DALAI

Phát tâm Bồ đề – Hoán chuyển ngã tha

Phương pháp phát Tâm Bồ Đề thứ hai là pháp tu Hoán Chuyển Ngã Tha. Pháp tu này phối hợp với pháp Cho và Nhận (Tong–len), gọi chung là phương pháp chuyển tâm (Lo–giong). Bây giờ thầy sẽ nói về dòng truyền thừa của hai pháp tu này: cả hai đều phát xuất từ Đức Phật Thích Ca Mâu Ni và Đức Văn Thù Sư Lợi [Manjushri], truyền lại cho các đời cao tăng tiếp nối – Trong đó có ngài Tịch Thiên [Shantideva] – thành một dòng truyền thừa không gián đoạn. Khi ngài Atisha vào Tây Tạng, ngài mang pháp Bảy Điểm Nhân Quả ra giảng cho đại chúng, nhưng pháp Hoán Chuyển Ngã Tha ngài chỉ truyền riêng cho ngài Dromtonpa mà thôi, vì ngài cho rằng pháp tu này không thích hợp với các đệ tử khác.

Ngài Dromtonpa cũng giữ pháp tu này rất kín mật. Ngài có vô số đệ tử, đại thiện tri thức dòng Kadampa: Geshe Potowa. Geshe Potowa cũng giữ pháp tu này rất kín mật. Dù có đông đệ tử nhưng ngài chỉ truyền cho đại sư Geshe Langri Tangpa và [vị này truyền lại cho] Geshe Sharawa. Geshe Langri Tangpa thọ nhận và hành trì thành tựu pháp tu này, dựa vào kinh nghiệm chứng ngộ để soạn ra bài tụng nổi tiếng tên là Tám câu kệ chuyển hóa tâm nổi tiếng. Nhờ được ghi thành lời nên pháp tu này trở nên phổ biến, nhiều người có thể tu học và hành trì. Về sau có một bậc thầy tên là Geshe Chekawa tình cờ gặp được tám câu kệ nói trên. Ngài là một học giả tinh thông cả năm món khoa học, nhưng lại không cảm thấy thỏa mãn với trí tuệ của mình nên phát tâm muốn tu học Phật Pháp. Một hôm ngài đọc được hai dòng trong Tám Câu Kệ Chuyển Hóa Tâm, như sau:

Nguyện tôi một phần thua
Nhường đi mọi phần thắng.

Geshe Chakawa cảm thấy tò mò muốn hiểu làm sao có thể cho đi mọi phần thắng lợi tốt lành để nhận về mọi thất bại thua kém. Từ đó ngài ra công tìm kiếm pháp tu này, du hành đến tận vùng Pendo ở Tây Tạng, nơi đại sư Geshe Langri Tangpa trú ngụ. Đến nơi đại sư đã viên tịch. May thay ngài tìm được đệ tử của vị đại sư Geshe Langri Tangga là Geshe Sharawa. Vị này truyền lại cho ngài trọn pháp tu Hoán Chuyển Ngã Tha. Nhờ hành trì pháp tu này mà Geshe Chakawa thành tựu được Bồ Đề Tâm. Ngài dạy pháp tu này cho một số người cùi, hướng dẫn họ kết hợp pháp tu này với pháp Tong–len để tự chữa bệnh. Vì vậy hai pháp tu này còn có tên là “Chánh Pháp Người Cùi”. Quán tưởng pháp Tong–len cho thật tập trung, với đầy đủ chi tiết rõ ràng, làm được như vậy sẽ thành liều thuốc chữa bệnh cùi hữu hiệu nhất.

Geshe Chakawa khi ấy nghĩ rằng nếu cứ mãi giữ kín mật hai pháp tu này không phổ biến thì thật quá phí uổng. Từ đó ngài mang cả hai pháp tu Hoán Chuyển Ngã Tha và pháp tu Cho và Nhận (Tong–len) ra giảng cho đại chúng.

Pháp tu Cho và Nhận, thật sự là một pháp tu phi thường. Hồi trước nếu có ai ngã bệnh, bị trù ếm hay gặp chướng ngại v.v., họ thường tìm đến một vị Lama dòng Kadampa, vị thầy này sẽ quán pháp Cho và Nhận, gánh về mọi khổ nạn của người bệnh và của kẻ gây bệnh hoặc thầy sẽ quán Tâm Đại Bi, đặc biệt là Từ Bi đối với kẻ gây hại cho người khác. Với lòng Đại Bi, thầy nguyện gánh hết khổ đau về, với lòng Đại Từ, nguyện cho hết mọi an lạc đi. Các vị Lama dòng Kadampa dùng pháp tu này để trị tà ma, chướng ngại, tật bệnh, v.v.

Pháp tu Hoán Chuyển Ngã Tha có năm giai đoạn chính như sau:

  1. Ngã Tha bình đẳng [mình và người bình đẳng như nhau]
  2. Nhược điểm của Tâm Vị Kỷ
  3. Lợi điểm của Tâm Vị Tha
  4. Hoán chuyển ngã tha
  5. Quán cho và nhận

Ribur Rinpoche
Việt dịch: Hồng Như
Trích: Phát tâm Bồ đề – Nhà xuất bản DPA