Phát tâm Bồ đề – Ngã tha bình đẳng

Bao giờ mới có thể bắt đầu quán vào đề mục thứ nhất của pháp tu này? Trước khi bắt đầu quán đề mục thứ nhất, quý vị cần phải quán về năm đề mục đầu trong pháp Bảy Điểm Nhân Quả: đại xả, thấy ra tất cả chúng sinh đều là mẹ của mình, nhớ lại tình thương của mẹ, phát nguyện muốn đền trả ơn mẹ, tâm đại từ thấy chúng sinh đều tốt đẹp. Quán năm đề mục này cho đến khi có kết quả rồi mới nên bắt đầu quán về ngã tha bình đẳng. Năm đề mục này đã được giải thích trong phần trước.

Làm thế nào để quán ngã tha bình đẳng? Trước hết, quý vị phải thấy rõ thật ra mình nghĩ đến những gì khi nói tới chữ “ngã”. Khi nghĩ tới “ngã và tha”, “mình và người khác”, chúng ta luôn tự nhiên cảm thấy “ngã” quan trọng hơn “tha”, “mình quan trọng hơn “người khác”.

Vậy đối với chúng ta, “mình” luôn quan trọng hơn “người khác” rất nhiều. Bất cứ điều gì liên quan đến chính mình cũng biến thành cực kỳ quan trọng, dù là vui hay buồn, nóng hay lạnh, cảm giác của mình bao giờ cũng quan trọng hơn cảm giác của người khác. Ngoài ra, tất cả những gì thuộc về mình – “thân thể của tôi, của cải của tôi, bạn bè của tôi, gia đình của tôi, đến bản thân tôi”, là trở nên quan trọng hơn những gì thuộc về người khác – “thân thể của họ, gia đình của họ” v.v.

Tự xét như vậy quý vị sẽ thấy ra quý vị không từng xem mình và người bình đẳng như nhau. Mình bao giờ cũng quan trọng hơn người khác rất nhiều. Nhưng nếu xét [một cách khách quan] trên phương diện số đông, mình chỉ có một, trong khi đó người khác lại nhiều vô kể. Dù vậy quý vị vẫn giữ quan niệm lệch lạc về “mình” và “người khác”: mặc dù “người khác” nhiều hơn “mình”, “quý vị” vẫn thấy “mình” quan trọng hơn “người khác”. Đây là một sai lầm rất lớn.

Vậy quý vị phải quyết tâm tu theo phương pháp này để sửa cái nhìn sai lệch đó, để thấy mình và người bình đẳng như nhau. Muốn làm được như vậy, hãy nghĩ rằng mình và chúng sinh đều giống nhau không khác: ai cũng muốn hạnh phúc, ai cũng sợ khổ đau. Quý vị phải nghĩ đến điều này cho thật nhiều lần, rằng đối trước khổ đau và hạnh phúc, bản thân quý vị cũng như mỗi mỗi chúng sinh đều giống nhau không có chút khác biệt nào cả.

So sánh pháp tu Bảy Điểm Nhân Quả với pháp tu Hoán Chuyển Ngã Tha, quý vị sẽ thấy có năm điểm giống nhau: đại xả, thấy tất cả chúng sinh đều là mẹ, nhớ lại tình thương của mẹ, nguyện đền trả ơn mẹ, và phát đại nguyện. Riêng hai điểm đại từ và đại bi có chút khác biệt. Năng lực của Tâm Đại Từ và Đại Bi không bằng nhau khi tu theo hai pháp nói trên. Tại sao lại như vậy? Đó là vì khi quán về ơn nặng của chúng sinh theo pháp quán Bảy Điểm Nhân Quả, quý vị chỉ ghi nhớ ơn nặng của chúng sinh khi họ làm mẹ của quý vị, còn khi quán theo Hoán Chuyển Ngã Tha, quý vị không những ghi nhớ ơn nặng của chúng sinh khi họ làm mẹ của quý vị, mà còn cả khi họ không phải là mẹ của quý vị. Pháp tu này sâu rộng hơn. Vì vậy luyện tâm theo theo pháp tu Hoán Chuyển Ngã Tha sẽ khiến lòng Đại Từ và Đại Bi của quý vị sâu rộng vững chắc hơn.

Mục đích của hai pháp tu này là luyện cho tâm thật sự hoán chuyển mình và người. Để uốn nắn chuyển tâm theo hướng này, quý vị phải quán về nhược điểm của tâm vị kỷ và lợi điểm của tâm vị tha.

Ribur Rinpoche
Việt dịch: Hồng Như
Trích: Phát tâm Bồ đề – Nhà xuất bản DPA