như trước, nhưng gấp bảy lần trước. Vì vậy, ta vui sướng và thành kính sửa soạn cho ngài mandala rồi dâng lên ngài bảy lần:

“Trong Mandala Hoan Lạc Tối Thượng,

Thân mình là Núi Thiêng Tu Di,

Tay, chân, và đầu của con là bốn tiểu lục địa,

Và “hoa sen” đại lạc là nguồn của luân hồi và niết bàn,

Xin ngài từ bi thọ nhận vì lợi ích cho tất cả chúng sinh”.

Một lần nữa Đại Sư rất hoan hỉ, tiếng cười vui vẻ của ngài làm rung chuyển cả ba cõi, và làm ba cõi phân tán, rồi biến thành hình Wong Drak Pema Heruka . Được kích thích bởi tiếng cười kinh khủng Heruka Biểu Tượng Huyền Bí này nhập vào cõi không của Đức Mẹ Hoa Sen. Mặt của ta trở thành mặt của Vajra Vahari (Dãkinĩ Mặt Heo Kim Cương) và “mandala” Guru trở thành Mandala của Hayagriva được tiết lộ vào lúc bắt đầu lễ truyền pháp. Trong năm luân xa mandala (thân tâm) của Đức Đạo Sư vốn đã biến thành Hayagriva Vinh Quang là Năm Heruka (hay Daka) giao hợp với các Dãkinĩ phối ngẫu của họ. Trình bày “sự thật riêng tư” của ngài như một mandala tỏa sáng, ngài ban cho ta lễ điểm đạo Khẩu Đại Sư. Thân của ta biến thành thân Vajra Vahari. Các sắc tướng bất khả phân với Hayagriva. Ta trực ngộ ý nghĩa của tinh, khí, thần. Năm cảm xúc (tham, sân, si, ganh tị, kiêu ngạo) được chuyển hóa thành Năm Trí Huệ (Trí Toàn Tại hay Pháp Giới Trí, Trí Quan Sát, Trí Như Gương, Trí Bình Đẳng, Trí Thành Tựu Công Hạnh). Nhập định An Lạc và Tính Không, ta nhận được lễ Điểm Đạo Huyền Bí, đạt giác ngộ cấp tám, và được truyền pháp đồng hóa với Đạo Sư và Người Phối Ngẫu của ngài hợp nhất như Hayagriva,

Sau khi Đại Sư ban cho ta phương tiện thành tựu vị thần Yidam (được coi là Guru Bên Trong), cùng lúc là lễ Điểm Đạo Huyền Bí, và sau khi ngài đã giới thiệu với bản thân ta như một mandala thiêng liêng, và với tinh, khí, thần như mahamudra thiêng liêng, thần chú, và vị thần, ngài bảo ta hành các pháp này trong ba hay bảy ngày.

Theo lời ngài dạy, ta tự nhốt mình như một ngọn đèn bỏ rồi tham thiền cho đến khi Trí Huệ đã trở nên vững mạnh. Lúc đầu ta cảm thấy lo ngại, nhưng về sau tiếng của các chủng tử trong các luân xa tự nhiên vang lên; ta đạt ý thức trọn vẹn và kiểm soát hoàn toàn hơi thở và khí lực, và trực ngộ cách sử dụng chúng; ta trực nhận ý nghĩa của tinh lực như mahamudar (Đại Ấn); và ta thực hiện trọn vẹn tiềm năng của hơi ấm an lạc. Thế là, dòng nghiệp lực (vốn quy định theo thiên hướng của mỗi người) ngừng lại, năng lực Trí Huệ được đưa vào kinh mạch trung ương, và một vài ấn chứng xuất hiện.

Tuy nhiên Đại Sư khuyên ta “đừng ăn lúa non”, việc điểm đạo truyền pháp của ta chưa xong. Vì vậy với niềm tin nơi Đạo Sư lớn hơn niềm tin nơi Đức Phật, ta thưa thỉnh với ngài:

“Orgyen Rinpoche Tôn Kính,

Siêu việt Chư Phật ba đời,

Xin vì con và chúng con thấp hèn khác

Mà ban Lễ Điểm Đạo Tối Thượng”.

Đức Đại Sư bèn xuất hiện như “mandala” của Heruka đỏ. Từ chủng tự HUNG trong tim ngài cùng những tia sáng dữ dội màu đỏ phóng ra rồi lại thu vào “mandala” của ngài, ngài cầm vị “Heruka Tuyệt Đối” trong tay như cầm một ngọn giáo rồi đáp:

“RAM HAM

Hãy nghe không xao lãng, Dãkinĩ Tsogyelma,

Hoàng hậu Kuntuzangmo, hãy chú ý nghe,

Nếu muốn giọt tinh hoa nhập “mandala” bên trong của con

Hãy dâng “mandala” hoan lạc huyền bí của con

Nhưng nếu tiết lộ pháp này ra, con vi phạm giới nguyện Samaya”.

Ta, thiên nữ Tsogyel, chìm xuống phía dưới sắc tướng phàm tục, và khi đã nhập vào hoan lạc, ta sức vào “mandala” hoan lạc của ta năm loại cam lộ, rồi lại cầu khẩn:

“Bồ Tát của Đại Lạc, xin hãy làm như ngài muốn,

Guru và Chúa của Đại Lạc,

Với năng lực và niềm vui chân thực, con xin ngài phóng

Chủng tử vào “mandala” bên trong

Con sẽ giữ bí mật pháp này suốt đời con”.

Rồi với ba ngón tay khuấy phấn nhị hoa của “hoa sen”, ta dâng “mandala” của ta cho “mandala” của Thân Đạo Sư với một điệu múa rắn mãnh liệt. Mandala của cõi năng động (pháp giới) đã thọ nhận tính chất của Pema Heruka Tuyệt Đối, “chùy kim cương” chói lọi hùng vĩ của ngài trong trạng thái ham muốn và hung bạo, các nếp nhăn của ngài trở nên căng thẳng, phóng sự bột phát trọn vẹn của ngài tới trước, chiếm ngự tòa sen với một chuỗi cười ngạo mạn vang động, tràn ngập các sắc tướng với vinh quang, chuyển hóa chúng thành đại lạc. Như vậy ngài đã cho ta biết về Mandala Mặt Trời Chói Sáng của Cõi Bên Trong Tỏa Sáng và gia trì lực cho ta.

Trong mandala giao hợp huyền bí này của phương tiện thiện xảo và Trí Huệ, trong mandala tỏa chiếu của Pháp Thân và Chủng Tử Ánh Sáng, tức là Pháp Thân của Tịnh Thổ An Lạc của bốn Heruka, bốn chủ nhân của bốn luân xa, và Chủng Tử Ánh Sáng vốn là bản thể của một trăm triệu chủng tự, ta thọ nhận lễ điểm đạo bốn hoan lạc. (11)

Từ những đợt sóng hoan lạc của luân xa trán do sự giao hợp của chúng ta, trong bầu kinh nghiệm mạnh về Trí Huệ hoan lạc, xuất hiện một cõi trời được chia thành ba mươi hai tịnh thổ nhỏ. Trong mỗi tịnh thổ này là một Heruka trắng giao hợp huyền bí với Người Phối Ngẫu của mình, được bao quanh bởi hàng trăm ngàn (tức vô lượng) Heruka và Phối Ngẫu của họ giống Heruka chính. Ở giữa mandala (tập hội các Heruka) lớn này là vị Thượng Thủ tất cả Heruka này, tức vị Heruka chính và người Phối Ngẫu mà ta đã thọ lễ điểm đạo nhập vào Trí Huệ hoan lạc của ngài. Nhờ niềm hoan lạc, sân hận được thanh lọc, thân tâm được xóa sạch mọi dấu vết của tập khí gây ra các lối hành động và các phản ứng, đạt trí huệ về các giai đoạn của đạo ứng dụng (phần đầu của đạo pháp đắc Phật Quả, có bốn giai  đoạn: “ấm”, “nóng”, “cao”, “thọ, nhận”, và “nóng tối thượng”), và ta có khả năng hoạt động vì lợi ích của bảy cõi và mười phương. Ở trình độ này ta được ban tên điểm đạo bí mật là Tsogyel Nữ Thần Trắng Đại Lạc (Dechen Karmo Tsogyel ).

Ở luân xa cổ họng là một cõi trời màu vàng được chia thành mười sáu tịnh thổ; trong mỗi tịnh thổ này là một Heruka vàng giao hợp với người Phối Ngẫu, được bao quanh bởi hàng trăm ngàn Heruka tương tự, giống như ở luân xa trán. Ở giữa mandala này là Thượng Thủ tất cả Heruka vàng, Ratna Vira và Người Phối Ngẫu, và do vị Heruka này mà ta đã nhận được lễ truyền pháp vào tất cả những tiềm năng vô hạn của đại lạc. Vậy, ái dục đã được thanh lọc, mọi dấu vết của nghiệp lực tạo thói quen hành động và phản ứng xấu đã được diệt trừ, và ta đạt được trí huệ về tất cả các giai đoạn của đạo tích lũy, đạt khả năng phò trợ hai mươi cõi ở mười phương. Ở đây, ta có tên bí mật là Tsogyel Nữ Thần  Vàng Tăng Phẩm Hạnh (Yonten Gyeje Sermo Tsogyel).

Cũng như vậy, cõi trời xanh đen của luân xa tim có tám tịnh thổ nhỏ, trong mỗi tịnh thổ này là một Heruka xanh đen giao hợp với Người Phối Ngẫu, được bao quanh bởi vô số các Heruka tương tự như đã nói ở phần trên. Ở giữa họ là Heruka chính, Buddha Vira và Người Phối Ngẫu , là vị điểm đạo cho ta vào đại ấn cực lạc. Vậy, mọi mầm mống của dục vọng vốn có trong tâm trí đều được diệt trì, và ta đạt được trí huệ về các giai đoạn của đạo giải thoát và khả năng giúp đỡ hai mươi sáu thế giới ở mười phương. Ta được đặt tên là Tsogyel Samaya Giải Thoát (Drolje Damtsik Tsogyel) vào lúc này.

Trong cõi trời đỏ của luân xa bụng, trong sáu mươi mốt tịnh thổ nhỏ, là sáu mươi mốt Heruka giao hợp với Người Phối Ngẫu, bao quanh bởi vô số các Heruka tương tự, ở giữa họ là Heruka chính, Heruka Đỏ và Người Phối Ngẫu, và ta đã được điểm đạo vào Trí Huệ an lạc của vị này. Mọi dấu vết của cảm xúc tham ái và của các lối hành động và phản ứng xấu theo thói quen do nghiệp lực đều được diệt trừ, và với trí huệ về giai đoạn của đạo cực thanh cực tịnh, ta đạt khả năng làm lợi ích cho vũ trụ vô biên vô tận. Ở đây, ta được đặt tên là Tsogyel Trí Huệ Vô Tận (Taye  Yeshe Tsogyel).

Rồi Đức Đại Sư bảo ta thực hành như sau: “Trong Mandala Tối Thượng Bốn Hoan Lạc, tự ban cho con bốn lễ điểm đạo vào bốn cấp trí huệ trong bảy ngày. Rồi quán tưởng “ái dục” đi lên  (luồng hỏa xà đi lên kinh mạch trung ương) và chuyển thành Trí Huệ.

Vậy, với mục đích của lễ điểm đạo này là sự duy trì tiến triển của bốn hoan lạc (trong bốn luân xa khi Kundalini đi lên đỉnh đầu) qua ái dục. Trí Huệ, chứng nghiệm của ta đậm đà thêm, tăng từ đỉnh cao này tới đỉnh cao khác. Nếu có sự thất thoát Bồ đề tâm (tinh), Ánh Sáng Bất Biến của Phật sẽ bị tiêu diệt, và vì không có sự hiện diện cao cấp nào để chứng nhận và do đó khoan thứ trọng tội đó, phạm nghiệp xấu đó hành giả chắc chắn sẽ sa vào Địa Ngục Vô Gián (Avici, A Tỳ). Vì vậy, với lực rút lại, ta rút “ái dục” lên với lực căn bản của sinh lực (lực sinh sản của luân xa hạ bộ), giữ trong bụng (phồng to do kiềm giữ hơi thở) của ta, và duy trì ký ức hoan lạc không ô nhiễm bởi tham dục, tránh đại định do tâm tạo tác mà không rơi vào hôn trầm một khoảnh khắc nào, ta chứng nghiệm sự đi lên của Trí Huệ (Kundalini).

Gắn chặt ký ức về bồ đề tâm ở luân xa bụng, vô minh (trong mười hai nhân duyên) được thanh lọc, nhờ diệt trì một ngàn lẻ tám mươi chuyển động của nghiệp lực ở chỗ tiếp giao đầu tiên, Trí Huệ toàn năng về phẩm và lượng trở thành đạo thị kiến, ta đạt cấp giác ngộ thứ nhất và một số quyền năng siêu giác quan. Rồi bồ đề tâm được rút lên và buộc lại trong luân xa hạ bộ, nên hành động lực và ý chí được thanh lọc, nhờ chặn lại các luồng tinh lực ở chỗ tiếp giao thứ nhì, ta đạt cấp độ giác ngộ thứ hai. Rồi tập trung bồ đề tâm ở giữa luân xa bụng và luân xa hạ bộ, thức thanh lọc, và chặn các luồng tinh lực ở chỗ tiếp giao thứ ba, ta đạt cấp độ giác ngộ thứ ba. Cùng một cách thức, bồ đề tâm được buộc ở luân xa bụng, danh sắc được thanh  lọc, và khi các luồng tinh lực của nơi tiếp giao thứ tư được chặn lại, ta đạt cấp độ giác ngộ thứ tư và tâm trí có khả năng luân hồi và niết bàn cũng như Trí Huệ và an lạc nội tâm đã được thanh lọc, ta thành tựu thể tánh thân của Phật (ba thân hợp nhất). Buộc bồ đề tâm giữa luân xa bụng và luân xa tim, lục nhập được thanh lọc, các luồng tinh lực của nơi tiếp giao thứ năm được chặn lại, ta đạt cấp độ giác ngộ thứ năm. Buộc bồ đề tâm ở luân xa tim, xúc được thanh lọc, các luồng tinh lực ở nơi tiếp giao thứ sáu được chặn lại, ta đạt cấp độ giác ngộ sáu; tâm thức ngủ thông thường và niềm vui đặc biệt được thanh lọc, ta đạt pháp thân Phật.

Giữa luân xa tim và luân xa cổ họng, bồ đề tâm được buộc lại nên thọ (cảm giác) được thanh lọc, các luồng tinh lực của nơi tiếp giao thứ bảy được chặn lại, ta đạt cấp độ giác ngộ bảy. Buộc bồ đề tâm lại ở luân xa cổ họng, ái được thanh lọc, các luồng tinh lực của nơi tiếp giao thứ tám được chặn lại, ta đạt cấp độ giác ngộ cấp tám; tâm trí mộng và niềm vui tối thượng được thanh lọc, ta đạt báo thân Phật. Buộc bồ đề tâm lại ở luân xa cổ họng và luân xa trán, thủ (bám giữ sắc tướng) được thanh lọc, và những luồng tinh lực của nơi tiếp giao thứ chín được chặn lại, ta đạt cấp độ giác ngộ cấp chín. Buộc bồ đề tâm lại ở luân xa  trán, hữu (cuộc sống luân hồi) được thanh lọc, nhờ chặn các luồng tinh lực của nơi tiếp giao thứ mười , ta đạt cấp độ giác ngộ cấp mười; khi tâm thức của năm cửa cảm giác lúc mới thức dậy từ giấc ngủ, các kinh mạch của thân thể và Trí Huệ và an lạc đã được thanh lọc, ta đạt hóa thân vô nhiễm của Phật. Buộc bồ đề tâm lại ở giữa luân xa trán và luân xa đỉnh đầu, tái sinh được thanh lọc, và khi các luồng tinh lực nơi chỗ tiếp giao thứ mười một được chặn lại, ta đạt cấp độ giác ngộ cấp mười một. Rồi rút và buộc lại bồ đề tâm ở luân xa đỉnh đầu, tất cả mười hai nhân duyên của luân hồi, kể cả lão và tử, đều đã được thanh lọc, và chặn lại hai mươi mốt ngàn luồng tinh lực của mười hai chỗ tiếp giao, tham dục, ngủ, mộng, và thức, là bốn trạng thái tâm không trong sạch, đều được thanh lọc, và sau khi đã thanh lọc các kinh mạch của tâm trí, các luồng tinh lực, và tinh chất, cùng với bốn niềm vui, ta đạt cấp độ giác ngộ cấp mười hai.

Vậy ta ban Pháp Thân Phật và mọi phẩm tính Phật: Ta chuyển hóa thành Pháp Thân  Hoạt Động để chúng sinh trong vũ trụ vô biên thấm nhuần giá trị và ý nghĩa của cuộc sống và ta đạt khả năng  tự nhiên tỏ hiểu và sử dụng bất cứ một phẩm tính Phật nào tùy ý.

Trong vòng sáu tháng ta đã đạt được mục đích của ba lễ điểm đạo. Đại Sư lại dạy ta:

“Nữ nhân và Dakini

Cô gái có thân thể trưởng thành hoàn hảo,

Một thân người may mắn có đủ các điều kiện tốt,

Một thân thể bền bỉ và can đảm, Đại Mẫu Trí Huệ Sarasvasti,

Dakini mặt heo, Nữ Chủ Nhân của các pháp bí mật,

Nay thuốc của mình và người đã được nấu,

Cánh cửa của các giáo lý bí mật đã được mở cho con,

Nữ nhân vĩ đại, hãy lấy một Daka làm người phối ngẫu!”

Ta làm một cỗ cúng Ganacakra dâng thân thể và tài sản của mình cho Guru Rinpoche (Đạo Sư Tôn Quý) với lời khẩn cầu sau đây:

“Đức Orgyen Tôn Kính, Tài Năng Chuỗi Sọ,

Đấng Chủ Trì các Giáo Lý Bí Mật, Vajradhara,

Lòng quảng đại của Ngài vượt mọi sự biết ơn

Bất cứ cái gì làm cho Ngài vui.

Con thề sẽ dâng lên Ngài bất kể thân mình hay mạng sống.

Xin Ngài ban cho con lễ điểm đạo cuối cùng,

Lễ điểm đạo lời Dzogchen.

Xin Đạo Sư ban lễ điểm đạo thứ tư hôm nay!”

Đức Đạo Sư Tôn Quý đáp: “Chưa tới lúc để con thực hành pháp Ati không cần ra sức. Hãy kiên trì hành đạo pháp bí mật đại thừa. Nếu không có người phối ngẫu, một đồng tu thiện xảo, thì con không thể kinh nghiệm được những giáo lý bí mật của Mật Thừa, cũng như một cái nồi đất không nung, không thể dùng được. Không có củi thì không có lửa. Đất mà không có nước thì trồng hạt giống gì cũng vô ích. Vậy hãy đi tới thung lũng Nepal tìm một thanh niên mười sáu tuổi có nốt ruồi đỏ bên ngực phải. Anh ta tên là Atsara Sale, hóa thân của Daka Hayagriva và đã đi từ Serling Ấn Độ tới Nepal. Hãy nhận anh ta làm đồng tu, rồi con sẽ sớm khám phá được cõi hoan lạc thuần túy”.

Sau khi được Đại Sư chỉ dạy những lời tiên tri đó, ta một mình lên đường đi thung lũng Nepal (Mang bình bát bằng vàng và một cân vàng bụi). Khi tới quận Erong, ta đụng độ với bảy tên cướp. Họ định trộm vàng nên theo dõi ta như đàn chó đuổi theo con nai. Ta cầu khẩn Đức Đại Sư và quán tưởng mấy người bất lương đó là vị thần bảo hộ Yidam  của mình và quyết định dùng tài sản của ta làm một lễ cúng thần, ta cất tiếng hát với họ những lời cảm hứng như sau:

“Hỡi bảy vị Yidam xứ Erong,

Thật may mắn được gặp các Ngài ở đây hôm nay.

Tôi nguyện đạt Phật Quả

Để thực hiện ý nguyện của chúng sinh,

Vì vậy hãy để nghiệp quả xấu chuyển hóa nhanh.

Tình cờ được thấy lòng từ bi của Đức Đại Sư biểu lộ ở đây,

Thật là đại hạnh!

Những ý nghĩ an vui phát khởi trong tâm của ta

Nên ta nguyện mọi người được an nhiên tự tại qua lòng đại dương”.

         

Hát xong,  ta chắp tay một cách thành kính rồi bày vàng thành một Mandala dâng lên các vị thần. Dù không hiểu một lời nào, nhưng cảm động vì giọng hát trầm bổng ta,  băng trùm tên cướp đứng ngó ta như những bức tượng và lọt vào Tam Muội Cốc thứ nhất. Kế đó họ hỏi ta bằng tiếng Newar: “ Thưa Đức Bà, bà là người xứ nào? Cha mẹ của bà là ai?Thầy của bà là ai?Bà làm gì ở xứ này? Xin bà hát cho chúng tôi nghe một bài thánh ca nữa!”. Khi họ khẩn cầu các sợi lông đứng dựng một các hung hãn trên người họ nằm xuống cụp lại, một tràng tươi cười  biểu lộ sự hài lòng của họ, cái khuôn mặt nhăn nhó gian ác trở nên an tĩnh và niềm sung sướng của họ lộ ra ở những hàm răng. Họ ngồi xuống trước mặt ta, đứng tựa vào gậy tre có ba đốt, ta trả lời bằng tiếng Newar:

Bảy tên cướp các người vốn đã có liên hệ nhân quả tiền kiếp với ta,

Nên biết rằng, gian ác chính là Đại Viên Cảnh Trí

Sự trong sáng huy hoàng không có nguồn gốc nào khác hơn

Tính hung dữ đầy thù ghét và kình địch.

Hãy nhìn vào sự sân hận của mình,

Là nơi chứa nhóm sức mạnh của Đấng Kim Cương, Vajrasattva!

Xa lìa sắc tướng, các ngươi được thanh lọc trong Tính Không:

Quê hương của đứa con gái này là Niềm Vui Tràn Ngập,

Các Cõi Tính Không An Lạc và Hoan Lạc Thị Kiến (Cõi Pháp Thân và cõi Báo Thân)

Nhưng ta không chấp vào danh sắc của thông lệ,

Vậy nếu xứ thanh tịnh của Đức Bà hấp dẫn các người,

Ta sẽ dẫn người tới đó.

 

Hỡi bảy tên cướp có liên hệ với ta trong kiếp trước,

Phải biết kiêu ngạo chính là Bình Đẳng Tính Trí,

Thanh tịnh nguyên thủy trong thiền định chỉ có thể có.

Trong tham vọng cho rằng mình là tối thượng,

Hãy tìm vào sự thanh tịnh tự nhiên

Trong đó có Nguồn Ngọc Quý, Ratnasambhava (Bảo Sinh)!

Xa lìa trạng thái Tính Không, thân ánh sáng sẽ trong sạch.

Cha của đứa con gái này là nguồn của mọi ơn phước đó.

Ngài chính là viên ngọc như ý.

Nhưng ta không tham tài sản huyền ảo

Như vậy, nếu các ngươi thích ông già đó ta sẽ chia tay với ông ta.

 

Hỡi bảy tên cướp có liên hệ nhân quả với ta trong quá khứ,

Nên biết tham dục chính là Diệu Quan Sát Trí,

Các ngươi sẽ không thấy có trí phân biệt ở nơi nào

Khác hơn tâm tham muốn những vật đẹp đẽ, muốn có cả thế gian.

Hãy nhìn vào sự tươi mát nguyên thủy của tâm tham dục của mình

Trong đó có Phật Vô Lượng Quang, Amitabha (A Di Đà)!

Dứt bỏ thân hào quang, sự hoan lạc của các người được thanh lọc

Mẹ của đứa con gái này là Vô Lượng Quang

Ở trong đó, bà là đại lạc vô hạn

Nhưng ta không nhiệt thành với cảm giác

Như vậy, nếu bà già này có vẻ hấp dẫn đối với các người

Ta sẽ cho các người bà ta.

         

 

          Hỡi bảy tên cướp có liên hệ với ta trong kiếp trước,

          Nên biết ganh tỵ là Trí Thành Tựu Mọi Việc (Thành Sở Tác Trí)

Hiệu quả và thành công không có nguồn gốc nào khác

Ngoài tâm thành kiến, phê phán và giận ghét.

Hãy nhìn kỹ những ý nghĩ ganh tị,

Ở đó có thành công tức khắc, Amoghasiddhi (Bất Không Thành Tựu)!

Xa lìa ganh tị và thù hận thì mọi việc đều trong sạch.

Vị Lama của đúa con gái này là Thành Tựu Tự Nhiên Mọi Mục Đích,

Vị Lama mà mọi hoạt động của Ngài đều hoàn tất.

Vì ta không nô lệ vào việc làm của mình

Nếu các ngươi muốn có vị Lama này

Ta sẽ nhường Ngài cho các người

 

Hỡi bảy tên cướp có nhân duyên với ta trong kiếp trước

Phải biết rằng vô minh và si mê chính là Trí Cõi Không Năng Động (Pháp Trí Giới)

Không có cách nào khác để bám giữ đường đạo.

Ngoài vô minh và sự chậm trí.

Hãy nhìn vào vô minh,

Ở đó có Đại Cảnh Kiến Thị Năng Động (Pháp Giới), Vairocana (Đấng Đại Nhật)!

Lìa bỏ trạng thái mê muội thì mọi sự đều trong sạch.

Nhưng đứa con gái này yêu Đại Cảnh Thị Kiến

Nhưng vì ta yêu Người Phối Ngẫu tối thượng đó, Đấng Soi Sáng,

Nhưng vì ta không ham muốn nhị nguyên gồm thị kiến và người chứng kiến

Nhưng nếu các người cần ta phục vụ

Ta sẽ hướng dẫn cho các người.

Tràn đầy niềm tin trọn vẹn, các tên cướp thấy chán vòng luân hồi, nên cầu xin ta hướng dẫn giáo lý và về sau họ đều thoát luân hồi. Họ khẩn thiết mời ta tới xứ của họ nhưng ta từ chối và tiếp tục hành trình của mình.

Ở đại bảo tháp Jarung Khashor được ba thanh niên người Mon xây từ thời xưa, ta cúng một nắm vàng bụi rồi cầu nguyện:

“OM AH HUNG!

Ở thung lũng Nepal, Tịnh Thổ của các đấng Điều Ngự,

Chúa Tể của Vạn Vật biểu tượng của Pháp Thân Phật,

Đứng ở đây lâu như thời gian vô thủy,

Quay bánh xe pháp tối thượng

Để giải thoát chúng sinh khỏi biển khổ,

Xin Ngài dùng huyền năng hóa độ

Hướng dẫn chúng sinh ở thế gian cũng như ngoài thế gian,

Thoát khỏi nô lệ để đi vào cõi tự tại.”

Vô số tia sáng phát ra từ bảo tháp tạo thành một lớp mây mù, từ bên trong lớp mây mù Guru Rinpoche với Trưởng lão Santaraksita, Vua Trisong Detsen và nhiều Dakini bao quanh, nói với ta:

Hãy nghe ta nói, Con Gái Xứ Kharchen!

Với đức hạnh tốt, không sân hận,

Nữ Thần Đại Trí Huệ, cứu độ mọi người thoát luân hồi,

Qua sự tự tại, giải thoát họ với hết sức mình,

Nguyện con thành tự các pháp môn và các cấp thiền.

Bây giờ đừng lang thang ở đây lâu.

Nhớ trở về Tây Tạng với người phối ngẫu con cần

Ta sẽ lại tiết lộ các giáo lý Mật Giáo sâu xa”.

Thốt ra lời tiên tri này xong, Đức Đại Sư biến mất. Ta chậm rãi lang thang đây đó vì không biết rõ mình phải tìm đối tượng cần tìm ở đâu. Khi ta đi tới một khu chợ lớn ở cổng hướng nam của thành Bhaktapur (Kho Khomhan) thì một thanh niên mạnh dạn tiến về phía ta. Anh ta đẹp trai, hấp dẫn và có một nốt ruồi đỏ ở trên ngực, răng cửa tỏa sáng bóng trông giống như những miếng vỏ ốc đều đặn và bốn răng nanh là những vỏ ốc trắng. Đôi mắt thông minh của anh ta được viền quanh một quần hơi đỏ, mũi nhọn với đôi mắt mầu xanh da trời. Mái tóc dầy của anh ta xoắn về bên phải và mấy ngón tay có màng như chân vịt.

Anh ta hỏi bằng tiếng Serling: “Thưa cô, cô từ đâu tới. Có phải cô tới để lấy lại tự do cho tôi?”

Ta đáp:

Hãy nghe cho kỹ, anh chàng đẹp trai, người phối ngẫu!

Ta từ miền Trung Tây Tạng tới đây,

Và ta là Phu Nhân của Đức Liên Hoa Sinh

Tên của anh là gì?Quê hương anh ở đâu?

Và anh đang làm gì ở đây?”

          Anh ta trả lời:

“Tôi là người Ấn Độ, quê ở làng Serling.

Một đạo sĩ Ấn Độ ăn cắp tôi khi tôi còn bú mẹ

Rồi bán tôi làm người hầu cho một người dân bản xứ

Cha mẹ đặt tên tôi là Ayra Sale,

Tôi đã sống ở đây bảy năm như một đày tớ”.

Trong khi anh ta đang nói thì một đám đông những người buôn bán tụ tập xung quanh. Vì bị thu hút bởi khuôn mặt của ta, họ nói sẽ cho tiền nếu ta giúp vui. Vì vậy ta cất tiếng hát:

“NAMO GURU PEMA SIDDHI HRI!

Trong bầu trời lớn của Kuntuzangpo vinh quang (cõi Nguyên Thủy Kim Cương Giới)

Mặt trời Dzogchen chiếu sáng trong cõi thanh tịnh

Soi sáng chúng sinh sáu cõi luân hồi vốn là mẹ chúng ta.

Đây không phải là cha chúng ta hay sao, Đức Liên Hoa Sinh?

Cõi của Ngài là Kim Cương Giới bất biến,

Thân từ bi của Ngài vô sinh, bất tử.

Đây không phải là cha chúng ta hay sao, Đức Liên Hoa Sinh?

Nghiệp của Ngài không tốt, không xấu do đã đắc Phật Quả.

Đây không phải là cha chúng ta hay sao, Đức Liên Hoa Sinh?

Nhà của Đức Bà là cõi trời tối thượng, hang Tidro,

Vị Dakini cảm ứng với lòng từ bi của Đức Liên Hoa Sinh?

Ban hoan lạc cho những ai hướng về Bà.

Đây không phải là Đức Bà Yeshe Tsogyel hay sao?

Ở xứ Nepal này, xuất hiện trong linh thị,

Một bạn đồng tu siêu diệu đã tới,

Và người con trai có nhân duyên sẽ phải đi với ta.

Ta không phải là Tsogyel người phú ban hay sao?”

 

Tuy không hiểu ý nghĩa bài hát của ta, nhưng đám đông lắng nghe những âm điệu trầm bổng này không chán và gọi ta là Dakini Nha Ca. Ta đi theo Atsara Sale tới chỗ ở của anh ta và buổi tối hôm đó, ngồi trên bậc cửa, ta nói chuyện với người chủ của Sale. Bà ta hỏi:

“Cô từ đâu tới? Cô làm gì ở đây?”

Ta trả lời cho bà ta biết rồi kết luận: “Đại Sư Liên Hoa Sinh bảo ta tới đây để chuộc Atsara Sale. Vậy Bà nên thuận ý.”

Bà chủ nói: “Sale là người hầu, nhưng ta xem như con. Vì bỏ ra một số vàng lớn để mua anh ta nên không thể để cho anh ta đi được. Ta vui mừng nếu cô đồng ý ở lại sống chung và cùng làm việc ở đây.”

Ta đáp:

“Ở đâu có Mandala Mặt Trời soi sáng

Ở đó bóng tối không còn.

Khi Mặt Trời lặn, các ngôi sao sẽ xuất hiện

Nhưng ngày mai Mặt Trời sẽ lại chiếu sáng.

Ở đâu Ngọc Như Ý được tìm thấy

Thì người ta không còn cần vàng nữa.

Nơi nào không có Ngọc thì phải cần vàng.

Nhưng người ta luôn luôn tìm Ngọc.

Khi nào một vị Phật Toàn Giác ra đời

Thì không ai cần người phối ngẫu.

Khi vị Phật đi rồi thì lại phải cần,

Vì từ khi đó Phương Tiện và Trí Huệ nên được kết hợp

Khi nào đạt được mục đích

Ta sẽ không cần Sale nữa,

Nhưng bây giờ ta cần một đồng tu để soi sáng con đường.

Vì vậy, ta phải chuộc anh ta với bất cứ giá nào.

Xin hãy nói tiền chuộc”.

Vợ chồng chủ nhà cùng với người con trai cảm động vì bài hát nên họ mời ta dự bữa ăn thịnh soạn. Bà chủ nhà hỏi:

“Sau khi chuộc, cô có lấy anh ta làm chồng không? Cô sẽ làm gì? Cô có vẻ là người đức hạnh, lại đẹp nữa. Vậy nếu cô muốn, tôi sẽ tác hợp hai người”.

Ta lại nói: “Đức Liên Hoa Sinh thấy Atsara Sale xuất hiện trong linh thị và Ngài thấy cần có anh ta cho mục đích thiêng liêng. Ta có vàng để chuộc, mà dù sao bà cũng nên cho anh ta được tự do”.

Bà ta hỏi: “ Cô có bao nhiêu vàng? Tôi đã bỏ ra năm trăm đồng vàng để mua anh ta, giờ đây phải hơn thế nữa”.

Ta nói: “Bà đòi bao nhiêu cũng được, vì ta cần phải có anh ta”.

Nhưng khi cân số vàng bụi thì ta thấy nó không bằng một trăm đồng. Ta nói: “Không biết phải làm sao bây giờ?”.

Bà chủ đáp: “Anh ta muốn được tư do, nhưng tôi cần vàng, mà số lượng đó không mua được một cánh tay của Sale. Cần phải có nhiều hơn nữa.”

Lúc đó ở Nepal chiến tranh đang diễn ra và trong số các thị dân của Bhaktapur, có người con trai hai mươi tuổi Naga con phú thương Dana Ayu bị chết trong chiến đấu. Vợ chồng thương gia mang xác con về nhà, tang lễ long trọng khác thường. Hai người đau khổ quỳ dưới đất đồng thề sẽ tự hủy mình trên dàn hỏa cùng với con.

Vì cảm thương họ nên ta an ủi mà rằng: “Hai vị không nên quá bi thương như vậy. Trong thành phố này có một tên nô lệ tên là Atsara Sale, người mà ta đang muốn chuộc nhưng không đủ tiền. Vậy nếu hai người giúp ta một số vàng lớn để chuộc, ta sẽ làm cho con trai của hai người sống lại”.

“Chúng tôi sẽ chuộc cho cô bất cứ ai,  kể cả một ông hoàng. Nhưng cô có làm như vậy được không?”

Sau khi họ đồng ý cho ta bất cứ số vàng nào cần phải có để chuộc Sale một khi Naga sống lại, ta lấy một tấm lụa trắng lớn gập làm tư, đắp lên xác chết tới cằm. Rồi ta hát:

“OM AH HUNG GURU SARVA HRI!”

Pháp giới KUNTUZANGPO,

Không giả ảo, thanh tịnh nguyên thủy,

Và Đạo là vô sắc tướng,

Hiện thân của sáu cõi luân hồi,

Tạo nghiệp tốt xấu,

Gây quả không thể tránh

Đã biết thế, tại sao còn si mê?

Ta là nữ hành giả, Đạo Sư Mật Giáo,

Thọ nhận lòng từ bi của Đức Liên Hoa Sinh,

Sống hay chết cũng không làm ta sợ,

Ta có thể tức khắc giải trừ đau khổ cho người khác

Vậy hãy cầu nguyện để ơn phước tràn đầy!”

Ta lấy ngón tay chỉ vào tim của xác chết, quả tim bắt đầu phập phồng mỗi lúc một mạnh hơn. Ta lại nhỏ một giọt nước miếng vào miệng người chết rồi niệm vào tai y: “AYU JNANA BHRUM!”. Hai bàn tay ta vuốt những vết thương do dao đâm sâu hoắm trên thân thể y, làm cho da thịt lành lặn trở lại, ý thức của người thanh niên đó mỗi lúc một trong sáng hơn và rốt cuộc anh ta hồi tỉnh hoàn toàn. Vừa kinh ngạc, vừa sung sướng, tất cả những người chứng kiến phép lạ này đều phục lạy ta. Vợ chồng thương gia khóc vì vui mừng, ôm ghì đứa con vừa sống lại, mạnh khỏe như thường. Họ làm một cỗ cúng Ganacakara với những quà tặng thật quý dâng cho ta và bỏ ra một ngàn đồng vàng chuộc Atsara Sale.

Danh tiếng của ta vang dội khắp vương quốc nên nhà vua tỏ lòng tôn kính, hậu đãi và cầu xin ta ở lại làm nữ đạo sĩ của Ngài. Nhưng ta từ chối, rồi đi cùng với người phối ngẫu tới đền E ở Kathmandu. Ở đó chúng ta gặp Vasudhara đệ tử của Đức Liên Hoa Sinh và cho ông bình bát bằng vàng cùng một ít vàng bụi, như người ngang hàng ta hỏi về đạo pháp và giáo lý bí mật, vì biết ta là Người Phối Ngẫu của Đại Sư, Vasudhara cực kỳ kính trọng và lịch sự với ta, ông cũng hỏi chuyện đạo lý và ta trả lời tất cả những gì ông ta muốn biết.

Chúng ta đến thăm Sakya Dma, Jila Jipha và mấy người khác ở Asura và Yanglesho, biếu họ vàng. Ta ca bài này cho Sakya Dema:

“Người Phối Ngẫu độc nhất của Đạo Sư là ta, người chị đồng đạo Mật Giáo,

Xin hãy nghe Tsogyel, người Tây Tạng.

Tâm như dòng suối bất tận của mỗi ước mong,

Bình đẳng ban cho mọi đòi hỏi.

Tsogyel, người Tây Tạng, bố thí như vậy.

Lòng trong sạch, không cần thề thốt ở nơi công hay tư,

Mà vẫn cẩn tắc giữ gìn đức hạnh.

Tsogyel, người Tây Tạng, trì giới như vậy.

Tâm vô tư, không sướng, không khổ, vô phân biệt,

Kiên trì chịu đựng mọi hoàn cảnh dù xấu hay tốt.

Tsogyle, người Tây Tạng, nhẫn nhục như vậy.

Tâm giống như một dòng sông,

Luôn cố gắng tu tập an lạc chân không.

Tsogyel, người Tây Tạng, tinh tấn như vậy.

Tâm là một sự hợp nhất giữa sắc tướng và Tính Không của bất cứ hiện tượng nào xuất hiện,

Và bám giữ vào Mahamudra (Đại Ấn).

Tsogyel, người Tây Tạng, thiền định như vậy.

Tâm là một dòng trí huệ, đại lạc,

Phụng sự Người Phối Ngẫu phương tiện thiện xảo, trí tuệ siêu việt hoàn hảo.

Tsogyel, người Tây Tạng, có trí huệ như vậy.

Sakya Dema dòng dõi, chị có giáo lý nào,

Xin hãy chia sẻ với ta, người em của chị”.

Sakya Dema sung sướng đáp:

“Hoan hỷ đón chào người chị và là Người Phối Ngẫu của Đại Sư của ta,

Ta có rất ít giáo lý bí mật. Do lòng từ bi của Đức Orgyen Liên Hoa Sinh

Ta được truyền giáo lý bí mật cần cho khi sống cũng như khi chết

Hợp nhất hai việc quán tưởng và thành tựu Tính Không, Mahamudra,

Tịnh quang và ảo tưởng xuất hiện, các giáo lý đó ta có,

Và nay cái thai tạng gọi là “Bardo” đã cằn cỗi

Đó là lời hướng dẫn của  Sakya Dema ở Nepal,

Ta được truyền lời dạy bí mật cần cho sống và chết,

Dùng sinh lực để thanh lọc kinh mạch trung ương,

Sức nóng huyền bí, chủng tự AH, lửa bốc và cam lồ nhỏ giọt (12), những giáo lý đó ta có.

Và nay ta không sợ hãi sinh tử, đó là lời hướng dẫn của Sakya Dema, người Nepal.

Ta được truyền giáo lý bí mật làm đạo pháp dùng cảm xúc

Dùng phương tiện và tinh chất trí huệ, tu luyện an lạc chân không

Để phát sinh trí huệ của bốn hoan lạc.

Các giáo lý đó ta có,

Và nay ta không sợ khi vô số cảm xúc dữ dội phát khởi,

Đó là lời hướng dẫn của Sakya Dema người Nepal,

Ta được truyền giáo lý bí mật cần trong giấc ngủ say (13),

Dựa theo giáo lý Dzogchen, thanh lọc giấc mộng,

Để nhập vào Tịnh Quang, những giáo lý đó ta có.

Và bây giờ ta không sợ dù bị chìm trong bóng tối một đại kiếp,

Đó là lời hướng dẫn của Sakya Dema, người Nepal.

Ta được truyền giáo lý bí mật để kinh nghiệm về sự thật tối hậu,

Dùng sáu cái đèn, tu tập Tịnh Quang.

Để tăng trưởng bốn niềm tin (14), các giáo lý đó ta có.

Và nay ta không sợ, dù Đức Phật có trở nên hung dữ,

Đó là lời hướng dẫn của Sakya Dema, người Nepal.

Và bây giờ ta không biết gì về nhân hay quả, các giai đoạn tu tập hay các pháp môn,

Vì trong mỗi khoảnh khắc vị Phật hóa thân được thành tựu.

Đắc quả tối hậu là điều tuyệt diệu!

Vậy nếu có lời dạy nào, thưa bà chị đã thành tựu,

Xin hãy chia sẻ với ta, hành giả luôn sẵn sàng này”.

Thế là tâm trí hữu hạn của chúng ta hợp nhất trong tâm Phật, chúng ta trao đổi giáo lý và lời hướng dẫn. Sau đó ta trở về Tây Tạng với người phối ngẫu.

Rời Nepal chúng ta đi về xứ Tsang rồi đi tới Tidro ngụ ở Nhà Hội của các Dakini. Các chức sắc địa phương cúng dường và tôn vinh chúng ta, dù có một số lời đồn xấu: “Bà Tsogyel đã bị ma quỷ dụ dỗ. Bà ta không thờ cúng gì cả, như thờ Đại Sư Liên Hoa Sinh, bây giờ bà ta đã có tên đạo sĩ Ấn Độ lang thang đó rồi.”

Ngày mùng mười ta làm lễ cúng, trình bày Mandala Mật Nguyện của Đạo Sư (Guru Guyhasamaja Mandala). Khi ta đang cầu khẩn thì đại sư Orgyen xuất hiện, cưỡi trên trời một tia sáng mặt trời. Ta rất vui mừng nhưng cũng cảm thấy hơi áy náy, rồi rất xúc động, ta phục xuống đất lạy Ngài và nói với Ngài như sau:

“Ôi, Đại Sư từ bi!

Con là một người đàn bà ngu dốt, một vật hư huyễn,

Chịu nghiệp quả xấu. Xin Ngài ban rải lòng từ bi cho con!

Rửa sạch mọi ô trược,

Xin Ngài đừng bỏ con.

Mục đích chuyến đi Nepal của con đã thành tựu,

Con đã tìm được đúng người thanh niên Ayra Sale

Nay con xin Ngài dạy các giáo lý bí mật,

Và từ bi giải trừ các chướng ngại trên con đường tu tập của con”

Đại Sư tươi cười trả lời:

“Hỡi người con gái xứ Kharchen,

Kẻ Trung Thành, hãy chú ý nghe!

Nếu với xác thân con muốn vượt qua

Biển luân hồi vô tận này,

Hãy trông cậy vào Đại Sư có khả năng như người lái thuyền.

Đi trên chiếc thuyền Lời Dạy Khẩu Truyền

Trương buồm lớn Giáo Lý Bí Mật,

Thả con quạ tìm phương hướng lời hướng dẫn,

Tiêu diệt thủy quái gây chướng ngại bằng cái vỏ ốc (15)

Dằn đáy thuyền với những thỏi chì để chống gió ngược nghiệp lực,

Kéo hết buồm với gió thuận tín tâm,

Trám lỗ thủng bằng giới nguyện tinh tuyền,

Với đợt sóng bất ngờ thâm hậu và giải thoát,

Cặp vào hòn đảo đầy ngạc nhiên và thú vị,

Hãy hưởng thụ sung mãn những gì con muốn,

Vui mừng trong thị kiến đầy châu ngọc,

Hài lòng vì vật chất và tử vong không còn,

Hãy thoải mái trong bình minh của an lạc miên viễn”.

Ngài lại hỏi tiếp: “Con đã gặp những khó khăn nào? Chuyến đi của con có dễ dàng không? Con đã đi bao lâu?”

Ta kể chi tiết cuộc hành trình, chẳng hạn việc ta phục hồi sự sống cho một người để có tiền chuộc Atsara Sale.

Đạo Sư nói: “Tốt! Tốt! Bất cứ khó khăn nào con gánh chịu cũng đều bổ ích, vì nó thanh lọc mọi loại vô minh do nghiệp đời trước. Con thiếu sự sốt sắng của người đàn bà yêu chồng, vì vậy dù tiền chuộc Sale có cao nhưng việc này là công bằng. Con đã tạo công đức vô lượng. Con không có tính chấp thủ của một người đàn bà tham dâm. Quyền năng hồi sinh người chết và những khả năng tương tự khác chỉ là pháp phương tiện thế gian, đừng kiêu ngạo vì các khả năng đó.Người phối ngẫu của con được gọi là Cao Quý (Arya) vì anh ta siêu đẳng so với người khác. Và vì tiền chuộc của anh ta là vàng nên anh ta được gọi là Ánh Sáng Vàng”.

Được tiết lộ Mandala Ơn Phước của Đạo Sư, Atsara giác ngộ về Đạo Pháp. Chính ta là người chủ trì cuộc điểm đạo đó. Sau đó Atsara học và tiến bộ trên con đường giải thoát do thông hiểu các giáo lý sơ cấp cũng như tối thượng, nên Đại Sư cho anh ta làm bạn đồng tu và người phối ngẫu của ta. Sau khi khuyến khích chúng ta tu tập thuần thục Mật Giáo, Đại Sư lên đường đi Lhodrak.

Ta cùng các đệ tử ẩn tu để tham thiền trong một góc hang (về sau được gọi là Hang Bí Mật Tsogyel), suốt bảy tháng chúng ta tu tập tính chất của bốn hoan lạc. Đến cuối kỳ nhật thất này, ta thấy mình có thể đi xuyên qua bất cứ một vật thể nào, và thân thể của ta không chịu ảnh hưởng của già yếu hay bệnh tật. Tóm lại, ta đạt quyền năng nhiếp phục ngũ hành. Ngoài ra, khi bốn hoan lạc biểu lộ, ta chứng nghiệm bốn thân Phật: Pháp Thân, Báo Thân, Hóa Thân và Thể Tánh Thân.

Đại Sư trở lại ngụ trong hang lớn ở Tidro nơi mà trước kia ngài chuyển bánh xe pháp khi làm lễ điểm đạo cho quốc vương Trisong Detsen-Người Bảo Hộ Giáo Pháp nhập một số Mandala như Yamantaka Đơn Độc, Hayagriva Đơn Độc, Đèn Yangdak Đơn Độc, Tinle Phurba Đơn Độc, Dudtsi Tod Đơn Độc và Manmo Đơn Độc, quán tưởng vị thần không người phối ngẫu. Nhà vua thực hành các nghi thức quán tưởng và niệm chú, kết quả là nhiều ấn chứng kỳ diệu xuất hiện. Ngài đã tin tưởng sâu xa và muốn biết thêm nhiều giáo lý vi diệu hơn của các nghi quỹ nên sai Shubu Pelseng, Gyatsa Lhanang và Ma Rinchen Chok mang lễ vật bằng vàng dâng lên Đại Sư cùng Người Phối Ngẫu để mời tới thăm Samye. Khi tới Nhà Hội Tidro, họ gặp Đại Sư và trình Ngài như sau:

“Thưa Đại Sư và Dakini, hai vị đồng tu huyền bí,

Chúng tôi là sứ giả tối thượng của Vua Tây Tạng.

Vị Thần Vương độc nhất của Tây Tạng, Trisong Detsen,

Quyết định thiết lập Mật Giáo thừa tối thượng, sâu xa nhất,

Mời các ngài tới Samye.

Xin mở lượng từ bi đến sớm”.

Sau khi nhận lễ vật bằng vàng, Đại Sư trả lời:

“Xin chào mừng ba sứ giả tốc hành,

Ba người con ơn phước.

Ta là Liên Hoa Sinh,

Chỗ ở của ta là thế gian giữa loài người,

Mục đích của ta là một với mục đích của Chư Phật,

Hiện thân của ta là bao trùm thế gian.

Ý nguyện của Hoàng Đế là gương tốt,

Nay giáo lý của các mật điển sẽ được truyền bá”.

Đức Đại Sư và Người Phối Ngẫu, đệ tử của họ và ba sứ giả (sẽ trở thành dịch giả) cùng nhau khởi khành đi Samye.Ở Zhodro, Đại Sư bảo các sứ giả đi trước và báo cho Nhà Vua biết để sửa soạn đón tiếp ba người chúng ta.

Được biết Đại Sư Liên Hoa Sinh sắp tới, các quan trong triều đình Tây Tạng bàn nhau: “Tên Liên Hoa Sinh này giống như hư không, có ở khắp nơi mà cũng không trụ ở đâu cả. Y giống như dòng sông, gươm đao không thể làm hại được. Y giống như lửa, thân thể y sáng rực. Y giống như gió, không gì trói buộc được. Y có vẻ là một người thật, bình thường, nhưng y cũng giống một bóng ma. Vậy chúng ta tạm hoãn thi hành mưu kế đối phó với y mà cứ làm theo bất cứ điều gì Nhà Vua muốn. Nhưng khi bà Hoàng Hậu khốn kiếp kia tới đây, nếu chúng ta không cho bà ta biết tay thì rồi uy quyền của triều đình sẽ không còn”.

Guru Rimpoche biết rõ ý định của ho. Ngài nói: “Mật Giáo có nghĩa là thủ đắc đủ mọi phương tiện thiện xảo”. Rồi tức khắc Ngài biến ta thành một cây chĩa ba, đối với mắt của người khác, và ba chúng ta đi vào lãnh thổ Tây Tạng.

Sứ giả của Nhà Vua là Takra Gungtsen cùng một trăm viên quan cưỡi ngựa tới đón chào chúng ta ở Zhodro, hộ tống chúng ta về Samye. Trước Đại Bảo Tháp, Nhà Vua, các quan và đoàn tùy tùng làm lễ đón tiếp chúng ta theo nghi thức hoàng gia. Nhà Vua phục lạy và dâng Đức Đại Sư một cái bình bằng vàng bọc lụa trắng đựng đầy bia “chung” mới mầu trắng.

Đại Sư tuyên bố: “Vào lúc này Mật Giáo có tiềm lực của tuổi trẻ. Trong tương lai mục tiêu của Mật Giáo sẽ không được thực hiện. Việc thực hành Mật Giáo sẽ sai lạc”.

Sau đó chúng ta đi lên chùa Utse, ở đây các quan nhận thấy ta vắng mặt, chỉ có đạo sĩ Ấn Độ đang đi cùng với Đại Sư. Lúc đó Nhà Vua suy nghĩ: “ Nếu Tsogyel không ở đây thì mình không có cơ hội thọ nhận Mật Giáo, vì thế ta sẽ hỏi Đạo Sư xem bà ở đâu, và mình sẽ mời Bà tới để gặp lại”. Rồi Ngài lên tiếng hỏi Đại Sư:

“Thưa Đại Sư, Tsogyel hiện đang ở đâu? Tại sao Bà không tới đây. Đạo sĩ Ấn Độ có phải đệ tử của ngài không? Ông ta đã được truyền thọ những gì?”.

Đại sư mỉm cười trả lời:

“Thưa Đại Vương Bồ Tát,

Hiện thân của ta có tính chân không,

Quyền năng của vị thầy chân không là vô tận.

Tsogyel đã biến vào chân không nội tâm bao la,

Hiện đang đứng giữa Luân Hồi và Niết Bàn.

Hiện thân của Ta là nguồn giáo hóa,

Tsogyel đã nhập vào pháp thân của Ta

Chỗ ở hiện tại của cô ta là cõi Kuntuzangmo.

Hiện thân của Ta là hoan lạc chân không

Và mọi ý muốn hư huyễn nào của Ta cũng được thực hiện ngay.

Tsoyel đã biến vào cõi hoan lạc chân không,

Chỗ ở hiện của của cô ta là Thành Đại Lạc, ba thân Phật.”

Nói xong, Đại Sư sờ vào cây chĩa ba làm cho nó biến thành chính ta. Nhà vua rất kinh ngạc. Hoàng Hậu Tsepong Za theo đạo Bon và nhiều người khác cũng chứng kiến phép lạ này, vì vậy bà kể với các quan: “Lão pháp sư Ấn Độ này có đầy trò lạ. Y dấu Tsogyel trong cây chĩa ba!”. Một số viên quan ngạc nhiên nhưng đa số cho rằng điều Hoàng Hậu nói là có thật, không thể dấu một người vào trong một cây chĩa ba thon nhỏ và dù đó có phải là trò ảo thuật mà Hoàng Hậu đã chứng kiến thì như vậy cũng là một điều kỳ diệu. Rốt cuộc họ tạm thời dẹp âm mưu qua một bên, và đa số các quan trong triều đình đặt niềm tin tưởng rất lớn lao vào Đại Sư.

Sau đó, Nhà Vua, hai mươi mốt viên quan, ba mươi hai sa môn, bảy Dakini là những phụ nữ quyền quý và nhiều người khác, cả thảy ba trăm lẻ năm người, đi tới tu viện Chimphu Gewa. Ở đó Đại Sư trình bày cho chúng ta một trăm hai mươi Mandala Nghi Quỹ Tối Thượng, củng cố sự chín chắn (đạo lực) và giải thoát cho các đệ tử nhập môn. Đặc biệt là Ngài dạy chúng ta các giáo lý về Tám Vị Thần Lớn và về Mamo, Yamantaka, Dao Thiêng (phurba), Dudtsi Yonten, Hợp Nhất Tâm Lama, Hợp Nhất Tâm Yidam, các Thần Phẫn Nộ và Hiền Minh Thân Giả Ảo, các Thần Phẫn Nộ và Hiền Hòa Mandala Padma Sung. Đặc biệt là sáu mươi mốt giáo lý Giọt Tim, Bảy Nhánh Hợp Nhất Tâm, mười một giáo lý ngắn và dài về Tám Vị Thần Lớn (Tám Đại Thiên Vương), một trăm lẻ hai giáo lý Thành Tựu Tâm, bảy mươi sáu giáo lý bí mật và một trăm ba mươi lời khai thị trực tiếp về nghi quỹ. Ngài dạy Nhà Vua bảy phương pháp căn bản đạt Dudtsi Yonten và hai mươi giáo lý bí mật. Đại Sư bảo Nhà Vua thực hành những giáo lý này, hướng dẫn Ngài bằng linh ảnh, Đại Sư dạy Namkhai Nyingpo Nub phương pháp đạt Chín Đen Yangdak và giáo lý về các Pháp Hai Mươi (Phurba) dao thiêng.

Đen giết Quỷ, vân vân và bảo đệ tử thực hành ở Lohdrak, cũng dùng linh ảnh để hướng dẫn. Đại Sư truyền cho Sangye Yeshe và Dorje Dunjom phương pháp thành tựu Manjusri Yamantaka chính yếu là qua Sáu Thần Mudra Tràn Ngập với hai mươi giáo lý bí mật phụ, bảo họ thực hành pháp Yong Dzong ở Drak và hướng dẫn họ bằng linh ảnh. Với Gyelwa Chokyang người Kung Lung và Gyelwa Lodro xứ Dre, Ngài dạy Ba Yoga thuộc Vũ Điệu Tối Mật Hayagriva như pháp thành tựu căn bản, cùng với pháp thành tựu Các Nữ Pháp Sư Tramenma, và bảo họ thực hành ở ngay Chimphu, hướng dẫn họ bằng linh ảnh. Với hai người Vairotsana và Denma Tsemang, Ngài dạy phương pháp thành tựu Mopa Drakngak và Tobden Nakpo Vinh Quang, chính yếu là với Tám loại Tinh Linh và thứ yếu là với Mười Tám Tinh Linh Kiêu Ngạo, và bảo họ thực hành ở Yama Lung, hướng dẫn họ bằng linh ảnh. Với Kaba Peltsek và Odren Wongchuk, ngài dạy phương pháp căn bản thành tựu Mamo, các nghi thức ngoại, nội, bảo họ hành thiền ở Yerpi Drak, hướng dẫn họ bằng linh ảnh. Với Jnana Kumara Vajra và Lhapel Zhonnu người Mông Cổ, Ngài truyền giáo lý bí mật Yangdrak và Phurba Bí Mật và phương pháp thành tựu cùng giáo lý khẩu truyền Bất Tử Đại Ấn, bảo họ hành thiền ở Jemidrak thuộc xứ Nyemo, hướng dẫn họ bằng linh ảnh. Với Pelgyi Senge và Chokro Lui Gyeltsen, Ngài dạy phương pháp căn bản thành tựu Drekpa, Tràng Hoa Mười Krodhas và một pháp phụ là Pháp Phục Hồi Thệ Nguyện của Ba Mươi Dreakpa Chính cùng với các giáo lý bí mật về hành vi và bảo họ hành thiền ở hang tham thiền trên Núi Pelchuwory, hướng dẫn họ bằng linh ảnh. Với dịch giả Rinchen Zhangpo và Tingzin Zangpho, Ngài dạy pháp thành tựu Mahakarunika Huyền Bí, phương tiện để thành tựu Rikdrin Lama cũng như giáo lý khẩu truyền thành tựu Tối Thượng Tri Thức Đại Ấn, và bảo họ thực hành ở hang tham thiền Uru, cũng hướng dẫn họ bằng linh ảnh. Với hai người Langdro Konchok Jungne và Gyelwa Jangchub, Ngài truyền pháp thành tựu và giáo lý khẩu truyên Jinlab Lama và phương pháp thành tựu Ngựa Đen Kiêu Hãnh thuộc Hiện Thân Hayagriva Bí Mật và Ngài bảo họ hành thiền ở Yangidrak thuộc xứ Yeru, hướng dẫn họ bằng linh ảnh. Với Drenpa Namkhai Wongchuk và Khenchung Kading, Ngài dạy phương pháp thành tựu Các Vị Thần Phẫn Nộ và Hiền Minh Pema Sung Bí Mật và pháp quán Sáu Vị Thần trong một vị thần đơn độc, Bồ Đề Tát Đỏa (Vajrasattva) căn bản, cùng với giáo lý khẩu truyền về thiền quán Ba Mươi Sáu Heruka, Ngài bảo họ hành thiền ở hồ phía bắc Namtsodo, hướng dẫn họ bằng linh ảnh. Với Ma Rinchen Chok và Gyelmo Yudra Nyingpo, Ngài dạy pháp thành tựu Vajrapani, hai mươi giáo lý khẩu truyền và một trăm giáo lý bí mật, đặc biệt Ngài truyền trao cho họ pháp thành tựu, giáo lý khẩu truyền và giáo lý bí mật của pháp Yoga Bất Tử và Ngài bảo họ thực hành trong hang tham thiền Chimphu, hướng dẫn họ bằng linh ảnh. Với ta, Tsogyel, Đại Sư dạy các pháp ngoại, nội, bí mật và tối thượng thành tựu Tâm của chính Đại Sư trong đó pháp căn bản là phương pháp thành tựu Pema Wong, gồm bảy giáo lý được hiệu chỉnh khác nhau liên quan tới Mandala của Đại Sư. Tóm lại, Ngài truyền cho ta phương tiện thành tựu Ba Căn Bản (Guru, Yidam, Dakini) trong một mandala. Ngài bảo ta: “Hãy thực hành ở Womphu Taktsang, Mon Taktsang và Kham Taktsang, ở tất cả những chỗ nào hình của Rinpoche hiện ra tự nhiên, đặc biệt là ở ngay Tidro. Khi gặp bất cứ khó khăn nào, hãy cầu nguyện Ta, chắc chắn Ta sẽ tới hướng dẫn con. Còn điều này nữa, con không được sống phân cách với đồng tu Atsara Sale.”

Giảng dạy xong, Ngài giảng dạy ta một số điều bằng linh ảnh.

Khi Đại Sư Liên Hoa Sinh đã truyền các Mandala, hoàng đề Trisong Detsen ăn mừng bằng nhiều cỗ cúng Ganacakra trọn vẹn, làm lễ rất lớn để tạ ơn Đại Sư, dâng Ngài những phẩm vật thế tục chất cao như núi gồm: vàng, lụa, gấm và nhiều thứ khác. Ngài thưa thỉnh:

“Nay chúng con đã được truyền các Mandala của Nghi Quỹ Tối Thượng

Rất khó thủ đắc trong thời đại này.

Lòng từ bi của Ngài quá lớn, không thể báo đáp,

Từ nay cho tới khi con đạt Giác Ngộ

Xin đừng để tâm của Ngài bỏ rơi tâm con.

Với những đệ tử hay xao lãng như con

Sống trong phiền não và vô minh,

Xin Ngài luôn luôn để mắt tới.”

Nói xong, Nhà Vua rắc bảy nắm vàng lên thân thể Đại Sư. Với mỗi dịch giả và đệ tử mà Đại Sư đã hướng dẫn hành thiền ở các địa điểm năng lực, Nhà Vua ban cho một cân vàng bụi để chi dụng, một bình bát bằng vàng, một tấm gấm trắng, đỏ và xanh, một cái áo, một con ngựa và một con lừa và Ngài hứa sẽ trợ cấp phương tiện sinh sống cho họ trong thời gian nhập thất. Đức Đại Sư biểu lộ niềm vui sướng và nói với Nhà Vua:

“Thưa Đại Vương, vị Thần Vương,

Ngài làm như vậy là đúng,

Dù Ta, Liên Hoa Sinh,

Không cần dùng vật chất

Nhưng để giữ giới nguyện của Ngài

Và tạo thêm công đức cho Ngài, ta nhận những phẩm vật này.

Do lòng quảng đại của Ngài, hai mươi bốn thần tử của Ngài

Sẽ thành tựu Đạo Quả mà không gặp chướng ngại.

Trợ cấp cho người là công đức lớn,

Đó là việc làm của Bậc Bồ Tát.

Rất Tốt!

Sự kiên trì tu tập của các đệ tử,

Giáo lý bí mật của Liên Hoa Sinh và phẩm vật của Vua,

Ba điều này phối hợp sẽ tạo công đức vô tận.

Nhờ cầu nguyện, cơ duyên và nghiệp tốt,

Các người sẽ đắc Phật Quả vô lượng.”

Đại Sư Liên Hoa Sinh chỉ dẫn và khuyến khích hai mươi lăm vị đệ tử của Ngài, từng người một (sự kiện này không thuật lại ở đây; sự tích của mỗi người được kể trong các sách riêng rẽ). Sau đó các đệ tử chia tay đi tu tập ở những nơi mà Đại Sư chỉ định. Đức Bà Yeshe Tsogyel đến Tidro, nhập Mandala ba căn bản (Guru, Yidam, Dakini) Hợp Nhất. Trong “ Sách Ghi Chép Giáo Lý” Tsogyel đã viết tên của rất nhiều nghi quỹ phổ thông và đặc biệt nhưng danh sách này quá dài nên không được ghi lại ở đây.

Đến đây là chấm dứt chương thứ tư nói về việc Đức Bà Tsogyel thỉnh cầu Đại Sư hướng dẫn, truyền pháp và việc Đức Bà được điểm đạo và nhận giáo lý thực hành.

SAMAYA ITHI GYA GYA GYA!

Khai Mật Tạng Taksham Samten Lingpa khám phá
Chuyển dịch Tạng ngữ:  Keith Dowman
Việt dịch: Lục Thạch